(CMO) Bước qua năm 2021 đầy khó khăn khi mọi hoạt động xã hội đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Song, đây cũng là cơ hội để công tác cải cách hành chính tỉnh có những bước tiến quan trọng, thích nghi với tình hình mới, đẩy nhanh hơn lộ trình số hoá trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC (Trung tâm), phấn khởi: “Trong năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến việc giao dịch cũng như giải quyết TTHC cho các cá nhân, đơn vị. Song, cũng chính trong giai đoạn này, với những quy định hạn chế giao dịch, tiếp xúc, người dân, doanh nghiệp dần làm quen với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận hồ sơ trực tuyến. Ðiều mà trước đây vẫn chưa thể thực hiện do chưa thay đổi được thói quen của người dân”.
Nhiều dịch vụ, ứng dụng được vận hành, tiện lợi cho người dân trong giao dịch giải quyết TTHC. |
Thay đổi thói quen giao dịch
Ðúng 9 giờ 30 phút, ông Nguyễn Văn Toàn, Phường 6, TP Cà Mau, có mặt tại Trung tâm để làm hồ sơ tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo giờ đã đặt hẹn trước. Ðây là một trong những hình thức giao dịch được Trung tâm vận hành sau khi tình hình dịch bệnh xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Trước đây, muốn làm TTHC thì đến đây bắt số ngồi chờ tới lượt mình, mất khá nhiều thời gian nếu như khách đông, mà nguy cơ dịch bệnh cao. Sau này, khi được tiếp cận với hình thức này, thấy rất tiện lợi cho người dân đến giao dịch. Trả kết quả lại đến tận nhà qua các dịch vụ bưu chính, các TTHC đều được liên thông. Với những thủ tục đơn giản, chỉ cần ngồi ở nhà nộp hồ sơ trực tuyến. Cần giải đáp thắc mắc hồ sơ thì có tổng đài dịch vụ công hỗ trợ. Mọi thứ đang dần trở nên rất tiện lợi và hiện đại”.
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên các nền tảng ZOA (Zalo Official Account) của Trung tâm, người dùng có thể tra cứu và nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu trạng thái hồ sơ thông qua quét mã QR Code hoặc mã hồ sơ; đánh giá chất lượng phục vụ của cá nhân, tổ chức đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ tiếp nhận và trả kết quả; tiếp nhận các tin tức nổi bật, thông báo khẩn cấp, thông tin cần biết, các chủ trương, chính sách mới, các số liệu, báo cáo, thống kê, tuyên truyền về DVCTT, thanh toán trực tuyến, phòng chống Covid...
Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giao dịch, Trung tâm đã tích hợp công khai 346/346 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (đạt tỷ lệ 100% tổng số DVCTT của tỉnh) xếp thứ 53/63 tỉnh, thành toàn quốc về số lượng dịch vụ công đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Ngoài ra, trong năm, 1.932 TTHC của các sở, ban, ngành, địa phương đã được đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia về Cổng Dịch vụ công tỉnh, trong đó cấp tỉnh 1.482, cấp huyện 301, cấp xã 149; thực hiện số hoá 1.932 quy trình điện tử giải quyết TTHC của toàn tỉnh lên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh, trong đó cấp tỉnh 1.482, cấp huyện 301, cấp xã 149. Ðồng thời, triển khai có hiệu quả mô hình tiếp nhận và giải quyết TTHC theo phương thức 4 tại chỗ “Tiếp nhận - Thẩm định - Phê duyệt - Trả kết quả tại chỗ”.
Nhiều dịch vụ tiện ích được vận hành
Ðể kiểm soát chất lượng giải quyết TTHC, các cơ quan, đơn vị bắt buộc đính kèm văn bản nêu rõ lý do trả hồ sơ không giải quyết, trả bổ sung, đính kèm kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử. Phối hợp với các đơn vị liên quan kết nối Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công và Cổng Thanh toán Quốc gia; đăng ký, kiểm thử, công bố các dịch vụ công mức độ cao của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có thêm địa chỉ nộp hồ sơ và thanh toán phí/lệ phí giải quyết TTHC trực tuyến.
Không những vậy, để phục vụ quản lý, giám sát chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh đối với lĩnh vực hành chính công, đã triển khai tích hợp dịch vụ hành chính công của tỉnh từ Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh cho Trung tâm điều hành Hệ thống thông tin quản lý điều hành chính của Chính phủ về TTHC.
Ông Hồ Chí Linh đánh giá: “Có thể nói, trong năm qua, có rất nhiều dịch vụ, ứng dụng được triển khai thực hiện nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh cũng như số hoá trong giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị ngày càng được cải thiện. Nhờ vậy, luôn nhận được sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện giao dịch giải quyết hồ sơ TTHC tại Trung tâm cũng như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh”.
Trên nền tảng kết quả đạt được, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục xây dựng lộ trình mới, hứa hẹn tạo ra những bứt phá mới. Trong đó, triển khai các TTHC đủ điều kiện triển khai DVCTT mức độ 4, thanh toán không dùng tiền mặt theo yêu cầu của Chính phủ đạt hiệu quả cao. Các chương trình, giải pháp công nghệ, các tổ lưu động hỗ trợ TTHC sẽ thực hiện để đáp ứng nhu cầu giải quyết hồ sơ và nộp hồ sơ trực tuyến của người dân/doanh nghiệp ngày càng thuận lợi, tiện dụng.
Áp dụng mã thanh toán QR Code trên phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả, phiếu thu phí, lệ phí giải quyết TTHC tại Trung tâm và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Triển khai phương thức thanh toán phí, lệ phí giải quyết TTHC trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Thanh toán Quốc gia đối với toàn bộ các dịch vụ công mức độ 1,2,3,4.
Ngoài ra, triển khai quy trình số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả TTHC tại Trung tâm và bộ phận một cửa các cấp. Ðồng thời, nghiên cứu thực hiện thí điểm mô hình đội hình tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Ðồng thời, thiết lập và cấu trúc Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin về giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu tích hợp, kết nối với Hệ thống thông tin điều hành của Chính phủ về TTHC, đáp ứng yêu cầu về xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hoá hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp./.
Hồng Nhung