ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 11:16:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bác Ba Phi kể chuyện miệt rừng giờ đã thành miệt ước mơ

Báo Cà Mau “Mấy chú ơi, đừng tưởng tui già rồi không biết thời cuộc nhen. Ừ thì tóc rụng, răng rụng, chớ tai mắt còn thính lắm. Tui nghe người ta nói Cà Mau giờ không còn là cái chấm cuối bản đồ nữa đâu nghen. Mà là chấm khởi đầu cho giấc mơ mới đó. Tui nghe mấy ổng gọi là... Cà Mau mới! Mới là phải rồi, vì mình đâu có như hồi xưa nữa!”.

Minh hoạ: Tô Minh Tấn

Minh hoạ: Tô Minh Tấn

Minh hoạ: Tô Minh Tấn

Chiều dưới tán rừng U Minh

Chiều đó, gió lùa qua rừng tràm U Minh, làm mùi lá khô thơm lên ngai ngái. Bác Ba Phi ngồi bên bờ đìa, đung đưa cái võng cột ngang hai cây tràm. Trên tay là điếu thuốc rê cháy dở. Ðôi mắt bác vẫn còn sáng như thời thanh niên “đi rừng rắn còn tránh”, chỉ là lặng lẽ hơn xưa.

“Bây nhìn quanh đi”, bác nói, giọng trầm hẳn. “Hồi đó, rừng này đói nghèo triền miên, bà con sống dựa vô con cá, cọng rau, cái đọt choại, củ năn. Ði chợ thì đò chèo cả buổi. Mà giờ coi, đường lộ băng rừng, cầu bắc qua kênh, xe máy chạy cái vèo là tới chỗ thu mua. Mấy nhỏ học sinh không còn lội sình đi học nữa, mà có xe đưa đón. Hồi đó, con tui vô lớp một còn không có dép, giờ cháu nội tui xài máy tính bảng mà tụi nhỏ gọi là tablet gì đó!”.

Từ chuyện rừng già đến tỉnh trẻ

“Tui hay kể chuyện xạo cho bà con cười, nhưng trong bụng thiệt ra vẫn muốn bà con mình sống đỡ khổ hơn. Hồi đó, cười cho quên đói. Giờ thì... cười vì sống khoẻ!”.

Rồi bác châm thêm điếu thuốc, khẽ vuốt chòm râu bạc đã pha sương, rằng: “Tui nghe nói Cà Mau sáp nhập với Bạc Liêu, thành một tỉnh mới. Có đứa hỏi tui có lo không. Tui nói: Lo gì! Hồi xưa ghe xuồng còn chèo qua nhau mượn chén muối, bây giờ dân mình không chung tỉnh mới là lạ. Sáp nhập là để mạnh thêm, gắn kết hơn, chớ có ai mất cái gì đâu”.

“Miệt rừng mình giỏi chịu đựng, nhưng cũng phải học cách cùng nhau đi tới. Tui từng sống qua thời rắn bò vô bếp, muỗi chích như mưa, giờ tới lúc sống qua thời tôm nuôi sạch, rừng giữ được mà vẫn có tiền. Không đổi mới, không ai nhớ tới rừng mình đâu!”.

“Bây giờ nói chuyện con tôm nghe!”.

Bác Ba Phi cười khà khà khi có người nhắc đến chuyện tôm là “quốc bảo” của đất này. “Hồi xưa, tôm là tôm trời cho. Ðặt lú, chài lưới, có nhiêu ăn nhiêu. Giờ tôm là... tiền! Mà muốn có tiền hoài hoài thì phải nuôi sao cho tử tế chớ”.

“Ðừng có kiểu chạy theo sản lượng, nuôi tôm mà quên giữ nước, phá rừng. Ðất rừng Cà Mau nó không chịu đâu! Bữa nay tụi nhỏ học công nghệ, biết xài điện thoại điều khiển ôxy cho vuông tôm, biết đo pH bằng app. Tui nghe mà muốn học theo!”.

Bác ngẫm nghĩ, mắt nhìn xa về phía đầm nước đang lấp loáng chiều tà: “Tụi nhỏ giờ giỏi, mà cũng cần chỗ dựa. Phải có cụm ngành tôm, gom lại, hỗ trợ nhau, liên kết cho ra hồn. Mấy ông lớn thì dẫn đường, Nhà nước làm cầu nối, nông dân mình góp sức. Tôm Cà Mau không chỉ ngon, mà còn tử tế, sạch sẽ, có trách nhiệm. Muốn vậy, phải thương cái nghề như thương chính quê mình!”.

Ngồi dưới rừng, nói chuyện trên trời

Bác Ba Phi nhìn lên trời, thấy máy bay bay qua đầu. “Hồi đó tui kể chuyện cưỡi cò đi Sài Gòn, ai cũng cười. Giờ máy bay thiệt bay về Cà Mau, mà ai còn nhớ tui đâu!”.

Giọng bác pha chút bông đùa, chút thật lòng. “Tui kể chuyện là để người ta đừng quên mình là ai. Dù có lên thành phố, làm công ty, học đại học thì cũng phải nhớ quê mình là đâu. Nhớ để thương, nhớ để về, nhớ để giúp”.

Bác Ba Phi - Linh hồn văn hoá miền đất tận cùng

Có người hỏi bác: “Bác ơi, Cà Mau giờ lên tỉnh mới, có nên làm lại thương hiệu không?”.

Bác chỉ cười: “Thương hiệu lớn nhất là con người. Mà con người xứ này mặn mòi như nước rạch, thiệt thà, thẳng thắn như cây đước, cây tràm. Làm thương hiệu thì đừng quên tính cách mình. Tui không có học chữ nhiều, nhưng tui biết cái cười hóm hỉnh, cái tình sâu đậm, cái nghĩa xóm giềng, mấy thứ đó mới là "bản sắc".

Rồi bác Ba chậm rãi nói tiếp: “Tui thì chữ nghĩa sàng qua sàng lại hông đầy cái nia, nên ai nói thương hiệu tui hổng rành, tui chỉ nói đại là vầy: Thương hiệu là cái hiệu để người ta thương. Người ta thương người Ðất Mũi, thương rừng U Minh, thương bờ biển sạt lở, thương văn hoá miệt rừng đất Phương Nam”.

Thay lời kết: Miệt cuối trời, khởi đầu một miền mộng lớn

Bác Ba Phi, người kể chuyện thời xưa, giờ như nhân chứng sống cho cuộc chuyển mình của Cà Mau.

Từ vùng đất hoang vu - thành nơi nuôi tôm công nghệ cao.

Từ miền quê xa xôi - thành điểm đến của du lịch xanh, của kết nối số.

Từ tiếng kể trong mái lá - thành giấc mơ được truyền đi khắp nước, khắp thế giới bằng ý tưởng du lịch trải nghiệm “Ðêm U Minh huyền thoại”.

“Tui già rồi, sống ngày nào quý ngày đó. Nhưng mỗi sáng thức dậy, thấy con cháu mình sống khoẻ, sống vui, sống tử tế với rừng, với đất, là tui biết, đất này đang đi đúng đường”, bác Ba Phi thổn thức.

Cà Mau mới, đâu chỉ là bản đồ hành chính được gộp lại.

Ðó là miền nhớ được gìn giữ, miền đất được yêu thương, miền mơ đang từng ngày thành thật.

Nếu phải chọn một người kể lại chuyện này, không ai hơn bác Ba Phi, người kể chuyện của rừng, của dân, của một miền đất không chịu lùi, không chịu buông và luôn cười đi tới

Lê Minh Hoan

Làm mới dân ca, đồng dao bằng lời rap

Mùa hè năm nay, phim hoạt hình “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” ra rạp không chỉ mang đến bất ngờ về nội dung mà còn ấn tượng với phần nhạc. Bài hát chủ đề trong phim là bản mash-up đầy cảm xúc. Ca khúc sử dụng ba làn điệu dân gian quen thuộc: Lý cây đa, Ði cấy và đồng dao Dung dăng dung dẻ.

Buổi đầu làm báo ảnh

Báo ảnh Ðất Mũi trải qua nhiều thời kỳ, nhờ công lao của rất nhiều người. Nhắc chuyện làm báo ảnh thời gian khó không chỉ để thế hệ làm báo trẻ sau này hiểu, mà còn nhằm trân trọng ghi ơn lớp cha chú đi trước đã từng dốc sức đóng góp cho Báo ảnh Ðất Mũi hình thành, phát triển, trở thành dấu ấn đẹp của báo chí địa phương.

Cơn gió thổi mát hồn người

Chương trình Nghệ thuật Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 -21/06/2025) do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức, diễn ra vào tối 19/6 tại Công viên Văn hóa Hùng Vương đã trở thành một dấu ấn đẹp đối với người làm báo tỉnh nhà lẫn công chúng.

Những người làm báo “đặc biệt”

Phóng viên mảng văn hoá nghệ thuật (VHNT), MC dẫn các chương trình truyền hình, phát thanh... được xem là những người làm báo “đặc biệt”, vì nội dung và lĩnh vực phụ trách khá đặc thù, cũng như có cách tác nghiệp riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Sẽ viết tiếp những câu chuyện hoà bình

Ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hoà bình" của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đạt tổng 3,1 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube Short, Facebook, Instagram; lan toả đến cộng đồng, xã hội nhiều thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước.

Sân chơi bổ ích cho người cao tuổi

Ðược thành lập năm 2010, trong 15 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dưỡng sinh người cao tuổi (NCT) huyện U Minh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, du lịch; là điểm tựa vững chắc chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên NCT, góp phần tạo sân chơi bổ ích tăng cường sức khoẻ cho NCT trên địa bàn huyện.

“Hạt giống” của văn hoá cộng đồng

Không cần phải đứng trên những sân khấu lớn, văn nghệ quần chúng đang âm thầm thắp lên những ngọn lửa nhỏ, giữ ấm đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Ðó là nơi mọi người được sống thật với cảm xúc, được thể hiện tài năng và quan trọng hơn, đó là nơi kết nối những người có chung niềm đam mê văn nghệ.

Truyền cảm hứng qua ảnh

Tác giả Vũ Thanh Nam, sinh năm 1972, tốt nghiệp Trường Ðại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Khoa Hội hoạ, giảng dạy Mỹ thuật tại Trường THCS Hải Long từ năm 1993 đến nay, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Ðịnh, bộ môn Nhiếp ảnh.

Trang nghiêm lễ giỗ Đình thần Tân Nghĩa

Đình thần Tân Nghĩa được xây dựng vào năm 1852, nằm bên ngã ba sông Ô Rô – Bạch Ngưu, nay là Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau.

Về xứ “Khánh”, “Tân”...

Cà Mau là vùng đất trẻ ven biển ở cực Nam, nằm trên Bán đảo Cà Mau, mới được khai phá khoảng hơn 3 thế kỷ. Trải qua quá trình lịch sử đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, điều thú vị là Cà Mau có nhiều địa danh hành chính mang tên gọi với chữ “Khánh”, “Tân”, như: Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Thuận, Khánh Hoà, Khánh An (huyện U Minh); Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời); Tân Lộc, Tân Phú (huyện Thới Bình); Tân Xuyên, Tân Thành (TP Cà Mau); Tân Trung, Tân Ðức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Dân, Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi); Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển). Những địa danh này gắn liền với lịch sử, văn hoá của cả vùng đất và nay đang ngày càng phát triển đi lên đổi mới và giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo.