(CMO) Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang được ứng dụng rộng rãi, qua đó làm thay đổi cơ bản nhiều nền tảng phát triển của đời sống xã hội. Ðể thích ứng, bắt kịp với sự thay đổi đó, Cà Mau đẩy mạnh ứng dụng này trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; góp phần tự động hoá, đơn giản hoá các quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan chính quyền, tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan công quyền...
Ðáp ứng mục tiêu quan trọng
Ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, cho biết: “Nhằm thực hiện việc phát triển CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước, tỉnh đã thực hiện các bước đi phù hợp, trong đó tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT, triển khai các thành phần cốt lõi, cấu trúc nền tảng cũng như triển khai các ứng dụng tương thích theo từng ngành, lĩnh vực. Ðây là cơ sở quan trọng nhằm hình thành và phát huy tính hiệu quả của Chính quyền điện tử. Trên cơ sở thực tế đặt ra, hàng năm Cà Mau điều chỉnh kế hoạch với nhiều giải pháp quan trọng được thực hiện”.
Dù có sự thay đổi trong cách làm nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là ứng dụng CNTT xây dựng hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong tỉnh theo mô hình Chính quyền điện tử. Hệ thống thông tin phục vụ việc xử lý nghiệp vụ của cán bộ, công chức; phục vụ giao dịch giữa cơ quan với cơ quan Nhà nước; giữa Nhà nước với doanh nghiệp; giữa Nhà nước với công dân.
“Các ứng dụng CNTT được đề xuất triển khai phải trên cơ sở đáp ứng yêu cầu cải cách TTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Ðó là cán bộ, công chức, viên chức có được phương tiện làm việc hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hơn TTHC; người dân và doanh nghiệp có thêm phương thức giao dịch thuận tiện, minh bạch với cơ quan Nhà nước”, ông Chính cho biết thêm.
Theo đó, những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã được triển khai rộng khắp. Cụ thể, đối với ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành gồm nhiều phần mềm được triển khai, như phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (VIC), Chữ ký số, Thư điện tử công vụ tỉnh, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, phần mềm Quản lý cán bộ, công chức, viên chức, phần mềm Quản lý cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, phần mềm Quản lý cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã.
Ðối với ứng dụng phục vụ quản lý, đã qua tỉnh triển khai phần mềm Thông tin kinh tế - xã hội (EGC). Phần mềm này được triển khai sử dụng năm 2016, nhằm đáp ứng nhu cầu theo dõi xử lý công việc hành chính của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Mặt khác, cung cấp những công cụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử, kết nối liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho trên 1.200 thủ tục. Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong năm 2020, Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tỉnh Cà Mau đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho trên 1.200 TTHC. |
Ðà vững chãi cho giai đoạn mới
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau, bên cạnh nhiều kết quả tích cực thì việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Ðơn cử, phần mềm VIC đã được tỉnh xây dựng từ năm 2009, đã có hơn 500 cơ quan, đơn vị triển khai và trên 7.500 tài khoản đăng ký sử dụng. Qua hơn 10 năm sử dụng, phần mềm nhiều lần được nâng cấp, nhưng xét về chức năng, tính năng kỹ thuật và kiến trúc dữ liệu của phần mềm nhiều điểm không còn phù hợp để nâng cấp, mở rộng.
Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, còn một số văn bản điện tử phát hành chưa có chữ ký số để ký duyệt văn bản phát hành trên phần mềm VIC. Chữ ký số chưa được mở rộng tích hợp ký số trên các thiết bị di động (máy tính bảng, điện thoại...), việc thực hiện bị hạn chế (không thể ký số khi đi công tác...).
Tình hình sử dụng hộp thư điện tử công vụ ở các cơ quan, đơn vị còn hạn chế; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộp thư để trao đổi công việc không cao (dưới 50%). Ngoài ra, hiện nay nhiều cán bộ, công chức, viên chức sử dụng các ứng dụng như: Zalo, Viber, Google Drive, Messenger, Gmail... để trao đổi, chia sẻ thông tin. Công tác tuyên truyền, phổ biến quy chế sử dụng hộp thư điện tử công vụ đến công chức, viên chức biết để thực hiện đúng quy định còn hạn chế...
Ðối với dịch vụ công trực tuyến, mặc dù có nhiều lợi ích khi sử dụng, tuy nhiên, trên thực tế nhiều người chưa thật sự hiểu và thực hiện. Nguyên nhân của hạn chế này là do người dân chưa quen, chưa thật sự tin tưởng vào việc giải quyết TTHC bằng hình thức trực tuyến. Từ đó, lựa chọn cách thức nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp tại bộ phận một cửa các cấp là chủ yếu.
Trên nền tảng kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020, tỉnh Cà Mau đưa ra nhiều mục tiêu quan trọng phấn đấu từ nay đến năm 2025. Trong đó, xác định mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với CCHC, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ.
Bên cạnh đó, hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng Chính quyền số nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước; tạo lập dữ liệu mở, dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng. Từ đó, nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh Cà Mau về các Bộ chỉ số liên quan đến Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số và các mức độ ứng dụng khác do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, trên cơ sở đó, địa phương sẽ xem xét triển khai dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh ở một số lĩnh vực, như giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, y tế, an ninh trật tự công cộng.
Ðể hoàn thành các mục tiêu đặt ra, địa phương đã xác định những nhóm nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp. Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả công nghệ.
Ðối với thu hút nguồn lực CNTT, hàng năm cân đối, bố trí ngân sách của tỉnh triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng CNTT trọng tâm, trọng điểm để đầu tư trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật, phần mềm ứng dụng CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Chính quyền điện tử, Chính quyền số tỉnh Cà Mau. Ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị để đầu tư máy tính, nâng cấp mạng nội bộ, duy trì các ứng dụng nội bộ tại mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tạo môi trường hiện đại, chuyên nghiệp, liên thông, tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động của cơ quan, đơn vị. Ðặc biệt là nâng cao hiệu quả công việc, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của các cơ quan. Ðây cũng là bước đệm để địa phương hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thu hút đầu tư, nhằm khơi dậy và thúc đẩy tiềm năng hiện có tại Cà Mau./.
Văn Ðum - Phong Phú
BÀI CUỐI: NHỮNG BƯỚC ÐI THẬN TRỌNG VÀ HIỆU QUẢ