Gia đình bà Quách Kim Ái về ấp Mai Hoa nhận khoán đất rừng từ những năm 1990. Sau bao năm nỗ lực giữ rừng, 10,5 ha rừng đước của gia đình cũng đến hạn khai thác được gần phân nửa. Tuy nhiên, niềm vui và hy vọng của gia đình bà nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng và bức xúc khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I vào thông báo giá trị 4 công rừng của gia đình bà được 14 triệu đồng, sau khi trừ chi phí từ trồng, khảo sát thiết kế kỹ thuật và 30% ăn chia lại cho chủ rừng.
Thiết kế, thẩm định giá khi khai thác rừng đước chưa rõ ràng, thiếu minh bạch và thấp hơn so với thực tế đang là vấn đề khiến nhiều hộ dân giữ rừng phòng hộ vô cùng bức xúc.
Dân bảo chưa
Gia đình bà Quách Kim Ái về ấp Mai Hoa nhận khoán đất rừng từ những năm 1990. Sau bao năm nỗ lực giữ rừng, 10,5 ha rừng đước của gia đình cũng đến hạn khai thác được gần phân nửa.
Tuy nhiên, niềm vui và hy vọng của gia đình bà nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng và bức xúc khi Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I vào thông báo giá trị 4 công rừng của gia đình bà được 14 triệu đồng, sau khi trừ chi phí từ trồng, khảo sát thiết kế kỹ thuật và 30% ăn chia lại cho chủ rừng.
Đối với người giữ rừng, cây đước là tài sản quý giá nhất. Nhưng với cơ chế ăn chia như hiện nay lợi ích từ việc giữ rừng không tương xứng với công sức của họ. |
Thấy giá quá thấp, gia đình thương lượng riêng với thầu khai thác nâng lên được 24 triệu đồng.
Mặc dù đã được nâng lên thêm được gần 90% so với giá thiết kế, nhưng bà Ái cho biết, khi thầu khai thác xong, mang cây ra bà thấy là muốn xỉu liền: trên dưới 60m3. Với sản lượng này, cùng với giá trên thị trường khoảng 900.000/m3 thì rõ ràng, thiết kế ban đầu không được một nửa.
Bà Ái bộc bạch, theo cách tính của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I, người dân nơi đây đang sống và sinh hoạt trên ngọn đước. Phần đất gia đình trước kia nhận khoán là 3 ha. Sau đó tiến hành phóng tuyến đường thuỷ, rồi lộ giao thông nông thôn, điện... nhưng khi tính phần trăm trồng rừng quản lý rừng vẫn tính toàn bộ các phần đất như ban đầu nên diện tích mặt nước người dân nuôi tôm không còn bao nhiêu.
Sự quản lý có phần cứng nhắc đó đã khiến người dân nhận khoán đất rừng gặp khó khăn trong sản xuất.
Theo ông Lê Văn Hậu, Trưởng ấp Mai Hoa, có hộ ông Trần Ngọc Duy nhận khoán phần đất giáp với khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu, sóng biển làm sạt lở tới bờ bao, nhưng xin đưa cơ giới vào gia cố lại nhưng không được. Hiện nay khi triều cường lên là nước biển tràn vào vuông làm thất thoát tôm nuôi.
Trong khi đó, ông Hậu bức xúc, đất của nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I thì họ muốn làm gì thì làm, thậm chí đưa cơ giới vào hạ mặt trảng vuông để nuôi tôm. Còn sau khai thác muốn trồng lại thì trồng, không trồng cũng chẳng sao.
Rừng phòng hộ biển Đông ở Cà Mau không đủ sức giữ bờ biển khỏi xói lở. Tại cửa Bồ Đề, huyện Ngọc Hiển, mỗi năm biển lắn sâu vào hàng trăm mét. |
Chuyện đã qua gần 3 năm nhưng mỗi khi nhắc lại ông Trần Văn Kiệt, Tiểu khu Rạch Dà, vẫn còn vô cùng bức xúc. Gia đình ông Kiệt có 5,6 ha rừng đến tuổi khai thác vào năm 2013, theo đó, diện tích được khai thác là 3 công.
Những tưởng thành quả giữ rừng bao năm sẽ được đền đáp xứng đáng, ông sẽ có đủ tiền để nuôi người con đang theo học đại học, Nhưng dự tính ấy mau chóng tan biến khi ông được thông báo 3 công rừng chỉ được “ăn chia” 12 triệu đồng.
Sau hơn 1 tháng “kỳ kèo” với thầu, cuối cùng, ông bán được 20 triệu đồng. Dù đã nâng lên gần gấp đôi nhưng ông Kiệt vẫn vô cùng bức xúc khi thấy sản lượng khai thác thực tế lên đến 125m3, tính ra trên 100 triệu đồng.
Ông Kiệt lắc đầu: “Không biết họ tính theo kiểu nào mà mức chênh lệch lại lớn đến như vậy. Thấy sản lượng thầu khai thác mang ra ngoài là không ăn ngủ gì được, mấy năm rồi mà nhắc lại còn tức”.
Câu chuyện chênh lệch giữa sản lượng với thiết kế không chỉ được ghi nhận tại hộ gia đình ông Kiệt, bà Ái, mà là bức xúc chung của đại bộ phận người dân có nhận khoán đất rừng nơi đây. Như sản lượng khảo sát thiết kế của gia đình ông Phạm Thanh Hậu là 50m3 nhưng sản lượng thực tế lên đến 100 m3. Hay rừng của ông Nguyễn Quốc Vũ có sản lượng thiết kế 70m3 nhưng khi khai thác sản lượng lên đến 150m3.
“Đúng là việc đánh giá sản lượng cây đứng trong rừng thì người dân không ai đòi hỏi mức độ chính xác 100% nhưng nếu chênh lệch thì cũng khoảng 15%-20%, đằng này gần gấp đôi là quá lớn. Rồi thêm tiền bị trừ chi phí các thứ nên dân giữ rừng mấy mươi năm mà thu có được bao nhiêu đâu”, ông Lê Văn Hậu bày tỏ.
Ban Quản lý bảo “đã công khai minh bạch”
Sự bức xúc của người dân trong việc thiết kế sản lượng được ông Nguyễn Quốc Em, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I giải thích, trong thiết kế và sản lượng thực tế có chênh lệch là do khách quan, do mật độ cây rừng ở đây không có độ thoáng nên đánh giá, thẩm định chưa chính xác. Bên cạnh đó thầu mua thì cắt chiều dài củi là 0,9 m chứ không phải 1m.
Ngoài ra, ông Em cho biết thêm, các trường hợp người dân bán với giá cao hơn so với giá thiết kế xuất phát từ việc dân xin thêm phần củi dưới chang, nhà thầu thấy có lời nên cho thêm vì trong quá trình thiết kế chỉ tính từ phần thân.
Ông Em khẳng định, thiết kế là vậy nhưng trong quá trình khai thác có sự giám sát của người dân, nếu sản lượng khai thác cao hơn so với thực tế thì phần tăng thêm đó cũng chia thêm cho người dân.
Ngoài ra, đối với hình thức ăn chia, ông Em khẳng định, thiết kế chỉ là cơ sở dự toán ban đầu để tiến hành họp dân thông báo và đấu thầu. Sau khi đã có sản lượng khai thác thực tế mới tiến hành chia phần trăm cho người dân theo quy định (dân hưởng 7, Ban Quản lý rừng phòng hộ hưởng 3, sau khi đã trừ hết chi phí).
Như vậy, giữa chuyện thiết kế khai thác và ăn chia đang xảy ra mâu thuẫn khá lớn. Dân thì nói thiếu chính xác, chưa minh bạch còn ban quản lý lại bảo đã công khai, có biên bản ký nhận rõ ràng giữa các tiểu khu và người dân. Sau khi so sánh sản lượng khai thác, ghi nhận của người dân và tiểu khu khớp với nhau mới tiến hành ăn chia. Do đó, nếu sản lượng thực tế cao hơn so với thiết kế thì phần dư đó người dân cũng được chia thêm.
Ông Em cho biết “người dân sợ phải chia lại 30 % cho ban quản lý nên tự thoả thuận với nhà thầu để được hưởng trọn”. Rõ ràng nhận định này mâu thuẫn với chính ý kiến khẳng định trước đó của ông Em, là sau khi có sản lượng thực tế mới tiến hành ăn chia và trong quá trình khai thác có sự giám sát và ghi nhận của các tiểu khu, nếu dân có thể thoả thuận phần tăng thêm này liệu có qua mặt được ban quản lý?./
Cùng một loại rừng, cùng cơ chế quản lý, nhưng cách thức tính phần trăm ăn chia và phương pháp, hình thức đấu thầu giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang I và Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng hoàn toàn khác nhau. Theo ông Trần Thanh Nhàn, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, tỷ lệ ăn chia giữa ban quản lý và người dân được tính theo hình thức lấy tuổi rừng nhân cho 6% để ra tỷ lệ sản lượng dân được hưởng, có hộ được chia lên đến 85% giá trị khai thác. Đồng thời, mức độ chênh lệch giữa thiết kế khai thác và sản lượng khai thác thực tế khoảng 3%-4%, người dân được tham gia từ khâu đấu giá với nhà thầu cho đến giám sát sản lượng khai thác. |
Điều tra của Sĩ Tắc - Nguyễn Phú