(CMO) Ngày 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020, dựa trên khảo sát gần 12.300 doanh nghiệp tư nhân và FDI. Quảng Ninh tiếp tục là tỉnh giữ vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp địa phương này đứng ở vị trí quán quân.
Những năm qua, Cà Mau tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, mạnh dạn thu hút đầu, nâng cao cải cách hành chính nên chỉ số PCI từng bước thay đổi. |
Đứng vị trí thứ 2 vẫn là Đồng Tháp; Long An và Bình Dương ở các vị trí tiếp theo nhờ những thay đổi tích cực trong các chỉ số thành phần.
Ngoài Đồng Tháp và Long An lọt vào nhóm rất tốt, đại diện ĐBSCL còn có Vĩnh Long, Bến Tre nằm trong nhóm tốt khi lần lượt chiếm vị trí thứ 6 và thứ 8.
Năm 2020, Cà Mau vươn lên đứng hạng thứ 43 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm trung bình.
Theo dõi trên bảng xếp hạng qua các năm gần đây, PCI Cà Mau có tăng liên tiếp, nhưng chậm. Từ vị trí gần chót bảng vào năm 2015, đến năm 2019 tăng lên 10 bậc khi ở vị trí 49 và năm 2020 ở vị trí 43.
Các chỉ số thành phần năm 2020 có tăng so với cùng kỳ, gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động.
Tính trong khu vực ĐBSCL, Cà Mau đứng vị trí thứ 6. Trong khi đó, Kiên Giang và Bạc Liêu đứng áp chót và chót bảng xếp hạng.
Bảng điểm chỉ số xếp hạng PCI năm 2020 các tỉnh ĐBSCL. |
Báo cáo PCI hằng năm nhằm đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Không chỉ có bảng xếp hạng PCI năm 2020, phân tích về chuyển động của môi trường kinh doanh năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020 vừa qua, Báo cáo PCI năm 2020 còn định vị sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư và phản ánh kỳ vọng về các nỗ lực cải cách trong 5 năm tới.
Đây là năm thứ 16, PCI do VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khảo sát và công bố./.
Trần Nguyên