ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 15:59:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bất cập quy hoạch, quản lý vùng nuôi nghiêu, sò ở Cà Mau

Báo Cà Mau (CMO) Thiếu quy hoạch chi tiết, chưa thể kiểm soát được tình trạng tự phát nuôi các loài nhuyễn thể trong dân, thậm chí có quy hoạch lại thực hiện không đúng quy hoạch…, tất cả dẫn đến một thực trạng là bãi bồi ven sông, ven biển, khu vực đầm Thị Tường bị bao ví chiếm dụng để phục vụ lợi ích riêng.

Bài 3: Đau đáu những hệ luỵ 

Việc bao ví mặt nước nuôi các loài nhuyễn thể ven sông, ven biển, khu vực đầm đã qua tác động ngăn dòng chảy, ngăn thuỷ triều, làm gia tăng bồi lắng phù sa, cạn lòng sông... đã gây trở ngại cho nuôi thuỷ sản ở khu vực này.

Tỉnh đã phát hiện việc Chủ tịch UBND xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân tự cho thuê diện tích mặt nước sông Bảy Háp để nuôi sò huyết. Những người thuê tự sên bùn đổ ra sông làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân. Sự việc được bàn luận, giải quyết nhưng những hệ luỵ không thể đo đếm được.

Khu vực nuôi nghêu của HTX Nuôi nghêu Đất Mũi. Ảnh: NGUYỄN PHÚ

Việc tự do bao ví vùng nước mặt, cho thuê nuôi sò huyết một lần nữa trở thành vấn đề thời sự. Con sông Bảy Háp giờ là khung cảnh ngổn ngang gần ngã tư Rạch Chèo. Những khu lưới mành nối tiếp hàng cây số lấn chiếm hơn nửa con sông Bảy Háp, kèm theo đó là những căn chòi canh. Thực trạng thì nhan nhãn, ai cũng nhìn thấy nhưng công tác xử lý vẫn “liệu cơm, gắp mắm”.

Đó là những hệ luỵ có thể nhìn thấy và nhận biết ngay bằng mắt thường từ những khu bao ví nuôi sò huyết. Không chỉ vậy, nếu phân tích kỹ hơn tình trạng này còn mang đến nhiều vấn đề phát sinh khó xử lý về sau.

Khu vực thực nghiệm của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là một ví dụ cụ thể. Khu thực nghiệm theo phương án được duyệt nằm giáp ranh các xã: Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển); Đất Mới, Lâm Hải (huyện Năm Căn) và Rạch Chèo, Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân). Do nằm giáp ranh với nhiều xã, nhiều huyện nên việc triển khai không khéo sẽ xảy ra nhiều vấn đề phát sinh khó giải quyết, khả năng trở thành điểm nóng rất cao.

Mặt khác, đã qua Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau hợp đồng cho 14 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt nước bãi bồi để ươm, nuôi sò huyết thương phẩm mà quên đi lợi ích của dân nghèo. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng mất lòng tin trong dân đối với chính quyền địa phương.

Liên quan đến khu vực thực nghiệm của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các đối tác của vườn trong hoạt động nuôi sò, Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Hải Huỳnh Văn Tổng cho biết, việc rào chắn, bao ví khu nuôi cản trở giao thông đường thuỷ và gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Đồng thời, tình trạng sò chết trong quá trình nuôi cũng như nhiều đối tác của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau bơm sình trong khu vực bãi bồi làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, môi trường nước hộ dân nuôi thuỷ sản lân cận.

Tình trạng sò chết đang có chiều hướng gia tăng tại khu vực đầm Thị Tường trong mấy năm gần đây. Theo Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Nguyễn Trường Sơn, trong năm 2017 tình trạng sò chết đến trên 50%. Các hộ nuôi có diện tích lớn đến từ Bạc Liêu hay Kiên Giang thì có thể di chuyển đi nơi khác, còn người dân địa phương đành chấp nhận bán tháo với giá rẻ.

Tình trạng sò chết ngày một nhiều là nguyên nhân khiến gia đình anh Thái Phước Lợi, ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, thu hẹp diện tích. Anh Lợi cho biết, trước kia mỗi năm đầu tư vài chục triệu tiền giống sò để nuôi trên diện tích khoảng 4 ha đầm của gia đình, nhưng năm nay không mua nữa mà ra khu vực cửa Cái Đôi Vàm hay Sông Đốc sạt sò giống, có bao nhiêu thả bấy nhiêu. 

Bãi nghêu hoang tàn sau khi HTX Nuôi nghêu Đất Mũi giao lại phần đất cho Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau quản lý. (Ảnh chụp tại khu vực rẫy Trương Phi).  Ảnh: PHONG PHÚ

Không chỉ cản trở giao thông, ảnh hưởng dòng chảy, ô nhiễm môi trường mà thậm chí có cả những tranh chấp hợp đồng thuê giữa các hộ dân mà chính quyền địa phương phải nhiều lần hoà giải không thành. Đó là trường hợp của ông Huỳnh Thanh Liêm, ấp Nhà Thính A, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước và ông Nguyễn Văn Phố cùng xã. Ông Liêm cho ông Phố thuê đất bãi bồi ven sông Bảy Háp, thuộc phần đất của gia đình ông để nuôi sò huyết với thời gian hợp đồng là 3 năm.

Tuy nhiên, hợp đồng vừa lập được hơn 1 năm thì UBND huyện Cái Nước có công văn về việc tăng cường công tác tuyên truyền không cho người dân nuôi sò huyết trên các tuyến sông gây mất an toàn giao thông thuộc địa bàn huyện Cái Nước. Gia đình ông Liêm muốn huỷ hợp đồng với ông Phố, lấy lại phần đất đã cho thuê không nuôi sò huyết nữa theo tinh thần công văn của UBND huyện và chấp nhận bồi hoàn hợp đồng. Tuy nhiên, phía ông Phố không đồng ý.

Vậy là sự vụ nhùng nhằng kéo dài làm mất tình làng nghĩa xóm. UBND huyện Cái Nước chỉ đạo UBND xã Đông Hưng tổ chức hoà giải, nhưng sau nhiều lần vẫn không đạt được sự thống nhất.

Đó là những hệ luỵ đang diễn ra từ việc tự phát nuôi sò, ươm sò huyết ven sông cũng như nuôi một số loài nhuyễn khác tại khu vực bãi bồi, ven biển. Đã đến lúc cần có một quy hoạch thật cụ thể, chi tiết và đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng như có những chế tài liên quan đến các hoạt động này.

Khi được hỏi về các phương án dân sinh cho xã Phú Mỹ, nơi có khoảng 60 hộ chủ yếu sống bám vào đầm Thị Tường khi đề án quy hoạch lại khu vực này được triển khai, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trần Minh Huyện cho hay: “Huyện đã đề xuất phương án đảm bảo dân sinh và lợi ích hài hoà trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Trong khi đó, đơn vị tư vấn không đặt nặng vấn đề này”.

Như vậy, có thể thấy việc quy hoạch và quản lý quy hoạch hoạt động nuôi, ươm sò huyết ven sông, ven biển như Quyết định số 242/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi thuỷ hải sản trên biển và hải đảo tỉnh Cà Mau đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 hiện vẫn là bài toán khó tìm lời giải./.

Những thông tin liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Cà Mau sẽ tiếp tục cập nhật.

Cẩn trọng với các bệnh truyền nhiễm trên nhuyễn thể

Đó là ý kiến của Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu thuỷ sản Nam Sông Hậu, thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II.

Theo ông Tuấn, bãi nghêu khi hình thành cần phải hội tụ đủ điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Ở nước ta, nghêu phân bố rộng khắp ở các vùng biển, bãi bồi, đặc biệt ở ven biển từ Bến Tre đến Cà Mau vì nơi đây có nguồn thức ăn dồi dào.

Đã qua, việc nuôi và ươm nghêu, cho nghêu sinh sản thành công đã đẩy mạnh diện tích nuôi, quy mô và vùng nuôi.

Cũng như các vùng khác, bãi nghêu ở Cà Mau hình thành trên cơ sở các yếu tố thuận lợi của điều kiện tự nhiên, địa hình, thời tiết và dòng thuỷ lưu. Từ việc thành công của nuôi nghêu, sò, bà con đã mạnh dạn mở rộng mô hình ươm, nuôi không theo quy hoạch.

Nói về vấn đề này, trước hết cần quan tâm đến mục đích của người dân. Đó là họ làm để phục vụ nhu cầu đời sống của họ. Họ có công việc làm và thu nhập, vì thế buộc họ phải làm. Cần phải công nhận rằng, người dân rất hay trong việc đã tìm ra phương pháp đảm bảo ươm nghêu giống và nuôi nghêu thịt sẵn sàng cung ứng cho thị trường.

Tuy nhiên, quá trình vận hành các mô hình nuôi này, người dân tiến hành đăng, ví lưới mành quanh khu vực ven sông, ven biển đã làm ảnh hưởng mạnh đến dòng chảy, thuỷ triều, hạn chế việc đi lại của giao thông đường thuỷ, tạo sự bồi lắng làm sông mau cạn.

Ngoài ra, việc nuôi tôm quanh các vùng nuôi nhuyễn thể tự phát cũng bị ảnh hưởng từ các nguồn nước kém lưu thông, thời gian lấy nước và xả nước kéo dài.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây, con nghêu và các loài nhuyễn thể nói chung là vật chủ của một số loại bệnh gây lây nhiễm cho tôm như ký sinh trùng và vi khuẩn đường ruột trên tôm nuôi.

Khi bãi nghêu, bãi nhuyễn thể đủ lớn sẽ có tình trạng giảm bớt phù sa trong nước do tập tính lọc của nhuyễn thể. Như thế sẽ làm ảnh hưởng lớn đến phù sa, phù du theo nước để nuôi loài khác. Do đó, rất cần thiết nghiên cứu về chính sách hài hoà giữa quy hoạch nuôi và đảm bảo đời sống, việc làm, nhu cầu của Nhân dân khu vực.

Đưa dân nghèo vào khai thác HTX nghêu và vùng thực nghiệm nuôi sò huyết

Đó là trăn trở của Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trần Minh Huyện và Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Võ Công Trường.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, khu vực thực nghiệm nuôi sò huyết 400 ha sẽ được hợp tác với các doanh nghiệp và nhân dân trong vùng.

Theo phương án mới này, vườn sẽ giao cho doanh nghiệp rồi doanh nghiệp chừa lại khoảng 30% diện tích cho người dân. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ đầu tư giống, mành… cho hộ dân, các hộ dân này sẽ cùng quản lý khai thác với doanh nghiệp theo hình thức ăn chia 30, 70% lợi nhuận. Phần diện tích đất còn lại, vườn sẽ có phương án giao cho UBND 3 xã: Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân; Lâm Hải, huyện Năm Căn và Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển lựa chọn người dân có hoàn cảnh khó khăn tham gia khai thác.

Ông Võ Công Trường cho hay, năm nay HTX nuôi nghêu Đất Mũi sẽ có phương án dành 74 ha trong phần điện tích của HTX để những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vào khai thác, nuôi nghêu. Hiện Đất Mũi có 7% hộ nghèo và cận nghèo. Nếu phương án này thực hiện thì người dân cũng như chính quyền các cấp sẽ có điều kiện thuận lợi nhất để giảm khó khăn trong bài toán giảm nghèo bền vững và an cư cho vùng di dân tự do.

Ông Trần Minh Huyện đề xuất, sau rà soát lại tình hình nuôi nghêu, sò của người dân do tự phát, tỉnh cần có phương án quy hoạch chi tiết, cụ thể từng vùng nuôi, loài nuôi hoặc có kế hoạch cụ thể để thực hiện quy hoạch. Ví như cho phép nuôi sò huyết vùng nào, ở địa bàn nào của huyện và ngược lại để công tác quản lý được đảm bảo.

Tuy nhiên, điều ông Huyện quan tâm nhất vẫn là liệu cách sinh kế đảm bảo cho cư dân ở đầm Thị Tường? Ông trăn trở: “Quy hoạch đầm Thị Tường có nhiều giải pháp, nhưng căn cơ nhất là chưa thể di dời dân ra khỏi đầm mà cần sắp xếp lại dân cư. Đối với những hộ sống trên đầm, phải có hướng chuyển lên bờ gắn với khai thác và bảo tồn nguồn lợi của đầm như đề án. Đồng thời, làm như thế sẽ gắn trách nhiệm và quyền lợi của họ, công tác quản lý và vận động người dân thực hiện các chủ trương, đề án sẽ thuận lợi hơn”./.

Bài 1: Dự án hỗ trợ sinh kế vắng bóng... "hộ nghèo"

Bài 2: "Thất thủ" trước tình trạng bao ví đầm Thị Tường

Điều tra của Phong Phú - Nguyễn Phú 

Khát vọng làm giàu từ biển

Với nhiều công trình, dự án, giải pháp đã và đang được triển khai nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển, mục tiêu xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững trong vùng và của cả nước vào năm 2030 dần trở thành hiện thực.

Nhân đôi thế mạnh

Nhìn tổng thể, bức tranh kinh tế của Bạc Liêu có sự tương đồng với Cà Mau về tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì thế, việc hợp nhất 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau mở ra nhiều kỳ vọng phát triển bứt phá cho vùng đất cuối trời Tổ quốc, khi nguồn lực được tập trung, khai thác và phát huy.

Thuỷ sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn

Với vị trí địa lý đặc thù là vùng đất cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau sở hữu bờ biển dài, nhiều cửa sông lớn thông ra biển, mở ra tiềm năng to lớn cho nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Ðặc biệt, sau hợp nhất giữa 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu sẽ tạo không gian phát triển kinh tế thuỷ sản rộng lớn.

Quyết tâm đạt tăng trưởng GRDP sau hợp nhất tỉnh

“Đây là một nhiệm vụ rất khó, phải tập trung hết sức lực để tạo khí thế mới, niềm tin mới sau hợp nhất tỉnh. Việc thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng là tiêu chí đánh giá cán bộ năm 2025, đặc biệt là người đứng đầu”. Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hồ Hải đã nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Phấn đấu tăng trưởng GRDP tỉnh Cà Mau năm 2025 đạt 8% trở lên”, diễn ra vào sáng 27/6.

Lực lượng xung kích trong truyền thông chính sách

Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh cho người dân, truyền thông chính sách giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, báo chí chính là lực lượng xung kích, không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền mà còn đồng hành, phản biện và giám sát quá trình thực thi chính sách, pháp luật. Tại tỉnh Cà Mau, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và báo chí địa phương đã minh chứng rõ nét cho vai trò này.

Tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế tỉnh Cà Mau đã chuyển biến tích cực, góp phần đưa nền kinh tế tỉnh vượt qua được những khó khăn, thách thức trước những biến động chưa từng có của bối cảnh trong nước và quốc tế.

Ðổi mới để sản xuất hiệu quả

Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh, với hơn 62.000 ha, tuy nhiên, nhiều yếu tố tác động đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vì vậy, thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện tích cực đổi mới để sản xuất đạt hiệu quả. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, đã và đang được huyện nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Người bạn tin cậy phát triển

 “Báo chí là một kênh quảng bá, giới thiệu uy tín, tin cậy, có sức lan toả lớn đối với doanh nghiệp (DN). Báo chí trở thành diễn đàn, cầu nối để cộng đồng DN gởi gắm tâm tư, tình cảm, kiến nghị, đề xuất cho sự ổn định, phát triển. Báo chí góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh, tạo ra sự liên kết, cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, góp phần xây dựng một cộng đồng DN Cà Mau ngày càng lớn mạnh”, ông Lê Hoàng Phước, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, khẳng định.

Để hoạt động hợp tác xã đúng và tốt hơn

Sáng 23/6, Liên minh HTX tỉnh kết hợp với Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ hợp tác xã (HTX) miền Nam tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ kinh tế tập thể, HTX năm 2025.

Ðồng hành cùng nông thôn

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang tạo nên những đổi thay mạnh mẽ, tích cực ở nhiều địa phương. Để đạt được những thành tựu đó, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, có vai trò quan trọng của báo chí trong tuyên truyền, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM đi đúng hướng và đạt hiệu quả tích cực.