ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 16:46:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện ở bến cảng giữa rừng

Báo Cà Mau (CMO) Lẽ ra tôi phải đặt tựa là “Chuyện của ông Sáu Quạng và ông Hai Tây” cho phải đạo, vì hai ông đã ngoài chín mươi và đã về nơi yên nghỉ cuối cùng hết rồi, nhưng muốn viết cho hóm hỉnh như tâm hồn lạc quan của hai ông lúc sinh thời. Dù vậy, xin hãy coi đây là nén nhang thắp lên từ lòng tôi và con cháu của những người đã xả thân mình đi giữ nước.

Minh hoạ:  KHỞI HUỲNH

Năm 1962, ngay sau khi nhận sự chỉ đạo của trên, đồng chí Chung Thành Châu (tức Sáu Toàn, nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau) làm Chính uỷ, đồng chí Nguyễn Văn Phán (Tư Ðức), Ðoàn trưởng, cùng ông Bông Văn Dĩa (năm 1967 được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân), ông Nguyễn Văn Ðạo (tức Bảy Ðường) và nhiều vị tiền bối nữa chỉ trong vài tháng vận động đồng bào ngư dân ở các cửa biển, cửa sông thuận đánh thuỷ sản mưu sinh về ở các dòng kinh, con rạch nhỏ và chỉ đi lại làm ăn trong vùng quy định. Vì lợi ích cách mạng mà người dân răm rắp thực hiện không hề hỏi lại một câu. Không chỉ vậy, con em của những người dân chài di cư ấy đã xung phong tham gia Ðoàn 962 và trở thành cán bộ, chiến sĩ kiên cường.

Ðồng bào và bộ đội nhường cho nhau từng giọt nước, chén cơm lúc kẻ thù phong toả sông Cửa Lớn - con sông là vạch nối liền đồng lúa, rẫy khoai và nước ngọt cho rừng, biển Năm Căn. Hàng chục lượt phi đội máy bay ném bom chiến lược B52 và pháo hạm bầy của Mỹ trút hàng vạn tấn bom pháo xuống cánh rừng này mà không hề rơi trúng kho tàng, không hề làm hư hại một viên đạn, một khẩu súng từ hậu phương lớn miền Bắc gửi vào trong tình thương “máu chảy ruột mềm” - “nhiễu điều phủ lấy giá gương”! Hàng trăm tấn hoá chất độc hại Mỹ mấy năm ròng "tưới" xuống rừng, xoá trọc hàng vạn mẫu rừng đước vốn nguyên sinh đại ngàn mà kẻ thù không hề tìm thấy một bóng dáng kho tàng vũ khí của quân giải phóng. Kể cả chiếc tàu mang mật số 69 vận chuyển vũ khí trọng tải 70 tấn từ Bắc vào, sau khi bốc dỡ vũ khí quay ra đụng tàu giặc đánh cho chúng một trận tơi bời, rồi vào ở lại cánh rừng này mà chúng không tìm ra... Ðó đã là chiến công hiển hách, sự kỳ diệu của chiến tranh Nhân dân. Chân lý sáng ngời của tình quân dân mà ở đó là sự hoà quyện ý chí yêu nước của người dân theo Ðảng và đạo đức của người lính Cụ Hồ. Trong đó có sự đóng góp đầy nghĩa nhân của những người như Sáu Quạng - Hai Tây.

Hai Tây - Sáu Quạng có mặt rất sớm ở Ðoàn 962 - bến chính ở Nam Bộ của đường Hồ Chí Minh trên biển. Bạn bè kháng chiến và đồng đội đều phán hai ông là cặp bài trùng bởi nhiều nghĩa: không quản ngại khó khăn, gian khổ; yêu thương đồng đội; được cô bác, đồng bào rất mực yêu mến, nhưng ấn tượng nhất là sự hóm hỉnh và tâm hồn lạc quan yêu đời dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm.

Sáu Quạng - Hai Tây ở khác bộ phận công tác với nhau: Sáu Quạng cùng với đồng đội của ông đêm ngày miệt mài xây cất kho tàng, bố trí lực lượng tiếp nhận, vận chuyển, cất giữ, bảo vệ vũ khí do Ðoàn 125 Hải quân Nhân dân Việt Nam từ Ðồ Sơn - Hải Phòng vượt hàng ngàn hải lý trong bão táp phong ba, qua mắt những phương tiện tối tân của không lực và hải quân Hoa Kỳ và bọn giang thuyền gần bờ của nguỵ quyền Sài Gòn đêm ngày tuần tra soi mói, bủa vây vận chuyển vào. Còn Hai Tây phụ trách việc bảo mật.

Kho tàng cất giữ vũ khí của đơn vị chi chít trong rừng đước đại ngàn của duyên hải Cà Mau trải dài từ Nam cửa Bồ Ðề (cửa phía Ðông của sông Cửa Lớn chạy vắt ngang mình Tổ quốc trên đất Cà Mau) đến Mũi Cà Mau qua hai xã Tân Ân và Viên An (nay là các xã: Tam Giang Tây, Tân Ân, Viên An Ðông, Viên An, Ðất Mũi và thị trấn Rạch Gốc). Kho tàng cánh Sáu Quạng (thay vì gọi đơn vị, hồi đó bộ đội và đồng bào quanh vùng gọi là cánh) chiếm lĩnh vị trí rộng lớn, đi xuồng ba lá bơi chèo mấy ngày khó giáp. Vì thế, việc bảo mật luôn được đặt lên hàng đầu và đó cũng là nhiệm vụ của cánh Hai Tây.

Hai Tây không hề một lần ra chiến trường cầm súng chiến đấu. Ngày này tháng nọ hầu như Hai Tây rong ruổi hết rạch này xẻo kia, hễ ở đâu có đồng bào, ở đó có Hai Tây. Hai Tây thường đến thăm gia đình nghèo khó nhất, động viên bà con, nói về chiến thắng của quân dân ta trên khắp các chiến trường, báo tin sức khoẻ và sự tiến bộ của con em họ. Xóm giềng có chuyện xích mích, có mặt Hai Tây là yên. Trong xóm có ai thiếu gạo hoặc đau yếu, Hai Tây về báo chỉ huy rồi đích thân chở gạo hoặc đưa y tá, cứu thương ra tận nhà dân...

Hồi đó ở Ðoàn 962 có hai ông cán bộ làm công tác bảo vệ gần dân như máu mủ ruột rà là ông Hai Tây và ông Tư Thắng (còn gọi ông Tư Cà Vung, vì bộ đội đựng đồ trong ba lô, tài liệu trong sát-cốt, còn ông già này tất thảy đều cho vào cà vung. Cà vung như một chiếc giỏ được chằm từ lá dừa nước dùng đựng lúa hay cá, tôm). Chính ông già Tư Thắng và ông Hai Tây truyền nhiều kinh nghiệm cho cánh Sáu Quạng bảo vệ kho tàng rất quý giá.

Một hôm chiến sĩ tuần tra về hớt hải báo cáo Sáu Quạng: "Chết rồi anh Sáu ơi! Bữa nay có dấu chân lạ vô tới kho số... trong rạch... bắt cua". Sáu Quạng cũng quá bất ngờ bởi không có tiền lệ, chưa bao giờ dân xứ này bén mảng đến gần nơi quy định không được vào.

Sáu Quạng tức tốc nắm hoạt động các chốt kho: Ngày hôm đó không có chú lính nào đi bắt cua hết. Sáu Quạng lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên, tức tốc đi tìm hai ông bạn già phụ trách bảo vệ bí mật căn cứ. Sau khi nghe Sáu Quạng cho biết sự tình, hai ông già nghe qua tỉnh bơ. "Tưởng gì, chuyện này dễ ợt. Ông đi với tui. Nói trước, đi thì ông chèo à nghe" - Hai Tây nói như ra lịnh.

Ðang nóng lòng không biết ai đã vào vùng kho vũ khí mình bắt cua, nếu gián điệp thì giờ này nó kịp báo giặc chưa... Sáu Quạng lòng ngổn ngang:

- "Ðú hoả! (vì sao Sáu Quạng mỗi câu mỗi chửi thề, hồi sau phân giải). Chuyện bằng trời mà còn ở đó giỡn. Nó càn vô tới là nó hốt ông với ông Tư Thắng vì hai ông ở ngoài vàm. Ði. Chèo thì chèo! - Sáu Quạng như kẻ luỵ đò.

- Về khuya, đói bụng, ghé nhà má Bảy thế nào cũng có cháo gà Út Lợi nấu cho coi - giọng Hai Tây hí hửng.

Sáu Quạng, Hai Tây một xuồng, già Tư Thắng một xuồng, đi hai ngả. Hai Tây phán:

- Cứ ra vựa mua bán cua.

Các chủ vựa cua làm nghề buôn bán, mua cua ra giao cho vựa ngoài Cà Mau rồi mua gạo, hàng thiết yếu đem về vùng căn cứ. Người ta nói họ là thương buôn nhưng thực ra họ hậu cần Nhân dân. Con em họ lớn lên là vô bộ đội của đơn vị.

Tới nơi, hai người bước lên nhà, đèn toạ đăng sáng bừng. Chủ nhà niềm nở mời trà B'lao thơm lừng. Sáu Quạng mơ hồ nghĩ ra ý đồ Hai Tây nhưng cũng bán tín, bán nghi đối thủ của mình vì ông này cũng lắm kế nhiều mưu. Hai Tây thì tỉnh rụi. Hớp mấy ngụm trà nóng, Hai Tây nhìn qua mấy chục cần xé (giỏ) cua xếp hàng chuẩn bị xuống ghe chở ra Cà Mau, rồi nhìn qua chủ nhà: "Bữa nay mua khá hông anh Ba? Mà cua gì nhiều dị". Màu cua và loại đực, cái, kích cỡ quyết định giá cả. Hỏi vậy là rành nghề buôn cua và chia sẻ cảm thông việc làm ăn của chủ nhà. Ông chủ nhà xởi lởi: "Khá hơn nước rồi, anh Hai”.

Hai Tây tiếp: "Vậy có lý ha. Mà dạo này anh thu vô cua càng sen nhiều hôn? Thằng đó đen đúa vậy, được cái thịt nhiều mà thơm nên có giá thì phải rồi. Lâu quá không ăn cũng thèm". Chủ nhà nghe khách quý nói, liền sốt sắng: "Vậy chèn ơi, may quá, bữa nay thằng Hoà, con anh Tư trong kinh Giao Ðu bán cho gần cả hai chục ký đặng, lâu lắm mới có cua càng sen đó hai ông. Ðể tui biểu sắp nhỏ bắt mớ bỏ cà vung mấy ông đem về đơn vị ăn lấy thảo".

Nghe tới đó Hai Tây nhổm người cái rột, xua tay lia lịa: "Ý chết, anh Ba đừng làm vậy. Anh chị mua gom từng con cua chèo cả trăm cây số bán kiếm lời nuôi cả nhà rồi còn ủng hộ bộ đội đủ thứ, chưa kể cua chết hao nhót dọc đường...". Hai Tây vừa nói vừa đứng phắc dậy, nháy Sáu Quạng xuống xuồng, sợ chủ nhà nài nỉ thêm khó xử.

- Ủa dìa liền sao hai ông? - Chủ nhà nói vói theo - Trời, còn nồi canh chua cá dứa mẹ con nó nấu quýnh quáng nãy giờ thì làm sao?

- Thì cả nhà cùng xử cho tròn trịa! - Hai Tây tiếp lời và bông đùa xởi lởi.

Nhưng sợ chủ nhà giận, ông nói to:

- Ngon quá vậy ta. Mà kẹt rồi anh Ba ơi. Hồi chiều đi ngoài kinh Út Thứ gặp con Út, con bà má Bảy, nó nói má nhắn mấy anh ra biểu. Tui hỏi có gấp dữ hông dị Út, nó nói giọng trả treo thấy ghét: “Má nhắn thì ra hỏi bả, sao hỏi tui, chuyện người lớn sao tui biết”. Mà thôi, tụi này đi nghen, kẻo không ghé kịp nhà má Bảy, rồi ngược nước chèo nữa.

Xuồng đã lùi xa bến mà chủ nhà còn phán theo vừa như trách móc mà gần gũi thân thương:

- Phải rồi, về ngoải riết đi cho kịp ăn cháo gà của con Út Lợi, nó còn nóng hổi đó - Tiếng cười giòn vui cả khúc sông làng rừng.

Trở lại tiếp chuyện Sáu Quạng - Hai Tây. Xuống xuồng, Hai Tây thủ bộ ngồi, vì hồi đi Sáu Quạng hứa chèo, rồi nói giọng như ra lịnh: "Ði vô nhà thằng Hoà trong kinh Giao Ðu". Tới đây thì Sáu Quạng biết chuyện "hai năm rõ mười" rồi. Y như rằng, xuồng vừa ghé cầu thang, thằng Hoà lục tục chạy xuống buộc dây xuồng, miệng lắp bắp: "Dạ, con thưa chú. Dạ, con mời hai chú lên nhà uống trà. Dạ...".

Khách chưa kịp ngồi thì Hoà khúm núm chắp tay trước bụng giọng run run: "Dạ con lỡ dại lần này, hứa sau không dám đi trỏng đâu. Trời ơi, thấy chỗ đó con run muốn chết, trống ngực đánh thùm thụp, sụt lui một hồi rồi chạy một mạch về nhà kêu thằng Út đi bán cua. Còn biểu nó phải dìa sớm, sợ người ta hỏi bắt cua càng sen ở đâu mà nhiều vậy. Dạ...".

Vợ thằng Hoà thì không biết gì, nghĩ chắc chồng có lỗi nên vừa rót trà mời khách vừa phân bua tiếp chồng: "Hai chú ơi, hổng biết sao trưa nay đi bắt cua về tắm rửa rồi ổng lên vạt trùm mền, bỏ cơm, rồi kế hai chú tới đó. Hai chú ơi, nói hai chú thương, thiệt mấy bữa nhà con mua gạo chịu tiệm vựa cua chú Ba, chờ bán cua trừ nợ. Chú thím tốt bụng, chưa bao giờ nhắc nợ, có khi còn cho mắm muối... nên ảnh ráng đi xa móc cua trừ tiền gạo, còn dư mua gạo dành cho tháng sau con sanh...".

Hai Tây - Sáu Quạng ngậm ngùi nghe sống mũi cay xè. Sợ ngồi lâu không kiềm được niềm thương cảm, Sáu Quạng bèn lên tiếng, như không biết gì chuyện nãy giờ: "Có gì mà hai đứa ấp a ấp úng vậy. Hai chú đi công tác tiện đường ghé thăm tụi bây rồi chờ nước lớn mới qua khúc kinh tắc được. Giờ nước lên rồi, mấy chú đi nghen. Ờ quên, thằng anh bây ở trong đơn vị lúc này mập ù, bắt kỳ đà, gài chồn mướp số dách, chớ bắt mấy con cua càng sen nhằm nhè gì mà khoe". Hoà nghe vậy, biết mấy chú tha thứ, mừng rơn trong bụng mà gượng cười mếu máo vừa mở dây xuồng tiễn hai chú.

Hai ông bạn già trên chiếc xuồng con ba lá men theo dòng sông nhỏ dưới hai bên tán rừng đước xanh um tùm giao cành che mát rượi. Hai Tây nói bâng quơ: "Ê, Sáu Quạng, đúng là kinh giao đu thiệt há" nhưng trong bụng thì hí hửng là cho ông bạn già bài học để đời về kinh nghiệm bảo vệ căn cứ. Sướng nhứt là gần cả ngày ngồi không, nhìn trời mây, hút thuốc rê điếu này tới điếu khác có “đệ tử” đưa từng mái chèo êm ru, có thể hình dung để chén nước đầy không sánh ra.

Bây giờ Sáu Quạng nghe nhẹ cả người: Chuyện lộ bí mật về kho tàng chừng mực này được an toàn mà êm ru. Nhưng ông cứ ấm ức, tức bản thân vì trong vùng chỉ có khu vực kho mình là rừng đước cổ thụ và có nhiều cua càng sen, vậy mà nghĩ không ra để Hai Tây cho bài học, lại chèo cho y ngồi chơi hút thuốc suốt cả ngày đường. Không lẽ lựa chỗ nước xoáy nhận chìm xuồng thử coi ai lội giỏi hơn.

Hai ông theo đuổi ý nghĩ riêng của mình, chợt thấy đã tới nhà má Bảy. Hai ông dạ thưa má rối rít. Sáu Quạng lên tiếng trước: “Thưa má, nhắn tụi con có việc chi mà con Út bí mật không nói?”. Má Bảy mắng yêu: “Mồ tổ cha tụi bây! Sao hổng ở trỏng luôn đi, ra cái xóm khỉ ho cò gáy này chi. Bí mật gì hả? Út dọn cháo gà cho hai anh mầy ăn”.

Má Bảy ngồi nhai trầu nhìn hai thằng con kháng chiến ăn ngon lành. Út tựa đầu võng mà hóng chuyện. Hai ông bạn thân vừa nhai thịt gà nhồm nhoàm vừa kể chuyện thắng lớn cho má nghe. "Trận Chà Là - Ván Ngựa - Ðầm Dơi hả má. Ngô Ðình Diệm và bè lũ nó phen này thua đậm lắm má ơi. Nó đem cả bầy máy bay đa-cò-ta chở hàng trăm lính dù kể cả quân tổng trù bị của phủ Tổng thống xuống cứu nguy cũng bị nướng gần sạch. Số sống sót chạy tuột quần, mất giầy. Máy bay đủ thứ nào còng cọc, sâu rọm, cả nhái (tên các loại máy bay ném bom và máy bay vận tải lên thẳng) bị Nhân dân ta nhạo báng đặt thành loài vật”. Hai ông bộ đội ngứa miệng muốn khoe rằng, súng máy cao xạ này của phe xã hội chủ nghĩa viện trợ, miền Bắc gởi tàu vượt biển chở vào, tụi con cất giữ trong kho của rừng mình đây rồi bí mật huấn luyện cả tiểu đoàn để mở màn cho trận Chà Là, Ván Ngựa, Ðầm Dơi bắn máy bay Mỹ rụng như sung, làm phá sản chiến thuật Trực thăng vận, Phượng hoàng bay của bè lũ chúng. Rồi trận Ấp Bắc ở Mỹ Tho, Bình Giả ở Bà Rịa, xe tăng nó cháy như chuột cống nhum bị đốt đồng vậy…

“Má còn nhớ không, sau đình chiến bè lũ Diệm - Nhu đâu thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ tìm giết chóc, tù đày người kháng chiến cũ. Trên các dòng sông xứ mình tàu sắt lộng hành. Tụi con lấy súng tự chế ra bắn, tụi nó đứng trên boong tàu lấy tay làm loa miệng sủa lên bờ: “Mấy ông Việt cộng ơi, xin thưa đây là tàu sắt chớ không phải tàu cây. Mấy ông đừng bắn mà tróc nước sơn về tụi em mắc công sơn lại”. Nghe mà tức ứa gan. Mà thiệt súng mình tự chế bắn cũng nghe nổ cái rầm mà đầu đạn rớt cái chủm dưới sông có tới tàu nó đâu. Bây giờ mà hống hách kiểu đó, tụi con cho tụi nó đi chầu hà bá ráo trọi cho coi. Mới đây nè má, bộ đội Ðặc công thuỷ Rừng Sát mình đánh chìm chiếc tàu hậu cần khổng lồ mười ngàn tấn của Mỹ chở vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, cả máy bay viện trợ cho bè lũ tay sai”. Hứng chí, hai ông còn muốn khoe đó là nhờ có số thuỷ lôi sừng chạm của Liên Xô viện trợ.

“Rồi má biết không trái thuỷ lôi nặng cả tấn, quân ngũ nào mà khiêng cho nổi. Vậy mà tụi con có cách đó má. Tụi con nhận chìm chiếc ghe, lăn trái thuỷ lôi vô rồi tát nước dễ ợt, chở qua mắt hàng trăm đồn bót đem đến tận Sài Gòn đánh tàu hạm Hoa Kỳ. Ngộ là tàu nó chìm trước mũi thở của nó mà nó không biết đối phương dùng loại vũ khí gì, do đâu mà có...”. Mấy chuyện này nằm sẵn trong bụng hai ông nhưng đâu dám nói ra cho bất cứ ai nghe.

Má Bảy thì nhổ cổ trầu, móm mém cười. Út Lợi nghe chuyện hai ông anh vừa nói vừa kể mà quên đập muỗi, có lúc như quên thở. Sáu Quạng - Hai Tây cứ nhâm nhi với bình ton rượu Hào Say mang theo. Hai ông định từ giã má và Út nhưng nhìn xuống sông thấy nước ròng sát kiệt khô đáy, đành ngủ lại chờ hửng sáng nước lớn mới tất tả về đơn vị.

 Ðây mới đoạn khúc mức gây cấn của hai ông bạn già thân thiết trong rừng đước, vắng nhau thì không chịu nổi mà gặp là có chuyện lôi thôi xôn xao cả Bến tiếp nhận vũ khí trên đất Cà Mau.

****

Sáu Quạng - Hai Tây ở chung đơn vị lớn nhưng khác bộ phận công tác. Người phụ trách giữ kho, người coi việc bảo vệ an ninh vòng ngoài nhưng cùng chung trọng trách và khắn khít trong niềm mến thương đồng chí. Sáu Quạng thường ra chỗ Hai Tây hơn. Trong sát-cồ của Sáu Quạng lúc nào cũng sẵn bi-đông rượu đế do xóm đồng hương Hào Say - Trần Hợi của ông cất bằng thứ men mang từ Bến Tre vào. Lần nào gặp nhau chưa buộc xong dây xuồng đã nghe Sáu Quạng nổ chuyện "'thời sự". Như bữa nay: "Anh Hai, hồi trưa cánh Ba Cụt vô trận kỳ đà quá ể. Thằng cha cụt một tay, không có chó săn, toàn theo dấu mà bắt kỳ đà năm thằng đệ theo quảy còng lưng. Ôi mà thằng cha láo ăn thiệt, thịt rừng nhiều vậy mà mình đi ngang không hề mời lơi một tiếng”.

 Hai Tây vừa nướng tôm lụi, khô cá kèo - loại thức nhắm lúc nào cũng chừa sẵn cho Sáu Quạng mỗi lần qua đây, vừa cười thầm trong bụng: “Sáu Quạng khéo nổ, chắc hai, ba con là cùng. Mà làm gì Ba Cụt không mời, bởi Ba Cụt bắt kỳ đà hồi nào tới giờ có thì mời khách, còn vào sòng thì chỉ nút ốc len kèn dừa, thổi lỗ mũi không buông”. Thiệt, không nói trời không phải Sáu Quạng và nói vậy để gây sốt dẻo thôi. “Nhưng không sao, anh Hai - Sáu Quạng tiếp - nhứt rượu Hào Say, nhì cá khoai Rạch Gốc ha, ha...". Vô vài chung, Sáu Quạng đang ngon trớn, chợt Hai Tây hỏi nột: "Ê, tao hỏi thiệt, thằng Sáu mầy biết nhậu hồi hỉ mũi chưa sạch hay sao mà giờ tửu lượng nặng đô vậy?”.

 Sẵn ly rượu trong tay, Sáu Quạng ngửa cổ làm cái trót khô đáy, úp cái ly lên bàn tay vỗ bộp bộp, ý nói Hai Tây đừng kê tán như mọi lần, rồi khà một cái, cầm luôn khô kèo nướng chấm vào chén mắm me mà chưa ăn, tiếp: "Chắc đâu hồi mười hai mười ba chớ gì. Xứ tui là xứ dừa, cau cũng nhiều vô kể. Vườn cau địa chủ hàng trăm cây, sức đâu mỗi cây mỗi leo. Tui chỉ leo cây đầu bứt hết cau đúng lứa rồi đu mình qua cây khác, hết hàng cau đó mới tuột xuống trèo tiếp hàng khác. Còn dừa thì đạp hết quày tuột xuống đất bằng cái đầu đi trước. Xứ đó tui có biệt danh "sóc dừa". Kêu nghe cũng ngộ nhưng sướng gì anh Hai. Leo dừa ngày này qua tháng khác xệ dái chớ chơi. Không có đất ruộng, không leo dừa mướn lấy đâu lúa gạo ăn. Lũ leo dừa tụi tui cũng không vừa, thỉnh thoảng cũng ăn cắp rượu địa chủ lên đọt dừa nhâm nhi với sọ dừa, sần sần mỗi đứa lấy dây chuối khô buộc mình vô đọt dừa ngủ cho khỏi té, chạng vạng tỉnh, tuột xuống đất ai về nhà nấy. Nói anh không tin hả? Xứ tui mấy ông cán bộ Việt Minh ban ngày toàn ở ngọn dừa, có khi họp chi bộ cũng trên ngọn dừa. Tụi tui canh đường mà không biết sao được. Anh hỏi đi bộ đội hả? Leo dừa hoài xệ dái có khi còn bị chủ bỏ đói, dóc roi mây tét da đít do bẻ không đủ thiên nó biểu. Bộ đội ông Cống về gần, trốn nhà dong theo. Sau gặp bộ đội Tiểu đoàn 307 lừng danh, súng to đạn nhiều, mê quá lại trốn dong theo đánh trận Mộc Hoá, Tháp Mười, đánh xuống Xẻo Rô, Rạch Giá... Giờ đánh chén với anh ở đây. Kha kha... Còn anh đi Vệ quốc đoàn mà sao làm các món nướng siêu vậy. Nướng thịt rừng ngon đã đành mà nướng khô cá kèo, tôm lụi cũng ngon hơn người ta?".

 Hai Tây gật gù bỗng nhổm người dậy, sáng mắt: "Tao ở đợ chăn trâu bầy, vịt muôn. Tụi tao đào lỗ giữa đồng, ngàn con vịt đi qua rớt xuống vài con ai hay. Chờ bọn lùa vịt qua, lôi lên nắn đất sét, nhổ gốc rạ tủ lên, châm lửa. No nê đã đời. Ê Sáu, phải hồi đó có mầy, tụi mình mổ trâu hỏng chừng. Ha...ha... Sao đi Vệ quốc đoàn hả? Mầy xệ dái còn tao thì chai háng đi hàng hai như người có bộ chân vòng kiềng. Ðã vậy còn bị tính công ăn gian... Bộ đội ông Phan Trọng Tuệ về, tao ham súng quá theo luôn. Mới đầu mấy ổng hỏi, hổng sợ quánh nhau làn tên mũi đạn sao. Tao nói: “Không. Quân đông, có súng mới đánh hết Tây. Hổng lẽ tui sải trâu cho trâu lấy sừng chém nó. Mấy ổng nói, thằng nói nghe hăng... Mà mấy ổng điều nghiên biết tao có mấy miếng võ biền, gan dạ, hay giúp người neo đơn yếu thế bèn nhận tao vô đội bảo vệ ông Khu bộ phó - ông Phan Trọng Tuệ, phát cho tao cây súng Mi-ti-géc gỉ đó. Tối đó tao ôm cây súng ngủ như ôm chị hai mầy hồi mới cưới. Còn hỏi tao hay chữ Tây sao có tên Hai Tây? Khỉ khô, tao chữ chưa đầy lá mít. Tại tao bự con, mũi cao nên kêu Hai Tây, riết thành danh quên tên cúng cơm tao luôn. Vậy cũng tiện. Cứ kêu Hai Tây, tao ới, là xong...”.

Chuyện hai ông có khác gì "Quê hương anh nước mặn đồng chua. Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá...".

Hai ông thân nhau như Bá Nha - Tử Kỳ, đến đỗi mấy ngày không gặp nhau là bứt rứt khó chịu. Hai Tây cất căn nhà lá nhỏ ở riêng, uống trà một mình, nếu có người thứ hai thì đó là Sáu Quạng. Ở cứ bên kia Sáu Quạng cũng vậy. Nhưng hễ gặp nhau cũng hay "gài bẫy, bắt giò". Chắc là để giải toả niềm lạc quan yêu đời mà quên bao gian khổ nhọc nhằn, say sưa kháng chiến.

Hai Tây ở xứ ông Ba Phi vua nói dóc miệt U Minh nên nói dóc tỉnh rụi. Có lần Hai Tây qua cánh Sáu Quạng nhằm bữa Sáu Quạng đi vắng. Hai Tây đi rảo một vòng cứ rồi hỏi lính Sáu Quạng: “Có gì ăn cơm chưa bây?".

Mấy đứa nhỏ thiệt thà thưa: "Dạ, thưa anh Hai, tụi em tuần tra suốt đêm mới dìa, chưa thăm câu, thăm lưới kịp. Mà đi cũng khó do nước đang ròng. Nhưng không lo. Anh Hai ở ăn cơm dí tụi em. Tụi em quăng mấy chài cả rổ tôm đất, trụng nước sôi đỏ au, ngọt thấu trời". Hai Tây nghe vậy, cười vang: "Ðúng là lính Sáu Quạng thấy cứt dê mà hô thuốc tể. Bởi vậy đói trên đống cao lương mỹ vị. Ăn tôm đất xứ Rạch Gốc riết mà không thấy hôi vôi sao?”. Vừa nói ông vừa chỉ tay xuống vũng nước có cả mớ dời nước lưng xanh bụng trắng dài bằng chiếc đũa đang ngo ngoe thấy là phát rùng mình chớ đừng nói ăn: "Ðó là con thuỷ hà sâm. Hồi trào trước ai bắt được phải cống nạp bề trên để họ sấy khô xuất cảng. Bây giờ có mà không biết hưởng của ngon. Ðúng là công tử miệt vườn. Mới xuống rừng đước hả? Lấy rổ xúc lên dạo sạch hấp hành. Món này mà lên Sài Gòn lỡ kêu bồi mang ra lớ quớ sạch túi không tiền mua vé xe đò về quê. Tụi bây ăn đã một bữa đi. Tao ăn hoài riết cũng nghe hôi sâm Cao Ly thấy mồ. Thôi tao phải đi nghen. Có hẹn cha Ba Cụt, sợ trễ nước ngược chèo”. Rồi Hai Tây quày quả xuống xuồng chèo nhanh, không ngoái đầu.

… Hồi sau Sáu Quạng về tới, thấy cả rổ dời nước ngo ngoe, rùng mình, lắc đầu: "Bộ thằng cha Hai Tây ở đây mới đi hả tụi bây? Tao mà về không kịp, tụi bây ăn hết mớ dời nước này chắc bị Tào Tháo rượt sáng đêm...”. Mấy ngày sau, Sáu Quạng đến Hai Tây tỉnh bơ uống trà, nói tào lao làm như không hay biết gì vụ bày vẽ lính mình ăn dời nước. Sáu Quạng nổi tiếng rắn mắt, nói hay móc lò người khác, chọc phá tứ tung nên còn có tên Sáu Móc, phản ứng nhanh nên còn có tên Sáu Pê-ni-xê-lin. Vậy mà bị Hai Tây chơi hỏng giò. Thế nên trong bụng Sáu Quạng nung nấu “đòn trả đũa”, mà phải đợi thời gian lắng dịu, Hai Tây mất cảnh giác.

***

Sáu Quạng đi công tác một mình trên chiếc xuồng con sức chở không quá hai người, lại khéo bơi chèo. Xuồng Sáu Quạng đi êm như lá đước khô trôi trên mặt sông. Mấy hôm nước rong thuỷ triều dâng cao, Sáu Quạng bơi xuồng tuần tra mênh mang trong rừng không cần luồng lạch, nước trên rừng như đồng bằng mùa nước nổi. Mọi hôm Sáu Quạng đến chỗ Hai Tây bằng đường sông, ghé trước cầu thang nhà Hai Tây. Bữa nay sao bất thình lình bơi xuồng luồn đầu trong rừng rồi chui luôn xuống dưới sàn nhà Hai Tây, thậm chí dưới ghế Hai Tây ngồi, nói vói lên: "Ê, già Hai, bữa nay có trà B'lao hiệu con khỉ hôn?". Hai Tây ngớ người: "Trời, bữa nay chơi màn độn thổ chạng vạng nữa ta?".

Chợt thấy trong xuồng Sáu Quạng cả chục trái dừa khô bèn hỏi tiếp: “Bộ mới đi trên miệt Tân Quảng, Ðòn Dông về sao dừa khô lủ khủ vậy ta”. Sáu Quạng làm thinh hớp trà ngon lành, hồi lâu nhìn Hai Tây: "Tân với Quảng gì anh. Mấy bữa rày mắc mớ gì tụi da-cô-ta mọi lần tuần biển giờ bay vô sâu trong rừng đảo đi đảo lại vùng kho  mình. Tụi tui thay phiên nhau suốt đêm tuần tra đỏ mắt. Ðú hoả, hỏng biết nó nghi gì hay thả gì không... Còn dừa khô hả? Tui còn chưng hửng huống gì anh. Anh có nghe biết vùng rừng cốc Nhưn Miên, Biện Nhạn có chỗ kêu bằng Cạnh Ðền, có mộ bà Xeo con vua Gia Long không. Hồi giờ tui cũng có biết đâu, đợt này luồn sâu tuần kỹ mới diện kiến tá hoả. Có đền thiệt đó anh Hai, đồ kiểu bể nát đi không khéo đứt chưn tới xương như chơi. Còn mấy gò cao thì dừa, toàn dừa lão, từng leo dừa xệ dái như tui còn hỏng dám trèo nữa là, ngước nhìn trợt ót. Ðược cái dừa khô rụng đầy. Mà uổng thiệt, thúi muốn hết chắc do nước mặn, tui lựa lắc kỹ được bi nhiêu đó. Hỏi để anh Hai hai cặp mai kèn ốc len húp trơn cổ họng chơi. Còn bao nhiêu, chút ghé má Bảy giao hết cho con Út Lợi chia bà con hầm bí rợ...".

 Rồi Sáu Quạng quăng bốn trái dừa khô lên sàn nhà. “Tui dìa à anh hai ơi. Ði hừng đông hôm qua tới giờ sợ nhà anh em trông, nói tụi bị bà Xeo giấu. Người ta đồn vô đó mà lấy đồ kiểu là bị bà Xeo giấu khỏi về”.

Sáu Quạng biết Hai Tây thế nào cũng mò tới không phải vì kiếm dừa khô mà vì tò mò muốn biết đền vua "dã chiến" ở Viên An ra sao khi bị quân Tây Sơn rượt ra gần biển Ðông. Rồi Sáu Quạng ung dung so mái chèo xuôi dòng êm ru, bụng khoái chí thấy chắc mẻm "cá cắn câu". Sáu Quạng về cho người dò la tin tức, biết Hai Tây có cơm nắm nước mưa theo hướng mình chỉ. Ði cả ngày mới về, mặt tỉnh bơ. Ai hỏi nói đi tuần tra. Sáu Quạng đắc chí nhưng trong bụng cũng lo, sao ổng im re vậy. Hay ổng giận mình bầm gan tím ruột, báo hại thề nghỉ chơi tới chết, thì nguy.

Nóng lòng không kiềm nổi, Sáu Quạng chèo xuồng qua Hai Tây. Hai Tây mừng ra mặt lăng xăng châm trà nhưng thấy có nét buồn tư lự. Sáu Quạng chột dạ lo âu nhưng cũng không quên móc lò vì thắng cuộc: "Bữa vô trỏng có vớt được nhiều dừa không anh Hai?". Hai Tây cũng đâu vừa, xua tay: “Ối, tươi khô rụng đầy, trên ngọn không còn một trái. Dừa rụng cũng không còn ruột. Khỉ bầy ở đâu ra móc ráo trọi".

 Sáu Quạng làm như sửng sốt: “Ờ há. Mà hổng biết sao dạo này khỉ bên rừng bần kéo về vùng kho mình nhiều vô phương kể. Có bầy cả trăm con, ráp nhau quậy phá mấy chục lu nước mưa để dành qua mùa hạn. Hôm rồi mấy nhỏ nấu đầy nồi cơm to chảng để đi tuần về ăn, bầy khỉ vô "liên hoan” sạch không còn một hột nhét kẻ răng. "Ðúng là Tề thiên náo loạn lâm hà”.

Hai Tây vỗ đùi tiếp lời vẻ nghiêm nghị: “Phải rồi chú Sáu ơi, B52 bữa ở bển, pháo hạm cũng mưa vào, rồi máy bay rải chất độc nữa. Bom pháo nó chưa thua chớ chất độc hôi quá, chắc nó tạm sơ tán một thời đó mà". Rồi Hai Tây chợt im, mắt nhìn sâu thẳm rừng già. Sáu Quạng chột dạ, rướn người qua phía Hai Tây: "Bộ anh giận gì tui hả, anh Hai". Hai Tây cũng không quay lại, giọng buồn xa xăm như mếu: “Giận chú, tui bầu bạn với…".

“Vậy chớ... - Sáu Quạng muốn đổi bầu không khí như căng thẳng đan xen giữa đùa và thật nên chuyển giọng, hỏi - Ờ mà sao lâu quá không nghe anh nhắc chuyện nhà, chị Hai với mấy cháu... Hổng ấy kỳ đi rút tân binh tới xin thủ trưởng đi với tui một chuyến. Kỳ này đi huyện Mười Tế (tên bí danh huyện Trần Văn Thời bấy giờ) anh làm thổ địa về xứ Nhà Máy, Ðá Bạc, miệt Cơi. Có anh sẽ chọn được nhiều lính chiến sau này cho đơn vị...".

 Bỗng Hai Tây quay phắt lại, mắt trợn tròn như phẫn nộ làm Sáu Quạng hoảng hồn. Hai Tây tiếp lời: "Rút tân binh với chú thì tôi đi liền. Còn thăm con đàn bà phản bội đó, nửa bước cũng hông". Sáu Quạng bị bất ngờ, vồn vã: "Con đàn bà nào, hổng lẽ... chị Hai?". “Chớ còn ai trồng khoai đất này”, Hai Tây phán luôn câu xanh dờn vậy.

Sáu Quạng nóng bừng mặt, nắm tay Hai Tây giật mạnh: "Ðú hoả thằng nào, thằng nào? Anh nói tui biết, tui khử nó liền". Hai Tây giọng tức giận: “Hứ! Chú khử hả. Khử nổi không? Chú chưa kịp khử nó mổ bụng chú rồi. Nó đã mổ bụng bao nhiêu đồng bào, cán bộ mình rồi. Nó là thằng Hai Ðả, trưởng đồn Rạch Cui ác ôn khét tiếng đó". “Con khỉ - giọng Sáu Quạng bừng bừng - Tui về gom anh em du kích xã Khánh Bình lấy đồn, bắt chặt đầu nó cho anh coi. Hổng ấy một mình tui ám sát nó giữa chợ cho anh thấy. Ðồ Việt gian bán nước. Thứ lưu manh”.

 Hai Tây đắc kế, nói tới luôn: “Chú giỡn. Nó có nghề võ đó. Mà tui dạy chớ ai”. Nhưng anh cũng đừng quên tui đã từng làm trưởng đồn bên tụi nó" - Nói dứt lời, không từ giã Hai Tây, Sáu Quạng phóng xuống xuồng chèo một mạch.

***

Sáu Quạng có một thời là trưởng đồn nguỵ trong thời sau đình chiến 1954 thiệt. Bè lũ Diệm và tay sai bán nước trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, ra sức khủng bố người yêu nước, người kháng chiến cũ. Với Luật 10-59, Diệm cho lê máy chém khắp miền Nam chém bất cứ ai mà nó cho là Cộng sản, ai dám nói yêu nước, không treo hình "Ngô tổng thống” cũng cùng số phận. Sáu Quạng là Nguyễn Văn Tĩnh ở Tiểu đoàn 307 được lịnh về Chắc Băng - Thới Bình) rồi Rạch Lùn - Sông Ðốc chờ ngày tập kết ra Bắc. Nhưng đến trước ngày đi một hôm thì có lịnh ở lại miền Nam, với nhiệm vụ mới đầy ngặt nghèo: Ra đầu hàng giặc!

Sáu Quạng tự nhận là con địa chủ cũng đi theo kháng chiến nhưng sau biết Việt cộng bắt thủ tiêu cha anh mình, nên giờ phải ra "theo chánh nghĩa" trả thù. Với tông tích ngon lành nên được địch nạp quân liền. Ðược ta huấn luyện kỹ, Sáu Quạng nhập vai lưu manh, thù Cộng sản, sớm trở thành tay sai giặc đắc lực. Ngoài hăng hái tham gia càn quét Việt cộng, Sáu Quạng còn là tay ăn chơi lưu manh anh chị: Hút xách, rượu chè, gái gú... Uống la-ve không khui mà đập cổ chai ngửa cổ rót ồng ộc như trâu uống nước lung, mở miệng là chửi thề đ.m... Nhờ đó không bao lâu tên lưu manh Quách Văn Khẻo - Chỉn Khẻo (tên của Sáu Quạng lúc làm trưởng đồn) lên phó rồi trưởng đồn.

Từ ngày Khẻo làm trưởng đồn, tần suất càn quét tăng mạnh, dân có vẻ dè chừng. Tuy chưa bắt được Việt cộng nằm vùng nào nhưng cũng làm hài lòng bọn đầu sỏ (cho nên sau này khi Sáu Quạng về lại đàng mình, mở miệng là đ.m. Bị đơn vị phê bình hoài mới sửa là đú hoả. Sáu Quạng bộc bạch thiệt lòng: "Hồi đó tập chửi thề đ.m khó muốn chết, đi ỉa miệng cũng tập lầm thầm đ.m. Giờ sửa lại cũng khó như hồi đó tập”. Nghe vậy đồng đội cảm thương...).

Nhưng đâu phải một mình Sáu Quạng giả ra đầu hàng giặc mà còn có đồng đội đi cùng để bảo vệ nhau giữa bầy lang sói. Trong số ra đó có người không kìm nỗi hận thù nên sơ hở. Nhiều chi tiết sơ hở đó cùng với “kẻ mất khí tiết” khai báo, bọn phòng nhì rồi công an quân đội ngầm hốt gọn cánh Sáu Quạng. Trưởng đồn Khẻo giờ là tủ chính trị bị lập tức giải thẳng về Tổng nha ở Sài Gòn…

Còn Hai Tây cũng từng tham gia trường huấn luyện quân sự nhờ tài nghệ võ bị.

Thấy Hai Tây lâm vào cảnh này, Sáu Quạng lòng như lửa đốt, quyết trả thù cho Hai Tây: “Trong khi chồng đi kháng chiến giải phóng cho quê hương khỏi cảnh đầu rơi máu chảy mà bà này ngoại tình với giặc”...

***

Tôi may mắn vài lần được dự họp mặt truyền thống Ðoàn 962 - đơn vị mở đường, đón tàu, xây kho tàng cất giấu vũ khí bảo vệ không để di sơ dù chỉ một viên đạn từ miền Bắc yêu thương gửi vào, rồi phân tải đi khắp chiến trường miền Nam đánh Mỹ - nguỵ, góp phần to lớn cho đến ngày toàn thắng. Tôi bất chợt nghiệm ra cái diệu kỳ: Ðường Hồ Chí Minh trên bộ xẻ dọc Trường Sơn đưa bộ đội, vũ khí vào tới Mũi Cà Mau đánh Mỹ. Con đường Hồ Chí Minh trên biển vượt muôn trùng bão tố, phong ba từng giờ phút qua mắt kẻ thù với phương tiện chiến tranh tối tân trinh sát, soi mói theo dõi để rồi đưa hàng ngàn tấn vũ khí, kể cả cán bộ cao cấp chi viện cho miền Nam đến bờ biển các tỉnh miền Nam mà nhiều nhất là mũi Cà Mau. Rồi từ miền Tây Nam Bộ vốn quý được vận chuyển và bảo vệ ấy lại toả ngược lên Sài Gòn hợp sức cùng đường Hồ Chí Minh trên bộ làm nên khúc khải hoàn của dân tộc bằng chiến dịch cũng mang tên Hồ Chí Minh!

Còn điều thú vị là chuyện vĩ đại ấy lại được góp nhặt từ sự cống hiến cao cả của những con người bình dị mà hóm hỉnh, lạc quan lạ kỳ. Chuyện của họ mà được góp nhặt lại kể cho con cháu đời sau sao không là chuyện một ngàn đêm lẻ… Trong đó chuyện tôi hi hữu ghi lại được trong những buổi trò chuyện hiếm hoi mà các chú, các bác say sưa nhắc lại trong khi buổi họp mặt chính thức chưa bắt đầu. Mà người mở đầu dẫn chuyện không ai khác là Ðại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, hiện là Phó trưởng ban Liên lạc toàn quốc Ðường Hồ Chí Minh trên biển - người từng đoạt Giải thưởng cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến (giai đoạn 1930-1975) của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau lần thứ III (2012-2016) với Trường ca "Bến cảng lòng dân".

Quay lại chuyện Sáu Quạng - Hai Tây, ông Khưu Ngọc Bảy kể tiếp: "Mấy hôm sau, Sáu Quạng xin phép ban chỉ huy báo cáo tình hình tổng kho vũ khí và tuyển tân binh. Xong buổi họp, Sáu Quạng xin gặp riêng Chính uỷ Trung đoàn Chung Thành Châu (nguyên Bí thư Huyện uỷ Cái Nước, nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau). Chính ông là người tác hợp cho Sáu Quạng và Út Phận thành vợ nên chồng, rồi rút luôn về đơn vị này. Ông Bảy gút lại chuyện thay cho hồi kết để vào điều khiển cuộc họp chan hoà tình đồng chí kháng chiến: “Vô đầu buổi trò chuyện, Chánh uỷ Sáu Toàn khen, kèm theo lời phê bình nhẹ: "Mấy đợt rồi chú với anh em rút tân binh khá, phần chính trị tốt, trung thành, năng nổ, dũng cảm... Nhưng nghe chú chọn đồng hương Bến Tre hơi nhiều...”. Sáu Quạng nghe điểm đúng tim đen, bối rối đưa tay gãi đầu: “Dạ... có thiệt anh Sáu. Nhưng có điều thành phần tụi nó tốt lắm, hầu hết bần nông, ở đợ như em, con em cán bộ Ðồng khởi không hà, có nhiều đứa con cháu liệt sĩ ở ngoài, hồi bị khủng bố trắng Bến Tre mới điều lắng về đây. Mình không rút nó cũng theo Tiểu đoàn U Minh hay Ba lẻ sáu chủ lực miền. Nói anh Sáu thương, hơn mười bảy năm không một lần về quê, có tụi nó em thấy như được tiếp thêm sức mạnh". Sáu Toàn thổn thức cảm thương thằng em, người đồng chí qua tù đày chết đi sống lại mà vẫn trung thành với Ðảng, mà thiệt thà, lại rất mực yêu quê hương, nhưng rồi cũng lắc đầu: “Thiệt anh em đặt chú biệt danh Sáu Pê-ni-xê-lin quả không ngoa. Cái gì chú cũng phản ứng được". Kế thấy Sáu Quạng đưa tay gãi đầu, ông Sáu Toàn hỏi tiếp: “Còn việc gì nữa hả chủ Sáu?”. Sáu Quạng ấp úng: Việc này không phải của em... mà hoàn cảnh trớ trêu của anh Hai Tây”. “Hai Tây sao? Ông đó cừ khôi lắm đa, một thời theo bảo vệ Khu bộ phó Nam Bộ hồi chống Pháp” - Sáu Toàn nói một hơi. Sáu Quạng nói tiếp: "Không, em nói chuyện anh bị vợ bỏ đi theo thằng trưởng đồn gian ác". Sáu Toàn kêu: “Trời! Thằng trưởng đồn nào, tên gì?”. “Thằng trưởng đồn Ðả ở Rạch Cui” - Sáu Quạng đáp gọn hơ. Sáu Toàn rướn người vỗ đùi cái bốp: “Rồi chú bị gài bẫy nữa rồi. Ổng chính là Hai Ðả - Lê Văn Ðả ở Rạch Cui”. Sáu Quạng mặt sượng trân mà đỏ bừng. Thôi chết tui rồi, anh Sáu ơi... Sáu Quạng từ giã ông anh Chính uỷ mà lòng ấm ức Hai Tây, nói trong bụng: "Thằng cha chăn trâu này vậy mà đa mưu túc kế âm thầm trả thù mình vụ dừa khô đền vua Gia Long...”.

Ông Khưu Ngọc Bảy quay sang nói với khách mời là lũ nhóc chúng tôi câu thòng: "Ðâu bữa nào mấy đứa tìm thằng Nguyễn Bé, phóng viên Báo Cà Mau - con anh Sáu Quạng, thằng Chung Thanh Thuỷ, phóng viên Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau - con anh Sáu Toàn hỏi thăm coi tụi nó biết gì thêm”.

Không khó để chúng tôi tìm gặp Nguyễn Bé và Chung Thanh Thuỷ. Rủ đi lai rai là hai ông đồng ý ngay... Tụi tui tóm tắt chuyện Sáu Quạng - Hai Tây rồi hỏi hai ông có rành không. Bảy Thuỷ chành miệng cười: "Hồi đó tụi tui hỉ mũi chưa sạch mà biết gì nhiều, nhưng chuyện về chú Sáu, chú Hai thì có nghe nhiều chú kể rồi, có chuyện còn gây cấn hơn nữa là...”.

Hai Bé như tâm sự: "Mẹ tui hồi đó làm công tác cơ quan binh vận tỉnh Cà Mau. Hồi tôi mới chập chững bước, mẹ tôi đi công tác nhiều ngoài thành bồng tôi theo để tạo thế bình phong che mắt giặc, để dễ bề móc nối cơ sở đang hoạt động lòng địch. Lần đó, mẹ tôi xin phép lãnh đạo đưa tôi đi đến khám Chí Hoà thăm ba tôi. Mẹ tôi nắm tay tôi ở phòng chờ thăm tù. Thấy ba tôi bước ra, mẹ tôi nhấc bổng tôi lên nói trong nước mắt: "Con trai mình nè anh. Nó chưa có tên, anh đặt tên cho con đi”. Ba tôi lặng thinh hồi lâu mới kêu tôi: “Con!!! Cha đặt tên con là Quốc Cộng nghen. Thôi, kêu nó là Quốc Cộng nghen em”. Mẹ tôi ngậm ngùi gật đầu: “Dạ”... Chưa nói thêm mấy lời là tụi nó đuổi mẹ con tôi ra, rồi lôi sểnh cha tôi vô phòng điều tra. Thằng cảnh sát Chẩn đấm đá cha tôi túi bụi, rồi trói thúc ké cha tôi lên trần nhà, nói là cho đi máy bay, đã một hồi rồi hạ xuống cho uống nước xà bông, nói là cho đi tàu lặn. Vừa tra tấn vừa chửi: "Mầy là Quách Khẻo gì. Mầy là thằng Tỉnh con tá điền ở Bình Khánh Mỏ Cày, leo dừa mướn, canh cho Việt Minh họp. Mày đặt con mày tên Quốc Cộng ý muốn là quốc gia cộng sản chớ gì”. Nghe mấy người bạn tù ba tôi ra tù trước kể vậy, mẹ tôi sợ bọn điềm chỉ biết lại thêm lôi thôi nữa. Từ đó ai hỏi thằng nhỏ tên gì mẹ tui nói, dạ nó tên thằng Bé, cho êm. Vậy tôi là thằng Bé tới giờ luôn. Sau lần đó ba tôi bị đày ra Côn Ðảo, tôi gần sáu tuổi coi như mới biết cha và mở miệng kêu ông là ba. Còn chuyện cha tôi với bác Hai Tây tôi không rành. Nhưng có lần chú Bảy xuống Cà Mau biểu tôi với chú thăm bác Hai Tây. Bữa đó chú còn mời thêm dì Tư Phiến trước đây làm y sĩ Trạm xá Dân y huyện Duyên Hải, giờ là huyện Ngọc Hiển đó. Ðược rủ đi thăm bác Tây, dì Tư mừng húm: “Tưởng thăm ai chớ thăm anh Hai là tui phải đi liền hà. Hồi đó không có ảnh chắc chị em tui bị nhốt trong cứ không biết chừng nào ra do đi ban đêm buồn ngủ lạc đường. Nhờ ảnh biết, ảnh cho tui với con út ăn cơm, cho nước mưa đem theo đường rồi cho người dẫn ra sông cái chỉ đường về nhà. Ôi, ai chớ Sáu Quạng - Hai Tây ăn cơm nhà tôi mòn răng hồi nhà tui tản cư vô kinh Lão Nhược, Cái Chỏn nhỏ. Hai ông này vui vẻ dễ thương mà rắn mắt tổ cha”. Còn chú Bảy thì vò đầu tôi: “Bữa nay chú cho mầy gặp đối thủ ba mầy”.

Nghe người nhà báo có khách đơn vị cũ và bà con Tân Ân tới thăm, ông Hai đi xăm xăm ra cửa đón. Mắt ông nheo nheo, miệng lắp bắp: "Ai ghé qua mà không nhớ đích thị là ai. Mới chín mấy mà sao hay quên quá”. Tính pha trò đúng là của ông Hai Tây hồi nào!

Vừa đưa khách vào nhà, ông vừa nói với vô trong: “Ai thì ai, bắt gà làm nấu cháo tụi bây ơi...”. Ngồi xuống ghế, ông Khưu Ngọc Bảy nói: “Anh quên em rồi sao? Em là Bảy ở Ban tham mưu nè”. Ông Hai nhíu mày rồi nhướng mắt nhìn chú Bảy chầm chầm, miệng lắp bắp như học đánh dần: "Bảy tham mưu, Bảy tham mưu. Bảy tập kết về hồi năm sáu tư chớ gì. Bảy hay dẫn quân đi đón tàu miền Bắc vô chớ gì". Rồi miệng ông méo xệch, hai giọt nước ứa ra trong đôi mắt hõm sâu. Ðến lượt dì Tư Phiến tiếp lời: “Anh Hai còn nhớ Tư Phiến ở Lão Nhược làm ở Dân y huyện không?”. Hai Tây bóp trán hỏi như sợ nói lớn, ai đó nghe: “Tư Phiến chị út Biên cháu cô Năm Kiểm cũng y tế chớ gì - Rồi mếu máo - Không có cô Năm tui chết vì cơn suyễn hồi đó...". Nước mắt ông chảy ròng ròng xuống má. Thấy căng, xúc động quá, chú Bảy chen vào: “Còn đây là thằng con anh Sáu Quạng”. Ông Hai chợt ngẩn người chỉ thẳng mặt tôi: “Mầy là thằng Bé”. Mặt ông tươi mà giọng như muốn nấc: “Ba mầy từng cho tao leo dừa vua trồng. Ba mầy trời đánh....". Rồi phá lên cười, đưa tay run run ôm chặt tôi vào lòng hun tôi chùn chụt. Nước mắt ông nóng hổi má tôi. Tôi nghẹn ngào không nói nên lời.

Cơm nước gần xong, tôi tò mò hỏi ông một câu nghe như không phải lúc: “Bác Hai ơi, nhà trên chỉ có ảnh Bác Hồ, không thấy huân chương của bác?”. Tôi đang sợ bị mắng thì ông buông đũa nắm tay kéo tôi vào buồng riêng: “Ðó con, trong này hết thảy. Thiệt vậy, cơ man nào huân chương, bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận đề bạt công tác... - Rồi ông nói với tôi như thủ thỉ - Treo ảnh Bác Hồ ngoài đó cho con cháu ngày ngày tưởng nhớ, khói hương. Còn cái này treo trong này là để dặn lòng phải luôn trung thành với Ðảng, với dân chớ bác với ba mầy công trạng bao nhiêu mà khoe. Tao thì ở đợ chăn trâu lở háng. Ba mầy thì ở đợ leo dừa xệ dái. Chữ nghĩa không đầy lá mít, ham súng thì thoát ly...”. Nhưng bỗng ông sững người như dập gót, nắm chặt tay tôi: “Nói chớ đâu phải vậy con. Thù giặc Pháp, thù Mỹ Diệm, cùng bọn tay sai bán nước và địa chủ cường hào ác bá mới theo cách mạng góp sức mạnh mới đánh thắng nó, mới có hoà bình thống nhứt, có cơm no áo ấm như hôm nay. Ừ mà con làm báo phải nhớ thêm điều này: Ðịa chủ phải là địa chủ cường hào ác bá chớ không phải địa chủ chung chung nghen con. Nếu có công sức khai phá được nhiều đất ruộng đến nỗi phải mướn nhân công làm tiếp, trả công phải chăng rồi thành địa chủ thì xứ này thiếu gì. Như ông Ba Phi (nghệ nhân dân gian) nổi tiếng nói dóc, sớm hết lòng ủng hộ cách mạng, cách mạng về ông khai mình chia đất cho dân nghèo Lung Tràm đó..." - Rồi ông xuống giọng nghẹn ngào" - "Phải ba con còn sống...”.

Nắng chiều đổ bóng. Ông Hai đưa khách ra đầu ngõ:

- Về khoẻ hết nghen. Lâu lâu nhớ ghé thăm Hai Tây - Hai Ðả này nghen!

Theo ánh nắng xuyên qua tàu dừa, tôi thấy ông tay còn vịnh nhánh vú sữa miệng cười mà như mếu, đưa tay áo quệt quệt những dòng nước mắt”…

***

Vĩ thanh: Nếu có dịp đến Cà Mau, đi sâu vào những làng rừng, những bến cảng giữa lòng dân đã đi vào lịch sử dân tộc, bạn sẽ được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị như vậy. Những người hài hước, thông minh, mưu trí, quả cảm hết lòng vì nước, vì Ðảng như ông Sáu Quạng - Hai Tây còn rất nhiều ở xứ Nam Bộ này./.

Rạch Gốc, 10/10/2021

Truyện ký của Nguyễn Kiều Vân Khánh

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.