ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 18:28:34
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bến tập kết, bến lòng dân - Bài 2: Chuyện “cây vú sữa miền Nam” của má Sảnh

Báo Cà Mau Chuyện má Lê Thị Sảnh gửi biếu Bác Hồ cây vú sữa, được Bác chăm sóc, nâng niu và cây vú sữa trở thành biểu tượng thiêng liêng của tấm lòng đồng bào miền Nam với Bác và tấm lòng của Bác với đồng bào miền Nam, giờ ai cũng biết. Ðể hiểu rõ hơn câu chuyện này, chúng tôi tìm về nhà má Lê Thị Sảnh, Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình và thu thập thêm được một số thông tin.

Ghi nhận công trạng sau mấy chục năm

Nhà má Sảnh nằm ven kênh xáng Chắc Băng, cặp Quốc lộ 63. Bên kia lộ là phần đất gia đình, bia kỷ niệm với bức phù điêu Bác Hồ tưới cây vú sữa tạo điểm nhấn cho quang cảnh; phía trong là phần mộ của má và chồng con.

Ông Lê Thanh Hùng (54 tuổi), là cháu nội, hiện đang thờ cúng má Lê Thị Sảnh, thông tin: “Bà nội tôi mất năm 1986, thọ 83 tuổi. Lúc còn nhỏ, có lần tôi nghe bà nói: “Hồi tập kết, nội có gửi biếu Cụ Hồ cây vú sữa, không biết Cụ Hồ có nhận được không”. Khi bà nội tôi mất, vẫn chưa có ai biết gì về chuyện bà biếu cây vú sữa cho Bác. Về sau mới có người xuống truy tầm nguồn gốc cây vú sữa này. Nghe nói họ cũng mất nhiều thời gian đi tầm nhiều chỗ, trong đó có Bến Tre, nhưng đều không phải. Lúc họ tới, có rước bác Ba Phận (Nguyễn Văn Phận), nhà xéo bên sông, qua. Tại đây, bác Ba đã thuật lại chuyện hồi tập kết bà nội gửi tặng cây vú sữa cho Bác Hồ như thế nào.

Bác Ba kể, khi đó bác làm Tổ trưởng Tổ Ðảng của Ấp 10, xã Trí Phải. Tại buổi lễ mít tinh tiễn Tiểu đoàn 307 đi tập kết, cuối chương trình, bà nội tôi lên khán đài trao cây vú sữa đựng trong cái bình tích cao, gãy vòi cho Tiểu đoàn 307, nhờ đem ra tặng Bác Hồ. Từ đó, người ta mới biết và ghi nhận công trạng bà nội tôi”.

Má Lê Thị Sảnh tiễn bộ đội đi tập kết. (Ảnh cắt từ phim tài liệu).

Ông Hùng cũng cho biết thêm, khán đài lúc đó làm ở chỗ Ranh Hạt (giáp ranh giữa Cà Mau và Kiên Giang ngày nay), cách nhà độ 300 m, cũng trên địa phận Ấp 10. Ðối chiếu năm sinh, lúc trao cây vú sữa, bà nội ông 51 tuổi. Còn khi cây vú sữa được xác minh nguồn gốc, bà nội ông mất khoảng mười mấy năm. Ông Ba Phận giờ cũng qua đời.

Trong mắt ông Hùng: “Bà nội tôi là người nhanh nhẹn, tháo vát. Cái gì bà cũng rốp rẻng, đúng là làm tới, còn chuyện sai thì bà không bênh”.

Ông Hùng cũng cho biết: “Bà nội tôi có công với cách mạng dữ lắm. Nghe kể, hồi Tiểu đoàn 307 đóng tại nhà, bà nội cho mượn 5-6 công đất làm lúa tự túc, đem về ví bồ để ăn. Nhiều lần bà bơi xuồng đem đường, sữa, trứng gà vô cứ Tám Ngàn chăm sóc bộ đội bị thương. Hồi đó tại nhà, bà nuôi chứa rất nhiều cán bộ, bộ đội. Khi mẹ tôi về làm dâu, nghe kể, bà thường xuyên cùng bà nội xay bột làm bánh cho bộ đội ăn, rồi đi tiếp tế... Có gì ngon bà nội cũng chừa cho bộ đội...”.

Chuyện bứng cây vú sữa của cô Bảy

Má Lê Thị Sảnh sinh 7 người con, khi biết người con thứ bảy là Ðỗ Thị Cư, người bứng cây vú sữa về để má Lê Thị Sảnh gửi tặng Bác Hồ, còn sống, chúng tôi hẹn sẽ sắp xếp thời gian nhờ gia đình đưa đến gặp.

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi được người anh của ông Hùng là ông Lê Văn Hà (ông Hùng cả thảy 11 anh chị em - PV) dẫn đường sang ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang để gặp cô Bảy (Ðỗ Thị Cư).

Cô Bảy năm nay đã ở tuổi 85, khi nhắc về má Sảnh, về cây vú sữa, cô hết sức xúc động, ký ức xưa lại tràn về: “Lúc đó má ra Kênh 3 họp, dặn tôi sẵn lúc đi học xuống vườn ông ngoại nuôi, là ông Năm Ðương, coi có vú sữa con bứng cho má 1 cây. Tôi xuống dưới thấy ông ngoại có 2 cây vú sữa lớn lắm, tìm được cây con cỡ 5-6 lá, tôi lấy dao bứng rồi để đó. Tan học, tôi tét lá chuối khô quấn gốc cây vú sữa lại, đem về. Con Duyên, con Tuyết, con Quỳnh, thằng Thượng, là bạn học, hỏi: “Mày bứng cây này chi vậy Cư?”; tôi nói: “Cho ba tao trồng”. Tụi nó nói: “Thôi vụt bỏ đi”; tôi nói: “Ðâu có được, má tao dặn bứng”. Vậy rồi tôi bỏ cây vô vạt áo túm lại giấu. Ðem về tới nhà, ba tôi có đan sẵn cái bội nhỏ, cây vú sữa được bỏ vô đó, để kẹt lu nước đặng ai rửa mặt, rửa tay thì tưới”.

Cô Bảy, người bứng cây vú sữa để má Sảnh gửi tặng Bác Hồ (thứ 2 từ phải sang) và các cô cựu học sinh miền Nam (hiện ở Cần Thơ) gặp nhau trong không gian thân tình và xúc động.

Chăm sóc một thời gian, cây bén rễ tươi tốt. “Hôm đó tôi đi mần, má ở nhà đi lễ mít tinh tiễn Tiểu đoàn 307 đi tập kết và đem cây vú sữa theo gửi tặng Bác Hồ. Khi làm lễ xong, má đi theo tiễn bộ đội luôn, 4 ngày sau má mới về tới nhà”, mạch hồi ức của cô Bảy được tiếp nối.

Cô Bảy cũng cho biết: “Sau này có nghe nói, cây vú sữa được bỏ trong cái bình tích da xanh, gãy vòi để đem đi. Hồi đó đâu có biết má kêu bứng cây vú sữa gửi Bác Hồ, cứ tưởng để má trồng. Trước khi má mất mấy năm, có ông Năm Tuồng ở Ðơn vị 307 hồi xưa về thăm một lần. Ổng nói, cây vú sữa má gửi đã tới tay Bác Hồ, được Bác chăm sóc, bây giờ lớn lắm. Lúc đó má rất vui”.

Cô Bảy cũng cho biết, hồi bứng cây vú sữa cô khoảng 14-15 tuổi, học trường làng, ở tại vườn nhà ông Năm Ðương, cách nhà khoảng hơn cây số, cũng trên địa bàn Ấp 10. Cô cũng cho hay, cha cô (chồng má Sảnh) là Ðỗ Văn Tố, cô ngoài lấy họ cha (Ðỗ Thị Cư), còn có tên Lê Thị Bảy (lấy họ mẹ). Lúc đó má Sảnh phải thay đổi họ tên cho anh chị em cô để dễ hoạt động giúp đỡ cách mạng.

Hỏi thêm về công trạng của má Lê Thị Sảnh, cô Bảy bảo: “Má nuôi bộ đội, cán bộ, hết tốp này tới tốp khác. Hồi còn nhỏ ở với má, tôi nấu cơm cho bộ đội ăn nám hết tay. Má làm mắm 1 năm 2-3 lu cũng để cho bộ đội. Má dỡ chà dưới sông, cá bự thì bán, còn lại là cho bộ đội ăn hết. Cho mấy nhà lận, vì hồi đó bộ đội đóng ở nhiều nhà trong xóm”.

Cô Bảy chìm trong hồi ức: “Qua năm 1955, tôi bắt đầu đi thơ. Má may lai quần bự, mình đút lá thơ vô, đi tới chỗ, giao rồi về. Tôi còn đi tiếp tế nữa, tôi nhớ má nấu cháo đổ vô chai, bỏ trong giỏ, tôi xách cần câu như đi câu rồi đem cháo cho thương binh ăn... Giai đoạn sau này hoạt động vất vả, hiểm nguy lắm, nó bắt được là chặt đầu. Má cũng hụt chết mấy lần. Lúc đó, ông Tư Quý, ông Năm Dê bị chúng chặt đầu, vợ ông Tư Quý mang bầu, má phải cưu mang, đưa đi đẻ, rồi chở con ông đi trị bệnh...”.

Rồi cô Bảy như chiêm nghiệm: “Hồi đó khổ, nguy hiểm mà sao vẫn làm, không sợ gì hết. Bởi mình tin cách mạng, tin yêu, hướng về Cụ Hồ, ai cũng muốn góp phần để mau thống nhất Bắc - Nam”.

Hôm ấy có các cựu học sinh miền Nam từ Cần Thơ xuống thăm lại những địa điểm từng ở trước khi xuống tàu đi tập kết. Biết người bứng cây vú sữa còn sống, biết chúng tôi đến đó, các cô đề nghị đi cùng.

Chủ, khách chưa lần gặp nhau mà như tự đời nào thân thiết. Cô Bảy kể chuyện bứng cây vú sữa, chuyện má Sảnh gửi cây vú sữa tặng Bác, còn các cô kể cho cô Bảy nghe về tình cảm đối với cây vú sữa, rồi mở điện thoại cho cô Bảy nhìn hình cây vú sữa ở nhà sàn Bác mà ngày xưa cô từng đi bứng. Cả khách và chủ đều xúc động, sụt sùi. Một không gian tràn ngập yêu thương, nghĩa tình và đầy hoài niệm. “Hết sức biết ơn chị, biết ơn má đã đưa cây vú sữa ra biếu Bác Hồ. Cây vú sữa như là biểu tượng của miền Nam với miền Bắc, đặc biệt là với Bác. Cây vú sữa cũng là niềm an ủi tụi em rất lớn. Cứ đến nhà sàn Bác là tụi em phải thăm cây vú sữa. Gặp cây vú sữa như gặp lại quê hương mình. Thương lắm, nhớ lắm mà cũng tự hào lắm...”, nỗi niềm cô Nguyễn Thị Minh Kính cũng là nỗi niềm chung của các cô, được tỏ bày cùng cô Bảy.

Những giọt nước mắt, những cái ôm, nụ hôn thắm thiết dành cho nhau như ruột thịt, tình thâm sau bao ngày xa cách. Cây vú sữa miền Nam của má Sảnh chính là sợi dây kết nối nghĩa tình.

Chia tay, người ở, người đi đều bùi ngùi, lưu luyến, bởi đã tuổi này chẳng ai dám chắc lại được gặp nhau. Chỉ ít phút ngắn ngủi thôi, nhưng trong lòng đã dành cho nhau thật nhiều tình cảm đẹp, mà mối duyên gắn kết ấy xuất phát từ cây vú sữa, từ nghĩa tình Nam - Bắc, từ tình cảm thiêng liêng, cao quý đối với Bác Hồ.

Sau khi cây vú sữa tặng Bác Hồ xác định chủ nhân, các ngành chức năng hỗ trợ gia đình làm báo công, năm 2010, má Lê Thị Sảnh được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, cô Bảy được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện tập kết ra Bắc 1954, tỉnh Cà Mau đã xây dựng Bia kỷ niệm Cây vú sữa miền Nam tại phần đất gia đình má Lê Thị Sảnh.

Tiến tới kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc 1954, cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cùng các ngành liên quan có chuyến khảo sát thực tế và quyết định cho trùng tu nâng cấp Bia kỷ niệm Cây vú sữa miền Nam; đồng thời trùng tu, nâng cấp khu mộ của má Sảnh, tạo thành khuôn viên di tích. Không chỉ thế, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau còn chỉ đạo, phải có kế hoạch trùng tu hằng năm.

Hiện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cà Mau đang lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Khu lưu niệm Cây vú sữa miền Nam, nơi nhà má Sảnh, là di tích cấp tỉnh.

 

Trang Thăm

Bài cuối: Tri ân lịch sử, hướng đến tương lai

 

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (16/11), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai làm trưởng đoàn đến viếng, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) và Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại lễ kỹ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 15/11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) và rà soát công tác tổ chức lễ.

“200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” 

Nhằm đánh giá toàn diện về vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong sự kiện tập kết năm 1954, chiều 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc.

Bến tập kết năm xưa

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20/7/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định, cùng với Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân (Bình Thuận) và Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh (Ðồng Tháp), thì Khu tập kết 200 ngày ở Cà Mau. Cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời là bến tập kết để đưa cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc để lao động, học tập, tạo nguồn cán bộ phục vụ cách mạng miền Nam.

Xúc cảm vẹn nguyên

Từ những ngày đầu tháng 11, cao điểm các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) được diễn ra khắp nơi trong tỉnh Cà Mau. Ðối với những người trong cuộc - chứng nhân của dấu mốc lịch sử ấy lại ùa về bao cảm xúc bồi hồi, nôn nao ngày họp mặt để sống lại hồi ức cách nay 70 năm, ngày lên tàu rời quê hương với niềm tin mãnh liệt vào con đường cách mạng mà Ðảng và Bác Hồ đã chọn.

Từ Sông Ðốc các anh đi

Vào khoảng cuối năm 1954, mấy chục căn nhà dọc theo sông Cái Bát (xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi ngày nay) đều có bộ đội đóng quân, riêng căn nhà 3 gian của tôi đủ chứa cả tiểu đội. Các anh di chuyển bằng những chiếc xuồng năm lá, từ Cần Thơ, Vĩnh Long... xuống. Chỉ ít hôm là các anh đi, về đâu tôi chẳng hề biết, chỉ để lại tình cảm quân - dân như cá với nước. Cho đến khi lớn lên, đi làm cách mạng, tôi mới biết Cà Mau là vùng tập kết 200 ngày, vậy là chắc các anh đi về Sông Ðốc để lên tàu tập kết ra Bắc.

Bác Ba Lê Duẩn và Nghị quyết 15

Năm 1954, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Cà Mau là điểm tập kết lớn nhất Nam Bộ với 200 ngày và Sông Ðốc là bến tiễn đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Sông Đốc sẵn sàng cho sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc (1954-2024)

Chỉ còn 2 ngày nữa tại thị trấn Sông Đốc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sẽ diễn ra lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024). Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, ghi nhớ sự kiện các chuyến tàu chở hàng trăm ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam.

Nói chuyện chuyên đề vai trò phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc

Sáng nay (14/11), Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Cà Mau tổ chức buổi chuyên đề Vai trò đóng góp của phụ nữ trong sự kiện tập kết ra Bắc và hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024, tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình. 

Lịch sử vọng vang

Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Ðông Dương được ký kết (20/7/1954), Cà Mau được chọn là 1 trong 3 khu vực tập kết, chuyển quân của lực lượng cách mạng ở Nam Bộ với thời hạn 200 ngày. Sau 70 năm, với độ lùi của thời gian, sự kiện tập kết ở Cà Mau đã được đánh giá, khẳng định ngày càng toàn diện, thấu đáo về tầm vóc, ý nghĩa, vai trò hết sức đặc biệt trong tiến trình lịch sử cách mạng của địa phương, Nam Bộ và đất nước.