Thời điểm này, để sở hữu giấy phép lái xe (GPLX) hạng B1, B2, người học phải đóng phí đào tạo trọn gói 13 triệu đồng, và 15 triệu đồng đối với GPLX hạng C. Riêng đối với người học dịch vụ, phải đóng thêm khoản phí 4 triệu đồng. Nhiều học viên cho rằng đây là số tiền không nhỏ, vì thực tế khi vào học sẽ có nhiều khoản phí phát sinh.
- Gỡ khó trong cấp, đổi giấy phép lái xe
- Thận trọng trước thông tin cấp đổi giấy phép lái xe
- Ðiều chỉnh phần mềm mô phỏng thi lái ô tô
Theo lãnh đạo Trung tâm Ðào tạo và Sát hạch lái xe Cà Mau, với mức phí 13 triệu đồng, học viên sẽ được bao trọn gói học lái như: phí hồ sơ đăng ký học lái xe; phí đào tạo lý thuyết và phí đào tạo thực hành. Tức là trong quá trình học, học viên sẽ không mất thêm bất kỳ khoản lệ phí phát sinh nào.
Giải thích nguyên nhân học phí lái xe tăng cao như hiện nay, lãnh đạo Trung tâm Ðào tạo và Sát hạch lái xe Cà Mau, cho biết, từ ngày 1/1/2023, chi phí học để lấy GPLX tăng là do có thêm các khoản phí học thực hành lái xe, luyện tập lái xe trên cabin mô phỏng (quy định tối thiểu 3 giờ), giá xăng dầu cũng tăng. Ngoài ra, nội dung chương trình học lý thuyết lái xe hạng B2 có tổng cộng 168 giờ; học thực hành có tổng thời gian là 84 giờ, với 1.100 km, bao gồm tối thiểu 810 km (bắt buộc) thực hành lái xe đường trường và 200 km lái xe sa hình.
Người học lái xe các hạng phải hoàn thành số giờ lý thuyết, thực hành theo đúng quy định. (Ảnh minh hoạ)
Một số học viên đang học lái xe hạng B2, cho biết, ngoài các khoản phí thu cơ bản thì trong quá trình học cũng có thể phát sinh thêm nhiều loại phụ phí khác như: tiền xăng xe, thuê bãi tập, thuê xe hay giảng viên hỗ trợ kèm học... Vì vậy, khi đăng ký học, tốt nhất người học nên yêu cầu các trung tâm, đơn vị đào tạo uy tín kê khai rõ ràng toàn bộ những khoản phí ngoài, để có thể cân đối chi phí trước khi đăng ký.
Ông T.M.C, ngụ Phường 8, TP Cà Mau, học viên đang học lái xe hạng B2, cho biết: “Mức phí đào tạo còn phục thuộc vào khả năng của người học. Nếu người học tiếp thu nhanh thì chi phí không tăng; tuy nhiên, người học tiếp thu chậm thì mức phí có thể cao hơn, do phải học thêm giờ, phải đóng thêm tiền và còn phải thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình đi đường trường, học thêm giờ”.
Các quy định, cũng như giá nhiên liệu tăng đã kéo theo mức phí học lái xe ô tô cũng tăng hơn so với trước.
Còn đối với trường hợp ông T.V.T, ngụ xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, hiện ông đang rất băn khoăn, cân nhắc trước ý định học lái xe hạng C. Ông T chia sẻ: “Hoàn cảnh khó khăn, tôi muốn học bằng C để có cái nghề, có thể tìm được công việc lái xe ổn định. Tuy nhiên, với mức phí khoảng 16 triệu đồng thì đối với tôi không hề dễ dàng có. Tôi đang tính chuyện vay mượn người thân để học, nhưng cũng còn e dè”.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, việc học lái xe hiện tại có chi phí học không rẻ, lại chẳng dễ dàng, bởi đòi hỏi học viên phải đầu tư nhiều thời gian cũng như nỗ lực hơn trước. Tuy nhiên, với thời gian đào tạo kéo dài, học viên sẽ được tiếp xúc với nhiều điều kiện giao thông khác nhau, được giáo viên chỉ dạy và chia sẻ nhiều kinh nghiệm mỗi khi gặp phải tình huống khó, vì vậy chất lượng đào tạo cũng sẽ được nâng lên rõ rệt.
Học phí đào tạo lái xe ở mức cao là gánh nặng không nhỏ với học viên. Thấy được điều đó, nhiều trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh cũng đã có những chính sách hỗ trợ học viên trả thành nhiều đợt, qua đó phần nào giảm bớt áp lực tài chính cho người học. Bên cạnh đó, người học cũng nên lựa chọn các trung tâm có uy tín về đào tạo, nhằm đảm bảo cho việc học vừa đạt chất lượng, vừa không mất những khoản chi phí không đáng có./.
Lê Chí