ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 18:39:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cự củi nhà quê

Báo Cà Mau

- Ê thằng Út, chạy ra cự củi rút một ôm vô cho chị nấu cơm!

Mỗi lần nhận được lệnh như vậy là tôi lại dạ ran, rồi ba chân bốn cẳng chạy ra nhà kho, rút củi, lễ mễ ôm vô bếp. Bữa nào siêng thì làm luôn hai ba ôm cho mấy bà chị dâu, hoặc má tôi đút vô chưn bếp xài dần. Nhận được một lời khen của người lớn đã sướng, khi lửa tàn được thưởng thêm củ khoai lùi hoặc con ốc bươu, hay trái chuối nướng thì càng sướng hơn.

Ở nông thôn, cái thời lộ làng chưa thông, điện đài chưa tới thì hầu như nhà nào cũng có một hai cái cự củi, nơi để dành nguồn chất đốt hàng ngày. Hình ảnh những cái cự chất đầy củi cũng gần gũi, thân thương như cây rơm ngoài sân, cái bồ lúa trong nhà, hàng lu bên hè, chiếc xuồng ba lá dưới bến sông… mỗi khi nhắc tới, cứ làm nao nao trong lòng những người con xa quê, xa xứ.

Củi là chất đốt chủ yếu của các gia đình nông thôn xưa. Dự trữ củi phục vụ sinh hoạt, nấu nướng trong mùa mưa được xem là yêu cầu bắt buộc. Vì lẽ đó, mùa hạn anh em nhà tôi lại dành thời gian đi đốn cây làm củi.

Cây làm củi chủ yếu là các loài cây tạp, sẵn có trong vườn nhà, như quao, trâm bầu, bình bát… Sau khi đốn, cây được phơi vài ngày cho khô vỏ, ráo nhựa, rồi cưa thành những đoạn bằng nhau. Cưa xong thì róc thân cho gọn gàng, kế tiếp dùng búa hoặc dao chét bửa dọc ra, phơi nắng.

Kể nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng làm khá vất vả, các công đoạn đều mất nhiều thời gian. Chuyện cưa cây thành khúc, rồi bửa ra đã mất vài ngày. Kéo cưa, chẻ củi liên tục làm hai tay mỏi đến rã rượi.

Kế tiếp là khâu phơi củi. Cứ mỗi sáng, trời nắng thì anh em trong nhà tranh thủ ôm củi ra sân, rải đều ra phơi; chiều phải mang hết vô nhà, vì nếu để qua đêm củi sẽ bị thấm sương. Cũng có khi trời đang nắng tốt bỗng chuyển mưa, cả nhà nháo nhào chạy ra “cứu củi”. Củi bửa thường có gai góc, nhiều cạnh bén. Ðàn ông, con trai ở trần, ôm, vác vài chuyến củi là bụng, vai in hằn các vết dọc ngang. Tôi hồi nhỏ hay lấy cái bao đựng lúa trải ra đất, xếp củi lên rồi túm bốn góc bao đem vô nhà; mỗi lượt đi đem được nhiều củi mà lại đỡ đau tay.

Nguồn củi ở nông thôn khá phong phú. Ngoài các cây lớn ra, nhà nông còn có thể tận dụng nhánh, đọt tràm, tàu dừa, tre khô, ván bìa, ván tạp, thậm chí là mo nang dừa, vỏ dừa khô… làm củi. Tuỳ vào công việc nặng hay nhẹ mà trong nhà có sự phân công công việc từng thành viên cho hợp lý.

Củi chẻ ra, một số dùng ngay, một số đem vô chất lên cự để dành. Củi để dành trên cự phải là củi tốt, phơi thật khô, bởi nếu phơi không được nắng, củi bị ẩm thì nấu chậm bắt lửa, cháy yếu, mà lại lên khói mù mịt.

Cự củi ít khi đặt ngay trong bếp, hay chỗ nấu ăn, mà thường được làm ở nhà kho, hoặc trong góc chuồng heo. Trong bếp chỉ chứa lượng củi xài vừa đủ, hết thì ra cự rút thêm. Cự củi khá đơn giản, gồm bốn cây lớn cỡ cườm tay, đóng chặt xuống đất làm trụ. Ở mỗi đầu, hai trụ cách nhau theo bề rộng chừng 3-4 tấc, chiều dài cự tuỳ vào lượng củi cần dự trữ của mỗi gia đình. Phía dưới cự được kê cây cho củi chất không tiếp đất; bốn đầu trụ được chằng, néo bằng dây bện, hoặc dây chì cho chắc chắn và thêm phần đẹp mắt.

Xếp củi lên cự cũng là cả một công trình, thường là nhờ bàn tay đảm đang của những người phụ nữ trong nhà. Thông thường củi cỡ lớn, củi bằng cây tốt được xếp dưới cùng; các thanh củi nhỏ hơn được xếp dần từ dưới lên theo kiểu dưới lớn, trên nhỏ. Củi trên cự phải xếp sao cho ken chặt, đều tăm tắp, ít khe hở và ngay hàng thẳng lối, khi cần thì có thể rút ra dễ dàng. Có khi củi đã xếp đầy cự rồi, nhìn tới nhìn lui chưa ưng ý lại dỡ ra, xếp lại.

Những gia đình kỹ lưỡng còn làm một hai cự riêng để chứa củi xấu, củi tạp xài trước. Củi làm ra trong một mùa khô có khi xài qua hai ba mùa mưa chưa hết. Ngoài ra, cự củi cũng được xem như một công trình dùng để trang trí, có tính thẩm mỹ cao và ẩn chứa hàm ý sâu sắc của gia chủ. Ðến nhà ai, thấy cái cự củi đẹp là biết trong gia đình ấy có những thành viên khéo léo, đảm đang; nhìn sâu hơn sẽ thấy đây là thông điệp về một gia đình nền nếp, luôn biết phòng xa để không bị động trong cuộc sống. Trên thực tế, vẫn có những gia đình hời hợt, không biết dự phòng, khi xảy ra chuyện thì cái gì cũng thiếu.

Thời bếp ga, bếp điện, những cái cự củi tuy vắng bóng dần, nhưng vẫn còn được khá nhiều gia đình duy trì. Về nông thôn, thỉnh thoảng bắt gặp vài gia đình có cự củi lớn và đẹp mắt. Ðiều này không lạ, vì dù sao, nguồn củi tận dụng từ gia đình cũng giúp bà con đỡ hao tốn một phần chi phí điện, gas. Cơm nấu củi thường ngon hơn cơm nấu bằng bếp gas, bếp điện. Hơn nữa, các món ăn cần nấu trong một khoảng thời gian dài, như luộc bánh tét chẳng hạn, thì sử dụng củi vẫn là phương pháp tối ưu.

Dù đã có bếp gas, bếp điện, nhưng nhiều gia đình ở nông thôn duy trì những cự củi làm chất đốt hàng ngày.

Trên đường về quê ở xứ ngọt Trần Văn Thời, tôi vẫn thấy nhiều cự củi được người dân làm dọc bên đường, hoặc trước sân nhà. Có thể, bà con đang dự trữ, để chuyển vào những cái cự củi khác trong kho, dùng dần. Xa xa lại thấy những vệt khói lam bốc lên, chắc nhà ai đó đang nấu cơm chiều.

Bất giác, tôi chợt nhớ về những buổi chiều ở quê nhà, khi những tia nắng cuối ngày len qua vách lá lưa thưa, chiếu vào ngọn lửa bập bùng trong căn bếp. Khói bếp bay lên, hoà vào ánh nắng tạo thành một màu sắc rực rỡ, một cảnh tượng linh động, mê hồn. Mùi cơm chín, mùi của tô nước cơm đặc sệt, mùi ơ cá đồng kho chung tóp mỡ… toả ra dịu dàng và cũng thật nồng nàn, mời gọi.

Nơi đó, có lẽ là chốn bình yên và bao dung nhất, mà ai đi xa cũng muốn tìm về./.

 

Tuấn Ngọc

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.