ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 11:32:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện ở những ấp “5 không”

Báo Cà Mau (CMO) LTS: 5 năm, hành trình không quá dài nhưng cũng đủ để nhìn nhận và khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng trong việc làm thay đổi diện mạo của những ấp, khóm; đặc biệt là khi nơi đây đã khoác lên mình chiếc áo mới. Ở nơi đó, vai trò của các tổ chức Ðảng luôn được khẳng định, với sự tiên phong của đảng viên. Trở lại những ấp “5 không” của 5 năm trước để cảm nhận sự chuyển mình của quê hương trong thời nông thôn mới (NTM).

Bài 1: Bộn bề ấp “5 không”

Không chấp nhận để cái khó bó sự phát triển, những ấp “5 không” với vai trò đầu tàu, tiên phong của đảng viên đã tập trung gỡ dần những vướng mắc, vươn lên khởi sắc.

Trăm cái khó

Còn nhớ cách đây 5 năm, khi chị Võ Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Tân, mới được điều động về làm Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Hải. Khi ấy, tôi có chuyến công tác, cùng chị xuống các ấp, viết về đề tài xã “5 không” thời điểm trước đó không lâu. Và nay cùng chị trở lại thăm cơ sở, để hiểu về khó khăn chung của các ấp, khi bắt tay vào xây dựng NTM.

Về ấp Công Nghiệp, xã Tân Hải, gần như 100% tuyến lộ trong ấp đã được bê-tông hoá. Ði dọc theo tuyến dân cư kiểu mẫu mới cảm hết sự thay đổi của vùng quê này. Trước đó, nơi đây cũng bộn bề khó khăn. Chị Hân nhớ lại: “Hơn 5 năm trước, khi nói về câu chuyện NTM, người dân chưa mặn mà lắm, bởi lẽ nó còn quá mới mẻ”.

Khi đó, kinh tế gia đình người dân còn chưa đạt kết quả như mong muốn thì thời gian đâu mà lo chuyện cảnh quan nông thôn, xây dựng môi trường sinh thái, hàng rào cây xanh… Chính vì thế, địa phương đã tập trung khuyến khích người dân tham gia các mô hình sản xuất bền vững: ươm dèo cua giống, nuôi dê, trồng hoa màu… Tuy nhiên, bước đầu vẫn chưa có kết quả như mong muốn. Có thêm nhiều nguồn quỹ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, địa phương tập trung đầu tư vào những mô hình, với mục đích làm điển hình để nhân rộng trong dân.

Ở những ấp “5 không” ngày nào, khó khăn lớn nhất là lộ. Việc đi lại của người dân, đặc biệt là các em học sinh gặp nhiều trắc trở.

Giai đoạn 2015-2017, ấp Công Nghiệp tập trung vào phương châm khó ở đâu thì xở ở đó. Năm 2016, toàn ấp có đến 9% hộ nghèo. Khi kinh tế người dân dần ổn định, chi bộ và các tổ chức đoàn thể ấp ngồi lại, tập trung bàn việc nâng cao diện mạo nông thôn với các tiêu chí về hàng rào cây xanh, hàng rào bê-tông, kè chống sạt lở. Thời điểm đó, đa phần lộ nông thôn tối đa 1,5 m.

Với phương châm mưa dầm thấm lâu, phải thông từ trên xuống thì việc triển khai về cơ sở mới thông được, các lớp tập huấn về NTM được triển khai. Ðến nay, sau khi ghép thêm 60 hộ của ấp Thanh Bình, hiện ấp Công Nghiệp có 453 hộ, với 1.901 khẩu, hộ nghèo chỉ còn 1,54%.

Không chỉ ấp Công Nghiệp, các địa phương khác cũng có những cái khó riêng. Như ấp Mỹ Hưng, xã Trần Thới, huyện Cái Nước: năm 2013 toàn ấp chỉ có 225 hộ nhưng có đến 1.097 khẩu. Với thâm niên 4 nhiệm kỳ làm trưởng ấp, anh Lê Tuấn Em nhớ lại: “Lúc đó không có lộ bê-tông, trụ sở sinh hoạt của ấp cũng không; lộ đất thấp, nước lên ngập, người dân phải lội bì bõm. Thương nhất là con đường đến trường của các em học sinh”.

Người dân ở Mỹ Hưng trước đây còn loay hoay, chưa có những mô hình kinh tế bền vững như nuôi tôm công nghiệp, trồng hoa màu, hay đa cây, con. Xác định vai trò đầu tàu, đảng viên ở ấp Mỹ Hưng đã đi trước để tạo niềm tin cho người dân thấy và làm theo.

Còn với ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, từng là ấp được ví như “túi nghèo” của vùng ven biển xứ Ðầm, khó càng khó khi ấp có diện tích lên đến hơn 3.500 ha. Ấp còn có nhiều “cái nhất”: nghèo nhất, đông dân nhất, cơ cấu dân số đa dạng nhất.

Về kinh tế, ấp Lưu Hoa Thanh nổi tiếng với nghề làm muối, trên diện tích khoảng 180 ha, năng suất đạt từ 70 tấn/ha. Dù được cho là vùng muối giàu tiềm năng, thế nhưng liên tiếp nhiều năm nay điệp khúc được mùa, mất giá cứ mãi đeo bám người dân Lưu Hoa Thanh. Ðây là những cái khó lớn, đặt ra bài toán khó cho địa phương.

Ðiểm chung của 5 năm trước là các mô hình kinh tế chưa có tính bền vững. (Ảnh: Mô hình làm muối của diêm dân ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi).

Làn gió mới từ xây dựng Ðảng

Anh Lê Tuấn Em làm Trưởng ấp Mỹ Hưng 4 nhiệm kỳ liên tục, tấm tắc khen: “Tôi cảm thấy tự hào vì Chi bộ ấp Mỹ Hưng có những cây cao bóng cả lãnh đạo công tác Ðảng và nêu gương trong sản xuất, có vậy dân mới tin và làm theo”.

41 năm là Bí thư Chi bộ ấp, ông Nguyễn Thanh Lùng là nhân tố tích cực, là tấm gương để anh Tuấn Em noi theo, công tác tốt, phát huy vai trò ở địa phương. Trở lại sau 5 năm, mô hình đa cây, con của ông Nguyễn Văn Lùng vẫn được giữ vững và thêm mô hình mới hiệu quả. Với phương châm không để đất trống, ông Lùng đã phủ xanh quanh nhà, bắt đất sinh lời, phục vụ kinh tế nông hộ.

Dọc theo hàng rào cây xanh thẳng tắp, cách đó không xa là cơ ngơi của đảng viên cao niên Nguyễn Văn Dân. Tích cực lao động sản xuất, kinh tế gia đình khá giả, ông Dân có thời gian tham gia công tác ở địa phương.

Chỉ tay về con lộ đúng chuẩn NTM dài 2.441 m và ngang 3 m vừa đưa vào sử dụng tháng 2/2021 vừa qua, Trưởng ấp Lê Tuấn Em tâm đắc: “Ðây là công trình của ý Ðảng, lòng dân; lộ mới, Nhân dân đi lại thuận tiện, kinh tế có điều kiện phát triển hơn trước, đặc biệt là con đường đến trường của các em học sinh dễ dàng hơn rất nhiều”.

Hiện nay, Mỹ Hưng đã xoá trắng hộ nghèo, chi bộ từ năm 2016-2019 đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, xuất sắc nhiều năm liền của Ðảng bộ xã Trần Thới. Ðây là thành tích không phải ấp nào trong tỉnh cũng đạt được.

Chi hội cựu chiến binh ấp có 27 hội viên, những hội viên khó khăn được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2018 đến nay, những hộ hội viên còn khó khăn đã được khoanh nợ, cho vay thêm nguồn vốn lớn hơn để đầu tư mô hình kinh tế bền vững: nuôi tôm công nghiệp, nuôi sò huyết… Ngoài ra, Mỹ Hưng còn có nhiều nguồn lực kinh tế khác để hỗ trợ hội viên đoàn thể các cấp, tiêu biểu là câu lạc bộ nuôi heo đất, quỹ phụ nữ với gần 130 triệu đồng, quỹ hùn vốn gần 140 triệu đồng, quỹ cựu chiến binh 38 triệu đồng, quỹ chi bộ 34 triệu đồng… Tất cả các nguồn quỹ này giải quyết cho đảng viên, hội viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, với lãi suất bằng với lãi suất Ngân hàng Chính sách xã hội.

Làn gió mang tên NTM mang lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn trong tỉnh; ở đó, vai trò của tổ chức Ðảng được khẳng định và vai trò nêu gương của đảng viên được phát huy tốt, để những ấp “5 không” thành “nhiều có”./.

 

Phú Hữu

BÀI 2: KHỞI SẮC ẤP “NHIỀU CÓ”

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.