ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 12:00:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cải cách hành chính - 10 năm tạo dựng "thương hiệu"

Báo Cà Mau (CMO) LTS: Cùng với cả nước, Cà Mau đã bước qua nhiều giai đoạn quan trọng trong công cuộc đổi mới. Ðiểm nhấn là qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Ðó là kết quả của nhiều nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CCHC được cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Nền hành chính phục vụ đã bắt đầu chuyển mình rõ nét, góp phần tạo dựng lòng tin của người dân vào cơ quan công quyền, tạo nền tảng bứt phá nhiều nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài 1: Hoà cùng cuộc cải cách lớn của đất nước

Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước ta được thực hiện từ năm 1986, tính đến nay đã hơn 35 năm.

Kết quả của chặng đường CCHC Nhà nước tạo ra nhiều kỳ vọng, mở ra thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tất cả hướng đến mục tiêu lớn: hình thành nền hành chính phục vụ. Cà Mau đã hoà cùng dòng chảy ấy.

Trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước được quan tâm đầu tư mới là thay đổi lớn trong nền hành chính hiện nay.

Xoá dần nỗi ám ảnh...

Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người dân là chủ. Mọi hoạt động của cơ quan Nhà nước đều hướng đến mục tiêu cao cả là phục vụ Nhân dân. Giá trị ấy ngày càng được thể hiện cụ thể hoá từ Hiến pháp đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Thạc sĩ Nguyễn Việt Sỹ, Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị tỉnh Cà Mau, mở đầu câu chuyện về CCHC bằng những mẩu chuyện thực tế và những trải nghiệm, kết quả nghiên cứu hơn 20 năm trong công tác giảng dạy: “Việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân là minh chứng rõ nét cho chủ thể làm chủ của người dân. Trải qua nhiều giai đoạn, việc làm thủ tục cũng có nhiều thay đổi đáng kể. Từ “xin” đến “yêu cầu”, từ “nghĩa vụ” đến “quyền lợi”, từ “trách nhiệm” đến “quyền hạn” cũng được thay đổi và chuyển đổi qua từng giai đoạn cải cách”.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, đối với ông Nguyễn Văn Xứng, xã Thới Bình, huyện Thới Bình, việc đi đến cơ quan công quyền làm thủ tục đã quá đỗi quen thuộc. Ông sinh ra và lớn lên tại đây, tận mắt chứng kiến sự đổi thay trên quê hương. Việc được giải quyết TTHC cũng có sự thay đổi lớn theo chiều hướng tích cực khiến ông vô cùng phấn khởi.

Nhắc đến "ám ảnh của việc đi làm thủ tục một thời", ông Xứng nhớ nằm lòng: “Tôi không tin nổi sự khác biệt hoàn toàn của trước đây và hiện tại. Trước đây, tôi cũng như bao nhiêu người khác, mỗi lần đi làm thủ tục là cả ám ảnh. Ðường sá đâu như bây giờ, lên xã phải đi bằng xuồng chèo. Ðến nơi ngồi chờ có khi cả buổi để gặp được cán bộ phụ trách. Khi gặp được thì mới hỏi để biết hồ sơ cần gì rồi về nhà chuẩn bị, bổ sung".

Ðể giải quyết xong một loại thủ tục cần rất nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí có loại thủ tục phải mất cả tháng. Không những thế, khi tiếp xúc với cán bộ phải "xem sắc mặt" mà giao tiếp. Lúc đó để được giải quyết thủ tục một cách suôn sẻ phải thực hiện theo kiểu “nhờ vả” là chính. Không chỉ vậy, việc ghi chép trong hồ sơ gặp không ít lỗi chính tả, đặc biệt trong giấy khai sinh. Người dân thì ít để ý, đến khi đụng chuyện mới tá hoả chạy đi điều chỉnh”.

Bà Châu Kim Hồng, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, nhớ lại: “Khoảng năm 2006, tôi mua miếng đất cách thị trấn không xa. Nhiều tháng ròng vợ chồng tôi mới nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tay. Nhiêu khê lắm: phải đi lại hoàn chỉnh hồ sơ; rồi lên xuống hỏi thăm tiến độ; nhờ vả đủ điều... mới được. Không như bây giờ, mọi thứ đều công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian”.

Anh L.P.Ph bức xúc khi nhớ về năm 2003 khi lên UBND xã làm thủ tục xác nhận hồ sơ sinh viên để học đại học: “Họ yêu cầu phải đóng phí lao động công ích thì mới ký hồ sơ. Dù giải thích là đối tượng miễn (con thương binh) nhưng vẫn không được ký đóng dấu. Mãi mấy ngày sau nhờ người quen làm bên Ðảng uỷ xã “đánh tiếng” thì Chủ tịch UBND xã mới giải quyết xong. Suýt nữa bị trễ thời gian nộp hồ sơ qua đường bưu điện”.

Từ những hạn chế nơi chốn công quyền đã kìm hãm sự phát triển, không tạo dựng được lòng tin của người dân. Hơn hết, quyền làm chủ của người dân không được thể hiện rõ nét. Chính vì thế, việc đổi mới là yêu cầu tất yếu. Bằng những giải pháp quyết liệt, hệ thống công quyền đã tiến hành cuộc lột xác. Ði từ lý luận đến thực tiễn, bằng nhiều giải pháp đưa ra và thực thi trên thực tế xoá dần nỗi ám ảnh mang tên TTHC trong dân.

Ðặt nền tảng thay đổi…

Theo những nhà nghiên cứu, nền hành chính “cai trị” đã tồn tại trong khoảng thời gian khá dài, từ năm 1945-1992 ở nước ta. Ðỉnh cao nhất là trong khoảng thời gian từ năm 1980-1986. Ðây là giai đoạn điều hành nền kinh tế tập trung bao cấp dẫn đến nhiều bất cập và sai lầm, làm cho người dân không phát huy được quyền làm chủ của mình, xa rời thực tiễn, là nguồn gốc hình thành, phát triển hiện tượng lạm quyền, lộng quyền, là mảnh đất nuôi dưỡng và phát triển hiện tượng tiêu cực, tham nhũng…

Giải pháp khắc phục được Ðảng, Nhà nước thực hiện bằng cách xoá bỏ nền hành chính mang nặng tính “cai trị” chuyển sang nền hành chính “phục vụ”, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội. Ðây được xem là giải pháp quan trọng thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp xu thế của thời đại ngày nay.

Tính đến nay đã hơn 35 năm của chặng đường cải cách, khoảng thời gian đó là chặng đường lịch sử của công cuộc CCHC Nhà nước. “Hoà cùng khí thế chung của cả nước, tỉnh Cà Mau cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể. Mặc dù qua giai đoạn hình thành và phát triển, cũng như việc CCHC tại địa phương còn nhiều việc phải làm và chấn chỉnh để hoàn thiện. Nhìn về mặt tổng thể đã có sự thay đổi lớn”, ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Ðảng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh khi phóng viên báo Cà Mau phỏng vấn.

Tiến sĩ Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, chia sẻ: “Trong khoảng thời gian này, nhiều chủ trương, nghị quyết của Ðảng, của Nhà nước về CCHC được ra đời với mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, tiết kiệm, chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn. Quá trình tiến hành nhiều năm nay với những bước đi, lộ trình khác nhau, từ thấp tới cao. Bắt đầu từ việc cải cách một bước TTHC trong việc giải quyết các công việc của cá nhân, tổ chức, đến cải cách một bước nền hành chính Nhà nước với 3 nội dung là: cải cách thể chế hành chính; cải cách bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức”.

Ðã từng kinh qua nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến hoạt động CCHC tại địa phương, cũng như qua nghiên cứu độc lập của bản thân, Tiến sĩ Phạm Quốc Sử nhận thấy, ngày nay CCHC đã chuyển sang bước mới. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn nhưng với cái nhìn tổng thể đã có bước tiến quan trọng như: cơ cấu, tinh gọn bộ máy; khắc phục tình trạng chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền; xác định tính thống nhất, thông suốt trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước...

Cùng quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Việt Sỹ nhận định: “Qua thực tế nghiên cứu để phục vụ việc giảng dạy, tôi nhận thấy nền hành chính Cà Mau đã có nhiều bước tiến quan trọng. Yếu tố phục vụ đã được hình thành và thể hiện khá rõ nét. Người dân thực hiện thủ tục một cách dễ dàng. Có thể ở nhà cũng thực hiện được thủ tục mình cần. Cùng với đó, có thể kiểm soát được tiến độ thực hiện thủ tục; tư duy và nhận thức về nền hành chính phục vụ cũng có sự thay đổi. Lực lượng cán bộ, công chức hoạt động chuyên môn được lựa chọn kỹ hơn. Không những được đào tạo căn bản về nghiệp vụ mà cách ứng xử cũng được quan tâm hơn, tạo được cảm tình của người dân khi đến cơ quan công quyền”.

Bằng những giải pháp, hướng đi thận trọng, tỉnh Cà Mau đã và đang phát triển nền hành chính phục vụ theo hướng hiện đại, hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của đất nước, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới./.

 

Văn Ðum - Phong Phú

BÀI 2: NHỮNG ÐIỂM SÁNG TÍCH CỰC

 

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.