(CMO) “Anh em làm việc trong điều kiện khó khăn và gian khổ lắm, hiện nay lúc nào cũng phải có 2-3 người neo ngoài biển”, là câu đầu tiên mà Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng Huỳnh Văn Xê thốt lên trước khi chia sẻ những câu chuyện về công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây.
Bắt đầu từ cửa Bồ Đề, sau hơn 2 giờ đồng hồ, chiếc vỏ mới đưa tôi tới được Kênh Năm (giáp với rừng phòng hộ Nhưng Miên). Đây là tuyến rừng ven biển thuộc quyền quản lý của Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Kiến Vàng. Khu vực này thuộc rừng phòng hộ rất xung yếu ven biển dài gần 40 km, qua địa bàn 2 xã, 1 thị trấn.
Ông Xê chia sẻ: “Đơn vị quản lý diện tích rừng phòng hộ tương đối lớn, trên 6.860 ha. Trong khi đó, biên chế của đơn vị hiện còn thiếu đến 9 người, đây là một trong những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng".
Qua tìm hiểu được biết, biên chế được giao cho BQL rừng Kiến Vàng 47 người, nhưng hiện tại đơn vị chỉ có 38 viên chức. Từ đó, dù đã sắp xếp, bố trí theo địa bàn nhân lực hiện có, ghép các tiểu khu để đảm bảo hoạt động nhưng chỉ tạm thời, không đủ lực lượng đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Thiếu lực lượng nên tình trạng các đối tượng khai thác rừng trái phép chống đối, tấn công lại lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị là câu chuyện xảy ra thường xuyên.
Đưa cho tôi xem thước phim được các anh em quay lại vụ việc chống đối mới diễn ra cách đây hơn 15 ngày, ông Xê kể, đó là chuyến tuần tra đêm, đến khoảng 2 giờ sáng, khi phát hiện có 2 đối tượng xâm nhập vào rừng từ phía biển, anh em trong tổ tiếp cận. Tuy nhiên, khi mới tiếp cận, các đối tượng đã chống đối quyết liệt và dùng những lời lẽ thô tục chửi bới. Khi trời mới tờ mờ sáng, 2 đối tượng này điện “viện trợ” từ trong bờ ra 2 vỏ máy với 5 người. Họ rất hung hăng dùng cây, dầm… chống trả khi anh em tiếp cận. “Tình trạng chống đối diễn ra thường xuyên do lực lượng hiện nay quá mỏng, lại thiếu công cụ hỗ trợ. Nếu như trước đây anh em được hỗ trợ súng, đạn cao su và roi điện thì hiện nay chỉ được dùng dùi cui”, ông Xê cho biết.
Hoạt động đăng giống đáy sông là áp lực không nhỏ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. |
Thiếu lực lượng, thiếu công cụ hỗ trợ nên thời gian gần đây các đối tượng khai thác rừng trái phép chống đối, tấn công lại lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên xảy ra, không chỉ tại BQL rừng phòng hộ Kiến Vàng mà còn nhiều nơi khác. Mới đây, lực lượng bảo vệ rừng của BQL rừng Nhưng Miên (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển) cũng đối diện với thực trạng này. Cụ thể, vào ngày 31/3/2019, 3 đồng chí thuộc BQL rừng phòng hộ Nhưng Miên trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng, phát hiện 6 xuồng máy với khoảng 15 người đang khai thác rừng trái phép. Khi biết bị phát hiện, có 2 xuồng chở 8 người đã áp sát, không cho lực lượng bảo vệ rừng di chuyển. Họ dùng búa, mái chèo giơ lên hăm doạ, chửi bới, nhục mạ, chống đối người thi hành công vụ.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay có một số nhóm chuyên khai thác rừng trái phép thường trú khu vực ấp Chợ Thủ, xã Tam Giang Tây sử dụng phương tiện vỏ máy công suất lớn, số người đông, thường hoạt động về đêm. Lợi dụng lúc sóng gió to, phương tiện của lực lượng tiểu khu không thể ra biển được, họ tiến hành khai thác rừng trái phép. Các nhóm này rất liều lĩnh, sẵn sàng chống đối, tấn công lại lực lượng bảo vệ rừng.
Ông Xê cho biết thêm, đơn vị thường xuyên tăng cường tuần tra ngày đêm, cài đặt người, kể cả mật phục vào ban đêm để phát hiện, vây bắt. Tuy nhiên, dù đã phát hiện rượt đuổi họ nhiều lần vào ban đêm trên biển, nhưng do họ đông người, lại quyết liệt chống trả và sẵn sàng tấn công lại lực lượng làm nhiệm vụ nên chưa bắt được phương tiện của nhóm phá rừng này.
Ngoài ra, phương tiện làm nhiệm vụ của đơn vị có công suất nhỏ nên không đuổi theo kịp. Đơn vị cũng đã phối hợp với lực lượng biên phòng Tam Giang Tây, UBND xã Tam Giang Tây nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu với nhóm đối tượng này.
Kể từ tháng 2-4, khu vực rừng phòng hộ của BQL rừng Kiến Vàng đã xảy ra 3 vụ phá rừng với 309 cây bị chặt. |
Thiếu biên chế nhưng việc tuyển dụng hiện nay vô cùng khó khăn. Còn nhớ vào cuối năm 2018, BQL rừng phòng hộ Kiến Vàng được tăng cường 2 biên chế từ việc thi tuyển. Tuy nhiên, chỉ mới về nhận nhiệm vụ được hơn 2 tháng, khi chứng kiến cảnh chống đối của đối tượng khai thác rừng, điều kiện làm việc bất kể ngày đêm mà lương, phụ cấp lại thấp… nên 2 người này đã nộp đơn xin nghỉ. “Tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng phải thật sự tâm huyết, có tình yêu với rừng mới có thể gắn bó lâu dài được”, ông Xê bộc bạch.
Ngoài ra, trên lâm phần BQL rừng Kiến Vàng hiện nay có nhiều khu dân cư, nhiều khu tái định cư của Dự án CWPD bố trí trước đây nằm đan xen trong rừng phòng hộ xung yếu. Dân cư phần đông là hộ nghèo, việc làm không ổn định, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng và nguồn lợi ven biển. Đây cũng là một khó khăn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ rất xung yếu ven biển.
Bởi khi vào mùa khai thác con giống (cua, cá kèo), nhu cầu sử dụng cây gỗ của bà con trên địa bàn rất nhiều. Từ đó, một số hộ lén vào rừng khai thác trái phép cây gỗ để làm cọc đáy. Chỉ mới dạo một vòng trên tuyến biển khu vực cửa Vàm Lũng đã có 5 hàng đáy cạn với khoảng hơn 200 cây đòn tay, kèo để làm cọc đáy. Ngoài ra, còn có khoảng 20 miệng đăng cá kèo giống; 20 căn chòi tạm được sửa chữa làm nơi ở để khai thác con giống, cất trên đất giao theo Nghị định 43, trên khu tái định cư của dự án CWPD. Đây là áp lực không nhỏ đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển.
Với những khó khăn trên, để công tác quản lý đạt hiệu quả cao hơn, ông Xê cho rằng, cần phải bổ sung thêm nhân sự và có cơ chế đặc thù để níu chân anh em. Trang bị thêm cho đơn vị tàu, máy có công suất lớn để đảm bảo tuần tra ven biển trong trường hợp có gió và sóng cũng như công cụ hỗ trợ. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ đơn vị trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, có giải pháp giáo dục, răn đe, ngăn chặn nhóm đối tượng ở ấp Chợ Thủ.
Mặc dù có sự nỗ lực phấn đấu, không ngại khó khăn, gian khổ nhưng tình trạng phá rừng vẫn còn diễn ra và có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Kể từ tháng 2, tháng 3 và tháng 4/2019, tại Tiểu khu 123, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu, thuộc BQL rừng phòng hộ Kiến Vàng đã xảy ra 3 vụ phá rừng với tổng số cây đước bị chặt là 309 cây.
Ông Xê cho biết thêm, hiện BQL đang phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hiển, Công an huyện Ngọc Hiển điều tra, xác minh tìm đối tượng chặt phá. Đồng thời, tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình để phối hợp với cơ quan có liên quan kiên quyết ngăn chặn, xử lý kịp thời nếu vụ việc có phát sinh, không để xảy ra điểm nóng về phá rừng./.
Nguyễn Phú