(CMO) Chớm mưa đầu mùa, cũng một buổi chiều tà, tôi ghé căn nhà ven Quốc lộ 1, thuộc địa phận xã Định Bình, TP Cà Mau. Chị con dâu út của cố Nghệ nhân Ưu tú Tăng Phát Vinh đón người quen trong tâm trạng rũ buồn. Tôi thắp nhang, di ảnh ông với nụ cười nồng ấm, gương mặt toát lên nét tinh anh. Vậy là nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương của Nam Bộ nói riêng, của đất nước nói chung đã mất đi một cây đại thụ. Nhớ mùa mưa 2 năm trước, tôi ghé thăm ông, ông xin số điện thoại rồi căn dặn: “Bữa nào có đám tiệc ở nhà, tổ chức đờn ca, bác Ba gọi bây lên cho vui”.
Nghệ nhân Ưu tú Tăng Phát Vinh, cây đại thụ của nghệ thuật đờn ca tài tử, lúc sinh thời. |
Gặp Bác Ba gái (năm nay đã 88 tuổi), bà tiều tuỵ nhiều. Bà nói như tiếc nuối một điều gì: “Ổng bệnh suốt năm nay, mấy tháng cuối trở nặng. Ổng ra đi mà đầu óc còn tỉnh táo lắm”. Mấy ngày cuối, ông không chịu cho gia đình chở đi bệnh viện nữa, ông nhất quyết: “Có chết cũng ở nhà mình”. Bác Ba gái rất hiểu chồng: “Bác Ba con không có điều gì tiếc nuối hết, có tiếc là chưa thực hiện được những dự định đối với học trò, với bộ môn đờn ca tài tử”. Anh con trai út của Bác Ba tiếp lời: “Sổ sách kỳ công mấy chục năm chép tay của tía cũng đã bàn giao lại cho học trò “ruột” hết. Ở nhà còn lại một ít bản thảo thôi. Tía 92 tuổi nhưng không quên một điều gì”. Vậy là ông đã chuẩn bị chu đáo cho một chuyến đi xa.
“Ông già gân” Ba Vinh lúc chúng tôi gặp đã 90 tuổi, đi lại lẹ làng, trí tuệ tinh anh và ngón đờn kìm rớt trong chiều muộn nghe hay đến tái tê. Khi đó, anh Nguyễn Văn Quynh (hiện là Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Cà Mau) có hỏi: “Bí quyết nào giúp bác Ba sống khoẻ, đờn hay?”. Ông còn trả lời một cách rất vui rằng: “Nhờ lấy được bác Ba gái của bây”.
Bác Ba gái khi ấy ngồi trên võng và nở nụ cười thật rạng rỡ. Theo lời bác Ba Vinh, người trên 80 tuổi tay đã run, cầm đờn còn khó, huống hồ gì để ngân nga, luyến láy bài bản. Ông kỳ công mấy chục năm vất vả để hiệu đính, sưu tầm các bài bản Tổ, các bài vọng cổ, từ đó có những tư liệu quý và hiểu biết vô cùng uyên bác về nghệ thuật đờn ca tài tử. Chẳng vậy mà trong quá trình làm hồ sơ công nhận nghệ thuật đờn ca tài tử trở thành di sản nhân loại, ông Ba đi suốt vì “đoàn người ta xuống rước”.
Bác Ba gái chỉ ra phía ngoài sau vườn, nơi tôi nhớ Nhạc sư Ba Vinh từng khoe: “Cất cái nhà mồ từ năm 2005, chục năm rồi bỏ không hà”. Còn bây giờ thì ông đã ở đó. Bà từ trong nhà nhìn ra, một tầm mắt thật gần nhưng cách biệt mênh mông. Còn chúng tôi cứ ngẩn ngơ, nghe như đâu đó nhịp song loan, tiếng đờn kìm vang vọng. Qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, ông Ba nghiệm lại: “Chỉ khi có cây đờn kìm, đờn ca tài tử, những tâm hồn đồng điệu, lúc đó mới thấy cuộc sống vui nhất, ý nghĩa nhất”. Ở tuổi 90, ông vẫn miệt mài chỉ dạy cho các thế hệ học trò. Có lần, Đệ nhị danh cầm Trường Giang thủ thỉ với tôi: “Thầy Ba Vinh dễ chịu lắm, hiểu biết của ông thì quá cao siêu. Anh em trong nghề dù có thọ giáo trực tiếp hay không vẫn trìu mến gọi ông bằng thầy”.
Cuộc đời của Nhạc sư Ba Vinh, đói gạo có thể nhưng thiếu tiếng đờn thì không được. Trong lúc con cái nheo nhóc (ông bà có tổng cộng 12 người con), cuộc sống kinh tế thắt ngặt, ông Ba cứ “đi miết” theo đam mê của mình. Bác Ba gái nhắc lại: “Chắc ông có kể mấy đứa chuyện cây đờn kìm cứu ông thoát chết”. Riêng chuyện này, ông Ba có thuật lại khá chi tiết với chúng tôi, không phải thoát chết một lần mà là dăm ba lần. Gay cấn nhất phải kể tới đợt tụi giặc càn, bắt được ông Ba Vinh và bà con, bắt quỳ gối xếp hàng. Mấy người bị bắn nằm xuống, đến ông Ba, một tên lính ngó thấy, gạt nòng nói: “Tha nó, nó đờn hay nhứt xứ Ba Xuyên”. Vậy là thoát. Tôi vẫn nhớ, kể đến đoạn này ông ngó xuống cây đờn kìm, cứ mân mê như một báu vật của đời mình.
Ông chỉ dừng hẳn những việc liên quan đến đờn ca tài tử khoảng 1 năm trước khi mất vì bệnh tật hành hạ. Ông căn dặn từng học trò, bàn giao lại di sản, tài liệu, bản thảo mà một đời tích luỹ được. Tánh ông Ba bộc trực, lạc quan, nhưng cũng bất cần. Ông đam mê thì ông làm và chẳng cầu danh lợi. Bởi vậy, mấy năm trước, khi có đoàn làm phim tận Thủ đô về làm phim về cuộc đời, sự nghiệp của ông, vợ con đều “té ngửa”. Ông đi rồi, cây đờn kìm im dây lạnh ngắt. Ông đi rồi, để chúng tôi tiếc nhớ hoài một bản đờn trong chiều muộn phía cửa ngõ Cà Mau. Ông đã sống, đã "cháy" trọn cuộc đời vì những điều chân thành và cao đẹp nhất. Ở đâu đây lời thơ hay lời ông gởi lại cuộc sống này: “Dành cho tất cả trong năm tháng/Còn với thế gian một tiếng đờn”…/.
Phạm Nguyên