ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 8-1-25 21:46:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cái Tết thời chiến sau cùng ở Rau Dừa

Báo Cà Mau Tết Ất Mùi 2015, gợi nhớ xiết bao kỷ niệm một thời kháng chiến. Nhớ mới hôm nào chèo xuồng đi chiến dịch từ sau Tết Ất Mão 1975 - cái Tết sau cùng chiến tranh kết thúc, thấm thoát đã tròn 40 năm.

Tết Ất Mùi 2015, gợi nhớ xiết bao kỷ niệm một thời kháng chiến. Nhớ mới hôm nào chèo xuồng đi chiến dịch từ sau Tết Ất Mão 1975 - cái Tết sau cùng chiến tranh kết thúc, thấm thoát đã tròn 40 năm.

Vào buổi chiều, lúc trời sâm sẩm, tốp anh em làm báo chúng tôi do anh Lê Hữu Nghiêm (Út Rô) hướng dẫn, đi xuồng chèo trên sông Giáp Nước - vàm Khâu Bè ra đầm Bà Tường, thẳng hướng Xẽo Đước, đến khu vực cơ quan Tỉnh uỷ. Vừa sụp tối, hằng hà con đom đóm chớp sáng khắp dãy rừng như muôn triệu vì sao và nghe tiếng máy phát điện xình xịch gần bên.

Minh hoạ: THANH HÙNG

Chúng tôi được gọi vào căn nhà nhỏ bằng cây lá trông xinh xắn nằm thu gọn bên những tàn cây đước che kín, ánh đèn nê-ông sáng choang. Chú Bảy Nông, tức đồng chí Nguyễn Minh Đức, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau, ngồi trên chiếc võng ni-lông lay nhẹ. Khi chúng tôi ổn định chỗ ngồi và bắt đầu vào việc, chú Bảy trịnh trọng nói:

- Hôm nay Tỉnh uỷ mời các đồng chí đến để nghe phổ biến một số chủ trương mới…

Chú Bảy có giọng nói nghiêm túc, chắc lọi từng câu chữ, nghe thật trịnh trọng, thể hiện sự quan tâm của người lãnh đạo. Chúng tôi tập trung ghi nhận nội dung buổi tiếp và làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ với những người làm báo tỉnh nhà…

***

Chị Hai Hồng, Uỷ viên Thường trực Ban Tuyên huấn tỉnh, gọi tôi đi cắt chữ thực hiện tấm băng cho một cuộc họp quan trọng.

Trời mưa lất phất, tôi bơi xuồng bằng cây chèo gãy qua ngang đầm Bà Tường vào Vịnh Dừa, lên khu vực cơ quan Ban An ninh tỉnh Cà Mau. Ở đây, vừa được Tỉnh uỷ cho xây cất một hội trường cao, rộng và dài, lợp 4 mái lá, mỗi bên 2 mái, có khoảng giữa cho gió lọt vào. Tôi nghe mấy anh nói mà hấp dẫn: Hội trường này là theo mẫu hội trường trên “R” do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế và lợp lá trung quân… Tôi lo làm xong nhiệm vụ, cắt dán một tấm băng dài, chữ lớn: “Đại hội đánh bại bình định, giải phóng Cà Mau”. Đại hội này do chú Bảy Nông chủ trì.

Thời điểm này, các cơ quan tỉnh được lệnh chuyển hướng lên Rau Dừa. Một số anh em ở Tiểu ban Thông tấn Báo chí Cà Mau đi trước xuống rừng Bù Mắc đốn cây và tá túc nhà anh Hai Thép. Tôi, Thanh Hải, Thanh Mận chạy xuồng be mười thước gắn máy Kohler 4 xuống chở cây. Đến nơi, các anh mừng rỡ, gọi nghỉ mệt rồi dọn cơm ăn. Trên đường về, chiều 18/10/1974, ra chưa tới sông Bảy Háp đã bị vướng cừ chìm xuồng trên sông Bù Mắc - ngang vàm Mang Rỗ. Mấy anh em tôi xúm lại lặn mò vất vả, vớt từng cây đước rất nặng đưa lên bờ, tát nước xuồng, lau chùi máy đuôi tôm, cất cây trở xuống tốn công sức, thời gian và thức suốt đêm mới về tới Rau Dừa.

Từ đó, bộ phận Thông tấn - Minh Ngữ và Nhiếp ảnh đóng trong khu vườn của chú Sáu Lân. Báo Cà Mau cất nhà làm việc và nhà bếp trên đất anh Hai Thiệt, cặp kinh Nhà Thiếc - Xã Thạch. Hồi ấy con kinh này bịt bùng cây cối đổ ngã, sậy cỏ phủ dầy, xuồng không đi được. Tiểu ban Văn nghệ chọn nơi dừng chân trên nền đồn Xẽo Trê - đất bà Xã Út, phía bên kia sông Rau Dừa.

Mấy năm giặc bình định tái chiếm cứ điểm Rau Dừa và đóng đồn Xẽo Trê, chủ đất phải tạm lánh vô rạch Quang Đàm. Chúng tôi đắp nền mới, cất nhà cao ráo, thoáng mát quay mặt ra sông nhưng còn mấy bờ vườn sát vách nhà phía sau vô số lau sậy dầy bịt. Anh Út Rô giao tôi phát dọn trống trải cho bớt muỗi mòng. Tôi tranh thủ lao động, phát dọn sậy cỏ ngã rạp gốc, chỉ còn một cây khế đang cho trái và lộ ra cái gò mả đất gần nhà.

Vài ngày sau, anh chủ đất ra tới, lần dò như tìm kiếm… Bỗng anh la rầy và chửi nghe thật “găng”. Tôi lên tiếng:

- Dạ, em phát sậy đó anh Hai!

Anh Hai quát:

- Ba cái cây chôm chôm, sa-pô tui trồng, chặt không còn một cây.

Thật tình tôi không để ý. Thấy anh Hai đang nóng giận nên tôi ém luôn trong nhà.

Vào lúc này, anh em Tiểu ban Văn nghệ đã cất xong một dãy nhà lá, nghiêng phía đối diện bên sông, nóc nhô lên khỏi rừng sậy. Bên đó cũng ra tay phát dọn sậy cỏ quanh nền đồn cũ, đào rinh vô nhà một đống củ khoai rạng. Một hôm, anh Mười Thanh và Quang Thắng gởi qua bên này tặng anh Mười Hiến một giề củ khoai to gọi “lấy thảo”. Anh Mười Hiến kêu mấy em cháu ở bộ phận Nhiếp ảnh mần mớ cá trê, rô đồng giăng lưới dính con bự nấu nồi canh khoai cho ngọt cho ngon. Mấy anh chị em xúm nhau lo bữa cơm chiều, công kỹ nấu chín nồi canh, chừng nêm nếm nước canh đắng nghét. Té ra, vì nằm dưới đất lâu năm, khoai bị thoái hoá, đắng như xiêng-tâm-liên… Anh Mười Thanh và Quang Thắng khoái chí, bật cười khặc khặc, vì cũng mới vừa tạt bỏ nồi canh đầy cá bự, lại tặng anh Hai Bình (hoạ sĩ) và gánh Nhiếp ảnh bên này. Anh Mười Hiến cũng cười cười, nói chậm rãi:

- Thật là chơi kiểu rất… văn nghệ!

Những ngày hạ tuần tháng 11/1974, UBND Cách mạng tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc hội nghị lớn trong khu vườn dừa rậm sau kinh Mười Phải, giáp khu rừng Mũi Ông Lục, phía trên bờ đầm Thị Tường.

Chiều 23/11/1974, tôi đang chèo xuồng qua ngang rạch Quang Đàm, anh Hai Thiệt từ trên nhà bước ra kêu tôi cho bằng được ghé lại nghỉ một lát. Tôi ngại, nhưng thấy anh vồn vã nhiệt tình nên cặp xuồng vào bến, bước lên. Ở nhà đang nấu nồi cháo gà xé phay. Tôi vừa ngồi bộ vạc, anh bắt chuyện:

- Hôm rồi anh nóng giận, em đừng buồn anh nghe. Vì sốt ruột ba cái cây trồng nên anh la chút thôi. Từ nay anh coi em như em vợ của anh vậy. Chị Hai em cũng là người Bến Tre đây!

Tôi quay sang gật đầu chào chị Hai và lắng nghe anh nói đầy vẻ thương mến, cảm động. Tôi nhủ thầm: Nhờ hai tiếng “đồng hương” đã xoá trong anh cơn giận và giúp tôi nguôi ngoai ray rứt trong lòng…

***

Chuẩn bị làm báo Xuân Ất Mão 1975, thời gian này anh Lê Hữu Nghiêm đi học trường Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ. Ban Tuyên huấn tỉnh giao cho anh Phạm Quang Hiến (Mười Hiến) phụ trách biên tập số báo xuân. Các phóng viên được phân công đi nắm tư liệu viết tin, bài… tôi sang Trần Hợi với “Màu lúa” và vòng lên Cỏ Xước với “Chốt trên sông”, viết về Đội săn tàu tỉnh Cà Mau đã cắt đứt hoàn toàn sự chi viện bằng đường sông của giặc. Tuyến sông chiến lược này chỉ còn Chi khu Rạch Ráng. Tôi trở ra Bàu Phong, vòng qua Rạch Mũi, xuống Cái Rắn, trở về Rau Dừa. Bìa báo Xuân do anh Hai Bình vẽ hình ảnh một đoàn vỏ lãi gắn máy chở bộ đội thần tốc hành quân… Giao bài xong, tôi lo vẽ một số chữ tít, bông hoa, vi-nhét các chuyên mục cho Thanh Hải, Thanh Mận khắc gỗ…

Tôi với anh Mười Hiến xuống trực tại Nhà in Trần Ngọc Hy từ kinh Ông Đơn mới chuyển lên rạch Xẽo Vinh (xã Tân Hưng Tây, huyện Cái Nước) vừa biên tập bài vở, vừa lên ma-két và dò bài suốt mấy ngày đêm, hoàn thành số báo Cà Mau Xuân Ất Mão 1975.

Thuở ấy, từ Xẽo Trê ra Rau Dừa và xung quanh còn hoang hoá. Dấu tích chiếc cầu Rau Dừa là một hàng trụ sắt rỉ sét trơ trụi đứng dưới nước vàm sông ngay trục lộ xe cũ - ngã tư qua Vịnh Gốc và mọc lên cái lều bán xăng lẻ bên góc bờ. Hai bờ sông Rau Dừa lau sậy bịt bùng, phía kinh Nhà Thiếc trở ra, có một tiệm may và một tiệm tạp hoá. Thỉnh thoảng có chiếc xuồng chèo qua ngang, chỉ một người phụ nữ đứng chèo mà chị này ghé tiệm quán một hồi, nghe ở đó tiếng cười rộ… Một hôm, Khắc Điệp đi tiệm gặp, chị hỏi chuyện làm quen và xổ một tràng văn thơ bóng bẩy, cả thơ Hàn Mạc Tử… Trước ánh đèn măng-xông, Khắc Điệp trố mắt nhìn, ngạc nhiên, vẻ thấy sợ, vội bước xuống xuồng chèo về. Đó là chị Út Thâu, có cái gien thần kinh lạ lắm!

Tôi thường chèo xuồng một mình, đi trên các sông rạch, ra Đoàn Văn công Tỉnh đội đóng trong cụm vườn tre, đoạn nửa đường Vịnh Gốc - Cái Rắn. Ở đây có nhiều anh em thân quen như Thế Hùng, Thanh Mai, Hồng Hải và người anh từng sống chết bên nhau thời giặc đánh phá ác liệt ở xã Trần Hợi, có cả anh Bùi Sĩ Hùng (Ba Hùng, Trưởng Đoàn Văn công Tỉnh đội Cà Mau). Từ ngày về tỉnh, tôi đi công tác và thường ghé ăn cơm ở cơ quan Tỉnh đoàn, Phụ nữ tỉnh và Ban Chính trị Tỉnh đội… Tại đây, tôi xếp bộ đồ bà ba nhuộm pin đèn của tôi tặng diễn viên Út Công dành thủ vai nông dân trên sân khấu… Hơn 20 năm sau, tôi mới gặp lại Út Công tại thị trấn Cái Nước, hiện là hội viên cựu chiến binh…

Những tháng cuối năm, Phan Anh Tuấn đi học tận miền Đông vừa trở về. Tiểu ban Thông tấn Báo chí tổ chức ăn Tết gộp liên hoan tiễn anh Mười Hiến và chị Sáu Kiều đi học trên “R” vào những ngày giáp Tết. Bữa tiệc tập trung tại bộ phận Nhiếp ảnh - căn nhà rộng trên bờ dừa. Tôi đi công tác về trễ cũng được anh Mười và tập thể dành một dĩa thịt vịt tiết canh. Hồi ấy sợ màu tiết đỏ tươi sống, tôi không dám ăn món này. Ý nghĩa cuộc chia tay tiễn đưa anh Mười và chị Sáu đi học, ai cũng vui trong liên hoan, ăn Tết. Anh Lê Hữu Nghiêm quá vui, dám trân mình bò vòng quanh mặt đất trong nền nhà, kêu than với anh Mười Hiến mà kể chuyện con cầy: đặc điểm con nào bán, con nào nuôi và con nào ăn thịt… gây trận cười vang trong khu vườn.

Và cũng từ lần chia tay dịp ăn Tết thời chiến sau cùng tại Rau Dừa đến ngày 30/4/1975, anh Mười Hiến và chị Sáu Kiều cùng đoàn quân ra tiếp quản TP Sài Gòn và công tác thuộc ngành, Bộ của Trung ương, không trở lại Cà Mau. Hơn 20 năm sau, anh Mười về thăm quê vợ ở đầm Bà Tường, qua Cái Nước ghé tôi, còn nhắc vui: Anh thì Cà Mau nước mặn tràn sông anh cũng về… Và chị Sáu Kiều vào độ tuổi thất thập vẫn không có gia đình.

***

Vốn quen nhiều cái Tết xa nhà và Tết Ất Mão 1975 tại Xẽo Trê, Rau Dừa là cái Tết sau cùng ở chiến khu, bưng biền. Ở vùng căn cứ kháng chiến, tôi còn say mê ca ngợi màu hoa mua tím. Lại thoáng nhớ hình bóng “cô nàng” ngoài 20 tuổi ở Biện Tràng, quen dịp tình cờ hỏi chuyện, thường chèo xuồng chở theo đứa con gái nhỏ, có lần ghé lên tìm tôi như người “trong mộng”, còn tôi đang thời mơ tưởng, chưa biết yêu là gì…

Và cũng từ mùa xuân này, anh chị em Tiểu ban Thông tấn Báo chí và Văn nghệ chúng tôi lặng lẽ tạm biệt Rau Dừa. Cũng vào thời điểm này, có hai học sinh ở thành là Trần Quốc Thái và Lưu Minh Lý trở về tham gia kháng chiến được nhận vào Tiểu ban Thông tấn Báo chí Cà Mau. Bến nước Biện Tràng chiều một ngày tháng 4/1975, còn lung linh in bóng hình ảnh sống động - một đoàn cán bộ tỉnh tập kết về đây nhận lệnh và náo nức lên đường đi chiến dịch giải phóng thị xã Cà Mau, theo bước chân thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng TP Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 lịch sử./.

Nguyễn Minh

Tám Nhanh làm giàu

(CMO) Thực ra gọi ông là Tám Nhanh là theo thứ bên vợ, bà Tám Nhã (Trần Thị Nhã). Ông Tám Nhanh sinh năm 1963, là con duy nhất của Liệt sĩ Võ Văn Năm. Cha ông hy sinh khi bà Nguyễn Thị Dẽ đang mang thai ông.

Nét chấm phá từ bức tranh giảm nghèo

(CMO) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,76%, vượt kế hoạch đề ra, tương đương với 687 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đời sống của người dân đang từng ngày khởi sắc, bức tranh kinh tế - xã hội huyện nhà có nhiều thay đổi. Năm nay, bà con huyện Ngọc Hiển đón cái Tết ấm no, sung túc hơn.

50 năm - vọng mãi bản anh hùng ca

(CMO) Tết này nữa là tròn 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khí thế hừng hực của cách mạng miền nam, ngày ấy quân và dân Cà Mau đã thấy hoà bình, thống nhất đang đến thật gần.

Năm mới thắng lợi mới

(CMO) Năm 2017, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là nỗ lực lớn, là tiền đề quan trọng để Cà Mau thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của năm bản lề 2018.

Vững tâm bước vào năm mới

(CMO) Là tỉnh cách xa trung tâm chính trị, kinh tế của vùng và cả nước, điều kiện đi lại hết sức khó khăn; là "đứa con út chót" ở nơi cuối cùng Tổ quốc giữ gìn biên cương lãnh thổ nên Cà Mau được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.

Cho ngày xuân bình yên

(CMO) Không khí xuân đã tràn ngập trên các nẻo đường, người người, nhà nhà nô nức xuống phố hoà vào lễ hội của mùa xuân. Hoà trong dòng người ngược xuôi, tấp nập là hình ảnh các lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. họ luôn căng mình, túc trực 24/24, giữ bình yên cho ngày xuân.

Trao nông dân cơ hội làm giàu

(CMO) Năm 2017, huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều nông dân quan tâm áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Chó "độc nhãn"

(CMO) Quê tôi, mùng Ba Tết là ngày mặc định ai có con "gửi" thầy cúng đều mang nhang, đèn, gà thả vườn đến vái lạy, thay tom. Nhà tôi hơn mười năm trở lại đây cũng được cái vinh hạnh gần giống vậy. Người nhờ vả, người đồn đại theo hướng tôn vinh nhưng sau trước gì cũng vẹn tình, quà cáp hoặc phong thư... Có điều, họ không "thần tượng" tôi mà là con chó “độc nhãn”.

Trên dòng kinh Tám Khệnh

(CMO) Dòng kinh Tám Khệnh hôm nay trong tiết trời se se lạnh bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Những chiếc ghe chở cá tươi nối đuôi nhau cập bến. Không cần đợi lệnh phân công của ông chủ, lần lượt nhóm thanh niên khuân vác cá lên bờ, còn nhân công làm thuê thì bắt tay vào công việc thường nhật: phân loại cá, làm cá, phơi cá. Tiếng trò chuyện, tiếng nói cười huyên náo cả một khúc sông.

Động lực giảm nghèo

(CMO) Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo là việc làm không mới đối với huyện Phú Tân và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm. Song, cái mới ở đây là sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ đó, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo phấn đấu tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.