Năm nay là năm đầu tiên gia đình ông Lâm Thanh Bình (Tổ trưởng Tổ Hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm Thanh Bình) ấp Bào Hầm, xã Quách Văn Phẩm đón Tết trong căn nhà mới, khang trang, trị giá gần 1 tỷ đồng.
Năm nay là năm đầu tiên gia đình ông Lâm Thanh Bình (Tổ trưởng Tổ Hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm Thanh Bình) ấp Bào Hầm, xã Quách Văn Phẩm đón Tết trong căn nhà mới, khang trang, trị giá gần 1 tỷ đồng.
Ông Bình bộc bạch: “Có được cuộc sống như hôm nay tất cả đều nhờ vào con sò huyết. 3 năm liền, gia đình tôi đều thả nuôi sò huyết xen canh, tôm, cua, sò đều trúng, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng, tích góp dần mới có được nhà cửa khang trang”.
Nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm đang được nhiều hộ dân ở xã Quách Văn Phẩm thực hiện vì lợi nhuận khá cao, giúp nhiều hộ đất ít phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.
Ông Phan Văn Tiếp ở ấp Lung Trường, xã Quách Văn Phẩm thu hoạch sò huyết thương phẩm. |
Với kinh nghiệm của mình, ông Phan Văn Tiếp (ấp Lung Trường, xã Quách Văn Phẩm) dành 1 ha đất nuôi sò huyết xen canh. Bình quân, mỗi năm, ông thả hơn 2 tấn sò giống, sau 8 tháng là thu hoạch. Năm 2015, gia đình ông thu hoạch hơn 4 tấn sò thương phẩm, thu lãi hơn 200 triệu đồng.
“Sò huyết rất dễ nuôi, ít bị bệnh, không cần cho ăn, rất phù hợp với vùng đất nhiều phù sa. Đặc biệt, khi thả nuôi sò huyết, nước trong vuông rất tốt, tôm ít bị bệnh, trung bình mỗi tấn cho lãi 100 triệu đồng. Riêng cua cho thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng. Với mô hình đa con, gia đình tôi thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm”, ông Tiếp phấn khởi tính toán.
Không chỉ nuôi nhỏ lẻ, năm 2013, tại ấp Bào Hầm, Tổ Hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm Thanh Bình được thành lập với 26 thành viên, diện tích nuôi 28,8 ha. Trong đó, hộ có diện tích nuôi nhiều nhất là 3,5 ha, hộ ít nhất là 0,5 ha. Điều đáng phấn khởi là vụ mùa 2015 tất cả tổ viên đều đạt hiệu quả cao. Theo tính toán của bà con, bình quân 1 ha sò nuôi thưa 7-9 tháng cho thu hoạch, lãi khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, từ đầu năm 2013 đến nay, tổ hợp tác còn cung cấp gần 10 tấn sò giống cho bà con trong vùng.
Xây dựng căn nhà trị giá gần 1 tỷ đồng của ông Lâm Thanh Bình nhờ nuôi sò huyết. |
Đến nay trên địa bàn xã Quách Văn Phẩm có hàng trăm hộ nuôi xen canh với diện tích hơn 1.700 ha, tập trung nhiều ở các ấp Ngã Oát, Bào Hầm, Lung Trường và Xóm Mới. Phó Chủ tịch UBND xã Quách Văn Phẩm Nguyễn Trọng Linh cho biết: “Xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động Nhân dân nuôi đại trà sò huyết thương phẩm để nâng cao đời sống, nhất là những hộ nghèo, ít đất sản xuất”.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi Nguyễn Quốc Thống cho biết: “Huyện Đầm Dơi có nhiều cửa biển, lượng phù sa nhiều rất phù hợp cho sò huyết phát triển. Khi thu lợi từ con tôm bấp bênh bởi dịch bệnh, sò thương phẩm lại có giá nên nhiều người dân ở các xã: Quách Văn Phẩm, Thanh Tùng, Nguyễn Huân, Tân Đức và dọc theo tuyến sông Gành Hào đã mạnh dạn nuôi sò trong vuông tôm. Đặc biệt, 2 xã Quách Văn Phẩm và Thanh Tùng đã thành lập được 2 tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm với diện tích hơn 55 ha, bình quân mỗi năm cho thu hoạch hơn 576 tấn, thu lãi hơn 3 tỷ đồng”./.
Bài và ảnh: Trần Chiến