ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:34:16
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cắm cành hoa đẹp bến sông xưa

Báo Cà Mau (CMO) Mỗi lần đưa đồng nghiệp từ TP. Hà Nội về công tác các tỉnh miền Tây, đến hết đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, theo quán tính, bao giờ tôi cũng rẽ về cầu Rạch Miễu để xuyên TP. Bến Tre, qua cầu Hàm Luông, rồi tạm biệt Mỏ Cày trên chiếc cầu Cổ Chiên mới ngược - xuôi về các tỉnh khác. Từ trên những đỉnh cầu này mới cảm nhận hết sự mênh mang của sông nước Cửu Long và màu xanh ngút ngàn của xứ dừa quê nhà Đồng Khởi.

Dòng Mê Kông vào Việt Nam chia 2 nhánh, sông Tiền và sông Hậu, về hạ lưu xoè 9 nhánh đổ ra biển. Trong 9 cửa ấy, Bến Tre với 3 mảnh đất cù lao: Minh, Bảo và An Hoá, đẫm mình trong phù sa hết 6 cửa. Trong mỗi cù lao ấy còn có biết bao sông rạch len lỏi dưới rợp mát bóng dừa. Đất đai màu mỡ, sông nước mênh mang hữu tình, nhưng cũng vì vậy mà Bến Tre cứ “đò giang cách trở”.

Đi trong màu xanh xuyên qua 3 chiếc cầu trên những dòng “Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy”, đồng nghiệp tôi, ai cũng náo nức lạ thường. Còn riêng tôi như “tắm mình” trong miền ký ức đầy bóng hình của những người thương yêu cùng quê nhà - đất Bến Tre.

Cầu Rạch Miễu là niềm tự hào của người dân Bến Tre.  Ảnh: K.P

Miền ký ức ấy bắt đầu khi tôi mới tròn 5 tuổi với đầy kỷ niệm về hình ảnh mẹ tất tả vượt chặng đường xa hết xe đò, xe ngựa, tàu đò dắt tay tôi về quê nội Bình Khánh - Mỏ Cày. Dù chỉ lần đầu chạm ngõ đất quê, với cảm nhận của một cậu nhóc 5 tuổi, nhưng sao tôi vẫn nhớ rõ từng chi tiết. Và dường như tình yêu Bến Tre, tình yêu những dòng sông quê trong tôi cũng bắt nguồn từ ấy.

Mẹ tôi làm công tác binh địch vận, có giấy tờ của chính quyền Sài Gòn cấp nên ra vô thành thị dễ dàng, không bị mật vụ nổi chìm dòm ngó.

Năm đó, tôi mới tròn 5 tuổi, được mẹ cho về thăm quê nội. Xe đò dừng ngã ba Trung Lương, mẹ dắt tay tôi lên chiếc xe lam ba bánh xuống bắc Rạch Miễu. Sông Tiền đoạn này rộng mênh mông, phà chạy lâu lắm mới tới bờ bên kia. Lên bờ, tôi níu áo mẹ bước lên xe ngựa. Chiếc xe nhỏ xíu mà con ngựa lộc cộc chở 7-8 người. Lần đầu tiên đi xe ngựa dù khoái trong bụng mà sao tôi cảm thấy thương nó quá.

Tới thị xã Bến Tre, mẹ dắt tôi vô chợ nhà lồng mua thịt heo, gà, vịt, rau quả đầy giỏ xách để về nấu mâm cơm cúng ông bà nội. Rồi mẹ hỏi đò Cái Quao đi về Bình Khánh. Ngồi trong đò một đỗi, trước mắt tôi là con sông rộng chưa từng thấy, mưa mịt mù, sóng lượn nào lượn nấy dễ sợ - sau này lớn lên tôi mới biết đó là sông Hàm Luông. Tôi im re vì lo sợ sông rộng, sóng to cho đến lúc tàu đò rẽ phải vào con sông nhỏ êm ru.

Tàu ghim mũi vào một bến hói của bờ sông rồi lại dạt ra, ghim vào lần nữa. Một người thanh niên mặt mày tươi tắn kêu “thím Tám”, bước lên mũi tàu bồng xốc tôi lên bờ. Mấy ngày liên tiếp sau đó, anh cõng tôi lội bùn sình thăm mộ ông bà, thăm hỏi bà con cô bác.

Bây giờ cái bực lở bờ sông mà tôi kêu là “bến hói” ấy vẫn còn đó. Nền nhà cũ của bác tôi giờ là căn nhà tình thương mà đoàn thể cất cho ông anh cựu chiến binh của tôi.

Cảnh vật chung quanh chẳng khác gì khi tôi còn bé về đây, anh tôi đốt đuốc lá dừa cõng tôi đi trong lầy lội. Giờ xe hơi chạm ngõ. Nhà khuất trong rặng dừa cũng có lộ xi-măng men theo mương vườn vào đến tận sân.

Rồi theo năm tháng, nỗi nhớ Bến Tre định hình và lớn dần trong tôi từ góp nhặt hình ảnh về xứ Dừa thương yêu.

Người Bến Tre qua nhiều thế hệ ở Cà Mau nhiều lắm. Đơn vị Bến của đường Hồ Chí Minh trên biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu về Cà Mau, Rạch Giá, cán bộ chiến sĩ người Bến Tre cũng không ít. Gặp nhau, mở ba-lô lấy ra bọc thuốc bánh giồng Mỏ Cày vàng ươm, xới ra gói vào lá chuối tươi chia nhau là món quà vô giá. Hân hoan kể nhau nghe chiến công đánh bọn thuỷ quân lục chiến ở quê nhà. Rồi mắt rực lửa căm thù khi nghe máy bay B57 Mỹ ném bom chết cả gia đình người đồng đội ở Thạnh Phong, Thạnh Phú. Tình yêu xứ Dừa trong ai cũng nồng nàn, cũng đau đáu…

Bến Tre - miền quê bình yên rợp bóng dừa xanh. Ảnh: THUỲ TRÂM

Tôi theo công tác cùng Nhà thơ Nguyễn Bá hàng chục năm trời. Cứ sau trận giặc càn hụt chết hay đêm qua lộ, vượt sông an toàn lại nghe chú kể chuyện xứ Dừa. Sau này, gặp ai đó là người Bến Tre “tha phương cầu thực”, làm ăn cơ nhỡ, ông lại buồn rười rượi. Còn khi hỏi thăm ra mấy cháu sinh viên là người Bến Tre, ông tươi rói lạ thường. Mới thấy trong ông, nỗi hoài vọng ray rứt nhớ thương quê nhà sâu đậm dường nào.

Lớn lên từ mảnh đất Lương Hoà - Giồng Trôm (Bến Tre), sống chiến đấu ở Cà Mau, không nén nỗi lòng mình, Nhà thơ Nguyễn Bá đã nói hộ nỗi lòng người xa xứ:

“Đã lâu không về thăm quê cũ
Tôi đến đây thăm đất bạn bè
Để tìm trong bóng dừa Tân Phú
Một chút màu xanh của Bến Tre”
(Chiều Tân Phú - Thơ Nguyễn Bá)

Nội tôi ở Mỏ Cày - Bến Tre, ngoại ở Vị Thanh - Hậu Giang, tôi lớn lên ở U Minh - Rừng đước Cà Mau. Không một ai máu mủ ruột rà, vậy mà, mỗi lần phải rời xa Cà Mau, lòng thấy nhớ thương đến lạ. Chợt mắt cay xè khi nhớ về ánh mắt nhìn xa xăm của cha mỗi khi ông nhớ về xứ Dừa. Tôi thương cha hơn khi cha phải sớm rời xa nơi “chôn nhau cắt rốn”, gần 30 năm từ ngày “nóp với giáo mang ngang vai” cho đến lúc làm tròn nợ nước, ước mơ của cha chỉ là một ngày về lại quê nhà.

Trong tình yêu và nỗi nhớ Bến Tre khôn nguôi, như những người cùng quê xứ Dừa của mình, những chuyến về lại đất quê của tôi ngày nhiều hơn. Đôi khi chỉ là hành trình xuyên qua để đến vùng đất khác nhưng sao trong tôi bao giờ cũng bồi hồi nhiều cảm xúc.

Bến Tre đất chật người đông, địa hình cách trở, sang sông luỵ đò. Bến Tre bị kẻ thù khủng bố trắng. Đã nghèo, chiến tranh càng làm nghèo khó hơn. Nhưng Bến Tre kiên cường vùng lên Đồng khởi. Từ năm 1960 của thế kỷ trước cho đến ngày hoà bình kiến thiết quê hương, ý chí Đồng khởi luôn rực cháy trên mảnh đất cù lao này.

Nhớ thời học trường trung học kháng chiến Lý Tự Trọng của Khu Tây Nam Bộ, khi nghe tôi khoe với lũ bạn rằng quê mình Bến Tre, tụi nó cười ha hả: “Cà Mau ăn cá bỏ đầu/Bến Tre thấy vậy xỏ xâu đem về”. Thời ấy, tôi chỉ nghiệm ra quê nhà không nhiều cá tôm như xứ Cà Mau. Còn giờ tôi bỗng thấy môi mằn mặn, không phải vì tủi cho dân quê mình khó khăn mà chợt hiểu ra nhiều điều, để rồi càng tự hào vì về người và đất Bến Tre. Người dân xứ mình luôn cần cù, chịu khó, biết chắt chiu dành dụm để làm nên những điều diệu kỳ.

Trong chuyến về dự kỷ niệm 40 năm tờ báo Đảng Bến Tre từ tờ báo Chiến Thắng thành tờ Đồng Khởi, nghe một đồng nghiệp tâm tình, ở Mỏ Cày, bà con quê mình còn nghèo lắm. Ai ai cũng đang nỗ lực để cuộc sống đi lên, tôi an ủi đầy niềm tin: “Lộ làng, đường sá như vầy cũng mừng lắm rồi. Còn nữa, cách đây hơn chục năm, số học sinh trường THPT của Mỏ Cày (lúc chưa chia tách thành Mỏ Cày Nam - Mỏ Cày Bắc) chưa chắc thua một số trường trong khu vực đồng bằng rồi. Đây là nền tảng để quê hương Mỏ Cày và cả Bến Tre sẽ khởi sắc trong tương lai không xa”.

Lại thêm, chưa từng thấy nơi nào mà các sản phẩm từ cây trồng lại được người dân tận dụng tối đa, đa dạng hoá mẫu mã càng khai thác, chế biến thì giá trị càng được nâng lên như cây dừa ở Bến Tre. Rồi cây mía cũng vậy. Trước đây, ngoài ép lấy đường, bã mía chỉ để đốt lò hay chất thành đống làm ô nhiễm môi trường. Thì nay, qua bàn tay, sự sáng tạo của dân xứ Dừa, nó là phân bón cao cấp, thức ăn quý cho nuôi thuỷ sản.

Tất cả những điều ấy, với mỗi người con đất Bến Tre, quả thật rất tự hào.

Mỗi lần về, tôi lại thấy như Bến Tre mới hơn, 3 cây cầu thế kỷ, 2 lần bắc qua sông Tiền, 1 lần sông Hậu, phá thế “ốc đảo” của 3 cù lao: Minh, Bảo và An Hoá, để không còn cách trở đò giang. Phù sa mỡ màu ươm thêm mầm xanh cho vùng đất trải rộng.

Hè năm nay, tôi cùng mấy anh em đồng hương Mỏ Cày quyên góp gạo, tiền, xe đạp, tập vở học trò về trao cho bà con Minh Đức, An Thới, Bình Khánh. Trong buổi trao quà, đứng bên cạnh tôi, đưa mắt nhìn con đạp chiếc xe đạp tíu tít nơi sân trường, mẹ của cháu học sinh lớp 6 được trao tặng xe đạp bộc bạch: “Biết sắp có xe đạp, đêm hôm cháu không ngủ được, bảo là sẽ ráng học hơn. Con ham học vậy, dù còn khó khăn, gia đình cũng cố hết sức”.

Nghe đến đây, niềm tin về xứ Dừa phát triển, vươn mình sánh ngang với các tỉnh bạn trong khu vực càng được củng cố trong tôi. Tôi thấy rất rõ tinh thần quật cường, ý chí Đồng khởi của thế hệ cha ông đi trước trong ánh mắt đầy quả quyết của người mẹ nghèo ấy, của người dân Bến Tre, của lớp lớp các cháu sinh viên, học sinh hôm nay.

Đứng trên những đỉnh cầu nối liền một dải Bến Tre, nhìn về mênh mang sông nước, ngút ngàn màu xanh của dừa, mơn trớn niềm tự hào về xứ sở, tôi mỉm cười cùng đồng nghiệp từ Hà Nội: “Đất này, xứ Dừa quê tôi đây”. Và tôi biết, như những người con của quê hương Việt Nam luôn mong ngóng về đất quê, những người con Bến Tre, dù ở đâu, đi đâu, vẫn từng ngày truyền mãi ý chí Đồng khởi của quê mình và để:

“Xẻ trái tim làm hai gởi về Minh Bảo
Bến Tre ơi rồi tôi sẽ theo về
Cắm một cành hoa đẹp bến sông xưa”
(Có một màu hoa làm ta yêu Tổ quốc - Thơ Nguyễn Bá)

Cà Mau - Đông 2017

NGUYỄN BÉ KHÁNH PHƯƠNG

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.