Tết này, nếu đứa bạn của tôi về thăm nhà, chắc hắn ngạc nhiên và mừng lắm. Bởi đường về quê của hắn không còn cảnh luỵ phà. Trên chiếc cầu bắc ngang sông Gành Hào về huyện Đầm Dơi, nhìn thấy rõ chiếc phà “đậu tài” buồn so. Nó biết vừa bị cầu Hoà Trung “khai tử”. Mà cũng đáng! Ngày trước, một phần cũng vì bến phà ngang sông ấy, đứa bạn thân của tôi lỡ làng mối duyên đầu…
Tết này, nếu đứa bạn của tôi về thăm nhà, chắc hắn ngạc nhiên và mừng lắm. Bởi đường về quê của hắn không còn cảnh luỵ phà. Trên chiếc cầu bắc ngang sông Gành Hào về huyện Đầm Dơi, nhìn thấy rõ chiếc phà “đậu tài” buồn so. Nó biết vừa bị cầu Hoà Trung “khai tử”. Mà cũng đáng! Ngày trước, một phần cũng vì bến phà ngang sông ấy, đứa bạn thân của tôi lỡ làng mối duyên đầu…
Bốn năm đại học, ít nhất tám lần hắn qua phà để đến được giảng đường. Ra trường, hắn muốn lập nghiệp ở quê nhà nên đưa bạn gái về ra mắt. Cô gái ở miệt thứ Kiên Giang, đi xe qua phà Tắc Cậu, ròng rã ngày trời mới tới Cà Mau. Đường về nhà hắn phải qua phà Hoà Trung và thêm gần một tiếng ngồi đò tốc hành. Mẹ cô gái biết cảnh đò giang cách trở nên khuyên con gái lấy chồng gần, chớ lấy chồng xa… Gái miền quê “áo mặc sao qua khỏi đầu”. Buồn tình, hắn xa quê hương, chỉ thấy có mặt ở nhà mỗi độ xuân về, Tết đến.
Mong lắm… cầu ơi!
Mà đâu chỉ riêng hắn. Thằng Tèo, một thời học chung cấp hai với tôi ở quê (khóm 4, thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi) cũng không ưa gì phà. Ngày về nhận nhiệm vụ ở Cà Mau, tôi thấy Tèo chạy xe ôm, thường đưa khách quen ra chợ mua đồ. Khách mối, nó lấy giá mềm, lời mỏng tanh nên phải mang theo chai nước uống để đỡ tốn tiền trà đá. Vậy mà, mỗi lượt đi về như vậy, Tèo tốn thêm 8.000 đồng phí qua phà Hoà Trung.
Thông xe kỹ thuật cầu Hoà Trung ngày 16/1/2016. Ảnh: QUANG MINH |
Hôm nào xúi quẫy, xe cán đinh, hư ruột là lỗ vốn. Nghĩ mà tội nghiệp, nhưng cũng chưa ngán ngẫm bằng mấy bác tài chở hàng đông lạnh. Nhiều hôm bị kẹt phà, đậu nối đuôi dài ngoằn như đoàn xe lửa, chờ hàng giờ mới qua được bên kia sông. Vậy nên, con tôm, con cá… đến tay người tiêu dùng không còn tươi ngon nữa.
Thương nhất là mấy bác tài chuyển bệnh bằng xe cứu thương. Có còi ưu tiên nhưng ít khi “ăn hiếp” được mấy người đưa phà, đặc biệt là những đêm mưa dầm khuya lơ khuya lắc… Ngay cả lãnh đạo huyện, mỗi khi ra Cà Mau hội thảo, họp hành… phải đi thật sớm, trừ hao thời gian chờ phà, kẹt phà.
Kể sơ sơ vậy thôi, chứ dân ở miệt Đầm Dơi, huyện có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất tỉnh Cà Mau có mấy ai ưa gì bến phà Hoà Trung. Bà con mong lắm cây cầu nối liền hai bờ sông để đi lại mau lẹ, thuận tiện và không phải tốn tiền phà.
“Lời vàng” của thủ tướng
Ngay sau Tết Nguyên đán năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Cà Mau dự khánh thành cầu Năm Căn bắc ngang sông Cửa Lớn, nối liền huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Hôm ấy, Thủ tướng có bài phát biểu rất cảm động, làm nức lòng Nhân dân nơi tận cùng cực Nam Tổ quốc.
Dù xa xôi ngàn dặm nhưng Thủ tướng biết rõ, Ngọc Hiển không phải là huyện “ốc đảo” duy nhất của tỉnh Cà Mau. Mà ở tận cùng dải đất hình chữ S còn một huyện nằm sát TP Cà Mau là Đầm Dơi, 40 năm sau ngày giải phóng đất nước, hơn 200 ngàn dân trong huyện qua sông phải luỵ phà. Vì vậy, nhân chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, bằng mọi giá trong năm 2015 phải xây dựng và hoàn thành cho bằng được cầu Hoà Trung để Nhân dân huyện này đi lại bớt vất vả…
Lời chỉ đạo ấy của Thủ tướng, cho tới giờ, nhiều người vẫn còn thấy sướng râm ran trong bụng. Ông Trần Quốc Việt, công chức ở huyện Đầm Dơi, chia sẻ: “Nghe chỉ đạo của Thủ tướng, phàm ai là người Đầm Dơi đều thấy phấn khởi chứ không riêng tôi. Bởi đó là nguyện vọng, mong đợi chung từ lâu lắm rồi của người dân quê tôi”.
Cầu Hoà Trung được thiết kế bê-tông cốt thép dự ứng lực, dài toàn tuyến 1.286 m. Công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 383 tỷ đồng, thi công là liên doanh nhà thầu Cienco 1 - Cienco 4. Cầu hoàn thành thay thế bến phà Hoà Trung hiện tại, thông thương đi lại giữa xã Hoà Thành (TP Cà Mau) với xã Tân Trung (huyện Đầm Dơi). "Đây là công trình quy mô lớn nhưng được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Để làm được điều đó, các đơn vị thi công quy tụ nhiều thiết bị tiên tiến, hiện đại và hơn 300 công nhân, kỹ sư… chia làm ba kíp trực, làm việc suốt 24/24 kể từ ngày khởi công cầu", Giám đốc Điều hành Dự án cầu Hoà Trung Nguyễn Thành Vinh cho biết. |
Hoà cùng niềm vui ấy, Bí thư Huyện uỷ Đầm Dơi Võ Thanh Tòng cho biết, cầu Hoà Trung hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông liên hoàn trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng để huyện khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, tăng nguồn thu ngân sách…, góp phần đẩy nhanh lộ trình xoá đói giảm nghèo bền vững ở địa phương. “Sản lượng thuỷ sản của huyện mỗi năm khoảng 100 ngàn tấn. Vì vậy, khi có cầu nối liền ra Cà Mau sẽ tạo tiền đề để huyện bứt phá nhanh về kinh tế, xã hội. Khi ấy, con tôm, con cá, con cua… ở địa phương cũng được vận chuyển mau lẹ đến nơi chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu để bán được giá cao”, ông Tòng chia sẻ.
Lối giữa năm 2015, công trình xây dựng cầu Hoà Trung được khởi công. Dòng người qua lại phà Hoà Trung thấy đội ngũ công nhân, kỹ sư làm việc cả ngày lẫn đêm để cầu Hoà Trung dần nên hình, nên dạng. Và như đúng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cầu đã thông xe đúng kế hoạch đề ra vào ngày 16/1. Hôm dự phát lệnh thông xe, Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao các đơn vị tham gia thi công cầu Hoà Trung đã nỗ lực làm việc ngày đêm, vượt qua nhiều khó khăn để thông xe đúng tiến độ. “Cầu Hoà Trung là công trình bê-tông vĩnh cửu, có tiêu chuẩn xây dựng cao, hoàn thành chỉ sau nửa năm thi công, được xem là một kỷ lục, đột phá về công nghệ tiên tiến trong xây dựng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
***
Cuối tuần rồi, tôi trở lại Đầm Dơi, lòng rộn ràng sung sướng. Trên cầu Hoà Trung, đèn sáng rực soi rõ cánh công nhân miệt mài láng nhựa đường dẫn hai bên cầu. Cũng như những người con xa xứ Đầm Dơi, họ cũng đang nôn nóng làm xong những phần việc còn lại để sớm được sum vầy cùng gia đình đón Tết./.
Phóng sự của Hải Yến