Rừng tràm U Minh Hạ có diện tích lớn, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho hàng chục ngàn hộ dân, mà từ lâu đã trở thành nét đặc trưng khi nhắc đến Cà Mau, bởi nó có vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ nguồn gen, bảo tồn lịch sử văn hoá và cả phục vụ nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm, khám phá du lịch… Do đó, việc bảo vệ và quản lý tốt diện tích rừng U Minh Hạ có ý nghĩa vô cùng quan trọng; trong công tác này cũng có không ít khó khăn.
- Nghiêm ngặt bảo vệ rừng
- Ứng dụng công nghệ, tăng hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng
- Du lịch gắn bảo vệ rừng
Bảo vệ rừng U Minh Hạ hiện nay không đơn thuần chỉ là bảo vệ cây rừng, phòng chống cháy rừng trong mùa khô, mà song song với đó là bảo vệ cả hệ động, thực vật dưới tán rừng. Bởi bên cạnh cây chủ lực hiện nay là cây tràm, cây keo lai thì dưới tán rừng còn có hệ thực vật với nhiều loại cây dược liệu quý, nhiều sản vật như: lươn, cá đồng, rùa vàng, than bùn...
Tuy nhiên, với diện tích khu vực rừng tràm U Minh Hạ hơn 45.172 ha rừng trải dài trên địa bàn 2 huyện, với 15 đơn vị trực tiếp quản lý và 8 xã có diện tích giao đất, giao rừng cho hộ gia đình; đặc biệt khu vực này hiện nay có nhiều người dân sinh sống và sản xuất đan xen với gần 20.000 ha canh tác lúa và nhiều loại cây ăn trái khác... Từ đó công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là mỗi khi bước vào mùa khô như hiện nay là vô cùng khó khăn.
Cơ sở hạ tầng Vườn Quốc gia U Minh Hạ được đầu tư bài bản để phục vụ tốt công tác tuần tra, kiểm soát cũng như phòng cháy chữa cháy rừng.
Riêng lâm phần Vườn Quốc gia U Minh Hạ hiện có diện tích 8.527 ha rừng, nằm trên địa bàn của 4 xã thuộc 2 huyện: U Minh và Trần Văn Thời. Theo ông Trần Công Hoằng, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, trong năm 2024, công tác quản lý, bảo vệ rừng đối diện với không ít khó khăn, như tác động của thời tiết, nắng nóng gay gắt, ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng của một số hộ dân chưa cao. Tiêu biểu là tình trạng người dân lén lút vào rừng để khai thác trái phép, đốt đồng, đốt thực bì... làm tăng nguy cơ cháy rừng. Hiện nay, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô đã được chuẩn bị sẵn sàng, từ lực lượng cho đến trang thiết bị... Ðồng thời, đơn vị đã và đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong quá trình sử dụng lửa phục vụ sinh hoạt hằng ngày và sản xuất, cũng như việc vào rừng để khai thác ong...
Mỗi khi bước vào mùa khô, công tác quản lý, bảo vệ rừng lại trở nên vô cùng khó khăn. Do đó, bên cạnh nỗ lực của chính quyền các cấp, các đơn vị chủ rừng thì sự tham gia, chung tay của bà con dưới tán rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã mà còn cả trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo tinh thần Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ liên quan đến các loại hình khai thác mang tính tận diệt, huỷ diệt.
Hiện nay, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã triển khai lắp đặt hệ thống quan sát lửa bằng camera.
Xã Khánh An là vùng đệm của Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Theo ông Dương Bảo Sinh, Trưởng ấp 13, nhờ sự quan tâm và hỗ trợ trong tổ chức sản xuất của các cấp mà hiện nay đời sống của bà con trong lâm phần không ngừng được nâng cao. Nhiều mô hình kinh tế dưới tán rừng có hiệu quả được triển khai, góp phần nâng cao ý thức và cả trách nhiệm của người dân vùng đệm trong bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện bà con vùng đệm thuộc Ấp 13 luôn đồng lòng cùng các cấp và Vườn Quốc gia U Minh Hạ bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng trong mùa khô như hiện nay.
Thời gian qua, dù có những thời điểm mùa khô diễn ra vô cùng khắc nghiệt, nhưng với sự chủ động, toàn bộ diện tích rừng tràm U Minh Hạ được bảo vệ rất tốt từ cây rừng cho đến hệ sinh thái động, thực vật dưới tán rừng. Ðó là thành quả của sự nỗ lực, quyết tâm của tất cả đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương và toàn bộ người dân trong lâm phần.
Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đang triển khai các chính sách cũng như giải pháp tiến tới kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Ðây sẽ là hướng đi mới, giải pháp thiết thực để tiến tới nâng cao đời sống người dân dưới tán rừng.
Theo thống kê, trong năm 2024, tại khu vực lâm phần, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 22 vụ vi phạm, chủ yếu là vào rừng trái phép để khai thác nguồn lợi dưới tán rừng. Hiện nay, đang vào mùa khô nên người dân lén lút vào rừng khai thác ong tăng cao, khiến nguy cơ cháy rừng cũng tăng theo.
Song Nguyễn