ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 21:14:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bà ngoại... đi học

Báo Cà Mau (CMO) Cứ tầm 4 giờ rưỡi chiều mỗi ngày, từ Trụ sở văn hoá ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, lại vang lên tiếng đọc bài, ghép vần ê a nhưng không còn trong trẻo nữa. Người học là những bà, những cô đã luống tuổi, đa số đồng bào Khmer. Người dạy là chị Đào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã này và mấy chị em trong hội.

Ban đầu nhiều người hiếu kỳ trong xóm tập trung lại xem. Người thì ngạc nhiên, thích thú, nhưng cũng có người bĩu môi: “Mấy bà phụ nữ tối ngày làm chuyện ba láp ba xàm”.

Mặc ai nói gì thì nói, người dạy vẫn bình thản dạy và người học vẫn tập trung ghép vần.

Chị An kể, vận động chị em đi học, mấy chị phải lội rã giò chứ có phải dễ dàng gì đâu. Cũng tại cái tính bao đồng, thấy chị em phụ nữ thiệt thòi vì không biết chữ, chị An quyết tâm mở lớp học này.

Ban đầu chị tập hợp bà con lại và thăm dò: Chị em phụ nữ xứ biển mình vốn đã thiệt thòi nhiều lắm rồi, mà không biết chữ càng khổ hơn, muốn làm cái gì cũng khó. Vậy... nếu có người đứng ra mở lớp dạy chữ, bà con mình có học không? Có chị trả lời ngay “đi chớ, dạy thì đi”.

Chị Hồ Thị Nê là một trong những học viên siêng năng nhất của lớp, dù nắng hay mưa chị không bỏ buổi học nào. Ảnh: Thùy Trâm.

Có chị bảo “thôi, già rồi, đi học người ta cười chết”. Cũng có chị nói, "tui ở nhà giữ cháu nội, cháu ngoại, có thời gian đâu mà đi". Chị thì ái ngại: “Chồng tui chắc hổng cho đi đâu”, hay đại loại là “cái ăn còn không có đi học làm gì, no cái bụng trước đã...”.
Biết chị em muốn học nhưng vì lớn tuổi nên mắc cỡ, chị An mạnh dạn trình bày với Đảng uỷ, UBND xã, được ủng hộ, chị bắt tay ngay vào việc đi từng nhà thuyết phục bà con. Cùng đi với các chị còn có một chiến sĩ Trạm Biên phòng Gò Công, đồng bào Khmer, nên việc giao tiếp với bà con dễ dàng hơn. Kết quả là có 12 chị đăng ký học.

4 giờ rưỡi chiều ngày khai giảng lớp học đầu tiên, năm 2016, chỉ có 3 chị đến lớp. Các thành viên trong hội bắt đầu thấy nản. “Thôi An ơi, mình không làm được đâu, chắc phải giải tán thôi”, nhưng chị kiên quyết: “Mình đã hứa với bà con thì phải làm”.

Hôm sau, chị tiếp tục đi vận động lần thứ hai đối với các chị đã đăng ký. “Chỉ cần các chị sắp xếp thời gian đi học, sổ sách đã có người lo. Hôm nào nhà hết gạo thì chị em phụ nữ sẽ vận động hỗ trợ. Còn nếu không có ai trông giữ cháu nội, cháu ngoại, các chị cứ mang theo tới lớp học cùng, không sao cả”, chị An ra sức thuyết phục bà con.

Ngày học thứ hai, 12 chị đến lớp. Vậy là bước đầu chị đã thành công. Niềm vui oà vỡ trong lòng.

Đã từng là giáo viên nên chuyện đứng lớp với chị An không khó, cái khó là dạy làm sao cho bà con dễ hiểu nhất. Dựa trên sách giáo khoa lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chị nghiên cứu dạy theo trình tự từ thấp lên cao; khi ghép vần chọn những chữ tượng hình gần gũi nhất với cuộc sống cho bà con dễ nhớ như con cá, cái ca...

Trong quá trình học, Đảng uỷ, UBND xã và các nhà hảo tâm hỗ trợ bao nhiêu chị đều quy ra thành gạo, thành nhu yếu phẩm phân phát cho bà con bởi chị tin chắc, khi đỡ lo cho cái ăn hằng ngày thì bà con mới tập trung học tốt được.

Nhớ buổi đầu tiên lên lớp đến giờ chị An vẫn còn xúc động: “Mình đọc cho các chị đọc theo, cứ nghĩ các chị sẽ ngại không đọc hoặc đọc rất nhỏ, không ngờ, các chị đọc rất to làm cho nhiều nhà xung quanh giật mình, chạy ra coi...”.

“Ban đầu chỉ có 12 chị nhưng dần dần lớp học tăng lên 15 chị và duy trì đến khi kết thúc. Có chị bận việc gia đình nhiều hôm đến lớp trễ, tay còn dính đầy vẫy cá, thấy thương gì đâu. Các chị ham học là động lực lớn nhất để lớp học duy trì”, chị An trải lòng.

Do cuộc sống còn khó khăn, nhiều phụ nữ xóm biển Gò Công không có điều kiện học hành. Số phụ nữ mù chữ hiện vẫn chưa thống kê được. Ảnh: Thanh Quang.

Rồi cứ mỗi buổi chiều, các bà, các chị tay dắt, tay bồng theo cháu nội, cháu ngoại đến lớp. Chị An và mấy chị trong hội mua bánh chia cho các cháu nhỏ và bảo: “Mấy con ngồi đây ăn bánh đừng chạy lung tung, mất trật tự, cho bà ngoại, bà nội tụi con học nghen. Không ngoan là các cô không cho bánh nữa đâu”. Vậy là tụi nhỏ không chạy giỡn nữa.

Thế nhưng, những đứa lớn hơn thì đứng ngoài cửa lớp ngó vô. Khi các chị đọc bài, chúng cổ vũ: “Bà nội, cố lên! Bà nội, cố lên!”. Có đứa còn khích bác nhau: “Bà nội mày lớn rồi mà còn không biết chữ!”. Rồi khi có chị đọc sai, đám con nít lại rần rần: “Á, bà nội mầy đọc tầm bậy rồi kìa...”. "Con nít có biết gì đâu...”, giọng chị An đầy thông cảm.

Hai năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái đã hoàn thành 2 lớp xoá mù chữ cho chị em dân tộc Khmer ấp Gò Công. Lớp đầu 15 chị, lớp thứ hai có 12 chị theo học. Có điều, chị An thở dài: “Lớp thứ hai có 5 chị lớp trước đăng ký học lại vì... đã quên chữ. Cũng dễ hiểu, bởi sau lớp học, họ lại tất bật ngược xuôi với cuộc mưu sinh”.

Chị Room Xà Oanh, đồng bào Khmer ấp Gò Công, thật thà: “Tui chỉ rành chữ Khmer, đâu có biết chữ Việt, muốn đi học mà ban đầu ông chồng hổng cho. Tui nói riết ổng mới đồng ý. Mấy cô dạy nhiệt tình lắm, có điều mình lớn tuổi học 10 nhớ được chừng 3 thôi. Giờ lâu lâu giở sổ ra không nhớ phải hỏi cháu ngoại”.

Chị Hồ Thị Nê năm nay 54 tuổi, mới biết rành mặt chữ, cũng không giấu được niềm vui: “Cuộc sống quá khó khăn nên đâu được đi học, giờ tuổi này mà biết chữ vậy là mừng lắm rồi. Đi làm giấy tờ, đi lãnh thuốc ghi được tên mình, mừng quá. Có điều, lâu lâu phải đọc lại, sợ quên”.

Cũng chuyện học hoài mà không nhớ, chị An kể một câu chuyện vừa buồn cười, vừa dễ thương. Lớp năm nay có một anh người Khmer đăng ký xin học. Năm trước vợ anh đi học, biết chữ rồi, giờ vận động chồng đi học. Đi học lần nào anh cũng dẫn theo đứa con trai đã học lớp 1. Khi chị gọi: Hải (tên anh), em đọc chữ này cho chị. Thằng con núp dưới gầm bàn lú đầu lên nhìn rồi thụp xuống nói, cố ý chỉ cho ba nó nghe nhưng... ai cũng nghe: chữ A.

Vậy là Hải đọc theo con: chữ A. Chỉ chữ khác biểu đọc, thằng nhỏ cũng lén nhìn rồi nhắc ba nó. Mấy chị ngồi sau la lên: Cô giáo ơi, con nó chỉ. Cô giáo ơi, con nó dạy. Có lần nhìn trong sổ của Hải thấy vẽ cua còng, chị An hỏi: Tập học của em sao em để đứa nào vẽ tùm lum vầy nè Hải? Hải gãi gãi đầu: Dạ... em vẽ. Ủa, vậy chớ em vẽ cái gì giống hột bắp vậy nè? Hải bẽn lẽn: Dạ, em vẽ... hàm răng. Là sao? Là... ê răng, là chữ Ê. À... còn cái bông này? Dạ không, đó là cái đồng hồ, là chữ D. “Đúng là liên tưởng trớt huớt, vậy mà thấy thương làm sao”, chị An cười.

Xã Nguyễn Việt Khái có 2 cửa biển chính là Gò Công và Sào Lưới, dân nghèo tập trung đông ở 2 cửa biển này. Đa phần hộ nghèo do không có tư liệu sản xuất, phải bám biển để mưu sinh, vi phạm nghiêm trọng nguồn lợi thuỷ sản. Một số hộ nghèo không chí thú làm ăn, sa vào tệ nạn xã hội. “Đối với những hộ này, nhiều lúc mình nghĩ nghèo mà không chịu làm ăn, tối ngày cờ bạc, rượu chè, cho chết luôn, nhưng ở góc độ công tác đoàn thể, mình không làm vậy được bởi trong những gia đình đó còn có người già, phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, số phụ nữ mù chữ đến giờ vẫn chưa thống kê được”, chị An trầm ngâm.

Rồi chị phân trần: “Thật ra mình quyết tâm dạy xoá mù cho bà con ngoài mục đích giúp phụ nữ giảm bớt thiệt thòi trong cuộc sống, còn tạo niềm tin của chị em đối với công tác hội. Đây là điều kiện để thu hút phụ nữ tham gia vào hội. Hiện tại xã có hơn 1.500 hội viên, đạt trên 75% số phụ nữ đủ điều kiện vào hội. Kế hoạch xoá hộ trắng hội viên cũng kiên quyết lắm nhưng thực hiện không phải dễ. Bởi xã có 6 ấp chuyển dịch từ lúa sang tôm, trước đây là rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sào Lưới. Dân ở đây đa số là nhà hai nóc, nghĩa là nhà chính họ ở chỗ khác, ở đây chỉ có vài nhân khẩu, họ tới lui chủ yếu để nuôi tôm mà thôi, vì vậy, những đối tượng phụ nữ này vận động vào hội rất khó”.

Có điều, khó cỡ nào chị cũng kiên quyết làm, bởi chị đã tạo được niềm tin bước đầu trong lòng chị em. Năm 2017 này chị sẽ triển khai cho các chi, tổ hội rà soát lại số hội viên và phụ nữ mù chữ rồi phân công hội viên ở gần tổ chức dạy theo nhóm nhỏ. Còn ở ấp Gò Công chị sẽ mở nhóm ở xóm Gò Công Đông, tập trung chị em vào học tại salatel của đồng bào dân tộc.

Hai lớp học thành công, nhiều bà ngoại, bà nội đã biết đọc, biết viết và làm những bài toán cộng trừ đơn giản. Giờ ở xóm biển Gò Công không còn nghe ai nói “mấy bà phụ nữ tối ngày làm chuyện ba láp baa xàm” nữa...

Bút ký của Thùy Trâm

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.