Bên cạnh giảng dạy theo chương trình học, các điểm trường còn chú trọng rèn luyện đạo đức, giáo dục ý thức cho học sinh, nhất là bảo vệ môi trường (BVMT), bằng những việc làm thiết thực.
Hình thành thói quen tốt
Theo kế hoạch từ đầu năm học của Sở Giáo dục và Ðào tạo, các trường mầm non và mẫu giáo mỗi tháng phải có ít nhất 4 đồ dùng, đồ chơi tự tạo. Ngoài đồ dùng được cung cấp, giáo viên phải sáng tạo thêm. Với đồ chơi tự tạo, cô giáo luôn làm mới mẫu mã, màu sắc, từ đó thu hút trẻ hơn.
Công tác giáo dục ý thức BVMT cho trẻ được Trường Mầm non Trúc Xanh (Phường 6, TP Cà Mau) thực hiện rất tốt trong nhiều năm qua. Tại lớp, trẻ sẽ được tiếp xúc và phụ giúp cô giáo làm các sản phẩm đồ chơi, vật dụng từ túi ni lông, bìa cứng, lõi giấy, chai nhựa... Trẻ hào hứng tạo hình bức tranh, ống trúc, con cua, bắp cải... vừa xinh xắn lại vừa ngộ nghĩnh.
Những chú cua được làm từ mai cua khiến trẻ rất hào hứng.
Bé Nguyễn Nhật An Khang, lớp Lá 2, vui vẻ: “Con thích đồ chơi làm từ chai sữa, hộp sữa chua... Cô chỉ con cách rửa sạch, bỏ vỏ và vẽ. Con thấy vui khi được làm đồ chơi”.
Cô Trần Thị Sơn, giáo viên Trường Mầm non Trúc Xanh, chia sẻ: “Khi làm đồ chơi tái chế, chúng tôi có cho trẻ tham gia tại lớp. Ví dụ khi làm con vịt, trẻ sẽ được gắn con mắt, vẽ những chi tiết đơn giản. Khi trẻ chơi những đồ dùng, đồ chơi sáng tạo từ đồ tái chế, trẻ cảm thấy mới lạ. Ðiều này cũng giúp hình thành thói quen BVMT và giáo dục nhân cách cho trẻ từ nhỏ".
Trẻ thích thú với những vật dụng làm bếp từ giấy và bìa cứng.
Thông qua việc được cùng cô làm và chơi với đồ tái chế từ rác thải cũng giúp hình thành cho trẻ tình yêu môi trường, thói quen không xả rác... và nhiều kỹ năng khác trong cuộc sống thường nhật.
Vườn bắp cải được làm từ bìa carton rất đẹp và sinh động.
Cô Trầm Mỹ Anh, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Trúc Xanh, cho biết: “Những đồ dùng, đồ chơi tái chế vừa đỡ tốn kém, vừa giúp trẻ khám phá được nhiều hơn. Trong quá trình chơi, đồ chơi bị hư hay bong keo..., trẻ sẽ cố gắng tự sửa hoặc nhờ cô giáo hỗ trợ. Ðiều này đồng nghĩa với việc trẻ học được cách tự lập, biết sáng tạo theo sở thích”.
Cùng lan toả hành động đẹp
Ðối với lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, việc giáo dục ý thức BVMT chỉ đơn giản thông qua đồ chơi, vật dụng tái chế để vừa học vừa chơi; còn với bậc THCS, các em được thầy cô hướng dẫn thực hiện bằng các mô hình, dự án tham dự cuộc thi về khoa học - kỹ thuật.
Ðiển hình như Trường THCS Nguyễn Du (xã Tắc Vân, TP Cà Mau) với dự án "Giải pháp giúp học sinh Trường THCS Nguyễn Du hạn chế hành vi xả rác thông qua các sản phẩm tái chế", đạt giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2023-2024.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du với dự án đạt giải Ba cấp tỉnh.
Ðây là dự án do em Trần Nguyễn Huỳnh Trân và Hồ Hải Anh (học sinh Lớp 9D) cùng thực hiện, tạo ra các sản phẩm sáng tạo mang tính chất hình mẫu, đẹp và mới lạ, đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo, hạn chế được hành vi xả rác. Những sản phẩm do hai em tạo ra như: bình hoa đầy màu sắc đặt trên bàn giáo viên; túi xách bằng bọc ni lông để đựng dụng cụ học tập; quả bóng ném từ giấy bỏ đi, là đồ dùng cho học sinh lớp 6 học môn giáo dục thể chất; những bông hoa tự tay làm tặng người thân yêu; bức tranh tuyên truyền không xả rác...
Huỳnh Trân chia sẻ: “Việc tái chế rác thải giúp học sinh ý thức hơn, hạn chế hành vi xả rác ra môi trường”.
Không chỉ riêng dự án mang đi dự thi, mà học sinh và giáo viên của Trường THCS Nguyễn Du còn thường xuyên cùng nhau tạo ra nhiều mô hình khác như: tranh từ giấy vụn, ngôi nhà nhiều kích cỡ từ bìa carton... Trường còn tạo điều kiện cho các em trưng bày sản phẩm ở một phòng được đặt tên là Câu lạc bộ Mỹ thuật.
Những mô hình nhà được học sinh trường THCS Nguyễn Du làm từ nhựa và giấy bỏ đi.
Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên Mỹ thuật, cho biết: “Ban đầu, khi mọi người chưa biết đến sản phẩm tái chế, cô trò đến cuối buổi học hay đi nhặt rác, nhiều học sinh khác thấy và cười. Nhưng khi làm ra sản phẩm để trưng bày, các em có cái nhìn khác và hưởng ứng, nên hạn chế được hành vi xả rác của học sinh trong trường. Chúng tôi muốn động viên, vận động để tất cả học sinh biết đến và cảm thấy rác thải thu gom có ích cho môi trường và có thể sử dụng để làm những vật dụng phục vụ cho việc học và trang trí lớp”.
Từ đầu năm học, các trường THCS trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch xây dựng trường học thân thiện, xanh - sạch - đẹp... nhằm tuyên truyền hạn chế tối đa việc xả rác. Thế nên, BVMT cũng là nhiệm vụ trong giáo dục.
Sự khuyến khích và sáng tạo nâng cao ý thức BVMT trong học đường đang được đẩy mạnh và nhân rộng, với nhiều mô hình, dự án lẫn cách làm thú vị. Ðiều này giúp học sinh các cấp học hình thành thói quen BVMT, không chỉ dừng lại ở việc nói, mà còn là hành động và sự lan toả./.
Lam Khánh