Thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) là nơi diễn ra các giao dịch mua bán các sản phẩm KH&CN (bản quyền, bí quyết, sáng kiến và các dịch vụ liên quan đến hoạt động KH&CN). Phát triển thị trường KH&CN sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hoá, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau phát triển thị trường KH&CN vẫn chưa được đồng bộ trên nhiều lĩnh vực.
Những đóng góp tích cực
Thời gian qua, hoạt động KH&CN đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. KH&CN góp phần vào tăng năng suất, chất lượng hàng hoá và dịch vụ, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách thủ tục hành chính.
Ngành giáo dục Cà Mau đã có những bước tiến quan trọng với việc áp dụng các phần mềm chuyên ngành trong giảng dạy. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Hùng Vương, Phường 5, TP Cà Mau).
KH&CN ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói riêng. Hằng năm, nhiều đề tài, dự án KHCN cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở trên các lĩnh vực được triển khai thực hiện, nhân rộng mạnh mẽ và hiệu quả. Qua số liệu thống kê cho thấy, những năm gần đây, nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp luôn chiếm trên 60% nhiệm vụ KHCN được tỉnh phê duyệt. Phát triển KHCN trong nông nghiệp được xem là nền tảng và động lực then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Nhờ những đóng góp của KHCN, ngành nông - lâm - thuỷ sản trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay tăng trưởng bền vững, ổn định theo chiều hướng tích cực, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt bình quân 3,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hằng năm đạt khoảng 1 tỷ USD, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng trưởng, năng suất ngày càng được cải thiện.
Theo UBND TP Cà Mau, thời gian qua, thành phố luôn xác định thị trường KH&CN là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực KH&CN, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), cũng như nền kinh tế. Hằng năm, được sự quan tâm, chỉ đạo của Thành uỷ và hướng dẫn của các ngành chức năng của tỉnh, UBND thành phố xây dựng kế hoạch hoạt động KHCN luôn sát với chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chú trọng triển khai một số hoạt động nhằm phát triển thị trường KH&CN của địa phương, như tiến hành khảo sát nhu cầu công nghệ của các tổ chức, cá nhân trong thành phố, tập trung ở lĩnh vực chế biến thuỷ sản, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Qua việc nắm bắt nhu cầu công nghệ, thành phố phối hợp với Sở KH&CN, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiến hành tìm kiếm những công nghệ phù hợp trong và ngoài tỉnh thông qua các sự kiện kết nối cung, cầu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, khai thác Cổng thông tin cung cầu công nghệ, thông qua giới thiệu công nghệ của các đơn vị để tư vấn chuyển giao và kết nối cung - cầu công nghệ phục vụ cho sản xuất và đời sống của tổ chức và cá nhân trong thành phố.
Nhiều dự án ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp đã được triển khai trong những năm gần đây, như mô hình sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP, tại xã An Xuyên; mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn tại xã Hoà Tân, xã Hoà Thành, xã Ðịnh Bình, Phường 6; mô hình nuôi cua đinh thương phẩm tại xã Tắc Vân; mô hình nuôi cá chốt thương phẩm trong ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả tại xã Hoà Tân; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tại xã Tân Thành và xã Lý Văn Lâm...
Vẫn còn hạn chế và chưa đồng bộ
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, xuất phát điểm KH&CN của tỉnh thấp. Cà Mau là địa phương xa các thành phố lớn có KH&CN phát triển, thị trường KH&CN đang từng bước hình thành, với rất ít sản phẩm (chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp) và ít hoạt động giao dịch KH&CN; là thị trường phát triển chậm nhất so với các thị trường hàng hoá và dịch vụ khác; tỉnh chưa có sàn giao dịch KH&CN tập trung.
Về đặc điểm DN, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đặc trưng của DN trong tỉnh chủ yếu là DN nhỏ và vừa, tuổi đời còn non trẻ; các DN lớn của tỉnh chủ yếu là DN khí, điện, đạm, chế biến thuỷ hải sản, năng lượng tái tạo... chiếm số lượng cũng không nhiều. Nhu cầu về công nghệ của DN nhìn chung còn rất thấp, do hiện nay mức độ hội nhập quốc tế của phần lớn DN trong tỉnh chưa cao, chưa thực sự đối đầu cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài, nên sức ép phải tìm kiếm, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến chưa phải là yêu cầu cấp bách. Ngoài ra, trình độ nhân lực lao động tại đa số các DN, tổ chức trong tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, thiếu lao động có chuyên môn cao; cùng với sự thiếu nhận thức về tầm quan trọng về đổi mới công nghệ cũng là các yếu tố kìm hãm sự phát triển của DN.
Theo Sở KH&CN, hiện nay số lượng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh rất ít, thực hiện nhiệm vụ chính là giảng dạy, đào tạo nghề (Ðại học Bình Dương - Phân hiệu Cà Mau, Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc...), chưa tham gia nhiều vào các hoạt động nghiên cứu khoa học. Về phía các viện, trung tâm nghiên cứu, trên địa bàn tỉnh thực hiện các hoạt động chủ yếu nghiên cứu giống cây trồng, các dịch vụ KH&CN... nhưng cũng chưa nhiều. Các nhiệm vụ KH&CN chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp, làm mất cân đối trong nghiên cứu và chuyển giao KH&CN.
Nhiệm vụ KH&CN chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp, những lĩnh vực khác chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là lĩnh vực khoa học phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Ðại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho rằng, sự liên thông giữa thị trường KHCN trong nước với thị trường KHCN thế giới, cũng như với các thị trường khác ở trong nước (đặc biệt là thị trường lao động và thị trường vốn) còn hạn chế. Ðối với ngành nông nghiệp, rào cản lớn nhất để phát triển thị trường KHCN trong nông nghiệp là công tác chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất còn nhiều hạn chế, chưa gắn kết được giữa hệ thống nghiên cứu KHCN của Nhà nước với lực lượng sản xuất. Rào cản này cần được tháo gỡ để hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sạch, xanh, vươn ra thị trường xuất khẩu với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn.
Phía địa phương, theo UBND TP Cà Mau nhìn nhận, với góc nhìn tổng thể, cho thấy việc phát triển thị trường KHCN vẫn còn nhiều hạn chế. Hằng năm, nhiệm vụ đặt ra nhiều nhưng thực trạng kinh phí chi cho hoạt động KHCN chỉ ở mức thấp (khoảng 750 triệu đồng/năm), chưa đáp ứng nhu cầu phát triển KHCN và ứng dụng, nhân rộng các kết quả từ dự án sản xuất thử nghiệm trên địa bàn thành phố. Số lượng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp, những lĩnh vực khác chiếm tỷ lệ thấp, đặc biệt là lĩnh vực khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích
KHCN là một đòi hỏi mang tính tất yếu trong sự phát triển hiện nay, tạo một thị trường KHCN đồng bộ, hiệu quả là nhiệm vụ cần thiết. Có nhiều ý kiến cho rằng, trong phát triển thị trường KHCN, Cà Mau cần tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH&CN gắn với định hướng phát triển của tỉnh theo chiều sâu.
Ông Võ Thanh Trà, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho biết: "Thời gian qua, xoay quanh vấn đề thị trường KHCN trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều hội thảo để có cái nhìn khách quan hơn, tìm giải pháp căn cơ trong giai đoạn hiện nay. Tổng hợp những ý kiến đánh giá từ cơ quan hữu quan, các địa phương, chúng tôi nhận thấy, thị trường KHCN tại địa phương chưa đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực".
Theo ông Võ Thanh Trà, để khắc phục những hạn chế này, địa phương cần gắn kết để thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện nghiên cứu, trường đại học theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH&CN; hỗ trợ tổ chức, cá nhân đánh giá, định giá, thẩm định giá công nghệ; tìm kiếm, lựa chọn và tiếp nhận, thử nghiệm công nghệ; khai thác, phát triển tài sản trí tuệ...
Cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học, đổi mới và phát triển thị trường công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Ðẩy mạnh hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống về thị trường KH&CN... Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN cũng cần được tăng cường./.
Văn Ðum