30 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn trên 6.629 tỷ đồng cho thấy hoạt động thu hút đầu tư đã thật sự tạo được bước đột phá vượt bậc trong năm 2016.
So với năm 2015, số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2016 tăng 11 dự án. Tổng vốn cũng tăng hơn 4.663 tỷ đồng so năm trước. Ðiều này khẳng định, những nỗ lực cũng như các giải pháp thu hút đầu tư của tỉnh đã đi đúng hướng.
Ðiểm nhấn về hạ tầng giao thông
Trong số hàng loạt các giải pháp để thu hút đầu tư đã được triển khai thời gian qua, từng bước kiện toàn hạ tầng giao thông được xem là điểm nhấn. Các tuyến đường ô-tô đến trung tâm huyện, trung tâm xã, cụm kinh tế, khu di tích lịch sử... liên tục được khánh thành đưa vào sử dụng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.
Ðường Hồ Chí Minh đã nối liền đường bộ về đến chót mũi Cà Mau. Ảnh: T.Q |
Những ngày đầu năm 2016, người dân xã Ðất Mũi nức lòng khi xã chót cùng Tổ quốc có đường ô-tô về tới trung tâm. Theo đó, nâng tổng số xã có đường ô-tô về tới trung tâm trong toàn tỉnh là 78/82 xã.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 119,3 km quốc lộ, 307 km đường tỉnh, trên 754 km đường huyện được nhựa hoá và gần 4.926 km đường nông thôn với kết cấu mặt đường bê-tông; 114,7 km đường đô thị với kết cấu mặt đường thảm bê-tông và láng nhựa…
Giao thương thuận tiện không chỉ tạo ra một cái nhìn mới cho nhà đầu tư đối với vùng đất nhiều tiềm năng như Cà Mau mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một đi lên.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Bình, cho biết: "Từ khi có đoạn đường ô-tô từ kinh xáng Láng Trâm về tới trung tâm xã (năm 2015), ngày càng nhiều cơ sở kinh doanh mọc lên, tạo một diện mạo hoàn toàn mới cho địa phương".
Tổ hợp Khách sạn Mường Thanh là một trong những công trình quy mô được đầu tư vào Cà Mau gần đây. Ảnh: T.Q |
"Cầu Ðầm Cùng, cầu Gành Hào 2, cầu Năm Căn, cầu Kinh Tắc, cầu Phụng Hiệp, cầu Hoà Trung II, tuyến đường Quản Lộ Phụng Hiệp đoạn qua địa phận tỉnh, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Ðất Mũi, đường hành lang ven biển phía Nam… hay cầu Hai Mai, cầu Kinh 21, cầu Rạch Ruộng Nhỏ, cầu Kinh Mới, cầu Kinh 90, đoạn đường từ Cái Nước - Vàm Ðình, đường Tắc Thủ - U Minh, đường Thới Bình - U Minh... Ðó là hàng loạt những công trình trọng điểm thời gian qua được đưa vào sử dụng, làm cho mạng lưới giao thông của tỉnh ngày một liền mạch, thông suốt”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau Lê Thành Huấn nhận định.
Mục tiêu tỉnh đề ra từ nay đến năm 2020 là tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành 1.800 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí thực hiện khoảng 5.000 tỷ đồng. Ông Lê Thành Huấn cho rằng, đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Ðể hoàn thành mục tiêu này, các giải pháp mà tỉnh tập trung là tranh thủ với Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng một số dự án có ý nghĩa quan trọng với địa phương. Ðồng thời, sẽ tiến hành lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ có trọng tâm, cũng như huy động đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của Nhân dân và các nguồn khác.
Tạo cú hích thu hút đầu tư
Cuối tháng 9/2016, Dự án Nhà máy Ðiện gió Khu Du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 chính thức khởi công. Ðây là một dự án quan trọng trong nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua cũng như có ý nghĩa sâu sắc trong thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong tương lai khi hoàn thành, đưa vào hoạt động.
Dự án Nhà máy Ðiện gió Khu Du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 là 1 trong 10 dự án điện gió được tỉnh mời gọi đầu tư trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với tổng kinh phí khoảng 85.729 tỷ đồng, đã được Bộ Công thương phê duyệt. Nhà máy xây dựng trên diện tích khoảng 2.185 ha gồm mặt biển, thềm lục địa. Theo đó, nhà máy có 50 turbine với tổng công suất 100 MW và vốn đầu tư trước thuế đã được thẩm tra là 5.519 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ cung cấp 280 triệu kWh/năm cho lưới điện quốc gia, góp phần thay đổi diện mạo vùng Ðất Mũi - Cà Mau.
Là đơn vị tiên phong trong đầu tư xây dựng Nhà máy Ðiện gió Khu Du lịch Khai Long - Cà Mau, ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, cho biết, công ty quyết tâm thực hiện thành công dự án quan trọng này đúng với thời gian dự kiến 36 tháng với công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Không chỉ hoàn thành đúng tiến độ mà công ty cam kết xây dựng dự án với chất lượng cao nhất, đáp ứng sự kỳ vọng của Nhà nước và Nhân dân trong tỉnh, nhằm tạo ra bước ngoặt tăng trưởng mới của ngành công nghiệp và lĩnh vực du lịch trong tương lai gần.
Khu Du lịch Khai Long hứa hẹn sẽ trở thành khu công nghiệp không khói nổi bật của vùng ÐBSCL. Ảnh: T.Q |
Dự án Nhà máy Ðiện gió Khu Du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 là một trong những dự án tiêu biểu nhất trong tổng số 30 dự án mà tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm qua. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau Mai Hữu Chinh cho biết, mặc dù trong điều kiện kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh năm qua đạt được nhiều kết quả khả quan.
Từ bứt phá vượt bậc trong năm 2016 đã nâng con số giấy chứng nhận đầu tư toàn tỉnh được cấp đến nay lên 205 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 83.000 tỷ đồng. Ðó là chưa kể đến những dự án có quy mô lớn của Trung ương trên địa bàn như: đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với mức kinh phí đầu tư 14.000 tỷ đồng; Nhà máy Ðiện 13.000 tỷ đồng; Nhà máy Xử lý Khí 4.700 tỷ đồng và 5 dự án FDI với trị giá 11 triệu USD.
Ông Chinh cho biết thêm, giai đoạn 2015-2020, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào 4 khu công nghiệp: Khánh An, Sông Ðốc, Hoà Trung và Năm Căn. Giải pháp vẫn tiếp tục được đẩy mạnh là huy động mọi nguồn lực để kiện toàn hệ thống kết cấu hạ tầng./.
Nguyễn Phú