(CMO) Hiện giá vật liệu xây dựng tăng khá cao (thép, cát, đá), dẫn đến nhiều nhà thầu ngưng thi công hoặc bỏ thầu sau khi trúng giá tại các địa phương, làm nhiều chủ đầu tư lo lắng. Nhiều dự án, công trình, kể cả chuyển nguồn đến cuối tháng 4 vừa qua có tỷ lệ giải ngân 0 đồng, càng cho thấy chủ trương tăng tỷ lệ giải ngân trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ chuyển nguồn cho năm tiếp theo.
“Tỷ lệ giải ngân của huyện hiện thấp hơn mức bình quân của tỉnh. Vốn đầu tư công năm nay phân bổ nhiều, hiện địa phương đang xét thầu, hy vọng sớm khởi công, tăng tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu”, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững băn khoăn nhưng cũng đầy tự tin.
Tổng nguồn năm 2020 chuyển sang và nguồn năm 2021 tại huyện Thới Bình trên 212,3 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý và nguồn xổ số kiến thiết. Ðến cuối tháng 4 vừa qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ các nguồn trên địa bàn chỉ đạt 4,1%, thấp hơn mức bình quân của tỉnh, trong khi đây là địa phương có rất nhiều thuận lợi trong thi công, kể cả hai mùa mưa, nắng.
Kế hoạch vốn năm 2021, Dự án xây dựng cầu Nông Trường trên tuyến đường Tắc Thủ - Rạch Ráng - Sông Ðốc là 40 tỷ đồng, đến nay giải ngân chỉ gần 1 tỷ đồng. |
Lo lắng!
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, hàng loạt dự án, công trình trên địa bàn huyện Thới Bình không giải ngân được đồng nào, như trụ sở hành chính các xã: Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, Tân Lộc Ðông, từ nguồn vốn ngân sách tập trung do tỉnh quản lý. Ðối với nguồn xổ số kiến thiết có thể kể đến các dự án: Trường Tiểu học Biển Bạch (xã Biển Bạch), Trường Tiểu học Biển Bạch Ðông (xã Biển Bạch Ðông), Trường Mầm non Trí Phải (xã Trí Phải), Trường Mầm non Hoa Hồng và Trường Tiểu học thị trấn A (thị trấn Thới Bình).
Ðiều đáng nói, các dự án trường học này đều từ nguồn năm 2020 chuyển sang. Trong 12 dự án, công trình sử dụng 2 nguồn vốn nêu trên, duy nhất chỉ có dự án mở rộng tuyến đường tại thị trấn Thới Bình và xây dựng tuyến đường bờ Nam kênh Láng Trâm là đạt trên 2 con số (21,5%).
Có tỷ lệ giải ngân khá hơn với 15,5% tại thời điểm cuối tháng 4, tuy nhiên, trên địa bàn huyện Phú Tân vẫn còn nhiều dự án, công trình giải ngân 0 đồng. Có thể kể đến: tuyến đường bờ Tây kênh Kiểm Lâm, Trường THCS Võ Thị Sáu (thị trấn Cái Ðôi Vàm), Trường Tiểu học Phú Tân (xã Phú Tân), Trường Tiểu học Tân Hưng Tây B (xã Phú Tân), Trường Tiểu học Việt Khái 3 (xã Nguyễn Việt Khái).
Ðặc biệt, nguồn vốn trên 4,5 tỷ đồng chuyển sang từ năm 2020 tại Dự án đầu tư hệ thống giao thông khu hành chính huyện vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Không lạc quan về dự báo tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới như người đứng đầu chính quyền của huyện Thới Bình, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang lo lắng khi xuất hiện nhiều dự án, công trình nhà thầu ngưng thi công và nhận định tình hình: “Quý I, tỷ lệ đã thấp hơn so với yêu cầu của tỉnh, khả năng quý II cũng sẽ tiếp tục không đạt. Ðây là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, khi giá vật liệu xây dựng tăng quá cao, các nhà thầu gần như án binh bất động, huyện mời gọi mãi mà chẳng thấy ai tham gia, nhất là những dự án mới từ nguồn năm 2021”.
Các “ông lớn” cũng... chìm xuồng
Tại huyện Phú Tân, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng là “nỗi niềm chung” đối với các “ông lớn” là các Ban Quản lý dự án, đơn vị cấp tỉnh được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư.
Thực tế trước “bão giá” vật liệu xây dựng đã tác động lớn đến tiến độ triển khai các dự án công trình, ông Lâm Minh Thời, Trưởng ban Quản lý dự án Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chia sẻ: “Hiện đơn vị đang triển khai nhiều dự án lớn, mang tính trọng điểm và cấp bách của địa phương. Cái nào đã triển khai thì nhà thầu thi công cầm chừng, cái nào đã đấu thầu rồi từ nguồn năm 2021, đang tiến tới ký hợp đồng thầu thì họ không nhận, chần chừ, có khả năng bỏ thầu”.
Hiện ban của ông Thời đang làm chủ đầu tư 9 dự án từ 3 nguồn: ngân sách Trung ương hỗ trợ, xổ số kiến thiết và dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020, với tổng nguồn trên 193 tỷ đồng.
Bên cạnh các dự án từ nguồn năm 2021 chưa triển khai nên không có tỷ lệ giải ngân, hiện ban có Dự án Xây dựng bờ kè cấp bách bảo vệ bờ biển Ðông khu vực cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Vàm Xoáy (huyện Ngọc Hiển) và Dự án Ðầu tư xây dựng Khu tái định cư xã Tam Giang Ðông (huyện Năm Căn) với tổng nguồn từ năm 2020 chuyển sang gần 15 tỷ đồng, giải ngân 0 đồng.
Cùng chung số phận tỷ lệ giải ngân “ngủ yên” ngay từ vạch xuất phát của ban hiện còn có Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây, huyện Trần Văn Thời (điểm dân cư vàm kênh Sào Lưới) và dự án sắp xếp dân cư khu vực sạt lở ven biển Ðông giai đoạn 2 (khu dân cư Chợ Thủ, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển), với tổng nguồn 15 tỷ đồng, thuộc các công trình bố trí dân cư vùng thiên tai.
Một dự án được xem là... “dây dưa” nhất trên địa bàn tỉnh, được liệt kê vào nhóm đặc biệt để theo dõi thường xuyên trong nhiều năm qua là công trình đầu tư kè cấp bách tại xã Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi). Ðây là dự án phải chuyển nguồn liên tục qua rất nhiều năm vì tiến độ triển khai quá chậm, lắm lúc ngưng trệ hoàn toàn trong thời gian dài, có dấu hiệu xuống cấp, lãng phí phần công trình đã triển khai trước đó, trong khi mục tiêu của dự án mang tính cấp bách. Tổng nguồn của dự án này trên 87 tỷ đồng, trong đó chuyển nguồn từ năm 2020 lên đến gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, tỷ lệ giải ngân vẫn là 0 đồng.
Một “ông lớn” khác được UBND tỉnh tin tưởng giao làm chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm nay sở đảm nhận 25 dự án từ 6 nguồn với tổng vốn khủng, lên trên 511 tỷ đồng, nghĩa là chiếm khoảng 1/6 tổng nguồn đầu tư công cả tỉnh năm 2021.
Cùng thực trạng chung, hàng loạt dự án, kể cả chuyển nguồn chưa giải ngân được đồng nào ở thời điểm cuối tháng 4. Ðiều đáng nói đây đều là những dự án mang tính cấp bách trong bảo vệ đê biển, trồng và phát triển rừng ứng phó thiên tai, thuỷ lợi phục vụ sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Có thể kể qua như: Dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở đê biển Tây đoạn Bắc, Nam và Khánh Hội (14,8 tỷ đồng), Dự án khẩn cấp khắc phục sạt lở đê biển Tây đoạn từ Giồng Cát đến Tiểu Dừa (25 tỷ đồng).
Chủ đầu tư lớn này cũng đang nắm trong tay một dự án tốn kém nhiều giấy mực, thời gian hội họp và Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã liên tục chỉ đạo qua nhiều năm nhưng đến nay chưa có chuyển biến, đó là công trình đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp bến cá Khánh Hội (huyện U Minh). Tổng kế hoạch vốn năm nay cho dự án này gần 24 tỷ đồng, trong đó vốn chuyển nguồn gần 16 tỷ đồng, nhưng trong 4 tháng đầu năm cũng không giải ngân được đồng nào./.
Trần Nguyên
BÀI CUỐI: “BÃO GIÁ” VẬT LIỆU XÂY DỰNG, NHÀ THẦU “KÊU TRỜI”