Chỉ cách Quốc lộ 63 không đầy 3 km vậy mà gần 100 hộ dân ở Ấp 6, xã Thới Bình, huyện Thới Bình luôn khắc khoải mong chờ điện, đường. Ánh sáng điện đối với họ như cái gì xa xỉ lắm.
Chỉ cách Quốc lộ 63 không đầy 3 km vậy mà gần 100 hộ dân ở Ấp 6, xã Thới Bình, huyện Thới Bình luôn khắc khoải mong chờ điện, đường. Ánh sáng điện đối với họ như cái gì xa xỉ lắm.
Đón chúng tôi từ tờ mờ sáng, xe vừa dừng lại, Phó Trưởng Ấp 6 Chung Văn Tâm vội khoe: “Nghe nói mọi người vào, ai cũng giành chạy xuồng ra đón”. Tôi thắc mắc một lúc thì mới hiểu ra rằng, mấy chục năm qua, không những người dân nơi đây mong ước có điện mà còn mỏi mòn chờ đợi một con đường để nối liền giao thương, không còn tách biệt với cuộc sống bên ngoài nữa.
Nỗi khổ điện chia hơi
Chiếc xuồng nhỏ men theo con rạch Bà Hội dẫn lối chúng tôi đến với ấp, điều đập vào mắt đầu tiên là cảnh dây điện chia hơi kéo chằng chịt từ nhiều phía. Chúng mắc với nhau chỉ bằng những thanh tre cao vừa qua đầu người. Như hiểu ý, anh Tâm liền giải thích: “Ở đây ai quen thân ai được thì xin kéo nhờ, có một cụm này mà cả thảy 5 đường điện chia hơi, nên dây điện chằng chịt như thế. Mà được có bao nhiêu hộ đâu, đường tải xa quá, chi phí lại cao, điện yếu nên chỉ đoạn ngoài này là có điện thôi”.
Không điện, một số người dân có điều kiện tự trang bị máy phát điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Ảnh: HỒNG NHUNG |
Ði được một đoạn thì không thấy dây điện nào được mắc nữa. Tạt vào nhà ông Trần Minh Thường, nhà cửa khá khang trang, đề huề nhưng đủ thứ máy móc dùng để “tạo điện”. Ông Thường cười chua chát: “Tôi về đây sống đã 18 năm rồi, mới chỉ hơn 1 năm nay là có được vài hộ chia hơi. Gia đình nhờ khá hơn hộ khác, có ít vốn, thấy mấy đứa nhỏ học đèn dầu tội nghiệp quá nên đầu tư xài năng lượng mặt trời mấy năm nay. Nhưng ngặt nỗi xài năng lượng mặt trời bị sự cố liên tục, phải mua thêm máy phát điện, máy bơm nước, tính ra chi phí mấy chục triệu đồng”.
Chỉ lên trần nhà, ông tiếp lời: "Nhà cất từ năm 2012, đường điện cũng đã đi sẵn hết rồi, mà chờ hoài không thấy có điện. 4 năm qua, mỗi năm 2 bận đi tiếp xúc cử tri trên tỉnh, dưới huyện cũng không thu được kết quả gì".
Kinh tế eo hẹp hơn, gia đình anh Nguyễn Văn Luyến phải hùn hạp cùng anh bạn hàng xóm kéo chung đường dây điện về gần 1,5 cây số. Với số tiền đầu tư gần 5 triệu đồng nhưng cũng chỉ xài được 1 cái ti-vi, 1 quạt gió và vài bóng đèn mà điện lúc nào cũng chập chờn. Anh Luyến than: “Mỗi tháng riêng gia đình tôi đóng ít nhất 350.000 đồng, có khi gần 500.000 đồng, đường tải quá xa, điện không đảm bảo. Ðể kéo được điện về phải cặm tới 50 cây tre, chưa kể mỗi năm phải thay 2 lần vì mục hư, gãy ngã”.
Ði sâu vào trong ấp mới thấy sự khắc khổ đến nao lòng. Khác hẳn với cuộc sống ồn ào bên ngoài, tuyến Kinh 8 Thước có tới 76 hộ nhưng yên ắng lạ thường, vậy mà Bí thư Chi bộ Ấp 6 Lê Tiến Dũng cười "khoe": “Buổi sáng thế này đã là tươi tắn lắm rồi, phải chi đi vào buổi chiều mới thấy cảnh ảm đạm nơi đây hơn, không hộ nào có điện, không chút ánh sáng, chỉ đèn dầu le lói. Buồn không tả nổi”.
Không có điện, nhiều nhà chăn nuôi phải xách từng xô nước dội chuồng, tưới rau, muốn phát triển kinh tế sao quá khó khăn. Khổ nhất là mấy đứa nhỏ thời buổi bây giờ còn phải học bằng đèn dầu.
Anh Diệp Bé Nhỏ, người dân trong tuyến, bức xúc: “Ở đây đường xa quá đâu kéo chia hơi nổi, con bé lớn ban đêm phải đem đèn cóc vô mùng học bài, cứ 3-4 ngày là cái mùng đen kịt, cái mũi nó đóng khói thấy mà thương. Ở đây ai có điều kiện thì mua máy phát điện, hay xài bình ắc-quy, nhưng hầu hết vẫn phải xài đèn dầu vì có khi cần thiết lắm mới phát điện hay xài bình".
Không những thế, 5 năm con anh đi học cũng là 5 năm anh đi học cùng con, bởi đường đến trường khá xa, lộ làng không có, đến đó quay về lại tốn chi phí, nên anh đành ở lại cùng con đến khi tan trường.
Bí thư Chi bộ Ấp 6 Lê Tiến Dũng trần tình: “Ở đây nhà ai dù có nghèo cỡ nào cũng có chiếc xuồng máy dưới sông, không có coi như “cụt chân”. Ða số phụ huynh đều đưa con đi học rồi ở lại đó đợi chúng tan trường mới về. Bởi lộ làng vẫn chưa được đầu tư gì. Nhiều khi đến nhà dân khảo sát họ hỏi riết rồi cũng không biết đường trả lời”.
Cám cảnh điện, đường không có, cô Tư Tuyết (Phương Kim Tuyết) nay đã ngoài 70 tuổi buộc phải làm người lái đò bất đắc dĩ để đưa 3 đứa cháu mồ côi và nhiều đứa trong xóm đến trường.
Cô Tư ngậm ngùi: “Sống ở đây gần hết đời người rồi mà vẫn chưa có điện, thấy mấy đứa nhỏ đi học vất vả tội nghiệp nên đưa chúng đến trường. Ở đây mọi người hay đưa vần công nhau, vì mỗi lần đi là mất cả buổi trời, đâu còn làm ăn gì được. Có khi kiêm thêm việc sạc bình cho người dân”.
Ðiều đáng nói, mặc dù khu vực này chưa có điện, đường nhưng người dân nơi đây rất chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế. Ngoài nuôi tôm, hầu hết các gia đình đều có chăn nuôi hay tận dụng đất trống trồng màu.
Ông Lê Tiến Dũng trải lòng: “Toàn ấp 301 hộ nhưng chỉ có 16 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo, riêng tuyến Kinh 8 Thước này chỉ có 1 hộ nghèo thôi. Dân cư lại khá đông, ai nấy đều chịu khó làm ăn nhưng ngặt nỗi thiếu điện, thiếu đường, chợ lại quá xa, việc đầu tư làm ăn cũng gặp nhiều trở ngại”.
Phó Trưởng Ấp 6 Chung Văn Tâm giãi bày: “Do địa phương chưa có nguồn, chờ bên điện lực cân đối nguồn mới kéo cho bà con được. Lần nào lên họp hay tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng nhận được câu trả lời như vậy, riết rồi tôi nghe cũng thuộc lòng”.
Ðem thắc mắc đi hỏi thì được Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững giải thích: “Tuyến này cũng nằm trong kế hoạch từ nay đến năm 2020, nhưng kinh phí hiện còn khó khăn. Hiện toàn huyện còn 27 tuyến cần đầu tư, chủ yếu cho xã nông thôn mới, nhưng sẽ tranh thủ tuyến bức xúc đưa vào danh mục, về phía công ty điện lực để họ tự cân đối, chủ động hạ thế đầu tư”.
Câu trả lời cũng chưa thật cụ thể, đến năm 2020 hay đến bao giờ điện, đường nơi đây mới có được và không biết những cảnh khốn khó đến nao lòng này sẽ còn tiếp diễn đến khi nào?
Phóng sự của Hồng Nhung