(CMO) Công ty TNHH hai thành viên hay công ty cổ phần vẫn chưa có quyết định cụ thể, song việc cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (gọi tắt là công ty) chỉ là sớm hay muộn. Việc cổ phần là điều không thể tránh khỏi, nhưng đi theo cách nào là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng để không chỉ công ty sau cổ phần đạt hiệu quả mà quan trọng hơn là quản lý tốt diện tích đất lâm nghiệp hiện nay.
Thận trọng chọn hướng đi
Công ty được chuyển đổi từ Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ theo Quyết định số 1012/QĐ-UBND tỉnh ngày 24/6/2010. Công ty là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước với ngành nghề sản xuất kinh doanh tổng hợp lâm - ngư - nông nghiệp, khai thác, chế biến xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản và du lịch sinh thái... Hiện tại, công ty quản lý khoảng 24.800 ha đất lâm nghiệp, trong đó, đất rừng sản xuất khoảng 19.600 ha; đất sản xuất nông nghiệp 3.000 ha và còn lại là đất khác. Công ty là một trong số ít công ty lâm nghiệp đang ăn nên làm ra.
Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ cần có lộ trình và bước đi thật cụ thể, chi tiết. |
Ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Chỉ đạo cổ phần hoá 2 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, cho biết, hiện ban chỉ đạo đang chỉ đạo 2 công ty xây dựng lộ trình cổ phần hoá, hiện đang tiến hành đánh giá, xác định lại giá trị rừng trồng. Tuy nhiên, thực tế 134 công ty lâm nghiệp trong cả nước hầu như đang trong tình trạng "sống dở chết dở" trong lộ trình chuyển đổi. Một số công ty chưa chuyển đổi, số đã chuyển đổi thì hiệu quả hoạt động không cao. Nhiều địa phương cho rằng, "2 công ty của tỉnh đang làm ăn hiệu quả thì tội gì phải chuyển đổi?". Song, không chuyển đổi cũng không được.
Theo ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc công ty, cho biết, thực hiện lộ trình cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp của Chính phủ, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, công ty đã xây dựng xong phương án cổ phần hoá và đã được UBND tỉnh đồng thuận theo hướng công ty TNHH hai thành viên với Nhà nước nắm giữ 51% cổ phần phân phối. Tuy nhiên, sau khi triển khai đã phát sinh một số vấn đề, từ đó tỉnh đề nghị ban chỉ đạo đi tham khảo một số tỉnh để chọn lại mô hình cho phù hợp.
Theo đó, ông Hiếu cho biết thêm, ban chỉ đạo có 3 phương án trình UBND tỉnh. Một là, chuyển thành công ty TNHH hai thành viên với Nhà nước nắm 51% cổ phần; hai là cổ phần hoá; còn phương án thứ ba là chậm lại đợi hiệu quả chuyển đổi của các địa phương khác để làm theo.
Theo ông Hiếu, hầu hết các công ty lâm nghiệp trong nước mà ban chỉ đạo đến tham quan hiện cũng chỉ còn nằm trên giấy và hoạt động kém hiệu quả. Về phía công ty đang tham mưu cho UBND tỉnh đi theo phương án chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên.
Qua nghiên cứu thực tế tại một số tỉnh giữa 2 mô hình thì công ty TNHH hai thành viên phù hợp hơn với điều kiện của tỉnh. “Dù sao đi nữa thì cũng chỉ có 2 con đường để lựa chọn, một là cổ phần hoá, hai là công ty TNHH hai thành viên. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là phần đất còn lại phải giao về cho địa phương cấp cho dân theo Nghị định 143 của Chính phủ, trước đây là Nghị định 181", ông Hiếu thông tin thêm.
Nan giải bài toán quản lý
Theo ông Hiếu, dù phương án nào thì công ty cũng chỉ còn quản lý khoảng 3.000 ha mà hiện nay đơn vị đang trực tiếp quản lý. Còn lại khoảng 17.000 ha với trên 2.500 ha giao khoán theo Nghị định 135 của Chính phủ phải giao về cho địa phương quản lý, kể cả phần hợp tác đầu tư trên 4.000 ha cũng phải chuyển về cho địa phương hay UBND tỉnh thu hồi tiến hành cho thuê đất.
“Diện tích đất lâm nghiệp giao về cho địa phương quản lý quá lớn. Cái khó nhất hiện nay trong việc chuyển đổi của công ty là công tác quản lý”, ông Hiếu nhận định.
Qua thời gian giao đất lâm nghiệp để các chủ rừng quản lý, hiệu quả được nâng lên đáng kể từ công tác quản lý, phát triển rừng cho đến dịch vụ đầu vào, đầu ra hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là công tác phòng, chống cháy rừng. Điều này thể hiện trong tổng số 32.000 ha đất sản xuất của rừng U Minh Hạ có khoảng 17.000 ha được người dân và doanh nghiệp kê liếp trồng rừng thâm canh. Đặc biệt, trong số diện tích rừng thâm canh hiện nay có đến 8.000 ha trồng keo lai.
“Điều đó cho thấy hiệu quả sản xuất trong lâm phần hiện nay ngày một phát triển. Sự phát triển còn được thể hiện rõ hơn qua việc trước đây người dân cố tình phá rừng để mở rộng diện tích đất nông nghiệp thì giờ đây qua thống kê sơ bộ đã có 1.000 ha đất sản xuất kết hợp trong lâm phần được người dân chủ động chuyển qua trồng rừng thâm canh”, ông Thức cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề cổ phần hoá, ông Hiếu còn lo ngại, hiện công ty đang quản lý hàng trăm cây số bờ đê bảo vệ vùng rừng U Minh Hạ trong việc ngăn mặn giữ ngọt. Do đó, nếu giao về cho địa phương, liệu có duy trì tốt khi hiện nay mỗi xã chỉ có 1 cán bộ kiểm lâm, cơ sở vật chất phòng, chống cháy rừng thiếu hụt nghiêm trọng? Ngoài ra, khi cấp đất cho người dân, liệu họ có sản xuất theo đúng quy hoạch đã được duyệt?
Cũng liên quan đến việc quản lý đất rừng trong thời gian tới, ông Phan Vân Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, băn khoăn, việc giao đất, giao rừng cho người dân thì đơn giản. Tuy nhiên, phần rừng khi giao phải xác định rõ đó là tài sản do Nhà nước đầu tư hay do người dân bỏ vốn ra trồng. Nếu là tài sản của Nhà nước, của chủ rừng thì khi giao cho dân, việc thu hồi theo hình thức nào hay cho người dân cũng phải xác định rõ.
Xoay quanh lộ trình chuyển đổi công ty lâm nghiệp, ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho rằng, nên chậm lại để giải quyết dứt điểm những tồn tại hiện nay. Đồng thời, tìm giải pháp, lộ trình thật cụ thể, chi tiết./.
Nguyễn Phú