(CMO) Hoạt động khuyến công thời gian qua đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Hiện ngành công thương tỉnh Cà Mau đã và đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công thương Cà Mau Nguyễn Văn Khải cho biết, để triển khai thực hiện các chính sách khuyến công của tỉnh, hàng năm, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch công tác khuyến công; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, lựa chọn giới thiệu các sản phẩm đạt giải tham gia bình chọn cấp quốc gia. Ngoài ra, để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các tổ chức, cá nhân về nguồn vốn khuyến công cấp tỉnh cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các cơ sở công nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc điều tra, khảo sát tình hình hoạt động SXKD của cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh khảo sát, lập đề án hỗ trợ khuyến công cấp tỉnh cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Những ngày đầu tiên sản xuất, cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kim Tiền (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) sử dụng bếp củi, sau chuyển sang than, gas và giờ là sử dụng lò điện và sấy bằng năng lượng mặt trời nên sản phẩm bánh đảm bảo chất lượng hơn. Ông Phạm Ngọc Thạch, chủ cơ sở, chia sẻ: “Năm 2018, cơ sở được hỗ trợ thiết bị sấy bánh phồng tôm sử dụng năng lượng mặt trời từ đề án khuyến công của địa phương với tổng vốn đầu tư 305 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 140 triệu đồng. Từ khi sử dụng thiết bị này, cơ sở chủ động trong sản xuất, tăng sản lượng, mạnh dạn nhận các đơn hàng lớn, tăng hiệu quả kinh tế khi không còn phải phụ thuộc vào thời tiết như trước kia”.
Ðược hỗ trợ thiết bị sấy bánh phồng tôm sử dụng năng lượng mặt trời từ đề án khuyến công, cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kim Tiền chủ động hơn trong sản xuất. |
Hơn 4 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH Ðại Ðô Cà Mau (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) đã thành công trong việc sản xuất chuối sấy tại địa phương. Sản phẩm hoa quả sấy thì rất đa dạng, nhưng đối với những sản phẩm hoa quả có giá trị gia tăng cao để đáp ứng cho thị trường xuất khẩu thì hiếm, đã qua công ty làm được điều đó.
Ông Nguyễn Văn Khải cho biết: “Công ty TNHH Ðại Ðô đã tìm được nguồn giống và thuê đất trồng được 20 ha mít có năng suất cao thử nghiệm trồng tại vùng đất Trần Văn Thời. Kết quả đem lại rất khả quan, cho thấy triển vọng để tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho địa phương về hoa quả sấy, cụ thể là mít sấy phục vụ thị trường. Xét thấy công ty đủ điều kiện tham gia đề án khuyến công với Trung tâm Khuyến công trong việc triển khai mô hình trình diễn kỹ thuật về sản xuất mít sấy, Trung tâm Khuyến công đã tiến hành các bước hỗ trợ”.
Theo đó, tháng 6 vừa qua, Ðề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mít sấy” được triển khai tại Công ty TNHH Ðại Ðô Cà Mau với tổng kinh phí thực hiện 1,54 tỷ đồng đã được nghiệm thu, đánh giá hiệu quả ban đầu của mô hình. Trong đó, nguồn quỹ khuyến công của tỉnh hỗ trợ gần 500 triệu đồng, số còn lại do công ty đối ứng. Từ nguồn kinh phí này, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất mới gồm 2 máy chiên chân không và máy li tâm tách dầu, với công suất 100 kg nguyên liệu/mẻ/30 phút.
Ðề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mít sấy” tại Công ty TNHH Ðại Ðô Cà Mau, trong đó nguồn quỹ khuyến công tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng. |
Với dây chuyền sản xuất mít sấy sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, khi hoàn thiện và đi vào sản xuất sẽ giúp công ty tiết kiệm được chi phí sản xuất, làm tăng giá trị sản phẩm, đặc biệt là tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.
Giám đốc Công ty TNHH Ðại Ðô Cà Mau Cao Thanh Bình chia sẻ, dây chuyền sản xuất mới vừa được đề án khuyến công tỉnh hỗ trợ có công suất gấp 3 lần so với dây chuyền sản xuất trước đây. Nếu dây chuyền trước, mỗi mẻ sản xuất được 10 kg mít sấy thì dây chuyền này cho ra 30 kg sản phẩm, tiết kiệm công nhân 3 lần. Trước mắt, công ty xây dựng đầu tư vùng nguyên liệu (14 ha trồng mít) tạo tiền đề để nông dân phát huy theo, từ đó mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế tại địa phương.
Từ thành công của đề án sản xuất mít sấy sẽ tạo ra hiệu ứng lan toả, kích thích ngành nông nghiệp chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Tận dụng đất đai, thổ nhưỡng phù hợp để trồng mít tại địa phương, tạo công ăn việc làm, tạo sự chuyển dịch mới đối với kinh tế nông nghiệp, đa cây, đa con và chuỗi sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Ðã qua, từ sự quan tâm của tỉnh và địa phương trong việc hỗ trợ nguồn lực triển khai các đề án khuyến công các cấp đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ - thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài những nội dung hỗ trợ theo quy định đối với từng dự án, thời gian tới, ngành công thương tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt tập huấn triển khai các quyết định của Trung ương, của tỉnh và chính sách khuyến công của Ðảng, Nhà nước đến các địa phương cơ sở để áp dụng, tạo động lực cho phát triển công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới”, ông Nguyễn Văn Khải cho biết thêm./.
Phúc Duy