ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 16:31:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Con đò hồng trên dòng sông trí tuệ

Báo Cà Mau (CMO) Lời ca trong bài vọng cổ “Huỳnh Hữu Nghĩa - con đò hồng trên những khúc sông quê” của Trần Thắng Lợi, có câu: “Tôi rón rén theo ông qua miền nhớ/Miên man từ một nhánh sông quê”. “Nhánh sông quê” là "dòng sông trí tuệ" mà "người đưa đò" Huỳnh Hữu Nghĩa (sinh năm 1917) đã đưa không biết bao nhiêu học trò qua “dòng sông trí tuệ” để nên người. Dù đã “bách niên” nhưng cụ Huỳnh vẫn minh mẫn, khoẻ mạnh, không hề quên quá khứ đầy gian nan nhưng rất đỗi tự hào.

Dù đã tuổi trăm, cụ Huỳnh Hữu Nghĩa vẫn giữ thói quen đọc sách báo mỗi ngày. Ảnh: Hoàng Diệu

Trong buổi họp mặt mừng thọ cụ Huỳnh Hữu Nghĩa, ấp Bàu Tròn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, ông Ngô Minh On, thị trấn Cái Nước, học trò của cụ Huỳnh Hữu Nghĩa từ thời kháng chiến chống Pháp, khẳng định: "Đa số học trò của thầy đều học hành đàng hoàng, hầu hết đều tham gia kháng chiến và trực tiếp cùng thầy đi dạy bình dân học vụ, giúp đồng bào diệt giặc dốt theo lời kêu gọi của Bác Hồ".

Dù đã mấy chục năm trôi qua, cụ Huỳnh Hữu Nghĩa vẫn không quên thời kỳ còn dạy học trò bậc tiểu học và dạy bình dân học vụ. Cụ kể: "Hồi đó học sinh rất đa dạng, nhiều lứa tuổi vẫn học chung một lớp, tôi phải nhờ các em lớn dạy thêm cho các em nhỏ và tranh thủ dạy bình dân học vụ vào ban đêm".

Rất nhiều người ở huyện Cái Nước đều biết cụ Huỳnh Hữu Nghĩa, người thầy giáo tận tuỵ, mang biết bao trí tuệ cho nhiều thế hệ học trò. Những con người lớn lên từ kiến thức, từ sự hiểu biết của nhà giáo nặng nghĩa, nặng tình đã trở thành cán bộ trung kiên của Đảng, thành những hạt nhân tiêu biểu của phong trào cách mạng quê hương Cà Mau. Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Hảnh, quê Cái Nước, có người anh ruột là học trò của cụ Huỳnh, cho biết: "Thầy là người dạy rất nhiều học sinh trong kháng chiến chống Pháp tại Cái Nước, tất cả học sinh của thầy đều trưởng thành và đều tham gia kháng chiến. Theo tôi, thầy là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào dạy học tại huyện Cái Nước 70 năm về trước".

Cụ Huỳnh Hữu Nghĩa tham gia cách mạng năm 1937. Ngày 20/4/1945, cụ được phân công làm Phân đoàn phó Thanh niên Tiền Phong xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước và sau đó làm công tác bình dân học vụ. Tháng 4/1948, cụ vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1950-1956, cụ là Phó Phòng Giáo dục huyện Ngọc Hiển (nay là huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước và Ngọc Hiển), lúc bấy giờ thầy Nguyễn Tạo là Phó Ty Giáo dục tỉnh Bạc Liêu. Nhiều cán bộ thời kháng chiến chống Pháp hiểu biết cụ Huỳnh, không quên những đặc điểm tốt đẹp đã trở thành ấn tượng khó quên đối với mọi người.

Ông Ngô Minh Chánh (Sáu Thi), nguyên Tổng Biên tập Báo Cà Mau, là người hiểu biết khá nhiều về cụ Huỳnh Hữu Nghĩa. Năm 1952, khi ông Sáu Thi là học sinh ra trường, cụ Huỳnh đã là Phó Phòng Giáo dục huyện Ngọc Hiển, cụ rất tận tuỵ chăm lo cho phong trào học tập của học sinh và người lớn tuổi lúc bấy giờ. Cụ đến đâu cũng được mọi người thương yêu, trìu mến.

Do hoạt động công khai từ thời chống Pháp, rất nhiều người biết, nên đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cụ Huỳnh Hữu Nghĩa phải đổi vùng, dời gia đình về xã Tân Lợi (nay là xã Hồ Thị Kỷ), huyện Thới Bình để tránh bị địch khủng bố.

Tại đây, gia đình cụ Huỳnh Hữu Nghĩa trở thành nơi nuôi chứa cán bộ các cấp. Vì không biết cụ là ai nên anh em thường gọi cụ là ông “Ba Nhà Mới”, bởi ở khu vực này, ngôi của nhà cụ ở còn mới hơn cả.

Suốt thời gian dài, gia đình cụ Huỳnh Hữu Nghĩa cưu mang, đùm bọc nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ vùng căn cứ Thới Bình; đến nay dù đã nửa thế kỷ trôi qua, không ai quên hình ảnh con người một thời tận tình với sự nghiệp kháng chiến. Ông Bùi Thanh Tâm (Tư Khánh), nguyên quyền Bí thư xã Tân Lợi, kể rằng: "Ông Ba Nhà Mới tinh thần cách mạng rất triệt để, như một đảng viên tiêu biểu của địa phương. Bất kỳ công việc gì khi được phân công, ông đều thực hiện rất chu đáo".

Mới 17 tuổi, cụ Huỳnh Hữu Nghĩa từ Long An đã về Cà Mau. Quá khứ bi hùng của một con người trưởng thành trong gia đình có truyền thống đấu tranh anh dũng khiến chúng ta vô cùng khâm phục. Quê hương của cụ ở Ấp 7, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Bây giờ có dịp trở lại quê nhà, lòng người viễn xứ ngập tràn biết bao hoài niệm:
“Hơn 80 năm, từ thoát ly kháng chiến
Ông đau đáu một dòng sông từng đưa tiễn chuyến đi dài
… Nhớ Vàm Cỏ Tây một mùa bông bần xưa cũ
Mặt sông buồn tím nhói rủ màu tang!”(1)

Bên bờ sông này vẫn còn một hòn đá, chứng tích bạo tàn của quân xâm lược Pháp. Cha của cụ Huỳnh Hữu Nghĩa là cụ Huỳnh Đình Thanh bị giặc Pháp bắt, chúng tra tấn dã man: dùng nhựa đường, dầu hắc tẩm khắp người, đem phơi nắng. Không khai thác được gì, chúng thủ tiêu ông bằng cách buộc vào người 1 hòn đá, thả xuống sông. Hòn đá nay vẫn còn, khối căm hờn và sự quật khởi như bão táp, mãi mãi như không tan được với thời gian, không tan được trong lòng con cháu, trong lòng những người dân yêu nước, thương nòi.

Tại Nghĩa trang tỉnh Long An có đến 5 người thân của cụ Huỳnh Hữu Nghĩa yên nghỉ: Cha của cụ là Liệt sĩ Huỳnh Đình Thanh, hy sinh ngày 15/9/1948; mẹ của cụ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Yến; chú của cụ là Liệt sĩ Huỳnh Đình Vân, hy sinh ngày 2/2/1947 tại Long An; em thứ 8 là Liệt sĩ Huỳnh Ngọc Ẩn, hy sinh năm 1950; em gái thứ 9 là Liệt sĩ Huỳnh Thị Trầm, hy sinh ngày 28/7/1949. Bà nội của cụ là bà Nguyễn Thị Dư, có 2 người con hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.

Vợ cụ Huỳnh Hữu Nghĩa là bà Nguyễn Thị Hoà, cùng cụ hạ sinh 8 người con. Trong kháng chiến chống Mỹ, con trai lớn của cụ là Huỳnh Hữu Chia (Khải Hoàng), Xã đội phó xã Hồ Thị Kỷ, hy sinh năm 1964, tại ngã ba Cây Khô. 3 người con tiếp theo của cụ là thương bệnh binh, 1 người bị nhiễm chất độc da cam.

Nối bước truyền thống cha ông, cháu nội của cụ là Thượng tá Huỳnh Văn Phuốl, Phó Chính uỷ Lữ đoàn 950 trực thuộc Quân khu 9, đang hoạt động địa bàn Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra còn nhiều cháu nội, ngoại, cháu cố khác đang nối tiếp sự nghiệp của cha ông.

Năm 2013, cụ Huỳnh Hữu Nghĩa vận động con cháu xây 1 cây cầu bắc ngang ngọn Kênh Lớn, ấp Ngọc Huờn, thị trấn Cái Nước, trị giá trên 100 triệu đồng. Cụ đặt tên cầu là Bạch Mai, tên đứa cháu thân yêu của cụ đã vĩnh viễn ra đi và gia đình Bạch Mai đã đóng góp nhiều nhất trong việc xây dựng cây cầu này.

Ông thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện về Bác Hồ và những câu chuyện về mình, một nhà giáo luôn tâm niệm học và làm theo gương Bác. Ảnh: Hoàng Diệu

Năm 2015, mặc dù đang nằm trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Nước, nhưng khi được tin cầu Năm Căn bắc qua sông Cái Lớn khánh thành, cụ kêu con cháu đưa cụ đến nơi để tận mắt chứng kiến một sự kiện đặc biệt chưa từng thấy trong cuộc đời mình. Cụ cảm thấy niềm vui sướng như được nhân lên gấp bội. Cụ hiểu giá trị của đường Hồ Chí Minh nối liền từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau. Cụ muốn nhìn thấy tường tận hạnh phúc lớn lao khi ước mơ đã thành hiện thực của Nhân dân vùng đất cuối trời Tổ quốc trong ngày hân hoan, tưng bừng đó. Có niềm vui nào lớn lao hơn khi đất nước được độc lập, tự do, Nhân dân được sống trong yên vui, hạnh phúc mà quá trình đấu tranh đã từng tô thắm biết bao xương máu của người thân.

“Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, cụ Huỳnh Hữu Nghĩa đã sống hơn trăm tuổi là diễm phúc đối với con cháu. Điều đặc biệt là tinh thần cụ vẫn minh mẫn, cụ nhớ rất nhiều về một thời trai trẻ đầy tự hào.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2016, dù đã trăm tuổi, cụ Huỳnh Hữu Nghĩa vẫn quyết định cùng con cháu xây dựng Quỹ Khuyến học dòng họ Huỳnh nhằm chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo trong dòng họ có nguy cơ bỏ học. Cụ trực tiếp trao tặng cho các em học sinh, hy vọng những cánh chim non có dịp tung cánh cao hơn, xa hơn trên bầu trời quê hương. 

"Tình yêu tuyệt vời từ chân lý hy sinh
Những hy sinh cho tình yêu bất tử.
Chiều Cà Mau quá giang miền tâm sự
Tôi gột rửa bụi đường đời lữ thứ, chạm về Ông!".
(2)

 Lời bài ca vọng cổ của Trần Thắng Lợi cứ ngọt mãi trên những dòng sông trí tuệ của quê hương. Không có niềm vui và hạnh phúc nào lớn lao hơn khi bậc sinh thành của mình là ánh trăng rằm rực sáng trên những dòng sông trí tuệ. Noi gương cụ, con cháu quyết tâm làm theo những gì người đi trước đã làm, bởi họ thấm nhuần lời dạy của người xưa “phi trí bất hưng”.

(1), (2) Lời bài vọng cổ “Huỳnh Hữu Nghĩa - Con đò hồng trên những khúc sông quê” của Trần Thắng Lợi.

Trường Sơn Đông 

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.