ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 6-7-25 06:27:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cụ bà 82 tuổi mưu sinh bằng nghề kết thảm

Báo Cà Mau (CMO) Mặc dù đã 82 tuổi, bà Nguyễn Thị Tư (Tám Thoi), ấp Xóm Lẫm, xã Định Bình, TP. Cà Mau vẫn cần mẫn kiếm kế sinh nhai bằng nghề kết thảm.

Hơn 40 năm trước, bà Tám Thoi trở thành goá phụ bởi căn bệnh quái ác đã cướp đi mạng sống của chồng bà. Không một tấc đất sản xuất, trụ cột chính trong gia đình lại vĩnh viễn ra đi, một mình  bà gồng gánh nuôi 3 người con gái. Xét thấy hoàn cảnh khó khăn ấy, địa phương cấp cho bà sổ hộ nghèo. Theo thời gian, các con bà lớn dần, rồi lập gia đình ở phương xa. Trong căn nhà nhỏ hẹp và cũ kỹ chỉ có một mình bà quạnh hiu sinh sống.

Bà cụ Tám Thoi đang tỉ mỉ với công việc hằng ngày của mình.

Một lần đi đám giỗ ở huyện Cái Nước, bà Tám Thoi nhìn thấy cháu gái kết thảm để sử dụng trong gia đình, bỗng nhiên, trong đầu bà phát sinh ý định kiếm sống bằng nghề này. Bà Tám Thoi chia sẻ, nghề làm thảm xuất hiện từ lâu nhưng đã dần bị mai một do sức cạnh tranh của những loại thảm hiện đại. Người biết làm thảm còn sót lại rất hiếm hoi nên bà quyết định làm nghề này vừa để kiếm tiền, vừa muốn lưu giữ lại nét nghề truyền thống.

Nghĩ là làm, bà Tám Thoi cần mẫn tìm mẫu vải vụn để cắt nhỏ may thành hình dạng khác nhau rồi kết thành thảm. Ban đầu, sản phẩm hoàn thành bà chưa ưng lòng. Bằng sự kiên trì quên cả nghỉ ngơi, bà cụ đã sáng tạo ra nhiều mẫu thảm đẹp hình trái tim, hình chữ nhật, hình vuông, thảm dây gân… Bà Tám Thoi tâm sự: "Ngày trước, mỗi khi trời chập choạng tối, tôi thường khóc khi nhớ về các con. Nhờ nghề kết thảm mà tôi vừa có thể kiếm tiền vừa thoải mái với công việc. Thông thường, tôi ngồi kết thảm đến 8 giờ tối, rồi ngủ đến 2 giờ đêm tỉnh giấc và tiếp tục làm. Hầu như, ngoài thời gian cơm nước và nghỉ ngơi khi mệt, tôi dành hết cho việc kết thảm".

Dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng đôi mắt bà cụ vẫn tinh tường, tất cả các khâu kết thảm bà đều tự tay làm như cắt vải và xỏ chỉ may những mũi kim bằng tay. Nhìn thấy hình ảnh bà cụ già tỉ mỉ làm việc để mưu sinh, bà con trong xóm đều thương cảm và tích cực mua ủng hộ. Nhờ sản phẩm vừa đẹp lại chắc chắn nên người này giới thiệu người khác. Bởi vậy, trong thời gian ngắn, bà cụ đã được nhiều khách hàng tìm đến nhà đặt mua hàng. Một số người tốt bụng đã đem thảm của bà cụ chào hàng và bán lẻ ở các điểm chợ trong nội ô TP. Cà Mau.

Để bà cụ có thêm dụng cụ và nguyên liệu, thợ may và tiệm vải địa phương đã tặng cho bà những chiếc khay đựng vải vụn, đa phần vải được sử dụng để kết thảm đều là vải thun với đủ màu sắc khác nhau. Thảm hình trái tim được bán với giá 60.000 đồng/tấm, thảm hình vuông, thảm hình chữ nhật được bán với giá 40.000 đồng/tấm, thảm dây gân bán với giá 35.000 đồng/tấm. Bên cạnh làm thảm, bà cụ còn nhận may vỏ gối và bợ nồi, vỏ gối bán với giá 15.000 đồng/cặp, bợ nồi bán với giá 10.000 đồng/cặp…

Chị Nguyễn Thị Kiếm, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, chia sẻ, được người quen giới thiệu, thảm do bà cụ kết rất khéo lại chắn chắn nên chị đã đến tìm mua. Chị bị thu hút bởi màu sắc và độ dày dặn của thảm, chị rất cảm phục tinh thần lạc quan và nghị lực của bà cụ.

Ngoài số tiền hỗ trợ người cao tuổi, mỗi tháng bà Tám Thoi kiếm thêm từ việc kết thảm, may áo gối và kết bợ nồi khoảng 2-3 triệu đồng. Số tiền đó, bà dành dụm để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và phòng lúc ốm đau, bệnh tật. Vì hoàn cảnh kinh tế của các con bà gặp nhiều khó khăn nên mỗi năm chỉ về thăm bà ít lần. Thế nên, bà kiếm tiền để không trở thành gánh nặng cho các con.

Bà Tám Thoi bộc bạch, vì dành nhiều thời gian để kết thảm nên có khi đến trưa bà vẫn chưa mở cửa chính. Bà con chòm xóm thấy vậy thường kêu cửa vì sợ bà ngã bệnh. Ở đây, nhờ sự yêu thương, quan tâm của mọi người nên bà rất hạnh phúc. Cuộc sống tuổi già nhờ vậy cũng được an ủi phần nào.

Ông Lâm Hữu Hiệp, Phó chủ tịch UBND xã Định Bình, thông tin, bà cụ Tám Thoi sống hiền lành, tử tế nên được mọi người yêu mến, quý trọng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà luôn là tấm gương cần mẫn, vượt khó, khiến nhiều người học hỏi và ngưỡng mộ./.

Trầm Trầm

Trên 800 thủ tục hành chính được phân cấp, phân định thẩm quyền giải quyết

Chủ tịch UBND tỉnh vừa công bố Danh mục thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Cà Mau và Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã.

Thước đo hiệu quả của chính quyền

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và dịch vụ công của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã. Năm 2024, Chỉ số PAPI của tỉnh Cà Mau xếp hạng 17 trên toàn quốc. Hiện tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện Chỉ số PAPI, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền các cấp.

Khẩn trương nâng cấp hạ tầng viễn thông cấp xã

Thực tế cho thấy, hạ tầng viễn thông, đường truyền trực tuyến ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của cấp chính quyền cơ sở. Dù đã có sự quan tâm đầu tư, song hạ tầng viễn thông, đường truyền kết nối trực tuyến, chất lượng trang thiết bị ở các xã hiện nay tại Cà Mau chưa đồng bộ, dễ bị gián đoạn, tắc nghẽn, làm ảnh hưởng đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ðể mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành vào ngày 1/7 tới, việc tháo gỡ vướng mắc này đang là ưu tiên lớn của tỉnh.

Tổ chức bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp xã mới

Ðể đáp ứng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị mới, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2025/NÐ-CP ngày 9/6/2025 (Nghị định 118) về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ðây được xem là một bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc bộ máy hành chính, góp phần tạo dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân và doanh nghiệp.

Khi lòng dân là “thước đo” công quyền

Giữa nhịp sống hiện đại, khi mọi thiết bị hầu như đều có thước đo chính xác đến từng con số, thì trong guồng máy hành chính Nhà nước có một thứ thước đo “vô hình” nhưng lại rất quan trọng, đó chính là lòng dân. Sự hài lòng của người dân không chỉ phản ánh chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, mà còn là “tấm gương” soi chiếu hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Xác định điều này, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh cải cách, cải thiện Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).

Tinh gọn để phát triển

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, huyện Năm Căn đang triển khai đề án sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn. Theo đó, từ 7 xã và 1 thị trấn hiện tại, huyện sẽ tổ chức lại thành 3 đơn vị hành chính cấp xã.

Sẵn sàng cho bước chuyển đổi lớn

Thực hiện chủ trương lớn của Trung ương về tinh gọn bộ máy, từ ngày 1/7 tới đây, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động. Huyện U Minh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuẩn bị. Hiện các xã trung tâm đã hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết, sẵn sàng cho ngày chuyển đổi mang tính lịch sử.

Tiến đến chính quyền chuyên nghiệp, vì dân

Trong nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng phục vụ và tăng cường niềm tin của người dân, Cà Mau quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính (CCHC) với quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hướng đến phục vụ. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tiên phong của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, Cà Mau đang dần định hình hình ảnh một chính quyền năng động, chuyên nghiệp và gần dân.

Ðưa Cà Mau vào nhóm thứ hạng cao về PAR INDEX

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.

“Cú bứt phá” ngoạn mục

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.