Mô hình “Địa chỉ tin cậy” là nội dung quan trọng trong Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”. Triển khai dự án, nhiều địa phương đã củng cố, duy trì và ra mắt các mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng.
- Chuyển đổi nghề, nâng cao đời sống phụ nữ dân tộc
- Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số
- Phụ nữ U Minh với nhiều mô hình làm theo Bác
- Phụ nữ Khánh Hưng cùng nhau nâng cao chất lượng cuộc sống
Thực hiện Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn để nâng cao kỹ năng hoạt động cho các thành viên trong tổ địa chỉ tin cậy cộng đồng và tổ truyền thông cộng đồng.
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DDTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025; Kế hoạch số 43/KH-ĐCT ngày 3/6/2022 của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 1: 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 134 về triển khai Dự án 8 trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh củng cố “Địa chỉ tin cậy” cộng đồng hiện có thành địa chỉ an toàn; thành lập mới 6 địa chỉ an toàn. Trên cơ sở này, hội phụ nữ các huyện, thành phố rà soát, đánh giá nhu cầu, lập danh sách; củng cố hoặc thành lập mới và duy trì hoạt động mô hình.
Các chị em phụ trong các tổ địa chỉ tin cậy cộng đồng và tổ truyền thông cộng đồng được tập huấn về kỹ năng phát hiện, lên tiếng, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và kỹ năng vận hành mô hình "Địa chỉ tin cậy" do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Cùng với việc tập huấn về kỹ năng phát hiện, lên tiếng, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và kỹ năng vận hành mô hình cho ban chủ nhiệm, thành viên tham gia, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức các buổi tuyên truyền về kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...
Từ khi vận hành mô hình đến nay, các tổ “Địa chỉ tin cậy” đều hoạt động khá hiệu quả. Qua đó, từng bước phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân nói chung và hội viên phụ nữ trên địa bàn nói riêng.
Xã Khánh Hội (huyện U Minh) có 9 ấp. Năm 2023, Hội LHPN xã đã kiện toàn và củng cố tất cả 9 tổ “Địa chỉ tin cậy” tại 9 ấp. Theo đó, tổ “Địa chỉ tin cậy” được thành lập ở ấp đặc biệt khó khăn (Ấp 1) được Hội LHPN tỉnh đầu tư cơ sở vật chất để trang bị đủ điều kiện khi có trường hợp nạn nhân đến đây tạm lánh.
Chị Lữ Hồng Bía, Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Hội, chia sẻ: “Lồng ghép vào các cuộc họp chi, tổ hội, thành viên của các “Địa chỉ tin cậy” sẽ tuyên truyền, triển khai các hoạt động, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và giữ gìn hôn nhân hạnh phúc. Các địa chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi tạm lánh, tạm trú, tránh rủi ro về sức khoẻ, tính mạng, giảm thiểu các hậu quả do bạo lực gia đình gây ra. Đồng thời, hỗ trợ nạn nhân về chăm sóc y tế, thực phẩm, tham vấn tâm lý, hỗ trợ về mặt pháp lý để giúp nạn nhân tránh khỏi bạo lực gia đình… Rất mừng là từ khi vận hành đến nay, trên địa bàn xã chưa xảy ra tình trạng bạo lực gia đình và bạo hành trẻ em. Các “Địa chỉ tin cậy” đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi, đặc biệt là đối với nam giới, không còn cảnh “chồng chúa vợ tôi”, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, phụ nữ và trẻ em gái được quan tâm và đối xử bình quyền”.
Thành viên Tổ "Địa chỉ tin cậy" Ấp 13, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình đến các chị em phụ nữ trong ấp.
Tương tự, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) cũng là địa bàn rộng, có nhiều ấp và có khá đông đồng bào DTTS sinh sống. Mô hình Địa chỉ tin cậy đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, từ cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội, phối hợp với dòng họ, gia đình, người quen biết ngay tại cộng đồng để hoà giải, tư vấn, hỗ trợ nhằm ngăn ngừa và phòng, chống bạo lực gia đình xảy ra.
Chị Lữ Thu Hồng, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Phích, cho hay: “Toàn xã có 20 ấp, theo đó, Hội LHPN xã đã thành lập được 20 “Địa chỉ tin cậy”. Mỗi địa chỉ có từ 5-7 thành viên. Qua việc ra mắt và truyền thông về mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức về các vấn đề bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng của cán bộ hội các cấp trong thực hiện các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em”.
Thực tế đã qua, tại các “Địa chỉ tin cậy” còn tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới và kỹ năng để phòng tránh bạo lực gia đình, tạo môi trường lành mạnh trong gia đình, cộng đồng.
Bà Đinh Thị The, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 13, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh tuyên truyền cho chị em phụ nữ về cách vận hành của Địa chỉ tin cậy thông qua buổi họp thường niên của chi hội.
“Địa chỉ tin cậy cộng đồng là mô hình thiết thực, là chỗ dựa đáng tin cậy của nhiều phụ nữ. Thông qua mô hình đã thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhiều người dân, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình, hướng đến xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn”, bà Tiêu Việt Tiên, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh, khẳng định.
"Địa chỉ tin cậy" là nội dung nằm trong Nội dung 2: Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025. Đây là một mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng; mục đích tiếp nhận, hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực gia đình nhằm tránh rủi ro về sức khoẻ, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo lực gia đình. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự.
Quỳnh Anh