ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 04:34:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện làm giàu của vợ chồng Sáu Đảm 

Báo Cà Mau (CMO) Hễ mỗi lần trong xóm có đám tiệc hay nấu chè, mọi người đều chạy xuồng máy ra chợ hơn chục cây số mua bún và đường, trong khi dân xóm lại trồng lúa và mía. Gạo để làm bún và mía để làm đường bao la, vậy là vợ chồng Sáu Đảm bàn nhau mở lò bún và lò đường ở kinh Cầu Nhum. Để rồi sau đó, dân kinh Cầu Nhum và kinh Bùng Binh ăn bún và đường chảy của vợ chồng Sáu Đảm cho không mệt xỉu. Nhắc lại chuyện này, dù đã qua lâu rồi, nhiều người ở kinh Cầu Nhum và kinh Bùng Binh vẫn ôm bụng cười ngất.

Sáu Đảm tên thật là Trần Văn Đảm, sinh năm 1956, người dân của Ấp 4, xã Tân Thành, chứ không phải dân kinh Cầu Nhum, kinh Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP. Cà Mau. Cho đến bây giờ, mấy người có tuổi ở kinh Cầu Nhum và kinh Bùng Binh vẫn nhớ, vợ chồng Sáu Đảm và mấy đứa con nhỏ dọn đến kinh Cầu Nhum ở vào khoảng đầu thập niên 80. Lúc đó, xóm kinh Cầu Nhum, kinh Bùng Binh còn buồn lắm. Xa xa mới có một cái nhà, lại là nhà lá không cửa, hiếm hoi lắm mới có một cái nhà tường lợp ngói cũng không cửa và tài sản lớn nhất là những cây rơm vàng hực bên bờ kinh.

Mấy ông già, bà già còn nhớ, từ xóm đến chợ thị xã chỉ hơn chục cây số mà cứ như xa xôi lắm vậy. Xóm lưa thưa nhà nên không có quán xá gì hết, mỗi lần muốn xài cái gì, dân xóm tụ tập lại, rủ nhau đi chợ thị xã và hùn tiền vô đổ xăng chạy xuồng máy cho đỡ tốn kém. Vợ chồng Sáu Đảm đến kinh Cầu Nhum chỉ với đôi bàn tay không, cục đất chọi chim cũng không có. Bên bà nội của Sáu Đảm ở Hoà Thành thấy vậy giao cho vợ chồng ông 16 công đất ở kinh Cầu Nhum để mần ruộng.

Những năm đó, dân kinh Cầu Nhum, kinh Bùng Binh chỉ mần lúa mùa và trúng lắm, năng suất bình quân 25-30 giạ/công, nhà nào cũng có cây rơm bự chảng trên sân. Vợ chồng Sáu Đảm mần ruộng cũng mát tay, một năm được ba, bốn trăm giạ lúa. Cùng với trồng lúa, vợ chồng ông còn làm rẫy giỏi, có mùa trồng được 5, 6 công mía hoặc bắp và làm đìa cá đồng, kinh tế vườn cũng sung lắm.

Có điều, cũng giống như dân kinh Cầu Nhum, kinh Bùng Binh trong những năm đó nhà nào cũng có  bồ lúa ví 4, 5 trăm giạ trong nhà, nhưng coi lại nhà nào cũng không giàu, không nghèo, bình bình như nhau. Lúc đó, nếu tính năng suất lúa bình quân đầu người, dân xóm dư lúa dữ lắm, nhưng khốn nỗi, mọi thứ sinh hoạt, rồi đám tiệc ở trong quê, tất cả đều từ mấy công vườn, mấy đìa cá và bồ lúa ví trong nhà nên nhà nào cũng không có dư y chang như nhau. Vợ chồng Sáu Đảm cũng không ngoại lệ, quần quật cả năm, lúa, cá, bắp, mía cũng bộn tiền, nhưng rồi cũng chẳng dư được đồng nào.

Vốn dân nửa chợ nửa quê ở bên Tân Thành, có chút "máu" mua bán, sau mùa lúa, thời gian nhàn rỗi nhiều, lao động ở xóm không có chuyện làm, vậy là vợ chồng Sáu Đảm mướn hơn chục thanh niên ở xóm mở lò bún và lò đường chảy. Vợ chồng tính, có cái lò bún và lò đường, dân kinh Cầu Nhum, kinh Bùng Binh đâu có cần phải chạy xuồng máy ra chợ mua bún và đường. Nghĩ là vậy nhưng đâu có đơn giản vậy. Cái lò bún và lò đường của vợ chồng Sáu Đảm heo hút bên bờ kinh Cầu Nhum đâu có ai biết.

Suốt mấy tháng liền làm lò bún và đường, vợ chồng Sáu Đảm không bán được đồng nào. Cũng có nghĩa là không có tiền trả công cho dân thợ ở xóm, đành trả công bằng bún và đường! Nhưng nhờ dân thợ mang bún và đường về nhà ăn và chia cho dân trong xóm ăn tiếp, dân kinh Cầu Nhum, kinh Bùng Binh mới biết ở trong xóm có cái lò bún và đường của vợ chồng Sáu Đảm chất lượng ngon hơn cả bún và đường chảy ở chợ.

Ông Sáu Đảm giới thiệu với Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Thành Lê Văn Tài diện tích hầm nuôi tôm công nghiệp của mình.

Vợ chồng Sáu Đảm làm lò bún và lò đường 3 năm, mua thêm được 10 công đất, nâng tổng số lên 26 công. Khi trong xóm phát triển nhiều quán xá, công việc làm lò bún và đường không còn có ăn, vợ chồng Sáu Đảm nghỉ làm. Năm 1990, thấy dân ở xứ mình bên Tân Thành nuôi cá bống tượng được quá, vợ chồng Sáu Đảm là người đầu tiên mang cá bống tượng về nuôi ở kinh Cầu Nhum và trúng lớn. Năm đầu, chỉ nuôi có 2 ao cá bống tượng, diện tích 1 công đất. Qua năm sau, nuôi thêm 10 ao, diện tích gần chục công đất. Dân kinh Cầu Nhum, kinh Bùng Binh cũng có nhiều người học theo vợ chồng Sáu Đảm nuôi cá bống tượng. Năm 1995-1999, dân kinh Cầu Nhum, kinh Bùng Binh còn có bước tiến hơn là làm lúa 2 vụ, năng suất tăng lên gần gấp đôi.

Trong những năm đó, vợ chồng Sáu Đảm đều trúng lúa và cá bống tượng, mua thêm 20 công đất, nâng tổng số lên 46 công.  

Năm 2000, xã Hoà Thành được phép chuyển dịch sang nuôi tôm. Trong 5 năm đầu chuyển dịch, vợ chồng Sáu Đảm và dân Hoà Thành nuôi tôm tự nhiên, tôm quảng canh đều trúng thấy ham, nếu so lại với cái thời làm lúa, nhà nào cũng có thu nhập khá.

Năm 2005, thấy bên Định Bình nuôi tôm công nghiệp trúng, vợ chồng Sáu Đảm chuyển hướng từ nuôi tôm tự nhiên, tôm quảng canh qua nuôi công nghiệp, trở thành người đầu tiên nuôi tôm công nghiệp ở kinh Cầu Nhum, kinh Bùng Binh và có thu nhập khủng. Liên tục từ năm 2005-2009, vợ chồng Sáu Đảm đều trúng tôm công nghiệp, thu hoạch bình quân mấy chục tấn tôm một năm, lợi nhuận không dưới vài tỷ đồng, mua thêm 30 công đất, nâng tổng số lên 76 công.

Trong thời gian nuôi tôm công nghiệp trúng đậm, vợ chồng Sáu Đảm còn mua 4 xe ủi, xe cuốc để làm đất nuôi tôm công nghiệp cho gia đình và bà con ở xã. 4 xe ủi, xe cuốc mang về thêm một khoản thu nhập không nhỏ. Từ một gia đình không có cục đất chọi chim, có cái lò bún và lò đường khiến dân xóm ăn bún và đường gần chết, giờ vợ chồng Sáu Đảm có một cơ nghiệp không tưởng ở xã Hoà Thành.

Mấy năm gần đây, dân kinh Cầu Nhum, kinh Bùng Binh còn thấy vợ chồng Sáu Đảm ủi bỏ hết hầm nuôi tôm công nghiệp, quay lại nuôi tôm quảng canh. Hỏi ra mới biết, cũng giống như nhiều bà con nuôi tôm công nghiệp ở xã, từ năm 2010 trở đi, tôm nuôi công nghiệp thất bại, có người bị lỗ muốn bán đất, vợ chồng Sáu Đảm cũng trong tình cảnh chung như vậy. Có điều, trong cái khó chung đó, có người chuyển qua nuôi tôm công nghệ cao và thành công, riêng vợ chồng Sáu Đảm lại chọn hướng đi khác. Từ năm 2013 đến nay, với 4 xe ủi, xe cuốc có sẵn, vợ chồng Sáu Đảm ủi bỏ hết hầm nuôi tôm công nghiệp, quay lại nuôi tôm quảng canh và trồng 1 vụ lúa.

Lúc đầu, mọi người cũng không thấy có gì lạ, rồi qua vài vụ lúa trên đất nuôi tôm, vợ chồng Sáu Đảm lại quay lại làm hầm nuôi tôm công nghiệp và có thu nhập khủng. Sau vụ nuôi tôm công nghiệp, vợ chồng Sáu Đảm lại ủi bỏ hầm nuôi tôm, quay lại với nuôi tôm quảng canh và trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm. Mọi người nói với nhau, hai vợ chồng này rảnh quá, nhưng khi tìm hiểu kỹ, đây là cách tái tạo môi trường nuôi tôm công nghiệp bền vững, mọi người mới giật mình. Không lâu sau đó, cách làm 1 vụ lúa - 1 vụ tôm và nuôi tôm công nghiệp của vợ chồng Sáu Đảm được nhiều người dân trong xã quan tâm học theo. Có người hỏi, sao vợ chồng ông không nuôi tôm công nghệ cao, sao vợ chồng ông nghĩ ra cách nuôi tôm công nghiệp bằng trồng lúa như vậy? Vợ chồng Sáu Đảm cười, có làm nổi nữa đâu mà nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm quảng canh và trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm khoẻ re, không lo nghĩ gì nhiều.

Vợ chồng Sáu Đảm nói thiệt bụng nhưng vẫn không giấu được tính khiêm tốn của mình, bởi nhiều người biết, tháng 10/2017, người nông dân chân chất này vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.

                                                                                                                                                                                               Ái Như                                                                                                                                                                                  

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.