ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 16:31:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Anh tôi

Báo Cà Mau (CMO) -Trở lại! Trở lại em ơi! Đồng khởi rồi!

Đó là lúc vào mùa nước rong ở ven rừng U Minh, tôi nhớ anh tôi trong điệu bộ vừa chạy vừa la, nổi hết bao nhiêu gân cổ. Chạy bay bay nước văng tung lên như từng cụm khói dưới chân. Dưới sông, con tàu kéo cái đuôi thật dài là những xuồng chở đầy đám lính áo rằn, đám tự vệ hương thôn. Tiếng tàu gầm rú, con sông nổi sóng dữ dội, mặc cho anh tôi la hét đến khàn cổ, nó vẫn lì lợm mang anh Ba tôi đi, bỏ lại những cụm bọt vàng hoe nổi cáu đục ngầu dòng nước đổ trước nhà.

Cả nhà bất ngờ, mặt ai cũng tái mét cắt không còn chút máu. Ba má tôi buổi sáng này như bị đóng đinh mắc cứng trên ghế. Bình nước trà bỏ nguội quên uống.

- Sao anh gan vậy? Không thấy tụi nó sao?

Rồi tôi nhìn kỹ anh tôi, sao anh dữ quá, anh bức tóc đấm ngực thình thình, đôi mắt đỏ lừ như rướm máu… Anh đang phẫn nộ, ngồi thừ ra dưới đất trước hàng ba. Tiếng chiếc tàu chỉ còn vọng lại xa xa. Anh uể oải thất vọng đến rã rời. Không màng nghe ai nói gì và chẳng để ý đến câu hỏi của tôi.

- Thôi rồi, nó đi đầu hàng rồi! Hai hàng nước mắt rớt rớt xuống đôi môi khô nứt. Có lẽ lần đầu tiên anh khóc. Vừa khóc vừa nói:

- Bộ nó quên hết rồi, chính tụi nó đã đốt cậu Năm bằng thuốc hút cho đến chết, nó đập đầu tế cờ anh em mình… - Anh lấy tay gạt nước mắt.

Rồi anh nhanh nhẹn nhảy phóc xuống chiếc xuồng chống nhanh về hướng làng rừng. Mới đó mà chỉ để lại một đường lướt của xuồng trên lá bông súng.

- Cái thằng, tính khí giống hệt tôi. Coi cái chết tựa lông hồng. Còn thằng Ba thì nhát hít - Ba tôi nói.

Má tôi ráng nuốt lẹ ngụm nước, thêm vào:

- Hồi đó mà nó đừng mắc chứng bệnh phong, tay chân nguyên vẹn thì nó đi bộ đội rồi.

Ngắt lời má, ba tôi nói:

- Làm giao liên cũng gian khổ, hy sinh chớ bà tưởng… Công việc âm thầm không ai biết, nhưng không có là không được, ví như mạch máu trong tim, bà biết không.

Minh hoạ: Minh Tấn

Đồng khởi năm 1960 làm nức lòng người. Cảnh cán bộ ôm súng mà để tụi nó đập đầu, máy chém lê khắp nơi, quân địch hung hăng đốt phá xóm làng không còn nữa. Cả một vùng tự do rộng lớn, các cơ quan về đóng trong nhà dân, tiếng đàn, tiếng hát vang dậy xóm làng, vui lắm!

Má tôi thấy anh Hai lớn rồi mà tật nguyền nên nói:

- Để má rước con Hai về cho con, nó ăn trầu vậy chứ giỏi giang, biết điều lắm.

Anh tôi lắc lắc đầu, cười, rồi biến mất tiêu, mặc cho má tôi rước chị Hai về ở trong nhà.

Qua bao nhiêu năm tháng đời giao liên, bước anh đi trên quê hương qua bao nhiêu sông rạch, lội ruộng, băng rừng, đeo bên mình một túi tài liệu làm bạn với những thư “gấp”, thư “khẩn”, “hoả tốc” rồi “đại hoả tốc”. Với chiếc xuồng ba lá, cây sào tre cùng trái tim rừng rực căm thù giặc và yêu Tổ quốc. Thời gian đã nhuần gội, tóc anh ngả màu, mặt anh hốc hác, từng nếp nhăn như vết chì kẻ chi chít trên khuôn mặt, đôi mắt nhỏ, lõm sâu. Giọng anh quả quyết:

- Chúng nó có thể nhổ hết cỏ U Minh, đốt cháy hết rừng U Minh, chứ không thể giết chết hết người U Minh!

Nghe anh nói, ba tôi lo lắng:

- Nó ruồng bố dữ quá rồi tụi bây ở đâu?

Anh tôi với niềm lạc quan vô tận, tin tưởng vào thắng lợi rất gần:

- Đâu phải nó đem bom dội một lượt cả vùng. Chúng đánh trên sông mình ở bên này, từng bụi cây, bờ ruộng là của mình chứ đâu phải của chúng nó!

Ba tôi ngồi nghe nãy giờ cũng yên tâm đôi chút. Nhưng lúc bấy giờ cả làng xóm tản cư ra bờ ruộng ăn cơm nguội, ngủ hầm, bom đạn rải thảm bất ngờ. Chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” chúng nó đã triển khai trên không, dưới sông và đường bộ rất ác liệt. Rồi anh tôi đi! Đi về trạm, bố trí cho cuộc hội nghị ngày mai. Má tôi nói theo:

- Nè! Gói cục thuốc đem theo mà hút, cẩn thận nghe con! Má tôi nhìn theo rồi kéo chéo khăn lau hai giọt nước mắt lăn ra vì quá lo lắng. Như linh tính báo trước điều gì, giọng má tôi nho nhỏ thì thào như kể lể:
- Có một tay, một chân mà nó là đứa con cực nhất, ở nhà tối nào cũng xay lúa, giã gạo, giữ em, ai làm gì cũng tiếp không một tiếng than vãn - Má thở dài rầu rĩ.

Anh tôi là anh thứ Hai, có tới mười đứa em lớn nhỏ, tôi là đứa em mà anh thương nhất, hết chuyện nhà tới chuyện nước, ai muốn biết anh ở đâu thì cứ tìm chiếc xuồng ba lá mòn khuyết một bên be và cây sào tre đen bóng. Đó là chiếc xuồng của anh giao liên Dương Minh Thượng ở trại giao liên huyện Trần Văn Thời vào những năm Đồng khởi. Chỉ một tay, một chân, hơn ba mươi năm như con nhền nhện cứ nhả tơ làm tổ. Cứ như vậy, như vậy hết năm này sang tháng khác.

Tháng 4/1975, cả đất nước náo nức tưng bừng, dù công việc bề bộn, bỗng nhớ anh quá, tôi lục lại chồng thư cũ, rất nhiều thư, trong đó có lá thư anh viết:

- Chế Bảy bị ô buýt, chết rồi! Thôi đừng về, ráng công tác trả thù cho chế.

Rồi thư của anh Sáu:

- Anh Hai hy sinh trong trận đánh của bầy “cán gáo”. Bị phát hiện mục tiêu ngay trạm, anh đã chạy băng qua khu vườn khác, đánh lạc hướng chúng nó…

Tim tôi bàng hoàng như thấy anh hiển hiện trước mặt. Tôi úp mặt xuống bàn, không cầm được nước mắt: Ôi anh tôi! Mới ngày nào anh quấn chiếc khăn ngang đầu, mặc quần đùi màu đen với chiếc áo bà ba màu xám mốc. Anh hướng dẫn các tình huống cho đoàn cán bộ qua sông:

- Nếu nổ súng phía trước thì phía sau các đồng chí lui về hướng mặt trời mọc, có người đón, ám hiệu là “Anh Năm”!

Rồi anh như con sóc chạy trước, đoàn xuồng thả trôi theo dòng nước phía sau. Bóng anh lom khom qua từng bụi lá dừa nước, khi ẩn khi hiện trong bóng chiều. Bỗng, anh chạy ngược lại:

- Dừng lại! Dừng lại! Có tiếng động, cảnh giác.

Với tư thế quen thuộc, cả đoàn xuồng quay mũi một cách êm, nhẹ, có tiếng mở cò súng lách cách. Tất cả nhìn ra hướng Khánh Hội hồi hộp chờ đợi, im lặng. Bóng anh tay cầm lựu đạn, giọng khe khẽ:

- Tụi nó nằm ngoài vàm, trở lại mở đường khác!

Rồi anh lội qua sông, nước rẽ ào ào, thoát lên bờ chạy như bay. Anh khoát tay:

-Tất cả bơi về bên trái!

Anh nói giọng khào khào tỉnh táo:

- Đường nầy đi không được, mình đi đường khác, bằng mọi cách để qua sông!

 Chúng tôi mọp người, lột chèo ra bơi, lịnh cho qua từng xuồng một. Chiếc xuồng đi đầu là tổ bảo vệ, anh tổ trưởng nói:

- Nếu đụng địch tổ bảo vệ chúng tôi chiến đấu, còn tất cả quay trở lại.

Xuồng lướt nhẹ, mặt sông như tấm kiếng trơn đưa hơn mười chiếc xuồng qua sông trong giây phút phập phồng. Bầu trời xanh cao lồng lộng, có vì sao mọc sớm, cứ chớp chớp, chớp chớp như đôi mắt nhìn chúng tôi đang mạo hiểm. Qua tới bờ bên kia nhìn lại anh vẫn còn đứng ngập mình dưới nước cảnh giới cho chúng tôi trong bóng tối chập choạng, tôi thấy rõ anh đưa tay vẫy vẫy…!

… Tôi bước lang thang, thẫn thờ trong đoàn người hân hoan chiều nay, lúc nào cũng như thấy anh đang bước bên cạnh tôi, qua những ngã ba, ngã năm đường phố. Ôi, những con người luôn giành sự hy sinh tất cả về mình!

Hơn hai mươi năm sau, bất chợt tôi gặp lại chị Hai, chị đã già mà vẫn ở vậy, vẫn ăn trầu! Mừng quá, tôi liền đưa chị về thăm má. Má đưa tay đón chị, đôi bàn tay như hai lá tre khô nắm chặt lấy chị, đôi mắt sâu thẳm đục mờ nhìn chăm chăm, má nói từng tiếng một:

- Con Hai đây mà!

Rồi tay má run lên bần bật, đôi mi khô cứng từ lâu giờ lăn dài hai hàng lệ. Trong tiếng nghẹn ngào:

- Má ráng sống để gặp con! Má sống với thằng Hai! Má sống với ngành bưu điện!

Rồi má cố mở to đôi mắt nhìn lên cái bằng liệt sĩ.

Chị Hai như chết đứng, ôm má ghì chặt, chị nhắm nghiền đôi mắt im lặng để lắng nghe tim mình thổn thức quay về kỷ niệm xưa. Giọng chị thì thầm:

- Tội nghiệp anh Hai. Làm giao liên trọn cuộc đời. Không vợ con. Không quá hai bộ quần áo!

Bỗng tắt nghẹn, chị bật khóc nức nở.

Cả nhà cùng khóc, nước mắt của ngày vui gặp lại trong khung cảnh hoà bình hoà lẫn nỗi nhớ thương, buồn tủi!

Nắng đã rải vàng trên sân, đàn gà con rúc vào đôi cánh mẹ. Cuộc gặp gỡ vào những ngày lúa ngậm sữa nầy làm tôi quá bàng hoàng. Gió chướng thông ngọn, mặt trời sắp lặn xuống biển. Nhìn ra cửa Khánh Hội mênh mông, lòng tôi không sao tả xiết nỗi nhớ anh, một mối thâm tình chung dòng sữa mẹ.

Cuối trời, đàn chim đang chấp chới tìm về tổ, tôi có một chút yếu lòng: Biết đâu, trong đàn chim đó có hình bóng anh tôi, một cánh chim giao liên đã dâng hiến tuổi xuân vì nghĩa cả!./.

Bích Phương

Cà Mau, 23/9/1999

 

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.