ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 25-6-25 05:23:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Các anh là những người lính biển

Báo Cà Mau Những ngày đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau “3 cùng” với cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 là những ấn tượng sâu đậm với tất cả các thành viên. Ðoàn từ Cà Mau ra hơn chục người, có người mới đến lần đầu, có người đã ra được đôi ba lần, nhưng nói như ông Hồng Quốc Việt, Phó Giám đốc Ðài PT-TH tỉnh Cà Mau: “Ra tới đây mới thấy biển, đảo của mình đẹp quá. Càng nghĩ càng thấy cảm phục những người lính biển…”.

Những ngày đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau “3 cùng” với cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 là những ấn tượng sâu đậm với tất cả các thành viên. Ðoàn từ Cà Mau ra hơn chục người, có người mới đến lần đầu, có người đã ra được đôi ba lần, nhưng nói như ông Hồng Quốc Việt, Phó Giám đốc Ðài PT-TH tỉnh Cà Mau: “Ra tới đây mới thấy biển, đảo của mình đẹp quá. Càng nghĩ càng thấy cảm phục những người lính biển…”.

Người lính biển quê ở Cà Mau

Ðoàn đến thăm Tiểu đoàn Hải quân đánh bộ 563, thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5, Trung tá Nguyễn Trọng Hoà, Chính trị viên Tiểu đoàn, giới thiệu: “Ðơn vị thành lập năm 1977 tại Hòn Ðất, Kiên Giang, với nhiệm vụ tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia. Thành tích của đơn vị đã được ghi nhận và vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Những người lính biển luôn thể hiện niềm vinh dự, trách nhiệm to lớn, nỗ lực học tập, rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ.  Ảnh: PHẠM NGUYÊN

Sực nhớ ra, vị Chính trị viên Tiểu đoàn nói lớn: “Ở đơn vị cũng có một cán bộ người Cà Mau, quê U Minh hẳn hoi, là Chiến sĩ vẻ vang được Chủ tịch nước khen tặng”. Nghe tới đây, đoàn Cà Mau ai cũng háo hức mong được gặp người con của quê hương.

Ðại uý Nguyễn Quốc Ðoàn mặc luôn quân phục huấn luyện, mồ hôi mồ kê nhễ nhại trở về đơn vị gặp “người quen”. Tới nơi, anh rảo một lượt rồi hỏi tên người bạn cũ làm báo: “Mấy anh biết Kim Cương ở Báo ảnh Ðất Mũi không?”. Cả đoàn cười cái rần, có anh tếu táo trả lời: “Biết chớ, biết chớ, Kim Cương đang nghỉ… hậu sản rồi”. Cuộc gặp bất ngờ của những người Cà Mau giữa biển đảo Phú Quốc làm dâng lên những cảm xúc vô cùng đặc biệt.

Anh Ðoàn kể: “Quê mình ở Ấp 7, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Hồi nhỏ cứ thấy màu quân phục của lính hải quân là mê”. Ước mơ trở thành lính biển của anh dần trở thành hiện thực khi được học Trường Lục quân 2 tại Ðồng Nai. Năm 2009, cầm quyết định phân công công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5, anh Ðoàn mừng rơi nước mắt. Anh chia sẻ: “Trong suy nghĩ của mình, Phú Quốc chắc cũng nhỏ thôi. Rồi khi vượt hàng trăm cây số mới tới đơn vị, rừng biển bạt ngàn bao la, mình cảm thấy choáng ngợp luôn”. Anh từ giã gia đình, người vợ trẻ, bám biển, đảo để hoàn thành bổn phận người lính.

Anh Ðoàn thổ lộ: “Làm người lính biển là niềm tự hào với tất cả anh em, đồng chí, đồng đội của chúng tôi. Ðiều may mắn nhất của anh em là có được sự ủng hộ của gia đình, người thân, sự quan tâm của toàn xã hội”.

Theo đánh giá của Ðại uý Nguyễn Quốc Ðoàn, tình hình biển, đảo thời gian qua luôn diễn biến phức tạp, mỗi người lính cần nâng cao nhận thức, rèn luyện bản thân, luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Với vị trí đại đội trưởng, anh Ðoàn luôn nỗ lực trong công tác huấn luyện, dìu dắt những thế hệ kế tiếp. Với Phú Quốc, anh Ðoàn cũng có một dự định cho tương lai: “Bây giờ mình vẫn còn ở trọ, mình cũng muốn có căn nhà riêng, đón vợ con ra để có thể chuyên tâm công tác”.

Những kỷ niệm về mảnh đất Cà Mau, anh Ðoàn chia sẻ: “Cà Mau quê mình và Phú Quốc đều có rừng, có biển. Ðây là những tài sản quý báu, là nguồn sống của biết bao người. Những người lính biển càng phải phấn đấu hơn nữa, quyết tâm gìn giữ, bảo vệ biển, đảo, xứng đáng với lòng tin của Nhân dân”. Hỏi thăm anh em ở các đơn vị, đoàn công tác cũng nắm được thông tin là có 5 sĩ quan người Cà Mau đang công tác rải rác ở các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5. Càng vui mừng hơn khi anh em người Cà Mau đều được các thủ trưởng đánh giá công tác tốt, có năng lực và tương lai phát triển. Anh Ðoàn gởi lời hỏi thăm đến những người bạn cũ ở Cà Mau và không quên nhắn: “Nếu có dịp ra thì cho hay trước, anh em lính biển quê Cà Mau sẽ tổ chức đón tiếp thiệt nhiệt tình”.

Thuyền là nhà, biển đảo là quê hương

Nếu so với các lực lượng thì Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 được coi là “sinh sau đẻ muộn” khi thành lập vào năm 1998. Tuy nhiên, như thông tin từ Ðại tá Nguyễn Ðình Khương, Chủ nhiệm Chính trị của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, thì: “Ðây là lực lượng quan trọng thực thi nhiệm vụ trên biển trong tình hình mới, được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, chuyên nghiệp”.

Với trọng trách thực thi và giữ gìn pháp luật trên biển, cứu hộ cứu nạn, chống gian lận thương mại, chống cướp biển… Cảnh sát biển chính là lực lượng tạo được dấu ấn và niềm tin sâu đậm đối với ngư dân vùng biển Tây Nam.

Ðại tá Khương cho biết: “Lực lượng Cảnh sát biển luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Ða phần anh em xuất thân từ miền Bắc, miền Trung, phần nhiều thời gian ở đơn vị nhưng tất cả anh em đều không hề sao nhãng mà tập trung tối đa vào công việc để hoàn thành nhiệm vụ”.

Tại tàu CSB 4035, chúng tôi được gặp Thượng uý Hồ Văn Cảnh, Thuyền trưởng của tàu, một trong những tấm gương vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được vinh danh là Chiến sĩ tiêu biểu của toàn quân. Anh em đều nói rằng, anh Cảnh hiền và ít nói về mình, trong nhiệm vụ lúc nào cũng nhận lấy phần khó khăn, vất vả. Gặp anh Cảnh, cùng nhau trò chuyện mới hiểu thêm tâm tình người lính biển. Họ đã xác định, biển đảo là quê hương, tàu là nhà, niềm vui là những chuyến thực thi nhiệm vụ.

Anh Cảnh tâm sự: “Ðược trở thành người lính biển, tôi nhận thấy vinh dự và trách nhiệm to lớn của bản thân. Vợ con, gia đình ở Quỳnh Lưu, Nghệ An luôn động viên tôi trong công tác”.

Mỗi năm, anh Cảnh chỉ được về thăm quê 1 lần với thời gian 1 tháng. Vợ anh cũng vì thương chồng nên đã 2 lần vào đơn vị thăm anh. Anh nói bằng chất lính biển cương trực: “Tình cảm riêng tư không để ảnh hưởng vào công việc. Vợ chồng tôi luôn tôn trọng và thấu hiểu công việc của nhau. Với bản thân tôi, khi lên tàu làm nhiệm vụ là gác lại tất cả chuyện riêng”.

Thành tích cá nhân của Thượng uý Hồ Văn Cảnh đã được cả lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam biết đến. Nhưng điều người ta nhớ đến anh Cảnh nhất chính là tình cảm mà bản thân anh dành cho đồng đội, công việc, cho biển đảo và ngư dân.

Thượng uý Cảnh nhiều lần cứu hộ thành công tàu của ngư dân Cà Mau gặp nạn. Anh Cảnh kể: “Mỗi lần làm công tác cứu hộ là chúng tôi phải đối mặt với vô vàn thách thức. Có lần tàu của bà con Cà Mau sắp chìm, tàu Cảnh sát biển tiếp cận cứu hộ. Chủ tàu kiên quyết không rời bỏ tài sản, anh em động viên không được”. Trong tình thế đó, Thượng uý Cảnh một mặt chỉ đạo anh em nhanh chóng tiếp cận để neo dây kéo tàu ngư dân thoát khỏi vùng nguy hiểm. Mặt khác, vận động chủ tàu rời nơi nguy hiểm để về tàu Cảnh sát biển. Rồi bằng quyết tâm và sự khéo léo, những vụ cứu hộ mà anh Cảnh trực tiếp chỉ huy đều thành công mỹ mãn.

Niềm vui của người Cảnh sát biển càng được nhân lên khi những người được cứu nạn sau đó đến trực tiếp Bộ Tư lệnh Vùng để cảm ơn. Ðại tá Nguyễn Ðình Khương chia sẻ: “Làm lính biển mà được người dân tin yêu, quý mến thì còn niềm vui nào bằng”.

Giữa biển trời Tây Nam, người lính lại lên đường thực thi nhiệm vụ, tàu là nhà, biển đảo là quê hương. Có các anh, những người lính biển, Tổ quốc Việt Nam sẽ thêm vững vàng tiến lên phía trước…

Ghi chép của Quốc Rin

Bộ đội Biên phòng Cà Mau tri ân người có công, gia đình chính sách

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau (25/6/1975-25/6/2025) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, trong 2 ngày 19, 20/6, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các Đồn Biên phòng tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên người có công và các gia đình chính sách trên địa bàn biên phòng và thành phố Cà Mau.

Báo chí xung kích giữ gìn, bảo vệ an ninh biên giới biển, đảo tỉnh Cà Mau

Ðể bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, cần đến sức mạnh tổng hợp của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và có sự kết hợp chặt chẽ trên tất cả các mặt trận, các lĩnh vực, trong đó, báo chí có vai trò hết sức quan trọng. Hoạt động báo chí, truyền thông của tỉnh Cà Mau những năm qua đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, truyền tải thông tin kịp thời, tuyên truyền đến người dân các chủ trương, quan điểm của Ðảng, Nhà nước Việt Nam về chủ quyền biển, đảo.

Theo dõi sát thời tiết để giảm thiệt hại

Theo thông tin từ Ðài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, trên địa bàn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, mưa kéo dài. Ðây là lời cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập cục bộ tại vùng trũng thấp, ven sông, vùng ngoài đê bao và các tuyến đường thấp trên địa bàn tỉnh; nguy cơ vùng ven biển Tây có khả năng xuất hiện thời tiết xấu và sóng to, gió mạnh làm mực nước triều dâng cao bất thường. Thế nên, cần phải chủ động đề phòng để tránh thiệt hại.

Trưởng thành để bảo vệ Tổ quốc

Năm 2025, tại Trung đoàn Bộ binh 3, Sư đoàn 330 đóng quân tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, có tổng số 837 chiến sĩ mới của 3 tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng và Hậu Giang nhập ngũ, trong đó có 25 chiến sĩ mới đến từ huyện Năm Căn. Thật tự hào, sau 3 tháng quân trường gian khổ, 25 chiến sĩ ấy đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cùng với Trung đoàn đạt huấn luyện giỏi năm 2025, với 9/11 môn giỏi.

Đảm bảo khu vực phòng thủ địa phương

“Xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường sự chủ động và hiệu quả trong đảm bảo quốc phòng - an ninh, gắn với đó là giáo dục truyền thống cho các thế hệ”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo tại buổi khảo sát khu vực phòng thủ tỉnh, chiều 15/6 tại huyện U Minh.

Gắn kết yêu nước, hướng về biển đảo Tổ quốc

Ngày 13/6/2025, tại Trường Chính trị tỉnh Cà Mau, đã diễn ra buổi họp mặt các hội viên CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” của hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Tác nghiệp ở Trường Sa

“Chớp thời cơ ghi lại cảm xúc của lính trẻ, đưa máy ảnh chụp ngay và luôn hành động của bộ đội, nhanh chóng viết và gửi bài, ảnh về đất liền”, đó là 3 yếu tố rất cần thiết trong tác nghiệp báo chí ở Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Chủ động các giải pháp bảo vệ sản xuất

Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa nhiều đã ảnh hưởng đến một số diện tích lúa hè thu và khu vực nuôi thuỷ sản. Hiện nay, nhiều nơi người dân đang chủ động triển khai các giải pháp để bảo vệ sản xuất, tránh thiệt hại.

Nỗ lực và trách nhiệm chống khai thác IUU

Quyết tâm thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, tỉnh đang thực hiện cao điểm, trong đó huy động cán bộ chuyên môn, cán bộ các ngành, đoàn thể cấp xã, cấp huyện và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh điều tra, xác minh, lập hồ sơ số hoá tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU (tàu sang bán chưa sang tên, tàu nằm bờ, tàu cá hết hạn giấy phép khai thác, hết hạn đăng kiểm, mất kết nối VMS...); thực hiện các biện pháp theo dõi, quản lý đối với từng đối tượng cụ thể để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Giảm thiệt hại nhờ chủ động phòng ngừa

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, mưa dông, lốc xoáy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhà ở của người dân trên địa bàn, nhất là trong những tháng đầu mùa mưa. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai (PCTT) theo phương châm “4 tại chỗ” đã giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động chằng, chống, từ đó, số lượng căn nhà bị thiệt hại do mưa dông, lốc xoáy giảm dần qua từng năm.