Thực phẩm luôn được xem là một trong những thứ thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của mọi gia đình. Khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về thực phẩm sạch, nhất là đối với những loại thực phẩm tươi sống càng cấp thiết hơn. Tuy nhiên, cách chọn lựa và bảo quản thực phẩm như thế nào vừa để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vừa an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến và sử dụng, đòi hỏi người tiêu dùng cần có những kỹ năng cơ bản.
- Thực phẩm đường phố và nỗi lo sức khoẻ
- Mùa vu lan và an toàn thực phẩm
- Chọn lựa thực phẩm an toàn cho người cao tuổi
- Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết trung thu 2024
Theo bác sĩ Đinh Thị Nguyên, Trưởng Khoa dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cà Mau, cho biết: “Thông thường ngộ độc thực phẩm là do các vi sinh vật, hoá chất hay do độc tố tự nhiên hoặc do thức ăn bị hư hỏng, biến chất gây nên. Những yếu tố nêu trên đều có thể sẽ xảy ra qua đường ăn uống, quá trình chế biến và phương pháp bảo quản thực phẩm của người tiêu dùng chưa đúng cách.
Do vậy, người tiêu dùng nên chọn lựa những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, có dấu kiểm định an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm của ngành y tế. Trong đó, cần chú ý ngâm bằng nước muối lợ hoặc nước rửa rau, quả và phải rửa kỹ các loại rau, quả nếu dùng để ăn sống.
Đối với thịt, cá thì cần phải được nấu chín kỹ trước khi ăn. Cũng cần tránh thực phẩm khi đã được đông lạnh, sau đó để rã đông rồi lại làm đông trở lại, vì như vậy sẽ làm cho thực phẩm kém chất lượng và không còn an toàn nữa. Thức ăn khi đã nấu chín thì cần đảm bảo nhiệt độ khi sử dụng ở mức 70oC là tốt nhất”.
Lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình, người tiêu dùng cần lưu ý nguồn gốc sản phẩm và bảo quản sản phẩm đúng cách.
Người tiêu dùng thường có thói quen chọn mua những loại thực phẩm rẻ tiền, phù hợp với điều kiện thu nhập của mỗi gia đình, nhưng ít khi chú ý đến chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Do phải bận rộn với cuộc sống hằng ngày, không có nhiều thời gian để đi chợ mỗi ngày, nên hầu hết các bà nội trợ, nhất là đối với những gia đình ở vùng đô thị, gia đình công chức, viên chức thường họ sẽ mua thực phẩm với số lượng nhiều để sử dụng dần trong nhiều ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về dinh dưỡng, cho dù thực phẩm có được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, thì theo thời gian chất lượng dinh dưỡng của những loại thực phẩm này, điển hình là các loại rau, củ, quả, cũng sẽ bị giảm đi rất nhiều. Bởi rau, quả ngay sau khi thu hoạch sẽ bắt đầu quá trình phân huỷ và mất đi hơn 1/3 các giá trị dinh dưỡng vốn có ban đầu của nó.
Các loại thực phẩm có kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng và được bảo quản đúng cách sẽ an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. (Ảnh minh hoạ)
Chị Hồ Cẩm Tiên, ngụ Khóm 4, Phường 9, TP Cà Mau, chia sẻ: “Gia đình tôi đơn chiếc, ai cũng bận rộn với công việc của mình, đâu có thời gian để đi chợ mỗi ngày. Do đó, thường là cuối tuần tôi mới dành thời gian để đi mua sắm một lần, kể cả là các loại thực phẩm tiêu dùng hằng ngày như: thịt, trứng, cá và rau, củ, quả. Thú thật, đôi khi bản thân tôi cũng không hiểu lắm đến chất lượng dinh dưỡng”.
Bác sĩ Đinh Thị Nguyên khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua rau, quả về không nên rửa ngay trước khi bảo quản trong tủ lạnh, vì như thế trong một số trường hợp sẽ kích thích sự hư hỏng, càng làm tăng nhanh quá trình nấm mốc và rau sẽ nhanh bị ung thối hơn. Đối với một số loại trái cây, quá trình cọ rửa cũng sẽ loại bỏ các lớp bảo vệ bên ngoài, làm cho quả mau chín hơn, nhất là các loại quả thuộc họ dâu tây. Do vậy, tốt nhất chỉ nên rửa kỹ rau và trái cây trước khi ăn.
Các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản…, là những thứ có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh rất cao như tả, lỵ, thương hàn… hoặc sẽ bị ô nhiễm từ các chất độc hại như chất tăng trọng, chất kháng sinh, chất bảo quản… Do đó, quá trình chọn lựa các loại thực phẩm tươi sống đòi hỏi người tiêu dùng phải có kỹ năng cần thiết, ví dụ như: màng ngoài của lát thịt phải khô ráo, màu sắc đỏ sẫm, lớp mỡ có màu sắc sáng, không có mùi vị lạ. Đặc biệt, khối thịt rắn chắc, độ đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào không để lại vết lõm. Quá trình đun nấu nước súp có màu trong, có mùi thơm của thịt…
Có thể nói, việc chọn lựa để mua, quá trình bảo quản và cả đến khâu chế biến thực phẩm là cả một công trình “nghệ thuật” của người nội trợ. Bởi mâm cơm gia đình hằng ngày luôn có hương vị đậm đà, ngon miệng, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ là chất xúc tác để “giữ lửa” hạnh phúc cho mỗi gia đình thêm đầm ấm./.
Phương Vũ