Để đến rừng phòng hộ Tam Giang I, từ Vàm Đầm, chiếc vỏ chở chúng tôi điệu đàng cấn sóng, chạy xuyên qua những dãy rừng thưa. Chỉ hơn 20 phút sau chúng tôi đã đứng tại cột mốc “Rừng phòng hộ rất xung yếu”. Lúc cắm, không biết cột mốc này cách biển bao xa nhưng nay nó chỉ còn cách biển khoảng hơn 200 m.
Để đến rừng phòng hộ Tam Giang I, từ Vàm Đầm, chiếc vỏ chở chúng tôi điệu đàng cấn sóng, chạy xuyên qua những dãy rừng thưa. Chỉ hơn 20 phút sau chúng tôi đã đứng tại cột mốc “Rừng phòng hộ rất xung yếu”. Lúc cắm, không biết cột mốc này cách biển bao xa nhưng nay nó chỉ còn cách biển khoảng hơn 200 m.
Vùng đất này đang bị tác động dữ dội của thiên nhiên, trong khi hoạt động khai thác cây rừng của con người những năm gần đây không hề giảm.
Rừng về với dân phải qua nhiều “tầng nấc”
Tới đoạn đê dài trơ trọi dưới cái nắng tháng Tư, chúng tôi lên bờ đi bộ. Trên đoạn rừng này, chúng tôi thấy có nhiều nhà nhỏ và thấp thôi, nhưng sáng sủa, xem ra cũng đầy đủ tiện nghi, có điện, có nước sạch được bơm từ giếng khoan, dưới bến mỗi nhà đều có chiếc vỏ nhỏ, phương tiện đi lại chính. Chúng tôi được tiếp đón với thái độ mới đầu có chút e dè, nhưng sau đó tôi cùng anh Tý, người lái vỏ, được người đàn ông đang giữ rừng dẫn vào một căn chòi, thật ra là căn nhà, có 4 thế hệ đang cùng nhau sinh sống.
Mặc dù có quy chế quản lý rừng phòng hộ 2015, nhưng rừng phòng hộ rất xung yếu dọc biển Đông Cà Mau vẫn tiếp tục được khai thác. |
Khuôn mặt dãi dầu không thể che lấp hết dáng dấp nghệ sĩ với mái tóc dài bềnh bồng của người đàn ông được giới thiệu tên Năm Phong. Khoảng 55 tuổi, gần cả cuộc đời mình, ông đã gắn bó với rừng, với nghề làm giá võng.
Nước reo sôi trên bếp ga, người con trai ông pha trà. Trà Bắc - ông mời - nếu chú uống nóng không quen hãy thêm vào ít đá.
Một bé trai trông kháu khỉnh đang mải mê giỡn với chú chó con bỗng ngước lên nhìn khi dưới bến có thêm người khách. Ông Sáu Oanh - chủ nhà giới thiệu - ông là dân cố cựu ở đây, cũng như tôi, ông giữ rừng.
Chúng tôi đang tới thăm ấp Bỏ Hủ, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, một cộng đồng có 52 hộ, 167 người, sống ở khu vực rừng phòng hộ xung yếu, nuôi tôm quảng canh dưới tán rừng đước dọc theo biển Đông, khu vực đang bị sóng biển làm xói lở mạnh nhất từ trước đến nay.
Những người giữ rừng ở đây hầu hết đều ở những nơi khác đến. Họ về đây, có người đã trên 20 năm (bằng chu kỳ để cây đước khai thác được). Phần đông họ sang lại “thành quả lao động” của người khác. Họ bao khuôn hộ đất rừng rồi thả tôm con, vài tháng 1 lần họ bán tôm. Với mục đích lấy ngắn nuôi dài, họ sống đắp đổi qua ngày, chờ đến khi cây rừng đủ lớn.
Họ có mặt ở đây sau khi UBND tỉnh Minh Hải có Quyết định số 64-QĐ/UB về việc ban hành quy định về chính sách và biện pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên đất đai, rừng và mặt nước.
Hơn 20 năm qua, cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã nhiều lần thay đổi, cuộc sống của người dân dưới tán rừng ngập mặn nơi đây đã khá lên nhiều nhờ có điện, nước ngọt nhưng danh phận của họ vẫn như trước: người làm thuê.
Họ thuê quyền sử dụng đất, “thuê nghĩa vụ giữ rừng” từ 1 tổ chức hoặc cá nhân nào đó. Hiện họ có tuổi, có tên trong sổ bộ quản lý hành chính của các cấp chính quyền nhưng chỉ có nghĩa vụ chứ không có quyền lợi gì đối với cây rừng trên phần đất họ đang thực sự quản lý, giữ gìn.
Trực tiếp quản lý, giữ rừng nhưng không được nhận thành quả từ rừng
Khu rừng gia đình ông Năm Phong đang giữ khoảng 12 ha, đây là khu rừng toàn đước, như toàn bộ vùng rừng phòng hộ này, được trồng bằng 100% vốn của Nhà nước. Khu này, đầu tiên Lâm ngư trường Tam Giang I giao cho Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9, qua tay nhiều người rồi mới tới ông Năm Phong. Khu rừng này đúng ra Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I phải thu hồi từ năm 2002 theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau, để giao lại cho người trực tiếp quản lý, giữ rừng. Nhưng lằng nhằng sao đó, hiện nay giấy tờ giao nhận họ vẫn chưa chịu làm.
Năm 2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I cho thương lái vào tỉa thưa phân nửa; năm 2012, thương lái vào chặt trắng 0,5 ha, năm 2015 tiếp tục chặt trắng 1,2 ha. Đứng ngoài việc chia chác cả 3 lần khai thác này, ông Năm Phong kể, họ cho thương lái vào chặt trắng phần rừng giáp với rừng phòng hộ rất xung yếu, vị trí 1,2 ha chặt trắng vào năm 2015, chỉ cách bờ biển đang xói lở chỉ trên dưới 200 m, hiện nay chưa được trồng lại.
Quy chế Quản lý rừng phòng hộ (Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 9 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ): “ Rừng phòng hộ là rừng trồng do ngân sách Nhà nước đầu tư chỉ được khai thác cây trồng xen, cây phù trợ, tỉa thưa; thu gom cây gỗ nằm, gỗ khô mục, lóc lõi, gỗ cháy, cành, ngọn, gốc, rễ cây, nhưng phải bảo đảm mật độ cây trồng chính còn lại ít nhất là 600 cây/ha”. |
Ông Nguyễn Quốc Em, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I, cho biết, theo quy định, từ bờ biển trở vào 1.000 m là khu vực phòng hộ rất xung yếu, kế đến là khu vực xung yếu. Hầu hết rừng phòng hộ trước đây là rừng sản xuất đã giao cho dân, nhưng do cơ chế giao chưa có nên không có hồ sơ giao đất, giao rừng. Hiện nay vẫn còn nhiều tổ chức, trong đó có một số sở, ngành của tỉnh Cà Mau không giao trả đất rừng theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau, như trường hợp Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9.
Ông Quốc Em nói, mỗi năm đơn vị ông được phép khai thác 20% diện tích rừng phòng hộ và các tổ chức không trả đất vẫn được ăn chia sản phẩm.
Tại khuôn hộ cách khu rừng ông Năm Phong đang giữ 3 khuôn hộ, đai rừng phòng hộ rất xung yếu đã bị sóng biển đánh trôi, biển đã ngấp nghé bờ bao. Theo thiết kế khai thác đã được thông báo đến người giữ rừng, 1,6 ha rừng đước đang che chắn sóng biển tại khuôn hộ này sẽ bị khai thác trắng trong năm nay, theo kế hoạch khai thác của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.
Điều tra của Sĩ Tắc - Nguyễn Phú
Chính sách giao đất, giao rừng đã khẳng định vai trò của hộ gia đình, cá nhân. Họ là đối tượng chính để giao đất lâm nghiệp, là những người chủ cụ thể của từng mảnh đất và khu rừng. Quyền và nghĩa vụ của họ đã được thể chế hoá trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Đất đai. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người nghèo phải thuê lại đất rừng của những tổ chức, cá nhân được giao. Họ trực tiếp giữ rừng nhưng không được hưởng lợi. Còn đối với những người tuy may mắn ký được hợp đồng trực tiếp với các lâm ngư trường, được hưởng lợi khi cây rừng đến chu kỳ khai thác nhưng vẫn phải chịu “phận bạc” bởi những bất cập trong ăn chia sản lượng. Báo Cà Mau sẽ phản ánh những bức xúc của họ qua bài 2: Nhiều bất cập trong ăn chia sản lượng khai thác trong phóng sự điều tra "Bạc bẽo phận giữ rừng". |