Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định đến sức mạnh, uy tín và vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu rất cao và Người là tấm gương mẫu mực về rèn luyện bản lĩnh chính trị của người chiến sĩ cộng sản. Trong giai đoạn hiện nay, trước đòi hỏi mới của sự phát triển đất nước và từ yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, việc rèn luyện và giữ vững bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên là nguồn sức mạnh nội sinh quyết định việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên được hiểu là những phẩm chất với những biểu hiện như: có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn của đất nước; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Ðảng; có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách”; kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quyết tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ thành quả của cách mạng, thành quả của công cuộc đổi mới; thanh liêm, trong sạch, tránh xa mọi cám dỗ.
Ðể đáp ứng những yêu cầu trên, đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt; nắm vững lý luận và có kỹ năng sử dụng lý luận vào trong thực tiễn; rèn luyện và hoàn thiện phong cách của người cán bộ cách mạng.
Tranh: MINH TẤN
Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Tấm gương mẫu mực
Không chỉ yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vững bản lĩnh chính trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương mẫu mực về thực hành bản lĩnh chính trị, giữ vững khí tiết của một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, của một nhà chính trị kiệt xuất, của một lãnh tụ suốt đời phấn đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc đã vượt lên trên những nhà yêu nước đương thời để lựa chọn con đường cứu nước, đó là đi sang phương Tây chứ không phải đi sang phương Ðông như các vị cách mạng tiền bối. Ðặc biệt, từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc - con đường cách mạng vô sản. Con đường cách mạng ấy được Người trực tiếp soạn thảo trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Ðảng (2/1930) và tiếp tục kiên định con đường ấy trong bối cảnh bị phê phán, phủ nhận Chánh cương vắn tắt của Ðảng, Sách lược vắn tắt của Ðảng, do Người trực tiếp soạn thảo.
Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh còn thể hiện ở quyết tâm giải phóng dân tộc và đưa dân tộc Việt Nam vượt qua thử thách hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám; thực hiện lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, đã đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của Nhân dân.
Ngoài ra, bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở chỗ, Người luôn trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn của một nước thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách linh hoạt, sáng tạo, Người đã bổ sung nhiều luận điểm mới về cách mạng giải phóng dân tộc, về Ðảng Cộng sản, về giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội...
Một điểm nổi bật trong bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh nữa được thể hiện ở tài ngoại giao tài tình, lối ứng xử thông minh, linh hoạt để có thể chuyển từ thế bất lợi sang thế chủ động trong quan hệ với các nguyên thủ, chính khách nước ngoài, kể cả trong việc vượt qua những tình huống nguy hiểm trong quá trình hoạt động cách mạng. Ðó còn là tầm nhìn, khả năng dự báo được tương lai, xu thế phát triển của cách mạng Việt Nam và thế giới.
Rèn luyện bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay
Trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Ðảng ta đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng; kiên định, trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, quyết tâm bảo vệ Ðảng, Nhà nước và Nhân dân; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ; đấu tranh với những thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, quyết tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, hoài nghi, dao động về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của Nhân dân ta, thậm chí có người còn quay lại chống phá Ðảng, Nhà nước, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thành quả của cách mạng. Không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo cấp cao vì thiếu tu dưỡng nên bị cám dỗ bởi đồng tiền đã tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, nhũng nhiễu Nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo thiếu kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu tính quyết đoán, ngại khó, ngại khổ, không dám thừa nhận sai lầm, khuyết điểm mà đổ lỗi cho tập thể.
Việc nghiên cứu, rèn luyện bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là vấn đề quan trọng, góp phần hình thành nên đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng. Ðể làm được điều này, cần thực hiện tốt một số việc sau:
Thứ nhất, nêu cao ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, đây là yếu tố then chốt có tính chất quyết định đến việc rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xem việc học tập lý luận chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống là công việc thường xuyên, là nhiệm vụ hàng đầu, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, tự soi, tự sửa của cán bộ, đảng viên; phải thanh liêm, ít lòng ham muốn về vật chất; phát huy tinh thần “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách” theo tinh thần Ðại hội XIII của Ðảng.
Thứ hai, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên. Tập trung tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ðổi mới phương pháp quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ðảng cho phù hợp với từng đối tượng; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở hệ thống trường Ðảng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp.
Thứ ba, làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng, định hướng tư tưởng chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trước hết, mỗi chi bộ, đảng bộ, cơ quan, tổ chức thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tìm hiểu rõ nguyên nhân để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh cho phù hợp. Ðồng thời, các tổ chức đảng cần thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát; thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên trong cơ quan, tổ chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và những sai phạm khác. Kiên quyết đưa ra khỏi hàng ngũ của Ðảng những cán bộ, đảng viên không còn đủ tư cách, không còn uy tín với Nhân dân.
Thứ tư, cần có cơ chế để khuyến khích cán bộ, đảng viên công tác ở những lĩnh vực, những địa bàn đòi hỏi sự cống hiến, hy sinh, để từ đó giúp họ bộc lộ được tài năng, trí tuệ, sáng tạo và bản lĩnh của mình. Chỉ khi nào người cán bộ vượt qua sự khó khăn, gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi sự cám dỗ thì khi đó họ sẽ trưởng thành và hình thành nên bản lĩnh chính trị của mình.
Thứ năm, phát huy vai trò của Nhân dân trong theo dõi, giám sát việc rèn luyện của cán bộ, đảng viên, trong đó có việc rèn luyện và giữ vững bản lĩnh chính trị. Thông qua vai trò giám sát của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên không chỉ giúp họ có ý thức, tự giác trong việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị mà còn tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng với Nhân dân, từ đó, phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Ðảng./.
Ngô Thanh Danh