ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 3-5-25 14:27:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cà Mau hướng tới “thủ phủ” năng lượng xanh - Bài cuối: Chìa khoá đến Net zero

Báo Cà Mau Tận dụng nguồn năng lượng “trời ban” để tạo ra năng lượng xanh, tích hợp vào quy trình sản xuất sạch không chỉ giúp tối ưu chi phí mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế. Quan trọng hơn, đây là bước đi chiến lược hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), xu hướng tất yếu trong nền kinh tế bền vững. Tại Cà Mau, nhiều doanh nghiệp đang chủ động đón đầu xu thế này, từng bước chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường và kiến tạo giá trị phát triển dài hạn.

Biến tiềm năng thành giá trị kinh tế bền vững

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thuỷ sản vẫn loay hoay với bài toán chi phí và năng lượng, ông Bùi Kim Luyến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ giống thuỷ sản Thảo Nguyên, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, đã chọn một hướng đi táo bạo. Năm 2000, ông Luyến đầu tư gần 23 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho toàn bộ cơ sở sản xuất rộng 14.000 m². Với quy mô 20 trại sản xuất tôm giống, tổng cộng 320 bể nuôi và 5 trại nuôi vỗ tôm bố mẹ, hệ thống hiện đại này giúp công ty cung cấp tối đa 2 tỷ con giống/năm, đạt chuẩn EU Organic cho tôm sú và BAP cho tôm thẻ, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

“Lúc đầu tôi cũng đắn đo lắm, vì số tiền đầu tư khá lớn. Nhưng giờ thì tôi thấy quyết định của mình là đúng đắn, vì mô hình phát triển kinh tế xanh, bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn giảm phát thải CO₂, bảo vệ môi trường, giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia”, ông Luyến chia sẻ. Chỉ riêng tiền điện, mỗi tháng công ty đã tiết kiệm được 50% (tiết kiệm khoảng 20-30 triệu đồng/tháng). Chưa hết, lượng điện dư thừa còn được bán lại, trung bình 1.750 kWh/tháng, mang về khoảng 450 triệu đồng/tháng. Khoản thu này không chỉ giúp công ty vận hành ổn định mà còn tạo thêm nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng con giống.

Ông Bùi Kim Luyến đầu tư gần 23 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời cho toàn bộ cơ sở sản xuất rộng 14.000 m² từ năm 2000.

Ông Bùi Kim Luyến đầu tư gần 23 tỷ đồng xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời cho toàn bộ cơ sở sản xuất rộng 14.000 m² từ năm 2000.

Không chỉ dừng lại ở mô hình điện mặt trời cho sản xuất tôm giống, Cà Mau còn thí điểm hệ thống điện mặt trời kết hợp nuôi thuỷ sản quảng canh. Công ty Cổ phần Ðầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) đã triển khai mô hình này tại xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi. Theo ông Vũ Hùng Hải, Giám đốc CMC, dự án áp dụng công nghệ điện phân nước để sản xuất hydrogen và ammonia từ điện mặt trời lắp đặt trên diện tích nuôi tôm quảng canh. Với 165.633 ha vuông tôm, dự án không chỉ giúp giảm phát thải CO₂ mà còn tạo thu nhập cho người dân thông qua hợp đồng thuê diện tích mặt nước. Ngoài ra, hệ thống pin mặt trời còn giúp điều hoà nhiệt độ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tôm.

"CMC mong muốn hợp tác cùng tỉnh Cà Mau để biến địa phương thành trung tâm phát triển năng lượng xanh. Với sự ủng hộ từ chính quyền và người dân, chúng tôi tin tưởng các dự án sẽ sớm đi vào hoạt động, thúc đẩy kinh tế Cà Mau theo hướng bền vững”, ông Hải khẳng định.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển tham quan trại sản xuất tôm giống Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ giống thủy sản Thảo Nguyên

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển tham quan trại sản xuất tôm giống Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ giống thủy sản Thảo Nguyên.

Không chỉ trong thuỷ sản, Cà Mau còn đạt nhiều thành tựu trong nông nghiệp bền vững. Ông Phan Minh Chí, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, nhằm hiện thực hoá cam kết giảm phát thải CO₂. Hiện, hơn 80% diện tích lúa đã chuyển sang giống chất lượng cao, diện tích sản xuất lúa an toàn đạt trên 30.000 ha. Ðặc biệt, vùng nuôi tôm - rừng đạt chuẩn quốc tế mở rộng lên 22.000 ha, vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Trong lâm nghiệp, tỉnh trồng mới 300 ha rừng ngập mặn mỗi năm, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 26,2%. Mô hình bảo vệ rừng kết hợp nuôi ốc len, sò... cũng giúp người dân tăng thu nhập, bảo vệ tài nguyên rừng.

Bên cạnh năng lượng tái tạo, Cà Mau cũng đón nhận xu hướng phát triển vật liệu thân thiện môi trường. Dự án NetZero Pallet của AirX, do chị Bùi Phương Thảo (Phường 8, TP Cà Mau) điều hành, là một điển hình.

Chị Thảo cho biết: “Sản phẩm pallet sinh học của AirX không chỉ phục vụ ngành logistics mà còn giúp giảm rác thải công nghiệp. Khác với pallet gỗ có nguy cơ tàn phá rừng hoặc pallet nhựa mất hàng trăm năm phân huỷ, NetZero Pallet có thể tái chế thành phân bón hữu cơ, tạo ra chu trình khép kín giữa công nghiệp và nông nghiệp”.

Những sáng kiến như NetZero Pallet hay điện mặt trời trên vuông tôm cho thấy, với sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Cà Mau có thể trở thành hình mẫu phát triển kinh tế xanh bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long.

Tháo rào cản, hiện thực hoá mục tiêu Net zero

Dù sở hữu tiềm năng lớn để phát triển kinh tế xanh, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon, song, con đường hiện thực hoá mục tiêu Net Zero vào năm 2050 vẫn gặp nhiều rào cản, từ chi phí đầu tư ban đầu, hạ tầng truyền tải đến khung pháp lý chưa hoàn thiện.

Một trong những trở ngại lớn nhất là chi phí đầu tư. Việc triển khai điện mặt trời, sinh khối hay điện gió đòi hỏi nguồn vốn lớn cho công nghệ, hạ tầng và đào tạo nhân lực. Trong khi đó, cơ chế mua bán điện tái tạo ngày càng siết chặt, hệ thống truyền tải chưa theo kịp tốc độ phát triển dự án, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất vào giờ thấp điểm nhưng lại thiếu hệ thống lưu trữ hiệu quả.

Sản phẩm pallet sinh học của chị Bùi Phương Thảo (Phường 8, TP Cà Mau) xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi “Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024”, được tổ chức bởi Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (thuộc Hội Khoa học kinh tế Việt Nam).

Sản phẩm pallet sinh học của chị Bùi Phương Thảo (Phường 8, TP Cà Mau) xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi “Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024”, được tổ chức bởi Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam (thuộc Hội Khoa học kinh tế Việt Nam).

Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau: “Các dự án năng lượng tái tạo đấu nối ở cấp điện áp 110kV chưa có quy hoạch rõ ràng về điểm đấu nối và phương án phát triển hạ tầng. Dù nằm trong danh mục quy hoạch, nhiều dự án vẫn gặp khó khăn do các điều chỉnh trong Luật Quy hoạch”.

Bên cạnh năng lượng tái tạo, thị trường tín chỉ carbon cũng chưa thể phát huy tối đa lợi ích, do thiếu khung pháp lý rõ ràng. Trong khi nhu cầu mua tín chỉ carbon trên thế giới tăng mạnh, Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện cơ chế giao dịch, khiến doanh nghiệp lo ngại về tính ổn định khi tham gia.

Ở góc độ vĩ mô, phát triển thị trường tín chỉ carbon không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lộ trình Net Zero. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp phát thải cao bù đắp lượng khí nhà kính thông qua việc mua tín chỉ carbon từ những đơn vị có khả năng hấp thụ CO2. Theo quy định, những doanh nghiệp vượt hạn mức phát thải sẽ phải tham gia giao dịch tín chỉ carbon, tạo động lực cho họ đầu tư vào công nghệ sạch hơn. Ðối với Cà Mau, nơi sở hữu diện tích rừng ngập mặn lớn, tiềm năng này là rất rõ ràng, nhưng nếu không có khung pháp lý hoàn chỉnh, cơ hội kinh tế từ tín chỉ carbon có thể sẽ bị bỏ lỡ.

Tỉnh Cà Mau có lợi thế lớn nhờ hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng lớn, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ và lưu trữ carbon. Nếu có cơ chế phù hợp, đây có thể trở thành nguồn thu bền vững, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho người dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho rằng: “Khai thác tín chỉ carbon không chỉ giúp bảo vệ rừng mà còn mang lại nguồn tài chính đáng kể, giảm áp lực ngân sách đầu tư vào lâm nghiệp”.

Sự quan tâm từ các đối tác quốc tế cũng cho thấy Cà Mau đang có lợi thế lớn trong lĩnh vực này. Ngài Jaya Ratnam, Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Singapore tại Việt Nam, cho biết, Singapore đang đàm phán để thử nghiệm cơ chế trao đổi tín chỉ carbon giữa 2 nước. Nếu khung pháp lý được hoàn thiện, Cà Mau có thể trở thành địa phương trọng điểm trong giao dịch tín chỉ carbon, thu hút thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh.

Ðể tháo gỡ những rào cản này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Chính quyền cần hỗ trợ bằng các chính sách ưu đãi thuế, tài trợ vốn và cải thiện khung pháp lý. Doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư vào công nghệ xanh, trong khi người dân cũng cần thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường.

Bước tiến đáng chú ý trong lộ trình này là ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 232 phê duyệt Ðề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Mục tiêu của đề án không chỉ giúp giảm phát thải nhà kính mà còn mở ra dòng tài chính mới, thúc đẩy đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng như trên thị trường quốc tế.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo. Ngày 3/3/2025, Nghị định 58/2025/NÐ-CP được ban hành, quy định chi tiết một số điều của Luật Ðiện lực, nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Theo đó, các dự án điện từ năng lượng tái tạo có hệ thống lưu trữ và đấu nối với hệ thống điện quốc gia sẽ được ưu tiên huy động vào giờ cao điểm, trừ nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ. Ðồng thời, nghị định khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ điện gió, điện mặt trời, ưu tiên sản xuất tấm quang năng, turbine gió và thiết bị chuyển đổi nguồn điện.

Nếu có chiến lược phù hợp, Cà Mau hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu trong phát triển kinh tế xanh. Không chỉ bảo vệ môi trường, các mô hình năng lượng tái tạo còn mang lại lợi ích lâu dài, giúp địa phương vững bước trên hành trình trung hoà carbon vào năm 2050./.

 

Loan Phương - Việt Mỹ

 

Ngày giải phóng Cà Mau

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.