ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 10:05:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cà Mau với mục tiêu bình thường mới - Bài cuối: Sẵn sàng cho phương án “vùng xanh” toàn tỉnh

Báo Cà Mau (CMO) Những địa bàn vùng đệm như Cái Nước, Trần Văn Thời, Năm Căn và các địa bàn còn lại của Cà Mau, được Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt yêu cầu chuẩn bị phương án sẵn sàng, khắc phục ngay những khó khăn, hạn chế để thiết lập “vùng xanh” ngay khi đủ điều kiện. Theo tinh thần chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam, các tỉnh Nam sông Hậu, bao gồm Cà Mau, phải thiết lập “vùng xanh” làm hậu cứ cho công tác phòng, chống dịch, đồng thời tạo ra cực tăng trưởng kinh tế - xã hội, thì đây là kịch bản hết sức phù hợp, linh động.

“Vùng xanh” là thế trận phòng thủ, tuy nhiên không thể co cụm để “tử thủ” với dịch bệnh mà triệt tiêu nhiệm vụ thứ 2 là phát triển kinh tế - xã hội. Thiết lập, mở rộng “vùng xanh” phải thật sự chủ động, linh hoạt, không phải là nhân rộng một cách máy móc, khiên cưỡng.

Thiết lập và bảo vệ tốt “vùng xanh” không chỉ là động lực cho phát triển kinh tế trong vùng, mà còn tạo nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. (Ảnh chụp tại HTX Hương Biển, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân (ảnh dưới) và chợ thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước (ảnh trên)).

Khó nhưng vẫn phải làm

Ðây là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Nguyễn Quốc Tuấn khi bàn về phương án thiết lập “vùng xanh” của địa phương. Huyện Cái Nước là vùng đệm quan trọng của toàn tỉnh. Theo ông Tuấn, địa phương có tuyến Quốc lộ 1 đi qua với chiều dài gần 40 km, lưu thông hàng hoá về 5 huyện (Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Ðầm Dơi, Trần Văn Thời), đây là tuyến đường chính của tỉnh, lượng xe vận tải hàng hoá ngoài tỉnh về huyện Cái Nước và về các huyện hàng ngày rất nhiều.

Ðây cũng là nguồn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh chính, vừa qua huyện đã phát hiện kịp thời 1 trường hợp F0, là tài xế ngoài tỉnh chở heo về giao trên địa bàn huyện. Nếu không kiểm soát tốt người và phương tiện ngoài tỉnh đến, về địa bàn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Nhất là việc các phương tiện vận tải ngoài tỉnh khi vào địa bàn dừng, đậu không đúng quy định, hoặc tự ý dừng, đậu dọc hai bên tuyến Quốc lộ 1 để lén lút giao, nhận hàng hoá và mua đồ ăn, thức uống… khó kiểm soát.

Hiện nay, có hơn 16.000 công dân của huyện đang sinh sống, lao động, học tập, làm việc ngoài tỉnh; nhiều nhất là ở TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, đây là các địa phương mà dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Nếu những người dân này về không có kế hoạch, không kiểm soát được, không tự nguyện khai báo y tế để thực hiện các biện pháp cách ly thì nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất lớn. Ngoài ra, địa bàn huyện giáp ranh với 4 huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ðầm Dơi và TP Cà Mau, nếu công tác phối hợp quản lý địa bàn với các huyện, TP Cà Mau không tốt thì cũng gây khó khăn trong quản lý người và phương tiện từ ngoài tỉnh về huyện.

Là địa bàn trung chuyển, Cái Nước có 3 điểm lên xuống hàng hoá tập trung phục vụ việc lên xuống hàng hoá của các phương tiện vận tải ngoài tỉnh và các huyện, thành phố; đặc biệt, điểm lên xuống rau củ quả là đầu mối của các huyện lân cận đến mua hàng hoá về bán lại, nếu không kiểm soát tốt tài xế, người đi cùng trên phương tiện ngoài tỉnh đến, về thì cũng sẽ dễ phát sinh dịch bệnh.

Ông Tuấn cho biết: “Trường hợp UBND tỉnh chọn xây dựng phương án thiết lập “vùng xanh” trên địa bàn toàn tỉnh, huyện rất đồng tình và ủng hộ. Phương án này tạo ra thế trận an toàn cho toàn tỉnh, tập trung giải quyết lâu dài bài toán vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Tạo môi trường giao thương giữa các huyện thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế. Ðồng thời, có nguồn lực tập trung, kiểm soát chặt chẽ các chốt vòng ngoài giáp ranh các tỉnh. Huyện sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả trong thời gian qua, đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế theo kịch bản đã xây dựng”.

Cụ thể hoá từng phương án

Thiết lập “vùng xanh” đã khó, bảo vệ “vùng xanh” và tạo ra được chuỗi giao thương hàng hoá thông thoáng, an toàn càng khó hơn, cần có những phương án cụ thể cho từng lĩnh vực, từng đối tượng, từng ngành hàng cụ thể. Công tác quản lý tài xế, phụ xe và người đi cùng là vấn đề không chỉ các địa phương được chọn thiết lập “vùng xanh”, mà đang là vấn đề rất nhiều người băn khoăn khi thời gian qua phát hiện nhiều ca dương tính là các lái xe.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Quốc Chính cho biết, hiện nay trên phần mềm đã có công cụ quản lý 2 chiều và được chia thành 9 đối tượng, trong đó có tài xế giao hàng rồi quay về, tài xế trong khu cách ly tạm thời, người theo xe. Tức là tại các chốt sẽ phân theo từng nhóm đối tượng, sau đó thông tin về địa phương và chiều ngược lại địa phương sẽ xác nhận từng đối tượng mình đã quản lý về lại các chốt. Ðồng thời, thông tin 2 chiều này sẽ thể hiện ngay trên phần mềm để lãnh đạo các cấp nắm và chỉ đạo kịp thời. Hiện nay, Sở đã lựa chọn những người tham gia 3 chốt chính của tỉnh để truyền thông tin, kết nối với địa phương.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp kết nối tiêu thụ hàng hoá với các tỉnh trong khu vực, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Ðô cho biết, thời gian qua có hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh kết nối tiêu thụ một số mặt hàng như gạo, bồn bồn, tôm, cá biển… với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Từ hoạt động kết nối trong những ngày qua giúp một số doanh nghiệp tiêu thụ hơn 200 tấn thuỷ sản các loại. “Hiện nay, hàng ngày Sở đều có liên hệ với 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội để tiêu thụ hàng hoá cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn”, ông Ðô cho biết thêm.

Hiện nay, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang đẩy mạnh hoạt động liên kết tiêu thụ hàng hoá cho người dân và doanh nghiệp. (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thuỷ sản Tân Thành, chi nhánh Phú Tân).

Ngoài ra, được biết Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch bán hàng bình ổn giá và bán hàng lưu động nếu tình hình dịch bệnh chuyển biến xấu hơn. Theo dự kiến, trên địa bàn TP Cà Mau sẽ mở 10 điểm và mỗi huyện ít nhất 2 điểm.

Về hoạt động tổ chức sản xuất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Triều cho biết, đang chỉ đạo quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh cũng như chỉ đạo sản xuất. Ðơn vị cùng một số sở, ngành xây dựng 2 tình huống diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để có giải pháp tổ chức sản xuất hiệu quả: một là trong điều kiện hiện nay và hai là tình huống tỉnh kiểm soát được dịch bệnh. Sở cũng đã thành lập Tổ chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản của tỉnh gắn kết với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ðồng thời, đang tập trung rà soát để xây dựng phương án bảo vệ, thu hoạch vùng nguyên liệu từ lúa, thuỷ sản và cả hoa màu cho người dân.

Ðể công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, sớm đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo, hiện nay các chốt kiểm soát dịch cơ bản đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, giữa các chốt cần tăng cường hơn nữa sự kết nối chặt chẽ với nhau, nhất là trong thông tin người và phương tiện ra, vào tỉnh. Ðồng thời, cần có kế hoạch cụ thể cho từng loại mặt hàng, phát huy vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là đẩy mạnh sàn thương mại điện tử trong tiêu thụ hàng hoá.

 

Nguyễn Phú - Phạm Quốc Rin

 

Làm khách ở quê mình

Xa nhà cũng là một thử thách. Cuộc sống xa nhà dạy ta nhiều thứ. Tôi từng nhiều bận rời xa, nhưng đó chỉ là khoảng thời gian ngắn rời đi học tập, xong lại quay về để lớn, để trưởng thành. Lần này thật sự là chuyến rời quê để xây dựng tổ ấm, sự nghiệp cho riêng mình.

Gió lộng xứ Ðầm

Gió rộn cuối năm. Ðường về xứ Ðầm giờ đã thông thoáng, nhiều lựa chọn chớ không như cách đây chục năm, kiểu gì kiểu cũng phải cách trở một chuyến phà vượt sông...

Hương xưa xóm Mũi

Dòng người về Mũi Cà Mau, chiêm ngưỡng chóp đất thiêng liêng ở địa đầu cực Nam Tổ quốc, hẳn nhiên còn muốn biết nhiều hơn về vùng đất, con người xứ sở kỳ diệu này. Bởi ở đây đâu chỉ có đước, mắm, sông biển, phù sa mới "biết đi", nguồn thuỷ hải sản đặc trưng dồi dào... mà còn có lớp lớp con người với tính cách phóng khoáng, nghĩa nhân, can trường và đầy ắp những ước mơ, hoài bão để khai khẩn, gìn giữ, gầy dựng một vùng đất riêng có, duy nhất cả về vị trí địa lý và bản sắc văn hoá.

Thị trấn mang tên một dòng sông

Trên dải đất hình chữ S, có rất nhiều dòng sông, mỗi dòng sông mang dáng vẻ riêng. Có con sông mang tên đẹp như thiếu nữ: sông Nhật Lệ, Sông Hương. Có con sông nghe tên đã thấy rất oai hùng: Sông Mã. Nhiều con sông mang tên miền đất mà nó chảy qua như: sông Sài Gòn, sông Thái Bình... Riêng con sông quê tôi, đặc biệt hơn, mang tên một nhân vật lịch sử: sông Ông Ðốc. Thị trấn quê tôi vinh dự được mang tên một dòng sông - thị trấn Sông Ðốc!

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ

Sản phẩm OCOP và các dự án khởi nghiệp đang nhận được nhiều sự quan tâm. Nhằm hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, tỉnh đã xác định nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng hỗ trợ chủ thể OCOP từ việc hình thành, nâng hạng sản phẩm đến tiếp cận thị trường.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo

Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà tỉnh quan tâm hàng đầu và chỉ đạo sát sao trong những năm qua. Bằng những quyết sách thiết thực, sự huy động sức mạnh tổng hợp từ Mặt trận, đoàn thể, các cấp, các ngành, địa phương; bằng những giải pháp sinh kế hỗ trợ đúng, trúng, kịp thời, đã cơ bản giải được bài toán thoát nghèo và câu chuyện tái nghèo.

Ðể tái nghèo không còn là nỗi lo - Bài cuối: Tăng cường phối hợp, ngăn chặn tái nghèo

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước; theo đó, tỉnh chỉ đạo kỳ quyết nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nhiều khó khăn của chủ thể

OCOP và khởi nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn nhất định, và mỗi câu chuyện sản phẩm lại mang đến nhiều suy ngẫm cho cơ quan quản lý hỗ trợ vượt khó.

Phát triển sản phẩm OCOP - Cơ hội và thách thức

Thời gian qua, các ngành, các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP và khởi nghiệp.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.