(CMO) “Vùng xanh” được coi là vành đai đặc biệt, thực hiện song song 2 nhiệm vụ là ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài, an toàn bên trong và nhiệm vụ quan trọng khác là duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất, tạo nguồn lực phục vụ ngược lại cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Nỗi ám ảnh của đại dịch Covid-19 kéo theo nhiều tổn thương cho kinh tế - xã hội nước ta. Nhưng cũng từ trong hoàn cảnh khó khăn này, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp đã chứng tỏ vai trò là bệ đỡ trụ cột của đất nước. Cà Mau dù đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng với thế mạnh ngư - nông - lâm trọng điểm được trao gởi nhiều kỳ vọng.
Dồn sức vượt khó
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Phú Tân không chỉ giữ vững thế mạnh kinh tế biển, mà còn có sự tăng trưởng về diện tích, sản lượng thuỷ hải sản, đặc biệt là ngành hàng tôm. Ðây cũng là thế mạnh mà “vùng xanh” Phú Tân tập trung lên phương án kỹ càng nhất để đồng hành cùng nông dân. Mục tiêu không chỉ là vượt qua đại dịch, mà còn cả chiến lược phát triển lâu dài.
Hoạt động khai thác là lĩnh vực khó khăn nhất hiện nay, do giá thành sản phẩm giảm mạnh trong khi đầu vào nguyên liệu lại tăng. (Ảnh chụp ngày 13/12/2020). |
Thị trấn Cái Ðôi Vàm, địa bàn quan trọng của huyện Phú Tân, đang có những tính toán phù hợp khi thiết lập “vùng xanh”. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Trần Quốc Yên, trước tiên phải duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, tê liệt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là thế mạnh nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ hải sản. Cái Ðôi Vàm đang có từng bước đi phù hợp với tình hình thực tế.
Ghi nhận tại Hợp tác xã (HTX) Hương Biển, Giám đốc HTX Lê Thị Nga chia sẻ: “Mặt hàng chủ lực của HTX là ruốc sơ chế và các loại khô, thị trường có cả trong và ngoài nước. Dịch bệnh đương nhiên là ảnh hưởng, nhưng chúng tôi đang dồn lực để duy trì sản xuất, chờ đợi thị trường phục hồi”.
Với sản lượng khoảng 80 tấn hàng/tháng, hiện HTX Hương Biển đang tồn khoảng 20 tấn hàng lưu kho vì biến động thị trường. Chiến lược của HTX đang quay sang thị trường tiêu thụ nội địa, nhưng cốt yếu nhất vẫn là ở khâu vận chuyển, lưu thông hàng hoá thông suốt. Bà Nga cho rằng: “Vùng xanh rất tốt, nhưng nếu chỉ gói gọn trong phạm vi hẹp thì chỉ đảm bảo an toàn, có điều kiện sản xuất, còn đầu ra cho mặt hàng vẫn khó khăn. Nhưng trong bối cảnh này, còn được duy trì hoạt động là may mắn rồi. Tôi tin rằng, dịch bệnh sớm qua, nguồn hàng hiện nay sẽ có đủ để cung ứng khi thị trường mở cửa thông thoáng trở lại”.
Ngọc Hiển là địa phương có thế mạnh về con tôm sinh thái và cây rừng. Tuy nhiên, trước tác động của dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và người dân trong huyện gặp không ít khó khăn, nhất là giá thành nhiều mặt hàng giảm thấp. Giám đốc HTX nuôi tôm sinh thái Ðại Ðoàn Kết (ấp Xẻo Lá, xã Viên An Ðông) Phan Minh Ký chia sẻ: “Giá thành 2 mặt hàng chủ lực của HTX là tôm và cua đều giảm, đặc biệt giá cua giảm sâu ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, các thành viên HTX đều xác định đây chỉ là khó khăn nhất thời, rồi sẽ sớm qua và luôn động viên nhau tìm giải pháp tiết kiệm, hiệu quả hơn trong sản xuất, nhất là duy trì và nâng cao thương hiệu sinh thái đã đạt được”.
Trước những khó khăn do giá thành các loại thuỷ sản và lâm sản giảm, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc cho biết, huyện phối hợp với các ngành có liên quan tìm thêm đầu ra cho người dân và các HTX tiêu thụ hàng hoá, tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thiết lập “vùng xanh” là giải pháp thiết thực để tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. (Trong ảnh: HTX bánh phồng tôm xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển). |
Chờ cơ hội bứt phá
Trong cái khó lại có cái hay dù phải chịu tác động của dịch bệnh và cả thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, cũng nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đã thành lập và phát huy được hiệu quả của 389 tổ phòng, chống Covid cộng đồng mà nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Năm Căn tiếp tục phát triển ổn định, tiêu biểu thu ngân sách đạt hơn 70%. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Lê Văn Ngời cho biết, sản lượng thuỷ sản tuy có giảm nhưng chủ yếu là ở sản lượng tôm do các hộ nuôi tôm công nghiệp cắt giảm quy mô nuôi.
Dồn sức duy trì sản xuất chờ cơ hội bứt phá là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Thiết lập “vùng xanh” được xem là thời cơ, bước đi đầu tiên cho chặng đường bứt phá trong bổi cảnh dịch bệnh hiện nay. Chi nhánh Phú Tân của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Tân Thành đang áp dụng mô hình “3 tại chỗ” cho lượng công nhân gần 130 người để duy trì sản xuất, đảm bảo công suất nguồn hàng cho công ty “mẹ”. Phó giám đốc chi nhánh Võ Hùng Cường cho biết: “Chúng tôi thực hiện “3 tại chỗ” từ ngày 3/8. Các điều kiện ăn, nghỉ, sinh hoạt, lao động của công nhân được bố trí theo quy định phòng, chống dịch bệnh, đủ điều kiện để duy trì hoạt động sản xuất”.
Toàn bộ công nhân thực hiện “3 tại chỗ” được test nhanh và có kết quả âm tính với Covid-19, 100% thực hiện tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 mũi 1. Ông Cường cũng chia sẻ thêm: “Dù dịch bệnh khó khăn, các hoạt động theo quy trình phòng, chống dịch Covid-19 siết chặt, song hiệu suất hoạt động của chi nhánh vẫn tương đối đảm bảo, nguồn hàng nguyên liệu ổn định. Vui nhất là anh em công nhân vẫn có việc làm và thu nhập ổn định”.
Bài học kinh nghiệm cho thấy, sau mỗi lần khó khăn, thị trường sẽ hồi phục, chuyển biến rất nhanh. Chính gì vậy, con tôm Phú Tân, Ngọc Hiển nói riêng và những mặt hàng chủ lực khác của tỉnh nói chung cần kiên trì, chờ đợi để tận dụng cơ hội này. Theo đó, khuyến cáo của ngành chức năng là bà con chỉ giảm bớt quy mô chớ không cắt vụ nuôi, không thu hoạch tôm ồ ạt khi chưa đúng kích cỡ. Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: “Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho “vùng xanh” chính là nguồn lực, chỗ dựa để có thể đưa Phú Tân và nhiều địa phương khác sớm trở lại cuộc sống bình thường trong điều kiện mới”.
Nói về công tác chuẩn bị, nhất là nguồn nhân lực bảo vệ “vùng xanh”, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang khẳng định, nếu mở thêm chốt kiểm soát dịch trên các tuyến sông như Bào Chấu (xã Việt Thắng), Thọ Mai (xã Phú Mỹ) và Bảy Háp (xã Rạch Chèo) thì huyện đảm bảo đủ sức bảo vệ “vùng xanh”. Ngoài các chốt trên các trục đường chính, hiện nay huyện đã thành lập và củng cố 474 tổ Covid-19 cộng đồng để giám sát và quản lý chặt địa bàn, đảm bảo an toàn cho “vùng xanh”.
Trước tác động của dịch bệnh làm nhiều mặt hàng thuỷ sản giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Trong hơn 1 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh giảm hơn 10% so với tháng trước. Theo nhận định của Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Ðô, kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ không đạt theo kế hoạch là 1,1 tỷ USD, mà ước tính chỉ khoảng 1 tỷ USD. Ngành đang tìm nhiều giải pháp trong liên kết tiêu thụ hàng hoá cho người dân và doanh nghiệp. |
Nguyễn Phú - Phạm Quốc Rin
BÀI CUỐI: SẴN SÀNG CHO PHƯƠNG ÁN “VÙNG XANH” TOÀN TỈNH