Tôi có người cô họ gần Tết năm nào cũng về tuốt dưới quê để quết bánh phồng, làm mứt dừa, gói bánh tét... rồi khệ nệ đem lên chia cho con cháu đứa một ít để ăn Tết. Riêng tôi, cô còn cho thêm một keo dưa kiệu thiệt ngon. Cô nói: “Mấy món bánh, mứt do cô tự tay làm, còn dưa kiệu thì cô đặt mua chỗ này làm ngon lắm, cô mua mấy chục năm nay rồi, mà phải đặt trước mấy tháng”.
Tôi có người cô họ gần Tết năm nào cũng về tuốt dưới quê để quết bánh phồng, làm mứt dừa, gói bánh tét... rồi khệ nệ đem lên chia cho con cháu đứa một ít để ăn Tết. Riêng tôi, cô còn cho thêm một keo dưa kiệu thiệt ngon. Cô nói: “Mấy món bánh, mứt do cô tự tay làm, còn dưa kiệu thì cô đặt mua chỗ này làm ngon lắm, cô mua mấy chục năm nay rồi, mà phải đặt trước mấy tháng”. Tôi thắc mắc trong bụng, từ trước giờ ai cũng nói cô khéo tay, vậy mà cô đi mua dưa kiệu mấy chục năm nay quả là chuyện lạ, nên tôi nói khi nào đi lấy dưa kiệu cô cho con đi với. Cô đồng ý.
Một chiều Chủ nhật, cô đưa tôi đến nơi làm dưa kiệu. Căn nhà bà nằm trên một con đường lớn, mua bán sầm uất nhất, nhì Cà Mau. Phía trước nhà là quán ăn của người con gái Út. Quán này cũng được người sành ăn xếp vào loại ngon nên lúc nào cũng đông khách. Sâu bên trong là một gian nhà rộng, kiểu hơi xưa, không gian tĩnh lặng đối lập với sự ồn ào phía trước. Đảo mắt, tôi thấy trong nhà lủ khủ dụng cụ làm dưa kiệu, nào là thau, chậu, lu đựng nước… Tất cả đều ngăn nắp, sạch sẽ. Ấn tượng nhất là hình ảnh một bà lão có gương mặt phúc hậu, tóc búi cao, mặc bộ đồ bà ba bằng lụa màu trắng, đang ngồi xếp kiệu vào keo một cách chậm rãi, không có vẻ gì gấp gáp. Cô tôi bảo đó là người làm dưa kiệu.
Hơn 30 năm qua, bà Cao Thị Chanh, phường 5, TP Cà Mau luôn tự tay lựa từng củ kiệu ngon để làm dưa theo đơn đặt hàng của khách. |
Vừa thấy tôi từ xa, bà vội để keo kiệu xuống, nheo đôi mắt, rồi đưa tay lên khoát khoát: “Thôi nhận rồi cháu ơi, năm nay có một mình hà, làm không xuể, chỉ nhận làm cho những người quen thôi. Năm sau có ăn thì cho dì hay sớm sớm”. Cô tôi lên tiếng: “Khách quen, thím nhìn con hổng ra hả?”. Bà nheo nheo mắt lần nữa, rồi cười: “Hạnh hả, mèn ơi! Vậy mà nãy giờ thím tưởng người lạ tới đặt kiệu nên từ chối! Ừ, mà thà mích lòng trước đặng lòng sau, chớ ai đặt cũng nhận bừa, lỡ làm không kịp thì kỳ lắm”. Cô quay sang nhìn tôi cười rồi nói: “Bà là vậy, bao giờ chữ tín cũng đặt lên hàng đầu”.
Sau vài ba câu làm quen, bà mời tôi ngồi rồi trở lại với công việc của mình. Đôi tay bà thoăn thoắt xếp những củ kiệu vào keo thẳng tắp, đều trân, trông rất đẹp mắt. Tôi hỏi ngày xưa bà học làm dưa kiệu này ở đâu mà ngon quá vậy. Bà cười hiền rồi cho biết: “Có học gì đâu cháu ơi, tất cả là do nhớ quê mà có. Chuyện dài lắm”.
Dưa kiệu thường được ăn kèm theo tôm khô, mắm tép hay thịt heo ba rọi trong ngày Tết. |
Với giọng nói trầm ấm, bà kể một cách đều đều. Quê bà ở huyện Cái Nước, hồi kháng chiến, chồng đi làm cách mạng, bà ở nhà một mình vừa nuôi sáu đứa con, vừa vót chông, tiếp tế lương thực cho bộ đội... Mỗi năm Tết đến, đâu có tiền mua bánh trái gì cho con ăn đâu, trong vườn nhà có thứ gì thì làm bánh nấy, cả nhà quây quần thiệt là vui. Năm nào chồng bà công tác ở gần thì tranh thủ ghé qua ăn, vậy là năm đó gia đình được ăn một cái Tết trọn vẹn. Chồng bà rất thích ăn món dưa kiệu nên năm nào bà cũng làm một keo.
Nói đến đây, đôi mắt bà tự dưng buồn hiu rồi nhìn về nơi nào đó xa xăm, giọng chùng xuống: “Năm 1970 ông nhà tôi hy sinh. Hoà bình được vài tháng thì tôi rời quê, bởi ở nơi đó có nhiều kỷ niệm với ông nhà tôi quá nên đi để quên phần nào, rồi còn chuyện học hành của mấy đứa nhỏ nữa. Lúc đó tôi đi làm việc ở nhiều nơi, nhưng cuối cùng thì về lại Cà Mau cho gần quê một chút và được Nhà nước cho miếng đất này. Hồi đó ở đây chỉ là cái ao mênh mông nước chớ không phải đông đúc như bây giờ đâu.
Mấy năm đầu chưa quen với không khí Tết ở thị thành nên buồn lắm, nhớ quê chịu không nổi. Cứ ngồi đâu cũng thấy hình ảnh đồng ruộng, ao đìa. Mà nhớ nhất là lúc gần Tết, nhớ không khí ở quê lúc quết bánh phồng, ngồi canh bánh tét, làm mứt dừa... con cái quây quần thiệt là vui. Nói thiệt, lúc đó muốn về quê liền cho rồi, nhưng nghĩ lại tụi nhỏ còn đang học nên bóp bụng ở lại". Vậy là năm sau gần Tết, bà bày ra làm đủ thứ bánh, mứt rồi nấu bánh tét... bà chuẩn bị y như hồi ở quê. Rồi đem cho hàng xóm mỗi thứ một ít ăn lấy thảo. Cho vậy chớ bà hồi hộp lắm, sợ người ta chê.
Nói đến đây rồi tự nhiên bà cười thật tươi: “Chú biết hôn, không ngờ ai ăn rồi cũng qua nhà khen ngon, trong đó được khen nhiều nhất là món dưa kiệu. Thiệt tình lúc đó tôi cứ nghĩ mình cho thì người ta khen thay lời cảm ơn vậy thôi chớ biết mình làm có ngon thiệt hôn. Ai ngờ năm sau, gần Tết, họ qua nhà nói: Năm nay thím đừng cho tụi cháu nữa, mà làm bán đi, tụi cháu ủng hộ cho, rồi bạn bè tụi cháu nữa. Hồi Tết tụi nó tới chơi, ăn kiệu khen ngon dữ lắm, rồi hỏi mua ở đâu nhờ mua giùm. Người ta còn sợ tôi không có vốn nên họ đặt tiền cọc trước luôn cho tôi an tâm”. Vậy là bà làm dưa kiệu theo đơn đặt hàng từ đó. Tiếng lành đồn xa, từ đó mỗi năm người ta đặt nhiều hơn. Có năm bà làm tới cả tấn. Năm rồi bà làm tám trăm rưỡi ký.
Khi tôi hỏi sao bà không mướn người làm, bà nói, mướn thì được rồi nhưng người ta đâu có làm kỹ như mình, lỡ khách chê thì khổ. Cả chuyện mua kiệu, bà cũng tự đi lựa từng củ theo ý mình, dù mắc hơn một chút nhưng kiệu phải ngon mới được. Nước cũng vậy, phải là nước mưa thiệt mới được, mùa mưa tự hứng rồi cất để dành, chớ mua của người ta không an tâm, lỡ người ta pha nước máy thì mất ngon.
Mấy năm trước cũng có đứa con dâu của bà ở quê lên làm tiếp, tính của chị cũng giống bà, làm gì cũng kỹ nên bà chịu. Năm nay chị sắp có em bé, còn một mình nên không dám nhận nhiều, chỉ nhận mấy mối quen thôi. Tôi hỏi: “Có người con nào theo nghề bà không?”. Bà cười, cái này ai cũng biết công thức hết, còn làm cho ngon thì biết sao mà chỉ, bởi lâu nay bà làm theo cảm nhận của mình. Nhìn màu kiệu là biết cần phải thêm, bớt cái gì, vậy thôi nên khó chỉ cụ thể lắm.
Người con gái của bà bán hàng phía trước. Lâu lâu thấy vắng khách là chạy vào làm tiếp bà, chị nói: “Kiệu của má làm để cả năm ăn cũng còn giòn và mùi vị không thay đổi”. Như để chứng minh điều mình nói, chị chạy ra sau nhà lấy keo kiệu làm từ năm ngoái ra cho tôi ăn thử. Vừa mở keo kiệu ra, lập tức mùi thơm bay khắp nhà và đúng như lời chị nói, gần một năm rồi mà kiệu vẫn còn thơm và giòn, màu chỉ hơi sậm hơn một chút thôi.
Tôi thắc mắc, kiệu làm để được lâu vậy sao bà không làm trước, mà đợi sát Tết mới làm cho cực? Bà chân tình bảo, kiệu chỉ ngon có tháng Tết, còn mấy tháng khác đâu có ngon lành gì, làm mất uy tín chết. Nó cũng như mít vậy, ngay mùa mới ngon. Thôi, thà chịu cực chút mà người ta ăn ngon, người ta nhớ mình.
Ngoài kia, đường phố đã lên đèn. Trời bắt đầu se se lạnh. Tôi từ giã bà ra về và thoáng chốc hoà vào dòng người tấp nập, ngược xuôi. Tôi biết, giờ bà vẫn ngồi đó cặm cụi xếp từng củ kiệu vào keo cho khách, đôi mắt ánh lên một niềm vui. Tôi nghĩ bà đang mang mùa xuân ở quê về với căn nhà mình./.
Những tháng giáp Tết Nguyên đán, không khí làm việc tại các làng nghề truyền thống phục vụ Tết như cá khô bổi (xã Trần Hợi), chuối khô (xã Khánh Bình Đông) thuộc huyện Trần Văn Thời, cá khô (Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân), tôm khô (Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), hay quết bánh phồng nếp của xã Tân Đức (Đầm Dơi)… trở nên nhộn nhịp hẳn lên. Đây là những mặt hàng truyền thống được người dân mua dùng hay biếu tặng trong dịp Tết. Vì thế, mùa Tết, số đơn đặt hàng tăng, sản lượng tăng cao hơn ngày bình thường rất nhiều, các làng nghề thu hút rất đông người lao động. |
Tôm khô Rạch Gốc. |
Mắm cá lóc Thới Bình vừa được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. |
Cá khô bổi U Minh, một trong những đặc sản nổi tiếng của Cà Mau. |
Làng cá biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân rất đa dạng các loại cá khô. |
Gia đình bà Lê Thị Hồng là một hộ làm bánh phồng nếp lâu năm tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi. |
Chuối khô, một trong những món được ưa thích trong những ngày Tết. |
Bài: Khởi Huỳnh - Ảnh: Khánh Phương