(CMO) Dịch bệnh, thiên tai và sức ép cạnh tranh trên thị trường… đã và đang tiếp tục có những tác động tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế và đời sống. Nền sản xuất nông nghiệp cũng không thể thoát ra khỏi vòng xoay này. Thực tế đó đòi hỏi sự chuyển đổi căn cơ hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, để giải quyết phần nào bài toán đầu ra, cũng như giá thành.
Cà Mau là tỉnh đang phát triển, dù nền kinh tế đang chuyển dịch dần qua công nghiệp và dịch vụ, thế nhưng nền nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế. Nếu xét trên góc độ cơ cấu kinh tế thì khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lên đến 34,2% GRDP; còn xét về cơ cấu dân số thì hiện nay vẫn còn hơn 77% dân số sống ở khu vực nông thôn và thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nền sản xuất nông nghiệp trung bình hàng năm tạo ra cho thị trường khoảng 600.000 tấn thuỷ sản các loại, gần 500.000 tấn lúa, hàng trăm ngàn mét khối gỗ…
Thành tựu thời gian qua mà nền nông nghiệp đạt được là kết quả của quá trình chuyển đổi từ cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho đến quy trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, hình thành nên các mối liên kết trong sản xuất… Từ đó, một số mặt hàng nông sản đã giải quyết được đầu ra, giảm thiểu đáng kể sự chông chênh. Tiêu biểu có thể kể đến là mặt hàng thuỷ sản trước tác động của dịch bệnh, dù giá thành có giảm phần nào, nhưng đầu ra vẫn đảm bảo ổn định. Người nuôi tôm, nhất là hơn 11.000 ha nuôi theo hình thức thâm canh và siêu thâm canh vẫn có lãi.
Hay như mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng của tỉnh. Với diện tích hiện nay của toàn tỉnh hơn 1.638 ha, chủ yếu ở TP Cà Mau, với hơn 1.070 ha, còn lại là huyện Thới Bình 290 ha, U Minh 62 ha, Cái Nước 190 ha và Trần Văn Thời 26 ha, là nguồn thu nhập quan trọng cho người dân, kể từ khi xuất hiện trên đồng đất Cà Mau.
Dù chưa thể giải quyết được dứt điểm tình trạng trúng mùa, mất giá và những khó khăn trong khâu tiêu thụ, do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ làm tốt khâu kết nối cung - cầu mà con cá chình, bống tượng có phần ít bị tác động hơn so với nhiều mặt hàng khác.
Chỉ với 2 ao cá chình chưa đầy 500 m2 mặt nước đã mang về cho gia đình anh Tám Toản (Nguyễn Văn Toản) ở Ấp 3, xã Tân Thành, gần 200 triệu đồng. Ðây là khoản tiền khá lớn so với diện tích sản xuất của gia đình.
Anh Toản chia sẻ: “Do diện tích đất nhỏ nên trồng lúa thu nhập chẳng bao nhiêu, từ đó gia đình quyết định lên ao nuôi cá chình. Dưới ao nuôi cá, trên bờ trồng thêm một số loại hoa màu, cây ăn trái. Nhờ vậy mà thu nhập của gia đình đã tính đến con số trăm triệu. Ðây cũng là mô hình đang được rất nhiều bà con trong vùng nuôi cá chình của TP Cà Mau áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững”.
Cá chình được thương lái đến tận ao thu mua để xuất khẩu. |
Thời gian qua, thiên tai đã để lại những thiệt hại to lớn cho nền sản xuất, tạo ra vô số khó khăn trong quá trình tổ chức sản xuất. Ðặc biệt, với tác động ngày một rõ rệt của biến đổi khí hậu (BÐKH), nước biển dâng, nhiều vùng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ ngập úng, xâm nhập mặn gia tăng... làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất. Trước thực tế ấy, ông Ðoàn Thanh Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở NN&PTNT, thông tin: “Ngành đã và sẽ tiếp tục tiến hành chuyển đổi loại hình sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với điều kiện từng địa phương. Ðặc biệt, tiến hành quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, đến đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ giống, cơ giới hoá… đáp ứng cho sản xuất để thích ứng BÐKH, phát triển bền vững”.
Chuyển đổi là câu chuyện khó tránh khỏi của nền nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, chuyển đổi theo hướng nào là vấn đề hết sức quan trọng, phải là cuộc chuyển đổi thực chất, lấy nhu cầu thị trường làm định hướng cho sự phát triển. Ðể không bị động trong sản xuất nông nghiệp, điều quan trọng nhất là xây dựng được các chuỗi giá trị trong sản xuất và kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Các thành phần trong chuỗi giá trị nông sản cần có sức đề kháng cao trước tác động của cả BÐKH, đến dịch bệnh và thị trường…
Trước sự thay đổi trong điều kiện sản xuất thời gian qua, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Bên cạnh việc cơ cấu lại nền nông nghiệp cho phù hợp với thực tiễn thời tiết và thế mạnh của từng địa phương, từng vùng sản xuất thì ngành đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mục tiêu của tỉnh đặt ra trong thời gian tới là sản xuất theo hướng chất lượng, xây dựng thương hiệu gắn kết với thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sinh thái…”./.
Nguyễn Phú