(CMO) Thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen” của các đối tượng trên địa bàn tỉnh Cà Mau chủ yếu là quảng cáo cho vay tiền trên mạng xã hội, phát tờ rơi tại các nơi công cộng, đến từng hộ gia đình chào mời, dán trên cột điện, cây xanh hoặc gọi điện thoại trực tiếp quảng cáo việc cho vay.
Tờ rơi liên quan đến hoạt động cho vay tiền với thủ tục đơn giản nhưng có lãi suất cao, có dấu hiệu “tín dụng đen” được người dân và cơ quan chức năng thu giữ. |
Hình thức cho vay tiền chủ yếu là lập hợp đồng mua bán hàng trả góp, cho thuê xe, lập hợp đồng cho vay nhưng không ghi lãi suất; làm giả hợp đồng của một số ngân hàng, công ty tài chính để cho vay; mua nợ xấu của các công ty tài chính sau đó tiến hành đòi nợ.
Thành phần người vay cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu là người kinh doanh, buôn bán nhỏ, người lao động, đối tượng mại dâm, cờ bạc...
Lãi suất cho vay rất cao (từ 145-450%/năm), nhưng do tính tiện lợi, nhanh chóng, nhận tiền ngay, nên khi cần tiền gấp để giải quyết công việc, làm ăn... nhiều người vẫn chấp nhận vay. Nhiều trường hợp sau khi vay không có khả năng trả nợ, bị các đối tượng cho vay xúc phạm, đe doạ, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... phải cầu cứu cơ quan công an hoặc bỏ trốn khỏi địa phương.
Trước tình hình trên, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Cà Mau đã có nhiều giải pháp, hình thức đấu tranh, triệt phá những vụ việc vi phạm, nâng cao ý thức Nhân dân cảnh giác trước “tín dụng đen”.
Qua rà soát trên địa bàn tỉnh phát hiện 9 tổ chức (4 công ty, 2 cơ sở kinh doanh tài chính và 3 cơ sở cầm đồ), 117 đối tượng (43 đối tượng ngoài tỉnh) có biểu hiện hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”; đã thanh loại 7 tổ chức (4 công ty và 3 cơ sở cầm đồ), 53 đối tượng (có 43 đối tượng ngoài tỉnh) do bỏ đi khỏi địa phương, không còn hoạt động. Qua đấu tranh, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 38 vụ, liên quan 39 đối tượng và 13 cơ sở vi phạm.
Thời gian qua, Công an tỉnh đã tiếp nhận, khởi tố, điều tra 5 vụ, 5 bị can cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Điển hình là 1 vụ, 2 bị can (từ TP Hà Nội đến Cà Mau hoạt động), xảy ra ngày 23/3/2020 tại Khóm 5, Phường 6, TP Cà Mau; 1 vụ, 1 bị can (từ tỉnh Ninh Bình đến thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời hoạt động) xảy ra ngày 10/6/2020 tại Khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời; 1 vụ, 2 bị can xảy ra ngày 23/12/2019 tại Khóm 5, Phường 1, TP Cà Mau…
Theo Công an tỉnh, trong lập hợp đồng vay tiền, các đối tượng không thể hiện lãi suất (chỉ thoả thuận miệng hoặc giấy tờ khác); khi người vay đến hạn nhưng không trả nợ, các đối tượng cộng dồn gốc và lãi vào tổng số tiền vay để tính lãi của kỳ tiếp theo.
Có trường hợp người đi vay bán tài sản cho các đối tượng, sau đó các đối tượng lập hợp đồng cho thuê lại tài sản (nhất là các loại xe ô-tô, mô-tô); cho vay bằng hình thức lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản nếu người vay không trả lãi đúng hạn các đối tượng tiến hành thủ tục pháp lý để chuyển quyền sở hữu tài sản cho vay trong thời gian ngắn hạn; chia nhỏ các gói vay để thu lời thấp, tránh bị xử lý hình sự…
Hiện nay, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có dấu hiệu phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng, nhưng không có tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các tổ chức tín dụng nên đã tìm đến các cá nhân, tổ chức cho vay không thế chấp, thủ tục nhanh gọn (nhưng thực chất là hoạt động “tín dụng đen”) để vay tiền.
Đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng mạng viễn thông, Internet hoặc cho dán, rải tờ rơi tại những nơi đông người qua lại, các cơ quan, trường học để quảng bá hoạt động và thu hút khách hàng, đồng thời núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ... nhằm tạo vỏ bọc, để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Hoạt động đòi nợ có nhiều biến tướng, thủ đoạn, gây áp lực với người vay tiền và nhân thân của họ.
Theo UBND tỉnh, thời gian tới, để chấn chỉnh tình hình “tín dụng đen”, Công an tỉnh tập trung điều tra, khám phá nhanh, giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, không để xảy ra phức tạp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân chọn án điểm (liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”) để đưa ra xét xử công khai nhằm cảnh giác đến các tổ chức, cá nhân cùng Nhân dân để răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Cùng với đó, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến tận cơ sở; thông báo công khai phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” để mọi người nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa và mạnh dạn tố giác hành vi vi phạm của các đối tượng./.
Trần Nguyên