(CMO) Tại buổi toạ đàm “Giải pháp kết nối, kích cầu thúc đẩy du lịch Cà Mau” tại Hội nghị Xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau năm 2021 vừa qua, ông Phan Ðình Huê với vai trò chuyên gia tư vấn phát triển du lịch, đặc biệt là khu vực ÐBSCL, đồng thời là Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt (TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao bước phát triển của du lịch Cà Mau.
Ông Phan Ðình Huê cho rằng, “thương hiệu” du lịch Cà Mau đã định hình rất rõ trên bản đồ du lịch Việt Nam với nét đặc trưng riêng biệt là Mũi Cà Mau - nơi mà bất cứ ai là người con đất Việt cũng muốn một lần chạm tay vào cột mốc toạ độ quốc gia GPS 0001.
Song, theo ông, vấn đề của du lịch Cà Mau hiện nay là hạ tầng giao thông yếu và sản phẩm du lịch chưa đa dạng, độc đáo, dẫn đến lượng khách đến chưa nhiều, chưa giữ chân khách.
Trở thành điểm đến đầy cảm xúc
Ðó là đề xuất của Phó giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ, Công ty Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Tạ Thị Tú Uyên dành cho du lịch Cà Mau.
Bà Tú Uyên cho rằng, Cà Mau “sở hữu” nhiều sản phẩm du lịch rất riêng biệt, chỉ cần khai thác hiệu quả, Cà Mau sẽ là điểm đến đầy cảm xúc trong lòng du khách.
Bởi lẽ, hiện nay nhu cầu khách du lịch rất cao. Nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19 này thì xu hướng của khách thiên về du lịch an toàn, trải nghiệm thiên nhiên, gần gũi với cuộc sống người dân bản địa. Chính vì vậy, Cà Mau cần tạo ra các cơ sở lưu trú mang tính riêng biệt, đảm bảo an toàn tối đa cho du khách, để họ được sống lại các giá trị văn hoá truyền thống, được trải nghiệm thực sự.
Trong trang phục áo bà ba Nam Bộ, du khách thích thú tạo dáng “check-in”. Ảnh: BĂNG THANH |
Theo bà, mỗi chuyến đi điều gì còn đọng lại trong tâm trí của du khách mới là điều quan trọng nhất. Vietravel bán sản phẩm du lịch thực chất là mang cả hành trình về cảm xúc cho mỗi chuyến đi và marketing hiệu quả nhất là những khách hàng. Khi họ chạm vào cảm xúc của một điểm đến nào đó thì họ chính là công cụ marketing hiệu quả nhất.
“Sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là một sản phẩm du lịch. Hãy đào tạo bài bản cho người dân ở đây. Du khách của chúng tôi muốn tiếp cận đời sống người dân, sự hiếu khách, nhiệt tình của họ như thế nào. Chính người dân địa phương sẽ mang đến thật nhiều cảm xúc cho chuyến hành trình thú vị”, bà Tạ Thị Tú Uyên nhấn mạnh.
Minh chứng về sức hút của du lịch Cà Mau, bà Tú Uyên cho biết, chống chọi với đại dịch Covid-19 năm 2020, Vietravel chỉ kinh doanh lữ hành được hơn 6 tháng, tuy vậy, tổng kết lượng khách đến với miền Tây so với cùng kỳ năm 2019 thì chiếm tỷ trọng cao nhất so với các tỉnh, thành khác trong cả nước (đạt trên 70% lượng khách so với năm 2019).
Trong đó, sản phẩm chủ lực về miền Tây là TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau. Tương tự khu vực tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc của Vietravel, cũng như các tỉnh miền Trung trong hệ thống thì sản phẩm Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau cũng là hành trình chủ lực.
Bà Tú Uyên khẳng định, Cà Mau là một trong những điểm nhấn chính trong hành trình, đặc biệt đối với du khách miền Bắc, miền Trung, kể cả TP Hồ Chí Minh đã đến Cà Mau thì nhất định phải chạm tay vào cột mốc toạ độ quốc gia ở Ðất Mũi.
Ðến Mũi Cà Mau, du khách tự hào khi được chạm tay vào cột mốc toạ độ quốc gia GPS 0001. Ảnh: LÊ TUẤN |
Cần hoàn thiện sản phẩm du lịch
Ðồng thuận với đề xuất của bà Tú Uyên, ông Phan Ðình Huê cho rằng, để trở thành điểm đến đầy cảm xúc, tỉnh cần hoàn thiện sản phẩm du lịch.
Qua nghiên cứu, khảo sát, ông nhận thấy, tuyến du lịch phổ biến nhất đi ÐBSCL là Cần Thơ đến Mũi Cà Mau, mà chủ yếu là khách du lịch miền Bắc. Ðây là đối tượng khách đi máy bay, cao cấp nên rất “chịu chi tiền”.
Theo đó, trong 5 tỉnh khách đi qua chỉ có 2 nơi “lấy được tiền” của khách là Cần Thơ và Mũi Cà Mau. Do đó, Cà Mau cần đẩy mạnh hơn về sản phẩm để các công ty đưa khách đến, khách lẻ cũng đến nhiều hơn.
“Cà Mau có nhiều hộ làm du lịch từ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, lưu trú, ăn uống… Tuy nhiên, chưa thể gọi là du lịch cộng đồng vì chưa có sự gắn kết, chưa có cơ cấu tổ chức, cộng hưởng với nhau. Cà Mau không nên đặt nặng phải làm du lịch cộng đồng, mà hãy quan tâm đến việc phát triển sản phẩm như thế nào để đón được đối tượng khách nào”, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt đưa ra lời khuyên.
Chẳng hạn như Vietravel là một công ty lớn, lượng khách đông, phải đi xe lớn mà tính chất du lịch cộng đồng phải là nhiều hộ gắn kết thành làng du lịch để có nhiều dịch vụ, từ lưu trú, ăn uống, tham quan với sức chứa từ 50-70 người, chứ không phải kiểu homestay. Rõ ràng, nếu Cà Mau phát triển homestay để nhắm đến những công ty du lịch lớn làm tour trọn gói thì không ổn, nhưng đối với khách lẻ thì rất tốt.
Nhiều trải nghiệm hấp dẫn như: đạp xe qua cầu ván, đu cáp treo, chạy qua cầu phao… thu hút hàng trăm lượt khách đến điểm du lịch Hương Tràm, huyện U Minh. Ảnh: BĂNG THANH |
Theo các chuyên gia tham gia toạ đàm, du khách đánh giá điểm đến có 2 tiêu chí quan trọng là: khả năng tiếp cận và thị trường.
Hiện nay, từ TP Hồ Chí Minh đi Cà Mau phải mất khoảng 6-7 giờ, Cần Thơ đi Ðất Mũi cũng phải hơn 5-6 giờ; tiếp nữa, đối với Cà Mau phương tiện tiếp cận bằng đường bộ, đường hàng không thì Sân bay Cà Mau quá nhỏ. Cho thấy, Cà Mau cần thu hút đầu tư hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, cần dự đoán tình hình phát triển du lịch cho 5-10 năm tới, từ đó có giải pháp để du lịch giữ khách được lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng tin tưởng rằng, Cà Mau sẽ có bước tiến vượt bậc trong phát triển du lịch, ngay khi hạ tầng giao thông hoàn thiện, đường hàng không được đầu tư khai thác tốt, tần suất bay nhiều hơn. Ông chia sẻ, đối với người Hà Nội, được đặt chân đến Cà Mau - mảnh đất cuối trời Nam Tổ quốc là điều vô cùng thiêng liêng. Cà Mau còn có tiềm năng lớn về du lịch, với nhiều trải nghiệm thú vị như: lấy mật ong rừng U Minh, lướt ca nô xuyên rừng, tự tay bắt và chế biến các loài thuỷ hải sản…
“Cà Mau thực sự là điểm đến đầy cảm xúc trong tôi!”, ông Trương Quốc Hùng bày tỏ.
Nhằm kết nối cột mốc Km 0 của Hà Nội và cột mốc toạ độ quốc gia GPS 0001 của Ðất Mũi, Phó giám đốc kinh doanh khu vực phía Nam Bamboo Airways Lê Thị Nga cho biết, dự kiến quý II/2021, Bamboo Airways sẽ khảo sát lại đường bay từ Cà Mau - Hà Nội, cũng như Cà Mau - TP Hồ Chí Minh. Hiện Bamboo Airways đã có đường bay từ Hà Nội - Cần Thơ (2 chuyến/ngày), do vậy, trong thời gian chờ khai thác chuyến bay thẳng từ Hà Nội - Cà Mau, các đơn vị lữ hành có thể đưa khách du lịch ở khu vực Nam Trung Bộ đến Cà Mau dễ dàng. Bamboo Airways mong rằng, điểm đến Cà Mau có thể kết hợp với các điểm đến khác như: Hà Nội - Phú Quốc - Cà Mau - Hà Nội hoặc Hà Nội - Côn Ðảo - Cà Mau - Hà Nội… nhằm giúp du khách có nhiều trải nghiệm hấp dẫn hơn. |
Băng Thanh