Cuối năm 2012, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn được nâng cấp lên đô thị loại IV. 3 năm sau (cuối năm 2015), huyện Năm Căn đã hoàn thành 9/9 tiêu chuẩn xây dựng thị xã Năm Căn.
Cuối năm 2012, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn được nâng cấp lên đô thị loại IV. 3 năm sau (cuối năm 2015), huyện Năm Căn đã hoàn thành 9/9 tiêu chuẩn xây dựng thị xã Năm Căn.
Thành quả trên là điều kiện để Đảng bộ và Nhân dân huyện Năm Căn tiếp tục nỗ lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhanh chóng trở thành thị xã theo Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra trong nhiệm kỳ mới.
Hoàn thiện hạ tầng đô thị và nông thôn
Năm 2015, huyện Năm Căn đầu tư trên 370 tỷ đồng thực hiện nhiều hạng mục công trình để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Trong đó, hạ tầng đô thị được đặc biệt quan tâm; việc mở rộng các tuyến lộ, vỉa hè, cảnh quan môi trường được đẩy mạnh thực hiện…, tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Một góc thị trấn Năm Căn. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Bà Tô Mỹ Suốt, khóm 7, thị trấn Năm Căn, phấn khởi chia sẻ: “Sống ở thị trấn Năm Căn trên 20 năm, nhưng từ khi thị trấn được công nhận đô thị loại IV (năm 2012), đặc biệt là trong năm 2015, nhiều tuyến đường mở rộng làm cho bà con phấn khởi rất nhiều. Lộ mở rộng đến đâu bà con sẵn sàng hiến đất làm vỉa hè, cây xanh trồng đến nhà ai thì nhà nấy chăm sóc… Ai cũng hiểu rằng làm lộ để dân đi, để phát triển kinh tế và phát triển quê hương”.
Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn Võ Văn Hành cho biết: “Trong năm 2015, với vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng, riêng địa bàn thị trấn Năm Căn đã mở rộng 17 tuyến lộ, trong đó có làm vỉa hè, lát gạch, trồng cây xanh… Ngoài ra, một số hạng mục công trình cấp thoát nước, điện chiếu sáng cũng được đầu tư xây dựng”.
Kết cấu hạ tầng phát triển đã thu hút nhiều nhà đầu tư vào các loại hình thương mại, dịch vụ, toàn huyện hiện có 2.560 công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tổng nguồn vốn trên 230 tỷ đồng, tạo nên nền kinh tế phát triển năng động.
Không chỉ tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị, năm qua, huyện Năm Căn rất quan tâm phát triển hạ tầng giao thông về các xã. Với kinh phí hơn 20 tỷ đồng, trên 27.000 m lộ nông thôn đạt tiêu chuẩn quốc gia về nông thôn mới đã được xây dựng. Giao thông phát triển đã góp phần cho 2 xã Hàm Rồng và Hàng Vịnh phát triển toàn diện và đạt chuẩn nông thôn mới. Theo lộ trình từ năm 2016 đến năm 2020, mỗi năm, huyện Năm Căn có ít nhất 1-2 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Năm Căn Nguyễn Phương Đông chia sẻ: “Trong năm qua, dù nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn, sản lượng tôm nguyên liệu, doanh số xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng chính hạ tầng phát triển đã kéo theo các loại hình thương mại - dịch vụ đầu tư mạnh vào Năm Căn, từ đó vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp trên 30%, công nghiệp - xây dựng gần 48%, dịch vụ - thương mại trên 22%. Nhờ nhiều lĩnh vực phát triển cộng hưởng mà huyện Năm Căn đã hoàn thành 9/9 tiêu chuẩn xây dựng thị xã Năm Căn, đây là nền tảng để Năm Căn phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới 2015-2020".
Xây dựng nền sản xuất bền vững
Song song với việc hoàn thiện hạ tầng, Năm Căn đang ráo riết thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp để hướng đến nền sản xuất bền vững. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản hiện có của huyện là 25.696 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp 353 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến 2.516 ha, nuôi tôm sinh thái 5.000 ha. Năm 2015, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 33.645 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 31.164 tấn.
Quốc lộ 1 nối trung tâm huyện Năm Căn tạo tuyến huyết mạch, thúc đẩy kinh tế, văn hoá - xã hội địa phương phát triển. Ảnh: MINH TẤN |
Huyện Năm Căn khuyến khích phát triển nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - rừng, tôm sinh thái, nuôi trồng kết hợp các loại cây, con thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất. Theo đó, huyện thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến, trồng rau màu... giúp người dân sản xuất có hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, làm tăng hiệu quả sử dụng đất, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân như: Nuôi tôm, cua, sò huyết, vọp kết hợp; nuôi tôm nước tĩnh; đa cây, đa con... Trong thời gian tới, huyện Năm Căn sẽ tuyên truyền nhân rộng các mô hình hiệu quả này để người dân áp dụng.
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Năm Căn Nguyễn Phương Đông cho biết: “Là đô thị trẻ, Năm Căn sẽ còn hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Năm 2016, huyện tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch phát triển khu dân cư các khóm trên địa bàn thị trấn; mời gọi đầu tư vào trung tâm thương mại. Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận huyện đã và đang gấp rút hoàn thành, cộng với trục chính Khu Kinh tế Năm Căn được xây dựng… sẽ là bệ phóng để Năm Căn phát triển nhanh hơn”. |
Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Phan Thanh Phương cho biết, năm 2016, huyện chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất với quy mô lớn theo hình thức tập trung tạo ra các sản phẩm chất lượng cao; đồng thời, duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hoá từng vùng. Ngoài nuôi tôm với sò huyết mang lại hiệu quả kinh tế cao, thế mạnh của huyện là tôm sú và cua nuôi với hình thức sinh thái rất bền vững, Năm Căn sẽ mở rộng các loại hình nuôi này.
Ông Phan Thanh Phương cho biết thêm: “Nhằm khai thác các thế mạnh về kinh tế nông nghiệp và thuỷ sản, trong thời gian tới, huyện Năm Căn sẽ có các chính sách cụ thể như tạo quỹ đất sạch, cải cách thủ tục hành chính để kêu gọi, thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là các lĩnh vực như: sản xuất giống, nuôi trồng, sản xuất thức ăn, các loại hình dịch vụ thuỷ sản và cuối cùng là khâu chế biến xuất khẩu.
Kết cấu hạ tầng đô thị hoàn thiện, các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển cùng với việc ổn định sản xuất theo hướng tập trung, bền vững sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Năm Căn bứt phá vươn lên, nhanh chóng trở thành thị xã trong thời gian sớm nhất./.
Ngọc Kim