(CMO) Như báo Cà Mau đã đăng tải loạt bài “Thời hoàng kim của sản phẩm sinh thái”. Bài viết đã đánh giá, phân tích về thời cơ cũng như thuận lợi, khó khăn mà Cà Mau đang nỗ lực vượt qua để hướng đến phát triển nền “kinh tế xanh”. Vừa đảm bảo nhu cầu cung ứng, vừa chủ động trong nguồn giống, vùng nuôi cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Trong khi thực hiện loạt bài nêu trên, báo Cà Mau đã nhận được sự ủng hộ và phối hợp thông tin từ nhiều cấp chính quyền, nhiều ban, ngành, địa phương. Tất cả đều thể hiện chung quan điểm và niềm trăn trở đồng hành cùng sự phát triển của các sản phẩm sinh thái ở Cà Mau, vì sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Và cũng là mục tiêu, định hướng của Bộ NN&PTNT trong giai đoạn mới. Ðồng thời còn là nhu cầu, mục tiêu hướng tới của người tiêu dùng và nhà sản xuất trên thế giới.
Sản phẩm cam hữu cơ hy vọng đặt nền móng cho sản phẩm cây ăn trái sạch ở U Minh. Ảnh: PHONG PHÚ |
Về vấn đề hỗ trợ tín dụng, Giám đốc Agribank chi nhánh Cà Mau Nguyễn Phú Hải cho hay, chưa mở rộng cho vay đối với sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, trồng cây ăn trái VietGAP, sản xuất lúa hữu cơ tại Agribank Cà Mau.
Theo thống kê của Agribank, đến ngày 28/2, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn theo các chương trình, dự án ở địa bàn tỉnh Cà Mau trên 13 ngàn tỷ đồng. Hiện Argibank đang là một trong số ít ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau có sự gắn kết, đồng hành với phát triển nông thôn qua chính sách tam nông.
Ðến nay, Agribank chi nhánh Cà Mau có vai trò chủ đạo trong việc đầu tư tín dụng chính sách tam nông, có mạng lưới bao phủ khắp các huyện, TP Cà Mau. Trong đó, chương trình cho vay theo Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 12 ngàn 500 tỷ đồng, với số lượng hơn 60.000 khách hàng, đầu tư tập trung chủ yếu cho nông dân vay vốn phục vụ nuôi tôm.
Nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ Agribank Cà Mau, hàng chục ngàn hộ nông dân đã có đủ vốn tổ chức lại sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Trong đó, không ít hộ gia đình tranh thủ nguồn vốn để nâng cao đời sống, tạo cơ hội làm giàu, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, lĩnh vực cho vay sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, trồng cây ăn trái VietGAP, sản xuất lúa hữu cơ hiện chưa phát sinh tại Agribank Cà Mau.
Về ứng dụng khoa học - công nghệ (KH&CN) và bảo hộ sản phẩm, Giám đốc Sở KH&CN Cà Mau Phan Tấn Thanh cho hay, Sở KH&CN đã và đang đẩy mạnh xây dựng, bảo hộ và khẳng định được giá trị thương hiệu sản phẩm chủ lực địa phương trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trăn trở vấn đề này, ông Thanh cho biết, thời gian qua, Sở KH&CN triển khai thực hiện dự án thuộc Chương trình Sở hữu trí tuệ, đã xây dựng và bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm hữu cơ như “Lúa sạch Thới Bình”, “Lúa sinh thái Cà Mau”, “Chuối xiêm sinh thái Cà Mau”. Hiện tại đang tiếp tục triển khai dự án xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý Cà Mau cho sản phẩm tôm sú và sản phẩm cua của tỉnh (sản phẩm được nuôi tự nhiên).
Thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân lập thủ tục để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Tăng cường triển khai các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá tỉnh Cà Mau đối với các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ; áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất hàng hoá trong tỉnh. Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Sở KH&CN tiếp tục xác định các đề tài, dự án theo hướng chú trọng giải quyết các nhu cầu cấp thiết của tỉnh, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, các sản phẩm thuộc Ðề án chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Cà Mau (OCOP).
Ðặc biệt, chú trọng thực hiện và phát triển các nhiệm vụ KH&CN theo đề xuất đặt hàng của tỉnh Cà Mau được xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa - tôm sú an toàn, hữu cơ thuộc lĩnh vực phát triển sản xuất nông, lâm, ngư.
Tiếp tục tăng cường, chủ động mở rộng liên kết, hợp tác với các viện, trường để chuyển giao các tiến bộ KH&CN, quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ và bền vững trên cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ trên vùng chuyên canh tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá.
Sản phẩm sạch và sinh thái đang là vấn đề được huyện U Minh quan tâm phát triển thời gian tới. Ảnh: PHONG PHÚ |
Vấn đề tổ chức sản xuất cũng được Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Thuần khẳng định: "Ðời sống của người dân ngày càng nâng cao nên nhu cầu về sản phẩm sạch rất lớn. Ðối với người dân hiện nay, giá cả không phải vấn đề quyết định mà là ở chất lượng sản phẩm. Dùng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, vì vậy xu hướng mua hàng ở siêu thị, các cơ sở có uy tín mang thương hiệu sản phẩm sạch là nhu cầu tất yếu của người dân".
Do vậy, để sản xuất sản phẩm sạch theo chuỗi thì phải có sự liên kết, mà muốn liên kết được phải thành lập HTX, tổ hợp tác để tạo nên nguồn sản phẩm dồi dào, đủ cung ứng và dễ dàng trong đăng ký, bảo hộ thương hiệu. Những năm gần đây, theo chỉ đạo chung HTX đi theo hướng sản xuất hàng hoá theo chuỗi để truy xuất được nguồn gốc.
Khó khăn HTX hiện nay là tư tưởng của người dân còn e ngại mô hình HTX kiểu cũ nên chưa mạnh dạn tham gia. Hiện tỉnh có 249 HTX, nhưng hầu hết là HTX siêu nhỏ với vài chục thành viên, những HTX hoạt động hiệu quả hiện nay đa số là HTX gia đình.
Ngày 29/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018 về nông nghiệp hữu cơ; đồng thời, UBND tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 2/3/2020 về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có thể thấy, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang dần hình thành và bước đầu đạt kết quả khả quan, giá bán cao, chất lượng tốt và dễ tiêu thụ hơn so với sản phẩm cùng loại.
Nhiệm vụ chiến lược giai đoạn 2020-2025 của Cà Mau là thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, chú trọng tổ chức lại sản xuất, tạo bước đột phá trong phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái - hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Với những gì đã và đang diễn ra và sôi động của ngành hàng “hot”, cùng sự quan tâm các ngành, các cấp; tương lai không xa, sản phẩm sạch, sinh thái, hữu cơ "made in Ca Mau" có sự chuyển biến mới là điều tất yếu./.
Phong Phú - Hồng Phượng