Năm học mới đã bắt đầu hơn 1 tháng, tuy nhiên thời điểm này thời tiết mưa nắng bất thường, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển, lây lan nhanh và bùng phát thành dịch, đe doạ đến sức khoẻ của học sinh. Trên địa bàn TP Cà Mau, dịch bệnh sởi có chiều hướng gia tăng ở một số xã, phường nên công tác phòng, chống dịch đang được các địa phương tích cực quan tâm.
- Đầu tư phát triển, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh cho hệ thống y tế cơ sở
- Cà Mau khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan
- Tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
- Không để lây lan dịch bệnh trong trường học
Theo số liệu thống kê 9 tháng đầu năm, TP Cà Mau ghi nhận 112 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 51 ca so cùng kỳ năm trước), nhiều nhất tại Phường 8, xã Lý Văn Lâm, Phường 9; tay chân miệng 195 ca (giảm 102 ca so cùng kỳ), nhiều nhất tại Phường 8, Phường 6, Phường 5 và xã Lý Văn Lâm; bệnh sởi, sốt phát ban 25 ca (tăng 22 ca so cùng kỳ, tập trung ở Phường 8 (5 ca), Phường 6 (4 ca), Phường 5 (3 ca) và xã Lý Văn Lâm (3 ca). Trong 25 ca sốt phát ban, có 8 ca được xác định là bệnh sởi.
Với số ca mắc bệnh như trên, cùng với thời điểm học sinh đang vào năm học mới, nguy cơ bệnh truyền nhiễm sẽ tiếp tục tăng, nhất là bệnh sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Ông Phạm Hồng Quân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Cà Mau, cho biết: “Do những năm gần đây tình trạng khan hiếm vắc xin tại các địa phương (trong đó có Cà Mau) nên tỷ lệ tiêm chủng thường không đạt theo yêu cầu. Chính vì vậy, hiện tại thành phố đang khẩn trương rà soát và tuyên truyền, vận động phụ huynh tích cực đưa con em tăng cường tiêm bù, tiêm vét đối với các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, tại các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Sóc Trăng đang bùng phát dịch sởi nên TP Cà Mau cũng rất lo ngại”.
Nhiều phụ huynh chủ động đưa con em đi tiêm bù, tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau). Ảnh: NHẬT MINH
Tính đến ngày 31/8/2024, tỷ lệ trẻ tiêm chủng đủ liều trên địa bàn TP Cà Mau chỉ đạt 45,55%; trong đó, tỷ lệ trẻ từ 4-24 tháng tuổi tiêm sởi - Rubella đạt 46,34%.
Ông Quân cho biết thêm, tại các địa phương như Phường 8, Phường 6 và xã Lý Văn Lâm có số ca mắc các bệnh truyền nhiễm cao là do mật độ dân số đông, các khu trọ nhiều và tình hình vệ sinh môi trường còn chưa đảm bảo; khu vực trũng thấp, ao tù nước đọng nhiều, dễ dẫn đến các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh. Ðã qua, ngành y tế cũng đã phát động cao điểm chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng; tổ chức lễ ra quân hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết tại Phường 8.
Ngay từ đầu năm học, ngành y tế thành phố đã xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị (trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa, phòng giáo dục và đào tạo, phòng kinh tế) để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh được tốt hơn. Ngoài ra, ngành y tế cũng tổ chức phun hoá chất diệt muỗi tại 103 điểm trường (có 18 điểm trường THCS, 19 điểm trường tiểu học và 46 điểm trường mầm non); trung tâm y tế dự phòng kết hợp với phòng giáo dục và đào tạo kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch để đảm bảo đủ điều kiện an toàn về sức khoẻ cho học sinh trước khi khai giảng năm học mới tại tất cả điểm trường.
Bên cạnh đó, mạng lưới y tế từ trung tâm y tế đến xã, phường, khóm, ấp đều hoạt động tốt. Hiện nay mỗi khóm, ấp đều có 1 nhân viên y tế, được hỗ trợ kinh phí hằng tháng, trung tâm y tế giao cho các trạm y tế quản lý và chỉ đạo điều hành hoạt động nhân viên y tế ấp, khóm. Từ đó, ngành y tế thành phố đang chủ động trong công tác tầm soát và quản lý dịch bệnh trên địa bàn được hiệu quả./.
Ngọc Huệ