(CMO) Không biết mấy cây cầu khỉ nối đôi bờ kênh Hoạ Ðồ có mặt tự lúc nào, mà khi tôi lớn lên, bắt đầu biết nhớ đã thấy nó nằm chênh vênh, vắt vẻo nối liền đôi bờ để mọi người thuận tiện qua lại. Trẻ em đến trường, tụ tập vui chơi; người lớn đi chợ, đám tiệc, thăm đồng… đều đặt chân qua những cây cầu giản dị mà thân thương ấy.
Hồi chưa chia tách thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, quê tôi, kênh Hoạ Ðồ, thuộc xã An Trạch, huyện Giá Rai, tỉnh Minh Hải. Từ chợ Cây Gừa đi vào hết con kênh chừng 3 cây số, nhà thưa, cách nhau vài trăm mét thì có cây cầu bắc ngang sông. Con nít xóm tôi lớn lên phải tập đi cầu khỉ, để tiện tụ tập vui chơi, để mẹ sai vặt mua bột ngọt, nước mắm, có khi đêm hôm nhà có khách còn phải đi mua rượu, mua nước đá… bên sông. Ngồi lên cầu và nhích từng chút một, sau vài ngày mới có thể bước đi thành thạo.
Còn nhớ trò chơi quen thuộc được các anh chị bày ra cho bọn trẻ là thi xem ai qua cầu nhanh. Bọn con trai điêu luyện đến nỗi qua cầu khỉ không cần vịn tay, có đứa chưa đếm đến tiếng thứ mười đã qua được bờ bên kia. Còn tôi luôn trong vai trò khán giả cổ vũ, phần vì nhát, phần vì bị ám ảnh bao lần té cầu, đuối nước.
Nhịp giữa của cầu ở vị trí giữa trên dòng nước sâu để tàu ghe cao lớn thuận tiện qua lại, nên cầu khỉ luôn có những nhịp lẻ, ba, năm hoặc bảy... Mà ngộ, mỗi lần té cầu tôi đều té ngay nhịp giữa, vừa sâu, vừa xa bờ nên nỗi sợ cứ đeo bám. Sợ nhất là khi cầu phủ đầy những lớp đất từ dưới ruộng, từ đường quê bám theo chân người dân cơ cực… Nhìn bạn bè nhảy cầu tắm sông mà tôi cứ ước ao và có động lực tập lội. Tôi canh nước ròng, sông cạn, bám, đẩy theo chân vậy mà biết lội hồi nào không hay, và cũng dần bớt sợ nhịp lắc của cầu khỉ.
![]() |
Cầu khỉ giờ rất hiếm thấy ở các vùng quê. |
Xóm tôi lâu lâu được đón dân thị thành về thăm quê. Người thì xăn quần, kẹp dép vào nách, bước chân run run hồi lâu mới qua được cầu rồi thở phào nhẹ nhõm, có cô mới đi được một nhịp đã kêu lấy xuồng qua rước chứ sợ không thể bước tiếp…
Lắt lẻo trên dòng nước bao mùa, chịu nắng mưa, sương gió, vì được làm từ những cây có sẵn ở quê như tre, bần, dừa, nên vài ba tháng là cầu bị gãy nhịp, trẹo chân hoặc đứt dây… Cha tôi cùng mấy chú bác ở xóm xách theo búa, dao, cây để tu sửa lại cầu, mang niềm vui đến đôi bờ. Có lần cầu gãy một nhịp, người lớn lu bu gặt lúa chưa sửa được ngay, bọn trẻ xóm tôi buồn ủ rủ vì không được qua sông tụ tập chơi nhảy dây, thảy đá, trốn tìm… Bên kia sông còn có tiệm bán tạp hoá, bánh kẹo, đá bào... nữa, mẹ cho 500 đồng là ăn được mấy thứ.
Những hôm mẹ đi chợ xã, chị em tôi ngồi trước sân, nhìn miết về phía bên kia cầu, thấy dáng thấp thoáng là mừng quýnh lên, chạy ùa ra đầu cầu đón, tìm cớ phụ xách đồ chứ thật ra để lục lọi trong giỏ xem mẹ có mua bánh kẹo không. Mấy đợt ở quê có đám cưới, tụi tôi có mặt từ sớm, chớ tới lúc người lớn đi đám, muốn qua cầu phải đợi chờ lâu vì đâu thể một lượt năm, bảy người qua cầu.
Quê tôi từng xảy ra một biến cố, xoáy sâu nỗi sợ hãi tuổi nhỏ. Rắn độc xuất hiện, cả tháng có gần chục người vĩnh viễn ra đi. Họ làm đồng, phát cỏ, có khi ở trong nhà cũng bị rắn cắn, có điều không ai thấy và bắt được con rắn, chỉ thấy dấu đỏ để lại trên cơ thể. Cha tôi và hàng xóm ngưng đi ruộng, chỉ để canh dỡ cầu cho xuồng chở người bị rắn cắn đi qua tìm thầy cứu chữa. Tiếng kêu thất thanh “dỡ cầu” hàng ngày, hàng đêm thật khủng khiếp. Người lớn giải thích, nếu không dỡ cầu lên thì nọc độc của rắn sẽ chạy nhanh. Mẹ giăng cái mùng lớn để chị em tôi chơi đùa trong đó, chứ không cho đi nhà hàng xóm nữa. Tôi ra sân, nhìn chiếc cầu khỉ mà lòng nhiều ước ao đến lạ…
Chiếc ghe chất đầy đồ đạc, khẳm lừ, chầm chậm di chuyển rời kênh Hoạ Ðồ, đưa gia đình tôi đi nơi khác định cư. Hàng xóm lăng xăng dỡ cầu để ghe chui qua. Chị em tôi ngồi trên mui ghe, nhìn căn nhà cũ trống huơ, nhìn con sông quê trải dài mà nước mắt ướt mặt. Ngoảnh đầu lại thấy đám bạn lơ ngơ đứng trên cầu dõi theo chiếc ghe xa dần...
Cầu khỉ ở Việt Nam đã được các chuyên gia du lịch đánh giá là 1 trong 15 cây cầu đáng sợ nhất thế giới. Tôi lân la tìm hiểu mới rõ hơn về nguồn cội của chúng. Miền Tây xưa kia hoang vu, thú dữ nhiều, cư dân đến khai phá đã tìm cách qua, trèo lên ngọn cây cặp mé mương, rạch rồi đu mình qua bên kia để tránh cá sấu, thú dữ, giống như khỉ chuyền mình trên cây. Tên gọi cầu khỉ có lẽ bắt nguồn từ đó. Ðời sống dần mở mang, người dân đốn cây, xếp nối để dễ qua mương, rạch lao động hoặc giao lưu với nhau. Dần dà hình thành nên những cây cầu khỉ trên những dòng sông rạch lớn hơn, có mặt khắp miền sông nước.
Cuộc sống đổi mới, những cây cầu khỉ quê tôi được thay bằng cầu bê-tông chắc chắn và rộng rãi, xe chạy bon bon đến tận cửa nhà. Nhưng mỗi lần về thăm quê, tôi lại nhớ cây cầu xưa lắt lẻo đôi bờ, nhớ những buổi đến trường té cầu ướt loi ngoi, nhớ con đường đất trơn trượt, đồng năn, ruộng lúa...
Ngày nay, cầu khỉ trở nên hiếm hoi. Ở các khu vui chơi, du lịch sinh thái hay ngay cả trên sân khấu… vẫn thường bày trí cây cầu khỉ thân thương, được nhiều người thích thú chọn làm góc chụp ảnh lưu niệm, như tìm chút yên bình nơi miền quê xưa.
Rong ruổi các nẻo đường, bất chợt đâu đó gặp chiếc cầu khỉ, lòng bồn chồn nhớ quê…
Mộng Thường