(CMO) Nghề đánh bắt ven bờ với “đội quân” phương tiện công suất nhỏ tại Cà Mau hiện tại vẫn là bài toán khó cho chiến lược phát triển kinh tế biển. Những con số có tính ước lượng với hàng chục ngàn ghe, xuồng, vỏ lãi… mới thấy đây là chốn mưu sinh của biết bao gia đình, biết bao con người ở Cà Mau.
Nhưng vấn đề đáng quan tâm hơn, nguồn lợi thuỷ hải sản ven bờ hiện nay không còn đủ để cư dân ven biển “chia nhau miếng cơm” nữa. Dân biển không chịu bó tay, người ta học hỏi thêm đủ cách đánh bắt tận diệt, sử dụng cả xiệc điện, thuốc nổ và những ngư cụ “chết chóc” để bủa vây nguồn lợi ít ỏi còn sót lại. Càng ngày người dân bám biển càng cảm nhận được rằng, chính bản thân mình đang gặm nhấm vào tương lai của mình.
Sẻ chia cùng ngư dân ven biển
Trong bối cảnh ấy, chủ trương chuyển đổi ngành nghề cho cư dân ven biển đã trở thành điểm tựa vững chắc, được những người đi biển chân chính đón nhận hết sức hào hứng. Ngọc Hiển là địa phương đi đầu, là điểm sáng trong thực hiện chủ trương đúng đắn này.
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến thông tin: “Trong khoảng 4 ngàn phương tiện công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ, hiện địa phương đã vận động, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề với tỷ lệ trên 90%. Kết quả là rất tích cực, vừa đảm bảo đời sống cho bộ phận người dân ven biển, đồng thời tái tạo nguồn lợi thuỷ hải sản”.
Khi chủ trương chuyển đổi ngành nghề đến với người dân, câu hỏi nhiều người đặt ra ngay tức thì là: “Không làm biển nữa thì gia đình chúng tôi biết làm gì để sinh sống?”, hay đại loại: “Nhà tôi chết đói thì ai lo?”. Bởi vậy, với ông Tiến, chủ trương này muốn được bà con ngư dân đồng thuận cần phải được chuẩn bị chu đáo, không thể làm một cách máy móc, cưỡng ép. Phải thống kê chính xác số lượng phương tiện, hoàn cảnh gia đình của ngư dân, phân loại đối tượng và có bước đi, lộ trình chuyển đổi hợp lý. Quan điểm của địa phương là chuyển đổi một cách thiết thực, nhận được sự đồng thuận của người dân, đảm bảo sinh kế bền vững và mở ra những lựa chọn, hướng phát triển mới cho bà con.
Đặc điểm của bộ phận cư dân đánh bắt ven bờ thường có hoàn cảnh sống tương đối bấp bênh, phương tiện đánh bắt thô sơ và hầu như dựa vào kinh nghiệm dân gian. Ông Tiến phân tích: “Khi nguồn lợi thiên nhiên còn trù phú, sinh kế với ngư dân không phải là vấn đề. Thậm chí có những người đã vươn lên khá, giàu. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn lợi hải sản sụt giảm, kéo theo đó là cuộc sống của bà con ngày càng chật vật”. Đó là chưa kể lượng người đến các cửa biển Ngọc Hiển theo diện tạm cư, sinh kế theo mùa, trông chờ hoàn toàn vào cách đánh bắt thủ công. Dẫn ra những thí dụ sinh động, ông Tiến cho biết: “Như trước đây nghề đáy hàng cạn, hàng khơi thời kỳ hoàng kim có thể làm giàu, còn bây giờ khó khăn lắm, nhiều người cũng không còn mặn mà và bỏ nghề luôn”.
Nghề làm bánh phồng tôm ở thị trấn Rạch Gốc - mô hình chuyển đổi ngành nghề hiệu quả. Ảnh: Sơn Nam |
Trăn trở nhất, khó khăn nhất của Ngọc Hiển là chuyển đổi ngành nghề cho bà con làm sao để phù hợp, để bà con yên tâm làm ăn, phát triển mà không hụt hẫng. Nói về câu chuyện này, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển Trần Minh Hoàng cho biết: “Cái chính là các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương phải nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của từng đối tượng. Căn cứ vào đó, hướng bà con đến một phương cách làm ăn phù hợp hơn”. Gia đình nào có tích luỹ, đủ nguồn lực để vươn khơi, Ngọc Hiển tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ phương tiện, ngư cụ hiện đại. Còn gia đình nào khó khăn, sẽ chuyển sang các ngành nghề liên quan đến hậu cần nghề biển, tham gia các tổ hợp tác làng nghề biển truyền thống.
Vậy là không còn cảnh “liều mạng” kiếm cơm trên những phương tiện nhỏ bé, mong manh. Người dân nghèo ven biển được hướng đến cách thức làm ăn mới, an toàn hơn, bền vững hơn và cái chính là vẫn gắn liền với biển cả quê hương. Gặp chú Tư Trực (Nguyễn Công Trực), nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Ân (cũ), ông bộc bạch: “Ghe biển cỡ lớn ở xứ này gió cấp 5, cấp 6 là chịu hổng thấu. Còn ghe tỉnh khác có thể chịu được cấp gió bão. Mà thời tiết kiểu này, ghe xuồng nhỏ quá thì ra biển chỉ có nước nộp mạng chớ đánh bắt gì cho đặng”.
Trong câu chuyện của chú Tư Trực, niềm tự hào lớn nhất chính là cửa biển Rạch Gốc - Tân Ân giờ đã ra dáng một phố biển sầm uất. Nơi đây có bến tránh trú bão có khả năng chứa hàng ngàn tàu công suất lớn, dịch vụ hậu cần nghề biển đang ngày càng mở mang, là đầu mối luân chuyển, trao đổi, mua bán hàng hoá thuỷ hải sản và song hành đó là những làng nghề biển truyền thống đang nở rộ. Chú Tư Trực tin chắc: “Cửa Rạch Gốc sớm muộn gì cũng trở thành vị trí chiến lược, mở ra cuộc sống mới cho người dân ở đây”.
Hẹn ngày trở lại
Những người chưa hiểu thường không có cái nhìn toàn diện về đời sống người dân ven biển, nhất là bộ phận được coi là khó khăn. Ngay cả thời điểm hiện tại, khi nguồn lợi biển không còn dồi dào, mỗi phương tiện đánh bắt ven bờ cũng có thể thu về số tiền hàng trăm ngàn, thậm chí là tiền triệu một ngày. Tuy nhiên, vấn đề là họ phải bỏ ra một khoản chi phí tương đối lớn, phụ thuộc vào thời tiết, mùa vụ và vấn đề lớn nhất là đối diện với những nguy hiểm, rủi ro. Dân miền biển không nghèo theo kiểu “cạn kiệt”, nhưng thu nhập bấp bênh và đặc biệt dễ tổn thương. Ghé thăm cửa Rạch Gốc, nơi hàng ngàn phương tiện đánh bắt ven bờ đã trở thành nguồn sống của người dân xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc, có một sự đổi thay khiến người ta thật sự ấm lòng.
Số lượng lớn ghe tàu công suất nhỏ của huyện Ngọc Hiển đang được chuyển đổi. Ảnh: S.Nam |
Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc Huỳnh Thanh Đảm cho biết: “Nghề đánh bắt là nghề truyền thống của bà con, nhưng sau khi rà soát lại, chỉ có vài chục chiếc là công suất lớn. Thời gian gần đây, bà con làm nghề đánh bắt gần bờ thu nhập ngày càng ít. Việc chuyển đổi ngành nghề, nói cho rốt ráo cũng là nguyện vọng, tâm tư của người dân”.
Cái hay của người Rạch Gốc - Tân Ân là cách nghĩ hết sức “biển cả”: Đã làm thì phải làm lớn, còn cứ “chui rúc”, chật vật thì thà chuyển sang làm cái khác. Bởi vậy, khi vận động, bà con chỉ đề xuất rất gọn với chính quyền: “Mấy chú cán bộ coi nghỉ làm nghề biển thì chính quyền giúp bà con mần nghề gì để sinh sống?”.
Như trường hợp vợ chồng anh Lại Thành Điệp, hơn nửa đời gắn bó với biển cả. Nhìn về phía cửa biển, anh Điệp tâm sự: “Hơn nửa đời người, từ nhỏ tôi đã ra biển, có gia đình cũng nhờ vào nghề đánh bắt ven bờ để sinh sống, nhưng cũng phải bỏ thôi”. Hỏi anh có tiếc không, anh cười: “Giờ tôi với vợ và bà con thành lập Tổ hợp tác Thái Huy, chuyên sản xuất các mặt hàng cá khô biển. Hiện tại mỗi tháng xuất cũng ngót cả tấn, thu nhập ổn định mà khỏi lo rủi ro, vất vả. Cuộc sống vậy thì tiếc gì nữa mấy anh”. Anh Điệp còn hào hứng khi nói về những người đi biển giống anh đã bỏ nghề: “Coi vậy chớ cũng mần nghề biển đó thôi. Cái khác là giờ không cầm xuồng, ghe nhỏ để cầu may ông cậu, bà cậu nữa. Có người về làm vựa thu mua, buôn bán ngư cụ, có người sản xuất các mặt hàng truyền thống từ biển, cũng có anh em đầu tư ghe lớn vươn khơi”.
Cửa biển Tân Ân - Rạch Gốc thông ra biển lớn bởi 11 cửa sông mà đa phần là “tiểu ngạch”. Trước đây, việc quản lý phương tiện đánh bắt ven bờ vô cùng vất vả. Nếu không có sự đồng thuận, sự tự giác của người dân thì trăm bề đều gặp khó. Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân Lâm Trúc Giang tâm sự: “Coi vậy thôi chớ chưa dứt tình trạng dân lén ra biển đánh bắt đâu. Mà những đối tượng này mới là nghèo thiệt, khổ thiệt và cần giúp đỡ nhất”. Khi được hỏi địa phương đã hỗ trợ những đối tượng này như thế nào, chị Giang cho biết: “Phải từ từ thôi, cái chính là có mô hình làm ăn cụ thể, nguồn lực về tài chính và chính sách hỗ trợ bà con”. Khó nhất là những hộ tạm cư, làm ăn theo kiểu rày đây, mai đó. Những chuyến biển hàng ngày với họ chở nặng những lo âu của cuộc mưu sinh.
Chú Huỳnh Hoàng Hà, ấp Ô Rô, xã Tân Ân là một ngư dân kỳ cựu, cũng phải chia sẻ: “Nghề biển bây giờ khó khăn lắm, những hộ đánh ven bờ đủ sống là hên lắm rồi. Như nhà tôi, đầu tư 2 ghe lớn nhưng cũng chỉ cầu may thôi”. Chú Trương Văn Cọp, cũng ngư dân bám biển, tiếp lời: “Biết là sống chật vật, nhưng nhà khổ quá, hổng làm lấy gì ăn”. Nghe mấy anh cán bộ nói, xã đang có nhiều cách hỗ trợ bà con chuyển ngành nghề, có thể tham gia tổ hợp tác làm ăn, có thể mở mang buôn bán nhỏ. Với nhân công lao động, địa phương sẽ hỗ trợ tìm công việc để tham gia. Chú Mười Hà gật gật đầu: “Nếu như lời cán bộ đã nói về chuyển đổi ngành nghề, tôi tin rằng tới đây bà con sẽ bớt khổ. Biển cả giờ cũng đã nghèo kiệt rồi còn gì…”.
Nói gì thì nói, để ngư dân bỏ nghề biển bắt đầu lại cuộc đời mới là chuyện không hề dễ dàng. Nếu không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, có sự hỗ trợ kịp thời, thì chính sách chuyển đổi ngành nghề dễ đi vào ngõ cụt. Không ai muốn mạo hiểm sinh mạng, cuộc đời của mình trên những chiếc ghe biển mong manh, chông chênh, tất cả chỉ là vì miếng cơm manh áo, vì cuộc mưu sinh bức bách. Lâu nay vẫn vậy, người dân miền biển chỉ tin vào những điều mắt thấy, tai nghe. Có lẽ, những ngư dân Tân Ân - Rạch Gốc chỉ tạm dừng ra khơi để tích luỹ, để hứa hẹn một ngày trở lại. Khi đó, trên những con tàu lớn, những ngư cụ hiện đại, họ lại thoả sức vẫy vùng, làm chủ biển khơi./.
Phóng sự của Sơn Nam