(CMO) Những ngày qua, thông tin về việc bắt được cặp rắn hổ mây (rắn hổ mang chúa) “khủng” tại khu vực núi Cấm (An Giang) thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông và cộng đồng mạng. Với từ khoá “rắn hổ mây núi Cấm”, chỉ mất 0,42 giây, Google sẽ cho hơn 600 ngàn kết quả. Không những thế, mỗi ngày có cả ngàn lượt người đổ về Khu du lịch đồi Tức Dụp để được tận mắt chiêm ngưỡng loài vật mà lâu nay họ chỉ nghe qua giai thoại.
Trong “hoạ” có “phúc” cho chúng?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cặp rắn hổ mây đang được chăm sóc kỹ lưỡng tại Khu du lịch đồi Tức Dụp (thuộc Tập đoàn Sao Mai). Kỹ sư Nguyễn Hoàng Anh Duy, Giám đốc Ban quản lý Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời An Hảo, cho biết, nơi bắt gặp cặp rắn trên là vành đai dự án điện năng lượng mặt trời. Từ bờ rào của công trình tới chân núi Cấm vẫn còn một vùng đệm khá rộng. Yếu tố này cho thấy, cặp rắn đã sống trong vùng núi không còn nguyên sinh, vì thế việc chúng bị con người bắt gặp là chuyện không sớm thì muộn.
Nhờ được chăm sóc đặc biệt nên cặp rắn hổ mây ngày càng nhanh nhẹn so với lúc mới bắt được. |
Trong môi trường sinh sống như vậy, giả sử, nhóm người bắt gặp cặp rắn hổ mây “khủng” không phải là công nhân của Tập đoàn Sao Mai thì số phận chúng có thể đã khác. Theo phản xạ tự nhiên của con người, khi gặp loài vật nguy hiểm thường là... đập chết. Còn trong trường hợp nếu bắt sống được cũng không có gì đảm bảo sẽ được bình yên: Xẻ thịt và chụp ảnh khoe chiến tích trên mạng xã hội hoặc bán với giá cực cao cho những “đại gia” ngâm rượu hoặc âm thầm chế biến món ăn "độc nhất vô nhị” không phải là không có.
Xét trong hoàn cảnh đó mới thấy hết được độ “bình tĩnh” để ý thức ứng xử với động vật hoang dã trong tự nhiên của những người Sao Mai là rất tốt. Chính vì vậy, sinh mạng của cặp rắn đã được bảo vệ, người dân khắp nơi mới có cơ hội thấy tận mắt loài “thần xà” và mới “nảy sinh” ra việc bảo tồn chúng.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai cho rằng, đây là “duyên” của doanh nghiệp với vùng đất mà đơn vị đang triển khai dự án. Theo quan niệm của người phương Đông, rắn là loài vật rất thiêng. Vì thế, tập đoàn đã chỉ đạo Khu du lịch đồi Tức Dụp có phương án chăm sóc tốt nhất. Điều đó thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của doanh nghiệp chứ không có bất kỳ mục đích nào khác.
“Cặp rắn khoẻ và rất lành”
Đó là thông tin được ông Đinh Quang Thái, Giám đốc Khu du lịch đồi Tức Dụp, khẳng định với chúng tôi. Để kiểm chứng, ngày 26/5 chúng tôi cũng đã có mặt tại đây. Quan sát bằng mắt thường, ước lượng con lớn dài khoảng 6 m, con nhỏ hơn dài 4 m, trọng lượng của cả 2 con ước chừng 50-60 kg.
Du khách thích thú chiêm ngưỡng cặp rắn hổ mây khủng. |
Chúng được chăm sóc trong chuồng hình chữ nhật có kích thước khoảng 10 x 3 m, quây lưới kẽm rất cẩn thận. Không gian bên trong được thiết kế với địa hình khá tự nhiên, phù hợp với thói quen, môi trường sinh sống của loài rắn. Chuồng nuôi được gắn camera theo dõi 24/24, bố trí bác sĩ thú ý theo dõi sát sao tình hình sức khoẻ của chúng và chế độ ăn cho cặp rắn cũng được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Đặc biệt, cặp rắn khá hiền và không phàm ăn như ta thường nghĩ. Đây là điều rất bất ngờ đối với du khách, kể cả những cán bộ có chuyên môn đang chăm sóc chúng.
Những ngày qua, có rất nhiều người từ các địa phương khác tìm đến Khu du lịch đồi Tức Dụp để chiêm ngưỡng. Để đảm bảo công tác an ninh, trật tự, đơn vị đã phối hợp với chính quyền tăng cường thêm lực lượng dân phòng và công an địa phương canh gác. “Dù số lượng khách đến với khu du lịch khá đông nhưng không tăng giá vé vào tham quan”, ông Thái khẳng định.
Ông Nguyễn Tuấn Trung, du khách đến từ Vĩnh Long tỏ vẻ rất thích thú và bất ngờ khi nhìn thấy cặp rắn lớn: “Trong đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy cặp rắn quý hiếm lớn thế này. Tôi đã từng nghe nhiều giai thoại về chúng như đi mây về gió trong dân gian nhưng bây giờ mới được tận mắt”.
Ngày 26/5, các ngành chức năng tỉnh đã có chuyến khảo sát khu vực núi Cấm để tìm địa điểm phù hợp trả chúng về với môi trường tự nhiên. Song, chúng tôi thiết nghĩ, mọi giải pháp cần được tính toán kỹ càng. Vì môi trường ở núi Cấm hiện đã bị xâm phạm rất nhiều, xung quanh chân núi Cấm là đất canh tác của người dân. Cho nên, nếu không may cặp rắn sau khi thả lại lạc vào nương rẫy của người dân thì không biết số phận của chúng sẽ ra sao.
Trong trường hợp việc thả cặp rắn hổ mây “khủng” về môi trường tự nhiên không khả thi, thì phương án “giữ lại chăm sóc” chúng tại Khu du lịch đồi Tức Dụp cũng cần được quan tâm xem xét, vì nơi đây là khu di tích lịch sử cách mạng, nằm trong quần thể vùng Bảy Núi có khí hậu tương đồng. Trên phương diện khác, việc bảo tồn tại đây để du khách tham quan cũng có lợi cho ngành du lịch tỉnh An Giang./.
Quốc Hưng