Những dòng kênh khô nước phơi mình giữa nắng nóng, những bao lúa sau khi thu hoạch nối đuôi nhau theo từng chuyến xe máy ra bãi tập kết, thiếu nước ngọt, sạt lở nghiêm trọng... Ðó là hình ảnh tại xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời đang trong cao điểm mùa khô năm nay.
- Ðảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất mùa khô
- Chủ động để giảm thiệt hại do khô hạn
- Về nơi khô hạn nhất
- Qua vùng khô hạn
Bà Trần Thị Hạnh (Ấp 5) chia sẻ, sáng mùng 3 Tết vừa qua, phần bờ kè ngay tuyến kênh trước nhà bất ngờ sụt lún. Nước rút nhanh, kênh cạn dòng, các công trình giao thông trên địa bàn ấp hư hỏng nặng vì sạt lở, hơn 2 tháng qua, tình trạng này ngày càng nhiều.
Bờ kè trước nhà bà Trần Thị Hạnh (Ấp 5) sụt lún, hiện gia đình chỉ gia cố tạm bằng cách cắm cây.
“Trước mắt, gia đình tôi gia cố tạm bằng cách cắm cây, đào bớt đất nhằm giảm sức nặng cho bờ kè. Trước đó, chính quyền địa phương đã làm bờ bao chuẩn bị làm lộ bê tông nhưng chưa kịp làm thì đã sạt”, bà Hạnh cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Khánh Bình Ðông đã xảy ra các điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài 1.664 m, làm hư hỏng hoàn toàn 161 m lộ bê tông.
“Hiện địa phương đã gia cố 24 điểm sụt lún bằng cách kè xịa cây để đảm bảo xe 2 bánh lưu thông, hạ tải trọng đường, cắt tỉa cây ven sông và thông báo người dân có nhà ven sông di dời tài sản, vật nặng ra khỏi khu vực sụt lún”, ông Cao Văn Ðạt, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Ðông, thông tin.
Nguồn nước tại các kênh nội đồng đã khô cạn, ghe thu mua lúa không thể vào tận ruộng, nên vào thời điểm này không khó để bắt gặp cảnh người dân chạy xe máy chở từng bao lúa ra điểm tập kết cho thương lái.
Các kênh nội đồng trên địa bàn xã hầu như đã cạn nước.
Mặc dù vụ lúa đông xuân năm nay có khởi sắc, trúng mùa, được giá nhưng ông Châu Văn Linh lại lo rầu vì chi phí vận chuyển lúa đội lên rất nhiều so với các năm trước.
Ông Linh nhẩm tính: “Trung bình 1 bao lúa 50 kg, chi phí chở ra chỗ tập kết đối với nhà ở gần là 3 ngàn đồng/bao, đồng nghĩa với giá lúa thương lái mua thấp hơn so với thời điểm trước Tết vì phải chịu phí vận chuyển”.
Vụ lúa đông xuân, nông dân xã Khánh Bình Ðông xuống giống 3.850 ha, hiện nay diện tích lúa chưa thu hoạch còn 1.200 ha. Ðường bộ sạt lở, đường thuỷ tê liệt, những cánh đồng ở xa thì giá vận chuyển lúa sẽ đội lên rất nhiều, nếu thực trạng này kéo dài thì khả năng bà con sẽ không có lãi.
Đường thuỷ tê liệt, việc thu mua lúa phải vận chuyển bằng xe máy khiến giá lúa mua vào giảm.
Khánh Bình Ðông là một trong những vùng trồng bí lớn của tỉnh, với diện tích trên 90 ha, năng suất bình quân hằng năm 8,5 tấn/ha. Mùa hạn kéo dài, tình trạng thiếu nước tưới ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cây trồng, dẫn đến năng suất giảm.
“Mùa bí năm nay đỡ phần dịch bệnh, chỉ có thiếu nước tưới nên trái bí sau khi thu hoạch sẽ không được tròn, khi thương lái thu mua sẽ thành hàng dạt, giá giảm đi một nửa”, ông Phạm Tấn Ngọc, ấp Minh Hà A, cho hay.
Không chỉ dừng lại ở vấn đề thiếu nước sản xuất, thực trạng thiếu nước sinh hoạt cũng đang là nỗi trăn trở lớn của địa phương trong bối cảnh diễn biến thời tiết cực đoan như hiện nay. Trên địa bàn xã hiện có hơn 500 hộ dự kiến sắp tới sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn nước sinh hoạt, tập trung nhiều ở các ấp: 12A, Minh Hà A, Minh Hà B.
Nhiều tháng qua, gia đình bà Phạm Thị Hồng (ấp Minh Hà A) phải chắt chiu nguồn nước mưa dự trữ vì nguồn nước giếng khoan nhiễm phèn mặn, không thể sử dụng để nấu ăn. Bà Hồng ngao ngán: “Từ Tết tới giờ không có một giọt mưa. Nước giếng mặn và đóng phèn quá, nhà tôi chỉ sử dụng để tắm giặt; mà nguồn nước mưa dự trữ cũng không còn được bao nhiêu”.
Ông Cao Văn Ðạt cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có 2 trạm bơm, mặc dù công suất đảm bảo nhưng hệ thống đường ống đấu nối vẫn chưa bao phủ được hết tất cả các ấp. Hiện tại, ở các khu vực thiếu nước, để có nguồn nước ngọt sử dụng, bà con phải đổi nước bình, có hộ dự trữ nước mưa từ bồn chứa nước. Trước tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài, sẽ rất khó khăn cho bà con, nhất là những khu vực có đông đồng bào dân tộc vì dụng cụ dự trữ nước còn hạn chế”./.
Hữu Nghĩa